Friday, October 2, 2009

BƯỚC ĐI MỚI của NỮ THỦ TƯỚNG ĐỨC ANGELA MERKEL


Bước đi mới của người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới
Lê Diễn Đức
02/10/2009 12:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=10988
Có lẽ vì khi chưa bầu mà đã đoán trước được kết quả, nên cuộc bầu cử quốc hội của Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) hôm Chủ nhật, 27/09/2009, không được chú ý sôi động đúng mức?
Phải chăng nước Đức sẽ không có gì thay đổi, bởi vì trước và sau bầu cử bà Angela Merkel vẫn nắm chức Thủ tướng?
Không hoàn toàn như vậy. Kết quả bầu cử cho thấy sự thất bại nặng nề của Đảng Xã hội Dân chủ SPD (Sozialdemokratische Partei Deutschlands), liên minh cầm quyền với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức CDU (Christlich Demokratische Union Deutschlands) của bà Angela Merkel trong bốn năm qua, và một nước Đức trong bối cảnh mới của một liên minh khác, giữa CDU và Đảng Dân chủ Tự do FDP (Freie Demokratische Partei).

Có người hỏi tại sao không thấy tôi viết gì về sự kiện quan trọng này. Tôi trả lời rằng, người Việt ở Đức rất đông, một ai đó quan tâm sẽ viết hay hơn một người ở Ba Lan. Nhưng dù sao, nước Đức với tầm vóc và vị thế của mình, luôn là trái tim của cả châu Âu cho mọi giới quan sát.
Trước hết, CHLB Đức là cường quốc kinh tế và quân sự số 1 của châu Âu, là đầu máy kéo con tàu Liên hiệp châu Âu (EU). Mọi quyết định của CHLB Đức có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến số phận của gần 500 triệu con người trong EU và không chỉ có vậy. Cho nên, chẳng phải hiển nhiên mà tạp chí Fobers đánh giá bà Angela Merkel là người phụ nữ có ảnh hướng lớn nhất, không phải chỉ ở nước Đức mà trên thế giới.
Tôi quan tâm nhiều tới CHLB Đức và hiểu biết về nó, bởi vì tôi đang sống ở nước láng giềng Ba Lan có bề dày lịch sử đặc biệt và nhạy cảm với dân tộc Đức. Song song, nếu nước Đức đã từng hủy hoại và tàn sát đẫm máu Ba Lan nhất trong Đệ nhị Thế chiến, thì sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, lại là quốc gia giúp đỡ Ba Lan mạnh mẽ nhất trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, gia nhập khối NATO và EU, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan.
Tuy nhiên, trong bài viết này tôi chỉ muốn giới hạn trong sự lý giải về người phụ nữ này, tại sao nước Đức lại yêu bà Angela Merkel như thế – với cái nhìn từ phía ngoài.

Người ta đặt câu hỏi rằng, không có sự nhẹ nhàng của Nicolas Sarkozy hay sự cuốn hút của Barack Obama, lý do nào đã mang lại chiến thắng dễ dàng cho bà Angela Merkel?
Sau khi Đức thống nhất vào tháng 10 năm 1990, trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, bà Angela Merkel được bầu vào Bundestag (Quốc hội) và giữ chức Bộ trưởng về Phụ nữ và Thanh niên trong chính phủ của Thủ tướng Helmut Kohl. Năm 1994, bà là Bộ trưởng Môi trường, Tài nguyên Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân. Khi Helmut Kohl thất bại trong cuộc bầu cử năm 1998, bà Merkel kế nhiệm ông giữ chức Tổng Thư ký của Đảng CDU.
Dưới thời Thủ tướng Kohl, Angela Merkel vẫn bị xem như là “cô gái của Kohl” rất hay bực bội khi bị các nhà báo căn vặn.
Thế nhưng, bốn năm trên cương vị Thủ tướng, bà Angela Merkel không giống như người ta tưởng.
Tuần báo Die Zeit thuật lại cuộc trao đổi giữa bà với phóng viên vào tháng Tám vừa rồi trên sàn Nhà hát tại Hamburg. Die Zeit vốn là tờ báo không mấy ưa thích CDU. Thấy bà Thủ tướng có vẻ sốt ruột, phóng viên hỏi: – “Tôi thấy có lẽ Thủ tướng vội?”. Bà điềm đạm trả lời trước sự khiêu khích của người đối diện: – “90 phút đã trôi qua, tôi nghĩ rằng, cuộc gặp mặt sẽ như trận bóng đá”. – “Với Thủ tướng chúng tôi có thể đá thêm hiệp phụ” – Phóng viên ranh mãnh đáp. – “Đá hiệp phụ chỉ khi hòa. Thế nhưng ở đây kết quả đã rõ ràng” – Bà kết thúc trong tiếng vỗ tay của mọi người.
Con gái của vị mục sư Horst Kasner từ thành phố nhỏ Templin, thuộc vùng cựu cộng sản Đông Đức hợp với yêu cầu và thẩm mỹ của người Đức. Người ta khen ngợi bà tính cần cù, giản dị và luôn có thiên hướng tìm thỏa hiệp. Gerd Langguth, người viết tiểu sử cho Thủ tướng Đức đã từng nhận xét như vậy. Bà Angela Merkel không phải là con chim cái đầu đàn.

Người Đức đã quá chán chường, mệt mỏi với thế hệ các vị lãnh đạo trước đó trong vai trò những con chim đực đầu đàn.
Nhà bình luận người Đức Arno Luit của Stern nói rằng, càng về cuối nhiệm kỳ Thủ tướng Kohl càng tỏ ra cao ngạo với vai trò lịch sử của mình. Tiếp theo, Gerhard Schröder, có vẻ không được lựa chọn hoàn toàn đích thực. Ông ưa chuộng sự giàu sang kiểu mới của mình với những điếu xì-gà đắt tiền và có tới bốn đời vợ. Ngoài ra Gerhard Schröder có phong cách làm chính trị kiểu macho, lãnh đạo đất nước theo điều kiện của mình, chẳng thèm hỏi ý kiến người khác.
Trong khi đó bà Merkel thường xuyên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận với câu hỏi đại loại như “Bạn thích hẹn với chính khách nào đi uống càphê nhất?”. Bà Merkel – ít nhất là bà khôn khéo giả vờ – biết lắng nghe những gì người đối thoại với mình nói ra. Bà không chứng minh lúc nào mình cũng có lý. Những đặc điểm này làm bà được ưa thích không chỉ bởi người Đức mà cả ở nước ngoài.
Nhà chính trị học người Pháp Gunther Hellmann nói trên nhật báo Ba Lan Dziennik rằng, nước Đức bốn năm qua dưới sự lãnh đạo của một nữ trí thức – tiến sĩ vật lý, với tính khiêm nhường, đã làm giảm hẳn sự ngờ vực của các nước láng giềng, hơn là Gerhard Schröder quá thân thiện với Nga.

Tất nhiên, không phải Angela Merkel ngay từ đầu đã chiếm được tình cảm của người Đức, là yếu tố đã tạo nên cho bà thế đứng chính trị vững vàng hiện nay.
Bốn năm trước đây khi nhậm chức Thủ tướng, không ít người cho rằng, một Margaret Thatcher thứ hai xuất hiện.
Khi tranh cử bà hứa hẹn sẽ phá bỏ cơ chế bảo trợ xã hội quá mức và giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp vì phải chi phí quá cao cho nhân công lao động.
Bà cũng nói rằng, với cử tri, người lãnh đạo phải có trách nhiệm thông báo thực chất tình hình kinh tế và sự cần thiết thực hiện những cải cách khó khăn.

Tư chất chân thật của bà suýt nữa đã làm mất đi bội thế trong thăm dò dư luận trước đối thủ Gerhard Schröder không còn được ưa chuộng. Lúc bấy giờ Gerhard Schröder tấn công: “Bà Merkel không hề có khái niệm về sự công bằng xã hội. Trái tim của bà lạnh như băng đá”. Bà đã giành chiến thắng nhưng với kết quả suýt sao và từ đây bà cả quyết một cách cay đắng: không bao giờ như thế nữa.
Chính vì vậy, kể từ lúc bắt đầu giữ ghế Thủ tướng, bà thực hiện trách nhiệm theo cách của mình – Merkelism: chính sách cân đối lẽ phải và bỏ qua những quyết định khó và các tuyên bố ăn chắc. Bà trở nên thực dụng đến đau đớn. Bà không giấu diếm hớt tay trên những ý tưởng hay của phe đối lập. SDP nói bà bắt chước chính sách hỗ trợ gia đình của họ, còn Đảng Xanh (Die Grünen) thì không mấy thích thú nhìn bà Thủ tướng kiêm vai trò một nhà bảo vệ môi trường.

Tháng 9/2008, thị trường tài chính Hoa Kỳ suy sụp, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Nền kinh tế lớn và mạnh nhất châu Âu và đứng vào hàng đầu thế giới cũng không tránh được bão tố. Trong ba tháng cuối năm 2008, vào lúc Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nhiều nước khác rót hàng trăm tỷ đôla để cứu vãn các ngân hàng, các ngành công nghiệp và lên kế hoạch lập quỹ tương tác toàn cầu, nước Đức vẫn chưa đưa ra quyết định dứt khoát nào. Tạp chí Newsweek bấy giờ có bài viết gọi bà Merkel là “Madam No”, tức là bà nói “không” với mọi dự tính tài chính chung mà chỉ lo cho nước Đức của mình. Với một số thân hữu, bà đã nói toạc ra là phải hết sức thận trọng trước cả “đống shit (cứt)” này. Đến mức báo chí từ Paris, London gào lên rằng, Anh và Pháp lao vào chống khủng hoảng, trong khi Đức thủng thằng suy tính!

Thời gian bầu cử chỉ còn vỏn vẻn mươi tháng nữa, đây là giai đoạn thử thách và cam go nhất của bà Merkel trước các quyết định mang tính sống còn.
Tới tháng 1/2009, trước ống kính truyền hình, bấy giờ Angela Merkel bình tĩnh mở cuộc tổng phản công: rót 50 tỷ Euro kích hoạt kinh tế, 100 tỷ Euro bảo hiểm của nhà nước cho các khoản tín dụng và đầu tư, 500 tỷ Euro trợ cứu các ngân hàng.
Đây là một quyết định không tiền lệ trong toàn lịch sử nước Đức và chỉ cần sơ suất, bất thành, gánh nặng trách nhiệm khủng khiếp và món nợ khổng lồ sẽ bị chuyển qua cho thế hệ mai sau.

Richard Meng, tác giả của cuốn sách “Merkelland” nói rằng, “Merkel không phải can đảm một cách tự phát. Bà cũng không bị áp lực bởi các ý tưởng. Bà phân tích và chỉ đưa ra quyết định khi thấy tình hình đã chín muồi. Thông thường, những quyết định như vậy mang lại hiệu quả tốt. Bà là nhà vô địch của nghệ thuật ra tay đúng lúc”.

Một quyết định tương tự như thế đã xảy ra một thập niên trước. Người phụ nữ Đông Đức với kiểu tóc không hợp thời trang, ăn bận xấu, xa lạ và duy nhất trong đảng của chính mình, quyết định thực hiện cuộc “phản nghịch chính trị”, chặt đứt mối liên hệ với Helmut Kohl đang bị cáo buộc tham nhũng chính trị.
Trước những nụ cười thách đố, đôi khi nghiệt ngã, bà xông vào cuộc chơi trên sân khấu chính trị Đức.
Mười năm sau, bà Merkel đứng trên điểm cao của danh vọng và 75% cử tri Đức tham gia bỏ phiếu hôm Chủ nhật vừa qua đã tiếp tục mở đường cho bà tiến bước với hơn 33% số phiếu dành cho Đảng CDU.
Một liên minh mới giữa CDU và FDP sẽ ổn định nhưng chỉ với 48% tổng số phiếu bầu, còn SPD từ vị trí liên minh trở thành đảng đối lập mạnh với 23% – chưa phải hoàn toàn ở thế thượng phong hoàn mỹ.
Người ta coi sự thay đổi này như là một sự chuyển đổi đồ đạc to lớn trong ngôi nhà Đức. Nước Đức nghiêng về phía hữu, chắc chắn sẽ ủng hộ và củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Hoa Kỳ, khác với SPD có thiên hướng thân Nga hơn. Ngoài ra FDP giành được thắng lợi bằng cái giá phải trả của SPD, nhưng cũng của cả chính CDU (CDU giành đa số phiếu nhưng ít hơn một chút so với 4 năm trước). Bà Angela Merkel ít nhiều sẽ phải thay đổi chính sách và có thể gặp những bất đồng trong các vấn đề chung thuộc EU như chính sách điều chỉnh nông nghiệp và tài chính…

Bà Merkel tuyên bố sẽ lập xong nội các trước ngày 9/11, tức ngày kỷ niệm 20 năm Bức tường Berlin sụp đổ, có thể là cái mốc mang ý nghĩa lớn được bà chủ ý lựa chọn.
Bốn năm tới, nước Đức và cả thế giới sẽ chờ đợi gì thêm ở người phụ nữ tài ba và nhân hậu này?■

©
http://ledienduc.wordpress.com
© talawas blog


Phản hồi

Lê Diễn Đức nói:
02/10/2009 lúc 5:16 chiều
Chỉ có sống trong một xã hội dân chủ, tự do và nhân bản thực sự con người mới có đủ điều kiện và cơ hội vươn lên tầm cao, bất luận xuất xứ từ giai cấp nào.
Từ những năm 70 cho đến năm 2007 kinh tế CHLB Đức luôn đứng hàng thứ 3 thế giới về GDP, sau Mỹ và Nhật Bản. Đây là chỉ nói đến GDP, chưa nói đến trình độ khoa học công nghệ, sáng chế, kỷ cương pháp luật, vệ sinh cộng cộng, chăm sóc y tế và an sinh-bảo trợ xã hội được xếp vào những quốc gia đầu bảng trên thế giới. Từ năm 2008, Trung Quốc vượt về GDP, chiếm hạng 3 (4.402 tỷ USD), còn Đức lùi xuống hạng 4 (3.668 tỷ USD). Nhưng hãy nhìn thực tế để so sánh là, diện tích nước Đức so với TQ chỉ là con kiến bên cạnh con voi, còn dân số Đức khoảng 80 triệu bên cạnh anh TQ 1,3 tỷ người. Con số GDP chỉ nói lên một phần về tiềm lực kinh tế, không nói lên tất cả trong đó có đời sống thịnh vượng, và xã hội văn minh.
Lãnh đạo một cường quốc hàng đầu thế giới như nước Đức, thông qua chế độ dân cử, lại là phụ nữ, không phải dễ dàng. Vậy mà bà Merkel thành công và quan trọng nhất là được kính trọng và yêu mến. Tài năng của bà thì khỏi nói, nhưng trước hết là do tính khiêm nhường, giản dị, nhân hậu, liêm chính và biết lắng nghe ý kiến người khác, học tập cả ý hay của phe đối lập.
Không như giới lãnh đạo Đảng CS Việt Nam hiện nay, rất hợm và hung hăng, cao ngạo, coi dân không ra gì, thích là làm, thậm chí biết tổn hại đến lợi ích của đất nước, trí thức, công thần lập quốc can ngăn cũng bỏ ngoài tai. Vụ bauxite Tây Nguyên là một ví dụ điển hình nhất. Còn ý kiến dù có phải nhưng không đúng với ý Đảng là ghép ngay cho “phản động”, “của lực lượng thù địch”, v.v. và đàn áp thẳng tay, vô nhân đạo bằng nhà tù!

trymviet nói:
02/10/2009 lúc 4:42 chiều
“Một liên minh mới giữa CDU và FDP sẽ ổn định nhưng chỉ đạt 48% tổng số phiếu bầu…”
Kết quả bầu cử bác Đức có thể tham khảo ở đây:
http://de.wikipedia.org/wiki/Bundestagswahl_2009
Luật bầu cử của Đức khá phức tạp, chọn ra 299 ghế bầu trực tiếp trong từng khu vực bầu cử. Xem hình sau để biết đảng nào thắng khu vực nào.http://de.wikipedia.org/w/index.php?title=Datei:Bundestag_Wahlkreise_2009_Erststimmenmehrheit.svg&filetimestamp=20090928145323
Số ghế còn lại được chọn theo công thức Sainte-Laguë-Verfahren http://de.wikipedia.org/wiki/Sainte-Lagu%C3%AB-Verfahren.
Với công thức này thì các đảng được dưới 5% phiếu trên thực tế không có chân trong quốc hội.Như vậy, với ~48% phiếu bầu, liên minh CDU/CSU và FDP giữ trên 53% số ghế Bundestag (hạ viện), một đa số chắc chắn để thông qua các cải cách kinh tế sắp tới.




No comments: