Người cộng sản mà có tư cách đàng hòang: Trường hợp của Ông Tạ Bá Tòng
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 1-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1532/1/Ngi--cng--sn--ma--co--t--cach--ang--hoang-Trng-hp-ca-Ong-T-Ba-Tong-/Page1.html
Sau năm 1975, tôi phải sống dưới chế độ cộng sản đến tất cả 21 năm, kể cả 6 năm trong nhà tù. Do vậy mà phải tiếp xúc gặp gỡ với nhiều cán bộ đảng viên cộng sản. Dứt khóat là tôi bất đồng với đường lối chính sách độc tài chuyên chế sắt máu của đảng cộng sản, và đã lên tiếng mạnh mẽ phê phán cái đường lối sai trái, thất nhân tâm, vô đạo đức ấy. Đến nỗi mà tôi bị bắt giam với bản án 12 năm tù với tội danh “Tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”, như được công bố trong phiên xử ngày 14/5/1992 tại tòa án Saigon.
Thế nhưng tôi lại phân biệt là trong hàng ngũ những người cộng sản, vẫn có những cá nhân có tư cách chững chạc đàng hòang, có tấm lòng thật tâm yêu nước thương nòi, chẳng khác với những người đối lập với cộng sản vốn là bạn hữu lâu năm của tôi ở miền nam vậy. Bài này, tôi xin viết về trường hợp của ông Tạ Bá Tòng là người cũng bị bắt tù cùng một đợt với tôi vào đầu năm 1990 ở Saigon.
Vào thời 1945-46, Tạ Bá Tòng là một thanh niên năng nổ hăng say trong tổ chức Thanh niên Tiền phong tại miền Tây Nam bộ. Ông tham gia tích cực với phong trào kháng chiến chống Pháp trong suốt cuộc chiến tranh thời đó và năm 1954, thì tập kết ra miền Bắc. Sau đó không bao lâu, thì ông tìm cách xâm nhập để lại trở về miền Nam và hoạt động trong nội thành Saigon-Gia định, tìm cách móc nối với giới thanh niên trí thức, lôi kéo họ tham gia họat động với Mặt trận Giải phóng miền Nam. Đấy là cơ sở “Trí vận” được tổ chức và điều hành rất khôn khéo và hiệu quả. Sau năm 1975, ông giữ chức vụ Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Saigon.
1/ Xí nghiệp Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật.
Tôi chỉ có dịp sát cánh gặp gỡ hội họp thường xuyên với ông vào năm 1987 trở đi, lúc ông đã về nghỉ hưu. Đó là thông qua sinh họat của Xí nghiệp Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật (ƯDKHKT) do một số kỹ sư và chuyên gia quy tụ lại với nhau, nhằm tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội tại miền Nam trong giai đọan “Đổi Mới” vừa được khơi mào vào cuối năm 1986. Nhân vật chủ chốt sáng lập ra xí nghiệp này chính là kỹ sư Võ Sáng Nghiệp, một chuyên viên kỳ cựu tại Công ty Đường ở Saigon thời trước 1975. Nhóm nòng cốt của xí nghiệp gồm có các anh Trương Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Vần, Hồ Minh Điệp, Đòan Thanh Liêm. Chúng tôi cũng mời Linh mục Chân Tín và Ông Tạ Bá Tòng nhận làm Cố vấn cho xí nghiệp. Nhưng thường xuyên thì chỉ có ông cố vấn Tạ Bá Tòng là tham gia sinh họat hội họp với anh em chúng tôi mà thôi. Chúng tôi vẫn gọi ông là Bác Tám, vì ông có biệt danh là “Tám Cần”. Ông Tám hồi đó cỡ gần 70 tuổi, người dong dỏng cao, da dẻ trắng hồng với tính tình thật đôn hậu dịu hiền. Ông sát cánh với ông Nguyễn Hộ và các chiến hữu trong Nhóm “Truyền thống Kháng chiến Nam bộ” (TTKC) và sôi nổi kiên trì tranh đấu cho sự cởi mở thông thóang hơn trong đường lối chánh sách đối với người dân Nam bộ. Nhà của ông ở đường Đòan Thị Điểm gần trường Gia Long thì là trụ sở hội họp của nhóm TTKC và cũng là địa điểm phát hành tờ báo vốn được bà con tìm đọc và tán thành cái lập trường “bất khuất hịên ngang” của lớp người cựu kháng chiến Nam bộ xưa kia.
Vì lẽ đó mà Nhóm này đã bị Trung ương Đảng ở Bắc bộ phủ ra tay cương quyết dẹp bỏ với sự bắt giữ rất nhiều người vào hồi đầu năm 1990, trong số người bị bắt giam này có cả các nhân vật đầu não như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, Lê Đình Mạnh. Ta sẽ phân tích chi tiết về vụ động trời này ở phần sau.
Để trở lại với sinh họat của xí nghiệp ƯDKHKT, anh em chúng tôi được bác Tám thông báo cho biết rất nhiều tin tức về tình hình đất nước, nhất là về sự tranh luận trong nội bộ của giới lãnh đạo đảng cộng sản, đặc biệt là các chuyện có liên quan trực tiếp đến miền Nam. Ông nói cái chủ trương quá khích vốn từng áp dụng tại miền Bắc sau năm 1954, thì rõ rệt là không thể thích hợp với hòan cảnh văn hóa xã hội và kinh tế ở miền Nam được. Ông tâm sự : Kể từ thời kháng chiến chống Pháp qua thời chống Mỹ, người dân miền Nam đã hy sinh ủng hộ chúng tôi hết mình. Ấy thế mà khi thành công rồi, các ông phụ trách cái vụ “Cải tạo công thương nghiệp ở thành phố” với “Hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn” đã hăm hở áp dụng chánh sách đã sai lầm ở miền Bắc đưa vào miền Nam, khiến cho gây ra bao nhiêu xáo trộn, đổ vỡ thê thảm cho nền sản xuất cũng như cho nền nếp sinh họat của nhân dân miền Nam. Và chúng tôi đã bị bà con nguyền rủa, phê phán rất ư nặng nề, nhiều khi đến mắc cỡ “vuốt mặt không kịp” nữa.
Riêng bản thân tôi, thì với sự khích lệ của Bác Tám cũng như của Cha Chân Tín là hai vị cố vấn của xí nghiệp, tôi đã tìm cách liên lạc lại với các bạn hữu ở ngọai quốc vốn quen biết từ trước để mời họ tham gia góp phần vào công cuộc phát triển và xây dựng kinh tế xã hội tại Saigon. Cụ thể tôi đã liên lạc được với mục sư Tullio Vinay ở Italia vốn là một nhân vật uy tín trong Hội đồng Tôn giáo Thế giới (World Council of Churches WCC) và cũng là một người bạn thân thiết với Cha Chân Tín. Và thật may mắn, đó là đúng dịp vị mục sư được lãnh một giải thưởng từ nước Đức trị giá trên 10,000 dollar, nên mục sư đã chuyển tòan bộ số tiền này cho Cha Chân Tín. Số tiền này đã được chia cho hai dự án xã hội-giáo dục ở quận Ba và huyện Cần giờ, còn một số nhỏ thì xung vào quỹ điều hành của xí nghiệp ƯDKHKT của anh em chúng tôi.Rồi vào dịp có phái đòan từ thiện nhân đạo ngọai quốc tới Saigon, thì bao giờ chúng tôi cũng đưa bác Tám cùng đi để gặp gỡ trao đổi với họ. Vì hồi đó, việc giao dịch với người ngọai quốc vẫn còn bị hạn chế ngặt nghèo, nên phải nhờ uy tín của ông, thì chúng tôi mới có thể an tâm trong việc giao dịch tiếp xúc với người nước ngòai được. Cụ thể như chúng tôi đã gặp gỡ với phái đòan của tổ chức Oxfam Canada, Quaker Mỹ, Solidarité Internationale của Pháp v.v…Có khi thì gặp ngay tại khách sạn như Rex Hotel, có khi thì tại một quán ăn, có khi thì tại văn phòng của Cha Chân Tín, hay ngay tại văn phòng của xí nghiệp chúng tôi tại Bến Chương Dương.
2/ Trao đổi thân tình với bác Tám Cần
Hồi năm 1987-88 tôi có đặt mua được tờ tuần báo “Nouvelles de Moscou” (Tin tức Mac tư khoa) và rất phấn khởi khi đọc được những bài báo rất cởi mở tiến bộ ở báo này. Có lần tôi đưa cho bác Tám coi bài “Le parti des sans-parti” (Đảng cuả những người không- đảng) cuả nhà thơ Evtushenko, thì bác rất thích và ông bèn xin để cho ông đem về cho các bạn hữu cuả ông cùng đọc nưã. Ông nói : Các bạn xem đấy, người ta vưà dẹp bỏ hai đảng cách mạng vốn là đồng minh lâu năm với họ trong hai cuộc chiến tranh vưà qua, đó là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Rõ ràng đây là cái thứ “ Vắt chanh liệng vỏ - Qua sông bỏ đò”, không hề còn có ân nghiã gì trên đời nưã.
Ông cũng cho biết là từ chóp bu, giới lãnh đạo đã chẳng hề tuân giữ kỷ cương phép nước ra sao nưã. Điển hình như việc vưà phong chức Đại tướng cho ông Bộ trưởng công an Mai Chí Thọ, mà không hề có thông qua Quốc hội như quy định cuả nhà nước gì hết.
Có lần trong cuộc gặp mặt với một số trí thức công giáo do cha Chân Tín tổ chức, thì ông Tạ Bá Tòng tham dự và với cặp mắt rướm lệ ông nhắc đến cái chết tức tưởi cuả một bậc đàn anh là Giáo sư Phạm Thiều vưà mới quyên sinh, vì uất ức bất mãn với chánh sách cuả đảng cộng sản, và có để lại một bức thư tuyệt mệnh.Và ông kêu gọi là “Phải đổi mới toàn diện, chứ không thể là thứ cải lương màu mè để tiếp tục xí gạt người dân mãi như từ xưa nay vẫn làm được nưã.” Giáo sư Phạm Thiều là một nhà mô phạm rất có uy tín ở miền Nam, ông đã tham gia cách mạng ngay từ thời trước năm 1945, ông còn là bào huynh cuả bà Phạm Thị Nhiệm người bạn đời cuả ông Phạm Ngọc Thảo. Mà nay ông giáo sư bị thất chí vì sự ngoan cố cuả giới lãnh đạo đến nỗi phải tự sát, thì thật là một sự đau đớn tủi nhục, cay đắng ê chề cho biết bao nhiêu người vốn đã noi theo bước đường dấn thân nhập cuộc với phong trào cách mạng như ông. Vì thế mà phải cố gắng làm sao giữ mãi được cái ngọn lưả thiêng liêng cuả tinh thần yêu nước trong truyền thống kháng chiến Nam bộ những năm 1945-46 vàng son thuở ấy.
3/ Vụ Đàn áp vào đầu năm 1990
Trao đổi thân tình với ông lâu ngày như thế, chúng tôi càng có thêm sự thông cảm gắn bó với ông hơn nữa. Nhưng trước sự tan vỡ và xụp đổ của cộng sản tại Đông Âu vào cuối năm 1989, thì giới lãnh đạo ở Hanoi đã đâm ra hốt hỏang và ngay từ đầu năm 1990 họ đã phát động một chiến dịch thanh trừng nội bộ và đàn áp đối lập một cách thật tàn bạo, nghiệt ngã. Khởi đầu là việc đấu tố và cất chức ông Trần Xuân Bách là ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban Bí thư Trung ương đảng. Và rồi đến hàng lọat vụ bắt giữ các đảng viên bậc trung, cao cấp, nhất là các đảng viên là nòng cốt của Nhóm Truyền thống Kháng chiến mà điển hình là Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, Lê Đình Mạnh. Rồi đến vụ bắt quản chế những nhân vật như linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan. Bản thân tôi cũng bị bắt giữ trong cái đợt càn quét này. Và có lần ông Tạ Bá Tòng còn bị giam giữ ngay tại phòng trên lầu 2, phía trên phòng của tôi. Có bữa, ông thòng giây xuống ngay cửa sổ và gửi cho tôi một trái cam với mấy chữ để thăm hỏi sức khỏe. Nhưng chỉ vài bữa sau, thì họ chuyển tôi qua một khu vực khác, nên mât liên lạc với ông luôn.
Trong thời gian bị thẩm vấn trên 3 tháng liền tại trại B34 trong khu vực Tổng nha cảnh sát cũ, thì Đại tá Quang Minh đã liên tục cật vấn tôi về mối liên hệ giữa ông Tạ Bá Tòng với linh mục Chân Tín, bắt tôi phải mô tả chi tiết các buổi hội họp trao đổi giữa hai vị này, mà có tôi tham dự. Tôi nói là tất cả các phiên họp đó đều diễn ra công khai trong khuôn khổ sinh họat thường ngày của xí nghiệp ƯDKHKT mà hai vị đó là cố vấn, chứ không có gì là âm mưu khuất tắt gì cả. Có lần ông Quang Minh có ý trách tôi : “Anh là người Bắc, mà sao lại tham gia với mấy người Nam bộ để phá họai sự thống nhất đất nước?” Tôi phải đáp lại thẳng thắn là : “Chúng tôi chỉ sinh họat trong phạm vi chuyên môn của xí nghiệp mà thôi. Còn quan điểm chính trị, cũng như niềm tin tôn giáo, thì cái đó là phạm vi riêng tư của mỗi người. Chúng tôi thuận thảo hòa nhã với nhau, dù vẫn có sự khác biệt về tư tưởng, về tín ngưỡng hay cả về chính kiến. Quân tử hòa nhi bất đồng mà!”
Ít lâu sau, tôi được tin họ thả ông và các đảng viên khác về lại với gia đình và ra quyết định khai trừ tất cả ra khỏi hàng ngũ của đảng cộng sản. Chi tiết khai trừ này, tôi chỉ được biết khi đã qua bên Mỹ và được đọc tài liệu do chính anh Đỗ Trung Hiếu biên sọan. Nhân tiện, cũng xin ghi ít hàng về nhân vật này. Anh Hiếu người gốc miệt Khánh Hòa Nha Trang, gia nhập hàng ngũ cộng sản từ cuối thập niên 1950 và họat động hăng say theo sự chỉ đạo của đảng hồi trước 1975. Vợ của anh là bác sĩ Đỗ Thị Văn cũng là một đảng viên trung kiên. Chị Văn tham gia với chương trình công tác Hè 1965, lúc còn là một sinh viên y khoa ở Saigon. Sau năm 1968, chị cùng anh Hiếu thóat ly ra khu với Mặt trận. Hai người đều có lý tưởng, mà cuối cùng đều bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1992, sau khi anh Hiếu được thả về. Tôi sẽ có dịp viết chi tiết hơn về những “người cựu công sản” này vào một dịp khác.
Trở lại với nhân vật chính trong bài viết này, thì lúc này bác Tám Cần cũng như linh mục Chân Tín đều đã gần tới tuổi 90, tất cả đã già yếu lắm rồi. Mấy tháng trước đây, ông Nguyễn Hộ vừa mới ra đi ở tuổi ngòai 90 và đã được dư luận trong cũng như ngòai nước nói đến nhiều. Tôi trông đợi sẽ có người như anh Đỗ Trung Hiếu ghi chép chi tiết, đày đủ chính xác hơn về thế hệ những người tham gia phong trào Nam bộ kháng chiến khởi đầu từ năm 1945 rất ư là sôi nổi, nhiệt thành đó của những bậc cao niên như Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ…, mà lại bị trù dập, đàn áp tàn tệ lúc cuối đời vào tuổi hưu trí. Các vị này theo chỗ tôi được biết, thì đều không hề có ý đồ hay tham vọng chính trị nào khác, ngòai sự mong muốn sửa sai chỉnh đốn lại cái chế độ chuyên chế độc tài tòan trị của lớp lãnh đạo cực kỳ ngoan cố tại trung ương ở Hanoi. Cái giá mà lớp người này phải trả quả thật là rất đắt. Nhưng về lâu về dài, biết đâu lớp hậu duệ con cháu của họ sẽ có thể rút ra được những bài học quý báu, hầu tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc phục hưng đất nước trong giai đọan hậu cộng sản sắp sửa tới cho đất nước và dân tộc Việt nam thân yêu của chúng ta vậy./
California, Mùa Trung Thu Kỷ Sửu 2009
© Đàn Chim Việt Online 2009
No comments:
Post a Comment