Tuesday, October 13, 2009

GIANG SƠN CỦA NHỮNG TRÁI MẬN XANH (truyện ngắn)


giang sơn của những trái mận xanh
Herta Muller
Chuyển ngữ:
Đinh Từ Bích Thúy
12.10.2009
http://damau.org/archives/9451

Lời Giới Thiệu của Đinh Từ Bích Thúy: Trong Giang Sơn của Những Trái Mận Xanh, nhà văn Herta Muller mô tả những tàn phá của chế độ Nicholas Ceausescu trên những tầng lớp xã hội Romania trong thập niên 1980. Đây cũng là tác phẩm được coi là sát gần nhất với tiểu sử của nhà văn, vì truyện nói về sự áp bức của chính quyền Cộng sản đối với dân thiểu số người Đức cư ngụ ở Romania, trong số đó có gia đình của Herta Muller. Truyện cũng kể lại những chi tiết trùng hợp với đời sống sinh viên ở đại học Timisoara của nhà văn.
Nguyên tác Herztier (Thú Tâm), tựa đề trong tiếng Đức biểu tượng trái tim dễ bị áp bức của những con người phải sống dưới một thể chế độc tài và vô nhân đạo. “Thú tâm” là nhịp tim man dã của đứa trẻ gái mải chơi quên nghỉ, là hơi thở lạnh băng và đầy kiếp đảm của đám sinh viên chống chính quyền, là trái tim ác nghiệt của người bố Đức Quốc Xã. Ảnh hưởng mạnh từ điện ảnh và thơ, Herta Muller liên kết những hình ảnh và biểu tượng từ hai khung thời gian cách biệt: giữa quá khứ và hiện tại của nhân vật chính, một nữ sinh viên thuộc thành phần đối lập. Muller muốn chứng minh rằng sự đàn áp của chế độ hiện thời cũng tiếp nối từ sự đàn áp của quá khứ/lịch sử: ông bố Phát-xít của thời thơ ấu và nhà lãnh tụ độc tài Cộng sản trong hiện tại của cô sinh viên đều là những kẻ “sáng lập nghĩa địa.”
Tựa đề Giang Sơn của Những Trái Mận Xanh trong bản dịch tiếng Anh của Michael Hofmann (Granta: 1998) lấy ý từ những trái mận xanh, mô tả trong truyện như ác quả, trái cấm, cảm giác tội lỗi, sự tàn bạo và những cái chết oan uổng, non mầm. Trong truyện, ông bố bảo đứa con gái đừng ăn những quả mận còn xanh cứng, vì hột mềm non của quả mận có thể giết chết con bé. Những quả mận xanh cũng đầu độc người dân trong thành phố: bất cứ ai ăn mận xanh sẽ trở nên hợm hĩnh, hèn hạ, vô liêm sỉ. Chính nhà độc tài cũng là một tên “mút mận.”
Độc giả của truyện cũng không khác gì những cá nhân sống dưới một chế độ độc tài—lờ mờ theo dõi truyện qua những đoạn văn bí ẩn, những biểu tượng không khác gì các mật mã được đám sinh viên đối lập truyền tay nhau. “Thợ cắt móng tay, móng chân” là bọn công an làm chuyện tra tấn, hỏi cung. Những nhân vật trong truyện dùng mật mã khi viết thư cho nhau, vì biết rằng công an sẽ xem lén thư của họ. Một dấu phẩy sau lời chào trong thư là cách báo hiệu ngầm: “bạn đang bị lâm nguy, phải rất cẩn thận.” Một dấu chấm than là cách báo người nhận thư đang bị công an theo dõi.
Mọi nhân vật trong truyện mang thời thơ ấu tỉnh lẻ của họ vào thành phố. Những dân làng xa quê mang chính cội rễ mình vào thành phố khi họ khệ nệ bưng những bụi dâu tằm trong bao tải để trồng trước hiên nhà trong thành phố. Dân quê cũng mang màu sắc tỉnh lẻ trên khuôn mặt. Thành phố không những là sự tiếp nối, mà còn là một suy thoái của tỉnh lẻ. Dân chăn cừu di cư vào thành phố làm cho những xưởng máy chỉ sản xuất loại “cừu thiếc,” và nông dân trước đây chăm non những luống dưa giờ đây sản xuất loại “dưa gỗ” trong những xưởng làm đồ gỗ. Nhân công trong những lò sát sinh nhà nước lén uống máu súc vật, và con cái của họ trở thành đồng lõa trong chuyện uống máu tập thể: “Khi bố chúng nó hôn chúng nó và chúc chúng nó ngủ ngon, chúng ngửi thấy mùi máu từ bố chúng và chúng cũng muốn vào làm việc trong những lò sát sinh.” Như một nhân vật trong truyện nhận xét, “mọi người vẫn chỉ là người dân làng [trong thành phố.] Tâm trí chúng ta đã xa rời làng xưa quê cũ nhưng chân chúng ta vẫn đứng trong một ngôi làng khác. Không thành phố nào có thể phát triển dưới một chế độ độc tài, vì mọi thứ đều thành tủn mủn khi bị soi mói triệt để.”

--------------

Lược dịch từ hai nguồn Anh ngữ:
Beverly Driver Eddy, The Land of Green Plums,
http://www.dickinson.edu/glossen/heft1/herta.html
Madeleine Byrne, Book Review: The Land of the Green Plums, Quadrant 43:6 (June 1999), p. 83.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/giangsncanhngtrimnxanh_118B3/GreenPlumcover_thumb.jpg

Khi tụi mình không mở miệng, Edgar nói, thì chúng ta trở nên quá quắt, nhưng lúc tụi mình mở miệng thì tụi mình chỉ là những đứa đần độn.
Chúng tôi ngồi chăm chú xem những bức hình trên sàn nhà đã khá lâu. Chân tôi bị tê vì ngồi lâu quá.
Những lời ngậm kín trong miệng chúng tôi cũng tai hại như chân chúng tôi trên cỏ, như những sự câm lặng của chúng tôi.
Edgar đang câm lặng.
Ngay đến lúc này, tôi không thể mường tượng được một nấm mồ. Chỉ một dây thắt lưng, cánh cửa sổ, hột mận, và lọn giây thừng. Đối với tôi, mỗi cái chết như một bao tải.
Ai mà nghe cô nói thế, Edgar nói, sẽ nghĩ cô điên rồi.
Tôi có cảm tưởng khi một người chết đi họ sẽ để lại một bao tải toàn là chữ. Rồi thợ hớt tóc, thợ cắt móng tay, móng chân—tôi lúc nào cũng nghĩ đến họ, vì người chết sẽ không còn cần đến họ. Họ cũng chả bao giờ mất đi những khuy áo.
Hay họ coi nhà độc tài là một sai lầm nhưng qua cách nhìn khác, không giống tụi mình, Edgar nói.
Họ có đủ bằng chứng, vì ngay cả chúng tôi cũng tự thấy mình là điều sai lầm. Vì ở quốc gia này, chúng tôi phải đi đứng, ăn, ngủ, yêu trong nỗi sợ, cho đến lúc phải lui tới thợ hớt tóc, thợ cắt móng tay, móng chân.
Ai đã tạo ra những nghĩa địa chỉ vì con người đi đứng, ăn, ngủ, và yêu, là một sai lầm lớn lao hơn chúng ta, Edgar nói. Một sai lầm thượng đỉnh. Một sai lầm kiệt tác.
Cỏ lên cao trong đầu chúng tôi. Hễ chúng tôi mở miệng thì cỏ bị xén. Cỏ cũng bị xén khi chúng tôi không mở miệng. Rồi cỏ tự động mọc lên đợt hai, đợt ba. Dù sao đi nữa, chúng tôi là những kẻ may mắn.
Xxx
Quê quán Lola ở tuốt miền Nam của xứ sở này; người nàng nặc mùi nghèo khó tỉnh lẻ. Tôi không biết ở chỗ nào trên người Lola nó bị lộ ra rõ nhất, có lẽ ở gò má, chung quanh miệng, hay ngay giữa đôi mắt cũng nên. Khó mà nói điều này về một tỉnh lẻ hay một khuôn mặt. Sự nghèo khó hiển thị ở mọi tỉnh lẻ, mọi khuôn mặt. Nhưng quê quán Lola, cho dù ai thấy nó trên gò má nàng, chung quanh miệng hay ngay giữa đôi mắt, có lẽ còn nghèo hơn mọi tỉnh lẻ. Đất là đất. Đất nhiều hơn thắng cảnh.
Khí hậu hạn hán hút hết mọi thứ. Lola viết, trừ loài cừu, luống dưa, và những cây dâu tằm.
Nhưng không phải cái tỉnh lẻ khô khốc ấy đã đẩy Lola vào thành phố. Sự hạn hán bất cần đếm xỉa tới chuyện tôi học hỏi được gì, Lola ghi trong quyển nhật ký của nàng. Sự hạn hán không nhận thức được nhiều điều mà tôi nhận thức. Chỉ biết tôi là gì, hay thật ra tôi là ai. Tôi muốn trở nên một con người có thớ trong thành phố, Lola viết, rồi bốn năm sau, tôi sẽ trở về quê. Không theo con đường bụi mù ở dưới xa, mà bay cao hơn, qua những cành ngọn của những cây dâu tằm.
Xxx
Cũng có những cây dâu tằm trong thành phố. Nhưng không ở ngoài đường phố. Chúng mọc trước hiên nhà. Mà cũng không nhiều lắm. Chỉ đứng trước hiên nhà những người già. Dưới rặng cây là ghế ngồi. Cái ghế được bọc vải nhung. Nhưng vải nhung đã sờn và hoen ố. Dưới khung ghế có nhồi một đống rơm. Đống rơm đã bị phẹt lì sau nhiều lần bị ngồi lên. Vài cọng rơm đung đưa từ cái ghế như bím tóc.
Nếu ai đó đến gần cái ghế phế thải, sẽ nhìn thấy rõ từng cọng rơm. Ai đó cũng sẽ biết rằng những cọng rơm lúc trước có màu mạ non.
Trong khuôn hiên dưới mái dâu tằm, bóng mát tỏa xuống như sự bình lặng ở khuôn mặt già nua của người ngồi trên ghế. Như sự bình lặng, vì tôi thường lạc vào những hiên nhà đó bất thình lình, ngay cả cho chính tôi, và ít khi trở lại. Trong những lần hiếm có đó, một vệt nắng soi thẳng từ ngọn cây lên khuôn mặt già nua để hé lộ một vùng quê xa lắc. Tôi nhìn vệt nắng từ trên xuống dưới. Tôi cảm thấy lạnh xương sống, vì sự bình lặng này không tỏa ra từ những cành dâu tằm; nó tỏa ra từ sự cô đơn trong đôi mắt trên khuôn mặt. Tôi không muốn ai nhìn mình trong những khuôn hiên hay hỏi han là tôi làm gì ở đó. Tôi không làm gì cả. Tôi chỉ đứng ở đó. Tôi nhìn những cây dâu tằm thật lâu. Rồi trước khi tôi đi, một cái nhìn lần cuối vào khuôn mặt người ngồi ghế. Tôi nhìn thấy một thanh niên hay một thiếu nữ rời quê quán họ, trên vai đeo cái bao tải, cái bap tải đựng một bụi dâu tằm trong đó. Tôi nhìn thấy mọi cây dâu tằm đã được mang vào những khuôn hiên nhà của thành phố.
Sau đó tôi đã đọc trong nhật ký của Lola: Bất cứ cái gì mình mang theo từ quê quán, mình sẽ cưu mang nó ngay trên mặt mình.
Xxx
Lola muốn bỏ ra bốn năm học tiếng Nga. Thi vào đại học cũng dễ, vì đại học có nhiều chỗ cho sinh viên, nhiều như tỉ lệ những trường học trong nước. Tiếng Nga không phải là ngôn ngữ ai cũng thèm được học. Thèm ước thì khó, nhưng đặt mục tiêu thì dễ. Một người đàn ông có học sẽ có móng tay sạch, Lola viết trong nhật ký. Trong vòng bốn năm chàng sẽ theo mình về quê, vì một người đàn ông như vậy sẽ biết mình được kính trọng ở thôn quê. Chàng biết rằng thợ hớt tóc sẽ tới tận nhà, và sẽ tháo giầy để ngoài cửa trước khi bước vào nhà. Sẽ không còn phải chăn cừu, Lola viết, không còn phải chăm non mấy luống dưa, chỉ lo cho dâu tằm, vì mọi người trong chúng ta đều trổ lá.
Xxx
Một vuông phòng nhỏ, một cánh cửa sổ, sáu đứa con gái, sáu cái giường, dưới mỗi giường là một cái va-li. Cạnh cửa ra vào là một tủ áo xây trũng vào tường; ở trần nhà phía trên cánh cửa là cái loa. Những bản đồng ca lao động vang ra từ loa trên trần nhà tới vách tường, từ vách tường đến các giường ngủ, mãi cho tới đêm. Rồi chúng im bặt, như con phố dưới cánh cửa sổ và công viên xơ xác, nơi không còn ai lui tới. Có 40 vuông phòng giống y hệt nhau trong mỗi ký túc xá đại học.
Có ai nói, mấy cái loa nhìn và nghe thấy hết mọi chuyện tụi mình làm.
Những áo đầm của sáu đứa con gái treo chật cứng trong tủ áo. Lola có ít áo đầm hơn những đứa khác. Nàng mặc áo mượn của tất cả mọi đứa khác. Những đôi bít tất dài của bọn con gái nằm trong những va li để dưới những gầm giường.
Có ai đó hát:
Nếu một mai em đi lấy chồng
mẹ rằng mẹ sẽ cho em quà
quà ngày cưới hai mươi gối lớn
nhồi đầy ruồi nhuế và muỗi mắt
hai mươi gối nhỏ nhồi kiến lửa
hai muơi gối mềm nhồi lá thối

Lola mở va li trên sàn nhà cạnh giường. Nàng lục lọi trong mớ bí tất dài, lôi ra trước mặt một mớ tất chằng chịt nào là cẳng chân, ngón chân và gót chân. Nàng để mớ bí tất dài rơi thõm xuống sàn nhà. Hai bàn tay nàng run bần bật, và nàng có thêm mấy cái mắt ngoài hai con mắt trên khuôn mặt. Hai bàn tay nàng trống rỗng, và nàng có thêm mấy bàn tay ngoài hai bàn tay run rẩy trong không khí. Có gần ngần ấy bàn tay trong không khí như ngần ấy mớ bí tất dài trên sàn nhà.
Bao nhiêu con mắt, tay, và bí tất dài không thể nhét vừa vặn vào một bài hát, hát giữa khoảng cách hai cái giường hẹp. Đứng mà hát, hát từ một cái đầu lắc lư, với lông mày nhíu lại. Lông mày hết nhíu khi bài hát thoát ra.
Xxx
Dưới mỗi gầm giường là một chiếc va li đầy tạp nhạp những mớ bí tất dài. Ở vùng quê chúng được gọi là vớ láng. Những đôi bí tất dài, dày độp cho đám con gái ham loại vớ ni lông, mềm, mỏng, như lời ai thầm thì bên tai. Ham keo xịt tóc, ham thỏi mascara làm đậm dài lông mi, ham thuốc sơn móng tay.
Dưới mấy cái gối trên mấy cái giường là sáu hũ mascara để tô lông mi. Sáu đứa con gái nhổ nước bọt vào sáu cái hũ và quậy bột bồ hóng với que tăm cho đến lúc bột thành sền sệt. Đám con gái mở lớn mấy đôi mắt. Mấy cái que tăm lạo xạo trước mi mắt, lông mi bọn con gái bỗng dưng thành rậm rịt, đen ngòm. Nhưng một tiếng sau những kẽ xám bắt đầu nứt rạn từ lông mi. Nước bọt khô đi, làm rơi lấm tấm bụi bồ hóng trên má.
Đám con gái muốn có bụi bồ hóng trên má, miễn sao đó là bồ hóng từ mascara tô mắt, chứ đừng bao giờ là bồ hóng của nhà máy. Miễn sao đừng bao giờ thiếu những đôi vớ lụa mềm, mỏng như lời ai thấm thì, vì vớ lụa thường bị sờn chỉ, làm đám con gái phải vá víu những chỗ hở ở mắt cá chân, ở mảng đùi. Vá víu tức thì những chỗ bị sờn chỉ với thuốc sơn móng tay.
Sẽ khó giữ màu áo sơ mi của người có học được trắng mãi. Trong bốn năm, nếu chàng theo em về miền quê hạn hán thì cũng vì tình em đối với chàng. Nếu áo sơ mi trắng của chàng có làm chói mắt người làng em, đó cũng vì tình em dành cho chàng.

------------------------------

Người được giải Nobel Văn chương 2009 trên báo chí Việt Nam
talawas blog
13/10/2009 12:40 sáng
http://www.talawas.org/?p=11534
Giải Nobel Văn chương 2009 khiến độc giả Việt Nam được thông tin về nhà văn Đức Herta Müller, người trước đây có lẽ chưa bao giờ được nhắc đến trên báo chí Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu một số bài viết về /của bà trên báo chí Việt Nam trong và ngoài nước những ngày vừa qua:

Đám tang, truyện ngắn của Herta Müller, Phạm Xuân Nguyên dịch (Blog Ông già sành điệu)

Phỏng vấn Herta Müller, Thái Kim Lan dịch (Da Màu)

Giang sơn của những trái mận xanh“, Đinh Từ Bích Thúy dịch (Da Màu)

Người lạ trên chính quê hương mình (Lê Quang), Tuần Việt Nam

Đôi cùm lạnh lẽo, thơ của Herta Müller (Blog Đông A)

Người suốt đời mắc nợ (Thụy Anh), VietNamNet (vì bài bị rút xuống, chúng tôi xin link vào bản đăng lại trên trang Phong Điệp)

Thêm một Nobel Văn học gây thất vọng (Hà Linh), eVăn (bài này chắc chắn sẽ không bị rút xuống)




No comments: