Monday, October 5, 2009

NGƯỜI LÍNH GIÀ KỂ LẠI TRẬN CHIẾN TRƯỜNG SA 14-3-1988


Đời người lính Trường Sa
Lê Quỳnh

BBCVietnamese.com

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091002_truong_van_hien_iv.shtml
Một trong những người sống sót từ trận hải chiến Trường Sa 1988 kể lại với BBC những gì ông chứng kiến và về cuộc đời trôi nổi của ông từ 20 năm qua.

Người lính Trương Văn Hiền ngày mới nhập ngũ
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/10/02/091002113826_truongvanhien226.jpg

Cuộc đụng độ giữa hải quân Việt Nam - Trung Quốc ngày 14/03/1988 đánh dấu việc lần đầu tiên Trung Quốc mở rộng phạm vi chiếm đóng tại Trường Sa.
Trong cuộc chạm súng ngắn ngủi đó, ba tàu vận tải của Việt Nam bị đánh chìm, hơn 70 thủy thủ thiệt mạng và mất tích.
Một trong những người còn sống, Trương Văn Hiền, khi ấy vừa ở tuổi 20 và chuyến đi ra Trường Sa trên con tàu HQ-604 là lần ra biển đầu tiên của ông.
Nói chuyện với BBC qua điện thoại từ Ban Mê Thuột nhân dịp Trung Quốc tổ chức diễu binh rầm rộ đánh dấu 60 năm lập quốc, ông cho biết mình là lính đo đạc hải đồ, và vào tháng Ba 1988, đơn vị của ông nhận lệnh ra Trường Sa.
Đó là thời điểm khi Trung Quốc bắt đầu chiếm một số bãi đá thuộc khu vực Trường Sa, còn Việt Nam cũng đưa tàu ra cắm cờ trên các đảo để xác định chủ quyền.
Đầu tháng Ba, Trung Quốc đưa lực lượng hải quân hùng hậu – có cả một tàu khu trục tên lửa – xuống quần đảo Trường Sa.
Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo đưa tàu đem vật liệu ra xây cất ở một số đảo mà Việt Nam dự đoán nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.

Trận đánh
Ngày 10.03, từ Cam Ranh, con tàu HQ-604 - chở nhóm đo đạc của Trương Văn Hiền và khoảng 100 thủy thủ khác - lên đường ra khu vực tranh chấp.
Phối hợp cùng hai tàu 505 và 604, tàu HQ-604 tiến về phía các đảo Gạc Ma và Cô Lin.
Ông Hiền kể, sau khi tàu Việt Nam thả neo, ba tàu chiến Trung Quốc bắt đầu "đi quanh tàu mình mấy vòng".
"Tàu mình không vũ khí vì là tàu chở vật liệu ra xây dựng, chỉ có mấy khẩu AK."
"Sáng ngày 14, bên mình chuẩn bị đưa hàng lên xây dựng đảo, tàu Trung Quốc đến, họ cho xuồng nhỏ lên tranh chấp nhau trên đảo. Hai bên, người bẻ cờ thì người khác lên cắm lại cờ, lát sau thì nổ súng."
Trận đánh không cân sức kết thúc mau chóng, "chỉ 15 phút sau thì chìm tàu".
Cũng trong sáng hôm đó, tại bãi ngầm ở đảo Cô Lin, tàu HQ-505 bị cháy vì hỏa lực của ba tàu Trung Quốc.
Báo chí Việt Nam nói khi thấy tàu HQ-604 đã bị chìm, những người lính trên tàu 505 đã dùng xuồng cao su cơ động chạy ra cứu về 44 thủy thủ.
Theo tài liệu chính thức của Việt Nam, ba thủy thủ Việt Nam hy sinh và 70 người mất tích mà 61 người trong số đó sau này vẫn được xem là đã tử trận.

Những ngày trong tù
Ông Hiền là một trong chín người lính Việt Nam trôi trên biển và bị hải quân Trung Quốc cầm giữ.
"Ban đầu thấy mình trôi trên biển, trên tàu nó nổ loạt súng, rồi vớt lên. Mọi người bị bịt mắt, đưa đi bốn ngày thì tới đảo Hải Nam, sau đó đưa về Quảng Đông. Họ mổ lấy mảnh đạn, mấy ngày sau thì đưa vào trại."
Nhốt mỗi người một phòng, cứ đến giờ thì mở cửa để đi vệ sinh. Mấy năm đầu, chỉ có bánh mì với nước cháo, một ngày ba lần. Ba cục bánh mì bằng bàn tay, không ăn nổi vì nhạt quá."
Ông Hiền kể tiếp: "Mấy năm đầu, bị nó đánh, tra hỏi, hỏi các căn cứ cách mạng, khu quân sự, nhưng mình là lính mới đâu có biết, sau một thời gian thì thôi."
"Sau này Hội chữ thập đỏ quốc tế đến thăm, nó mới cho đường, muối để pha ăn với cháo, tương đối thoải mái hơn. Suốt thời gian trong tù, không được tập thể thao, chỉ cho ở trên nhà nghe nhạc, xem phim chưởng."
Tháng Chín 1991 - khi Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị bình thường hóa quan hệ - những người tù của trận hải chiến Trường Sa được trả tự do.
Ông Hiền hồi tưởng: "Tối đó nó cho bữa nhậu, đốt pháo. 12h đêm, xe đến chở đi suốt ba ngày thì tới nơi trao trả tù binh, gồm 9 người và mấy lính bộ binh và một bộ hài cốt."
"Quân chủng đến đón về, cho an dưỡng một tháng, sau đó các đơn vị đến nhận người, được một thời gian thì làm thủ tục xuất ngũ."

Vất vả sinh nhai
Ông Hiền cho hay những người còn sống được tặng huân chương Chiến công Hạng Ba, được nhận thêm ít tiền.
Ông kể tiếp: "Được tự do, mình mừng quá, về thăm quê. Gặp lũ lụt, giấy tờ bị cuốn trôi hết trong khi chưa làm kịp giấy tờ để hưởng chế độ gì của nhà nước."
"Bây giờ muốn làm lại thì phải ra đơn vị, nhưng xa xôi qua, tiền bạc tốn kém, chấp nhận thôi."
Người sinh ra ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, sau đó chuyển vào xã Hòa Thắng, Buôn Mê Thuột, Dak Lak, để "làm thuê, hái cà phê, cuốc cỏ, làm gì có tiền là được."
"Bây giờ vẫn làm thuê, người ta thuê gì làm nấy, đất đai thì ở nhờ bà chị."

Ở nơi ông ở bây giờ, hầu như không ai biết quãng đời 20 năm trước của ông Hiền.
Ngay cả hai con của ông - bé trai 13 tuổi và bé gái 4 tuổi - có lần được cha kể về thời gian đi lính rồi đi tù, nhưng "bọn nó đâu có tin".
Cho tới gần đây trên mạng internet xuất hiện một đoạn băng video được cho là ghi lại biến cố Trường Sa 1988 ở đảo Gạc Ma, nhìn từ quan điểm Trung Quốc.
Theo BBC Tiếng Trung, đây là video do người Trung Quốc thực hiện và tải lên YouTube, có vẻ như từ Trùng Khánh, nhưng khó có thể xác tín hoàn toàn về độ chính xác của các hình ảnh.

Gần đây trên mạng xuất hiệp clip được nói là ghi lại trận đánh 1988
3 14海战
http://www.youtube.com/watch?v=hGdQPpwmyCM&eurl=

China Vs Vietnam naval battle
http://www.youtube.com/watch?v=YFxLeNVLRoM&feature=related

Dù có nhiều bán tin bán nghi về độ chân thực của video clip này, ông Hiền đã xem và cho BBC Tiếng Việt biết ông tin rằng đó là tư liệu thật được ghi vào chính ngày định mệnh 14/03/1988.
Ông nói hai con của ông xem đĩa và bây giờ các cháu mới tin vào quá khứ của cha mình.
Ông nói những vết thương của 20 năm trước đến giờ "cứ gặp trời mưa là đau nhức".
"Đêm nào ngủ cũng giật mình, cô đơn rất nhiều," ông tâm sự.

Tháng Ba năm 1988 đánh dấu lần đầu tiên chàng trai 20 tuổi Trương Văn Hiền đi biển, lần đầu tiên rơi vào trận chiến mà trước đó, ông nghĩ về chiến tranh "như có màu hồng lãng mạn".
Khi được hỏi nếu mai này xảy ra chiến tranh vì Hoàng Sa - Trường Sa thì ông sẽ làm gì, ông Hiền nói:
"Chắc là không bao giờ đi nữa đâu. Có cảm giác tủi thân vì đổ ra xương máu không được gì, cũng hơi buồn. Đời mình không còn quan trọng, chỉ mong làm thế nào để giúp hai đứa con cho chúng nó có tương lai."

Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả



No comments: