Saturday, October 3, 2009

LUẬT RỪNG LUÔN LUÔN THẮNG


Tiếng nói của thế hệ trẻ:
Phạm luật, lách luật, kết liễu luật và luật rừng luôn thắng?
Lê Văn Tuynh
11:49 ngày Thứ Bảy, 03/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/12095.html
Ở nước ta, hẳn ai cũng nghe báo chí, truyền hình đưa tin lời huấn thị về xây dựng một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, về “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Cháu không phải là luật sư, và cũng không am hiểu các bộ luật. Thực tế, trong trường đại học chúng cháu cũng không được học môn luật một học kỳ nào, dù là luật đại cương. Trong khi đó môn Mác-Lênin-Hồ Chí Minh chúng cháu được học suốt khóa 4 năm (2001-2005). Cháu xấu hổ khi nói rằng đã tốt nghiệp đại học mà không am hiểu về luật pháp Việt Nam. Cháu dám chắc sinh viên Việt Nam (trừ những sinh viên khoa luật, trường luật) , hầu hết đều không được học luật đại cương trong trường đại học. Đó là một thực tế hiển nhiên mọi người có thể kiểm chứng. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân là người rõ nhất về vấn đề này. Song, với một kiến thức ít ỏi tự đọc trên mạng, quan sát thực tế, và suy nghĩ với cái đầu của một con em xuất thân nông dân (ở địa vị người nông dân) cháu thấy ở Việt Nam người ta hành xử với luật theo 3 phương thức là: Lách luật, phạm luật, kết liễu luật và luật rừng luôn thắng.

I/ Bắt đầu từ sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho khai thác Bauxite Tây Nguyên
Các nhà nghiên cứu, tướng lĩnh đều lên tiếng phản đối Thủ tướng trên trang web: bauxitevietnam.info; TS luật Cù Huy Hà Vũ gửi đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phạm luật.
Với lối suy nghĩ của người không am hiểu luật (không biết và thuộc các điều khoản về luật), cháu có 3 kiến giải nôm na như sau:

1. Giả thiết nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phạm luật, thì phải được mang ra xét xử ở Tòa án Tối cao. Bởi lẽ không thể có cá nhân đứng trên pháp luật được. Thực tế cho thấy, cá nhân đứng trên pháp luật chỉ là ở chế độ phong kiến, các bậc vua chúa, hoàng thân quốc thích là người đứng trên pháp luật. Ở thời đó, liệu có ai dám vạch tội và kết tội Vua, con Vua? Trừ khi ông Vua đó có đủ lòng can đảm và tự nhận tội. Cháu không muốn thấy có ai đó dụng tâm biến xã hội Việt Nam đương đại trở về lối xưng hô quân – thần “muôn tâu bệ hạ” và “đa tạ long ân”. Nhưng với cách hành xử của một số quan chức đương nhiệm gần đây, liệu có hay không những người ngờ ngợ rằng Việt Nam hiện nay là chế độ phong kiến kiểu mới (hiểu theo quy luật xoáy trôn ốc của học thuyết Mác-Lênin)? Ở bất kì xã hội nào, cũng có thể có rất nhiều cá nhân nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, đó là băng nhóm tội phạm, mafia. Tự hỏi, trong chúng ta, ai dám nghĩ hành động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giống hành động của mafia? Trả lời được 2 câu hỏi này sẽ cho ta kết luận Thủ tướng có phạm luật hay không phạm luật.

2. Giả thiết thứ hai,nếu Thủ tướng lách luật,
thì cũng phải được mang ra trước Tòa án Tối cao xét xử công khai, công bằng và có Luật sư bào chữa. Hiện tượng lách luật, ở Việt Nam gần đây thôi, nổi lên vụ án vũ trường New Centery. Ông chủ New Centery Nguyễn Đại Dương gần như “trắng án” nhờ hiện tượng lách luật (xem tại:
http://www.baomoi.com/Home/HinhSu/vnexpress.net/Ong-chu-vu-truong-New-Century-trang-an/3167433.epi). Vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận 3 năm tù vì ‘công nhiều hơn tội’ (kiểu xử lách luật của tòa án?) xem tại: http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/09/3BA13DE0/. Vụ ông Đào Duy Quát, Tổng biên tập báo Điện tử Đảng CSVN đăng tin “phản động” mà bị phạt 30 triệu đồng (không biết bị cáo lách luật hay tòa xử lách luật, hay chưa có luật cụ thể?).
Vậy với đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của TS Cù Huy Hà Vũ, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tinh thần tôn trọng luật pháp vẫn phải hầu tòa để rõ trắng đen là có lách luật hay không. Nếu Thủ tướng có lách luật, thì sẽ được tòa xử tương tự như ông Nguyễn Đại Dương, ông Đào Duy Quát hoặc ông Huỳnh Ngọc Sĩ. Nếu Thủ tướng có lẽ phải, không lách luật, thì ông Cù Huy Hà Vũ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội vu cáo người khác và phải bồi thường danh dự cho Thủ tướng. Cháu không tin Thủ tướng của một nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lại có thể để người ta vu cáo như thế, kiện tụng dễ dàng như thế mà vẫn im lặng, không có phản ứng, hay có lẽ chính Thủ tướng không biết có sự việc người khác kiện mình? Đấy là vấn đề danh dự cá nhân giữa hai con người với nhau, giữa một ông Thủ tướng Chính phủ và một ông Tiến sĩ luật. Nếu Thủ tướng ra tòa, cháu tiên đoán Thủ tướng sẽ được xử như 1 trong ba vụ án trên (hoặc bị cáo là người lách luật, hoặc tòa án sẽ xử lách luật nhưng dù sao vẫn phải xử). Hay phải chăng nước ta chưa phải là nước pháp quyền mà là nước “thủ tướng quyền”, “quan chức quyền”?

3. Nếu 2 giả thiết trên không giải đáp được vấn đề (tức là tòa án không xét xử) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phạm luật hay không phạm luật, lách luật hay không lách luật thì sẽ khó biết được hành vi của Thủ tướng nằm ở phương diện nào so với luật pháp. Với sự kiện “Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ nhận lại Đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” (xem tại:
http://bauxitevietnam.info/c/10746.html) cháu cho rằng, Thủ tướng đã kết liễu luật (tức là luật pháp Việt Nam không có giá trị áp dụng với Thủ tướng nói riêng và các quan chức cao cấp nói chung). Vô tình hay hữu ý, Thủ tướng đã gửi thông điệp cho toàn dân (hơn 84 triệu công dân Việt Nam) rằng: “Nên sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phạm một tí không sao!”, hay “Ấy ấy, chúng tôi chỉ đề ra, thi hành là các bạn”… Khi đó cháu sợ rằng, tội phạm sẽ gia tăng vô số kể, bởi lẽ ai dám trái chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ? Khi đó chỉ tồn tại một thứ luật gọi là luật rừng. Nhưng cháu không có đủ can đảm nói to rằng Thủ tướng nước CHXHCNVN là chơi luật rừng. Như thế là “phản động”, là bôi nhọ Thủ tướng, ngay tức khắc phải hầu tòa và vào tù. Cháu rất sợ nói ra điều đó. Luật rừng chỉ tồn tại trong xã hội đen, xã hội mafia ở nước ngoài, hình như ở bên phương Tây. Còn luật trong xã hội của Thủ tướng, dù là “luật gì” cũng là “luật pháp quốc gia”. Cháu thích tin và nghĩ như thế hơn.

II/ Về vụ việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định 97 và Viện IDS tự giải thể.
Trong bản tuyên bố của viện IDS (xem tại:
http://bauxitevietnam.info/c/8937.html), có chỉ ra rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vi phạm các Điều 53, Điều 60, Điều 69 trong Hiến pháp nước Việt Nam, vi phạm điều 67 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không hiểu tại sao không thấy cơ quan pháp luật nào (bao gồm lập pháp và hành pháp) giám sát, hay khởi tố Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vi phạm Hiến pháp khi ban hành Quyết định 97? Ta biết rằng, nguyên thủ quốc gia là người phải biết rõ hơn ai hết về việc “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Cứ giả sử, Thủ tướng đang “học việc”, chưa thuộc và chưa nắm được Hiến pháp, vậy thì chẳng lẽ ban tham mưu, cố vấn, thư ký của Thủ tướng cũng dốt luật và mù tịt về Hiến pháp hay sao? Vậy thì trách làm sao dân thường phạm pháp, và xử tội họ khi họ phạm pháp chẳng phải là đáng thương lắm sao? Nhưng nếu thương họ mà không xét xử, thì từ trên xuống dưới, từ quan chức đến dân thường hóa ra là “cá mè một lứa”? Với dân thường luôn phải xử thật nghiêm, còn với quan chức thì không thể xử như dân thường được. Phải có luật riêng áp dụng “nghiêm hơn”, xử riêng và xử kín.
Chỉ ngần ấy điều vi phạm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thôi, cũng đủ cho ta thấy, ở Việt Nam, có hiện tượng song hành tồn tại 2 kiểu luật luôn đúng: Đó là luật pháp quốc gia và luật của Thủ tướng. Chính vì thế mà Viện IDS phải tự giải thể vì lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi lẽ, nếu viện IDS sống và làm việc theo Quyết định 97 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì họ vô tình đã vi phạm Hiến pháp nước Việt Nam (các điều đã nêu trên). Thực tế, họ đã tự giải thể, tức là họ đã ý thức được phải tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật. Nhưng nếu họ không giải thể mà vẫn làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật thì họ sẽ vi phạm Quyết định 97 của Thủ tướng chính phủ. Vậy thì luật pháp và Hiến pháp quốc gia đúng hay Quyết định 97 của Thủ tướng đúng? Cả hai đều đúng, mặc dù chúng mâu thuẫn với nhau! Thực tế cho thấy cả hai đang song hành tồn tại.
Nghe qua tưởng chừng vô lí, nhưng trên thực tế người ta sẽ thi hành luật mềm dẻo linh hoạt vô cùng. Tùy từng trường hợp mà người ta tùy cơ ứng biến để vận dụng luật pháp hay Quyết định 97. Viết đến đây, tự nhiên cháu thấy bật cười, khi khắp nơi vùng quê, chốn thị thành, đại lộ, người ta căng đầy khẩu hiệu “SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT”. Cháu tin rằng, dân ta luôn thật thà đọc ngay dòng chữ ấy ở phía phông dán chữ, mà không biết quan chức có cách đọc khác. Quan chức họ sẽ đọc dòng chữ ấy từ phía phông vải không dán chữ. Dòng chữ ấy sẽ hiện lên như sau:


Với dòng chữ này, chúng ta thử đưa cho các em học sinh, những người dân chỉ biết đọc biết viết xem, họ sẽ đọc là cái gì, có hiểu nó là cái gì hay không. Nhân tiện, cháu thử sắm vai và đánh vần theo phiên âm các bác xem: /Tậu lờ ngược, quàhátquy, ávờ quàhátquy, nờ ngược ề ngược ihát, o e ngược hát tê, xê ngược ệ ngược ivờ, má lờ ngược, ávờ, gờ ngược nờ ngược ồ sờ ngược/

Đấy, cứ thử đánh vần xem các bác có được một phen cười vỡ bụng không. Và đố các bác hiểu được ý nghĩa của dòng phiên âm đó. Còn cháu thấy nó vô nghĩa trong tiếng Việt. Đấy là cháu phỏng theo phương pháp “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”. Vì thế, cháu nghĩ dân ta cũng nên hiểu và tuân thủ luật theo phương thức “từ trực quan sinh động (thực tế), đến tư duy trừu tượng”.
Có lẽ nhóm 16 viện sỹ Viện IDS đã quá thông tỏ phương pháp “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” từ lâu, nên họ chiểu theo phương pháp này mà tự giải thể.
Hình ảnh một ông Thủ tướng quốc gia vi phạm Hiến pháp và pháp luật làm cháu – một công dân Việt Nam thất vọng lắm lắm. Bởi lẽ, các nguyên thủ khác của Việt Nam cũng vô tình hoặc có ý học tập Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng ban hành một quyết định riêng cho mình, cũng vi phạm Hiến pháp, thậm chí vi phạm cả Quyết định 97 của Thủ tướng thì thử hỏi, xã hội Việt Nam sẽ thế nào? Không dừng lại ở đó, các Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh cũng quán triệt từ trung ương xuống, cũng ban hành một quyết định nào đó cho tỉnh mình, địa phương mình bất chấp có vi phạm luật pháp và Hiến pháp hay không. Đến đây, cháu sợ rằng xã hội Việt Nam sẽ rối ren lắm.
Đối lập với hình ảnh Thủ tướng Việt Nam là hình ảnh ông cựu Tổng thống nước Nga. Ông Putin đã từng gây xôn xao dư luận thế giới về thái độ tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp nước Nga. Ông Putin đã không lợi dụng quyền hạn và chức vụ để thay đổi Hiến pháp nước Nga nhằm mục đích được ứng cử Tổng thống ở nhiệm kì thứ 3. Thiết tưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải tôn ông Putin lên làm bậc thầy, phải học ông Putin về thái độ thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Những điều trên đã cũ và cũng đã được nói đến nhiều, dù không nói ra nữa thì mọi người cũng hiểu. Chỉ vì nhân lúc suy nghĩ bức xúc và cháu lại thích nói ra, dù biết và tự cười mình rằng “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi” (Ngạn ngữ).
Trên đây là kiến giải của cá nhân cháu. Cháu đã tự tìm cho mình một kiến giải như thế, nếu các bác phủ nhận, thì cháu sẽ bế tắc vô cùng, và cháu tin những người suy nghĩ giống cháu cũng bế tắc. Khi đó hy vọng các bác hãy giúp cháu một kiến giải khác để cháu khỏi bế tắc tư tưởng. Cháu dám viết suy nghĩ thẳng thắn như vậy vì cháu không phải là nhà báo. Nhà báo có 3 cái sợ, sợ bị phạt “30 triệu đồng”, sợ bị tước thẻ nhà báo và sợ bị ngồi tù. Cháu không có thẻ nhà báo, nhưng cháu sợ bị phạt “30 triệu đồng” và sợ ngồi tù. Chỉ là ngồi tù thôi thì “30 triệu đồng”, thẻ nhà báo, thẻ đảng, hay bất kì thẻ gì, bằng cấp gì cũng bỏ đi cả, nghỉ công cuộc mưu sinh luôn. Vậy thì chung quy nỗi sợ hãi của cháu và nhà báo như nhau, nhưng cháu vẫn viết ra thẳng thắn như thế này: Ở tù mà được như Huỳnh Ngọc Sĩ thì ai chả thích, còn dân đen là cháu mà đi ở tù thì coi như đời bỏ đi.

LVT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


No comments: