Friday, October 2, 2009

CÔNG LÝ CHXHCN VIỆT NAM VẬN HÀNH THEO TIÊU CHÍ "PHÚC"


Công lý xã hội chủ nghĩa: Một dấu hỏi lớn
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-10-2
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Socialist-justice-is-a-big-question-mark-10022009153303.html#
Bản án sơ thẩm mà Toà án nhân dân TP.HCM vừa tuyên hôm 25 tháng 9, đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ, cựu Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây đang làm người ta băn khoăn về pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng như công lý xã hội chủ nghĩa.
Liệu chính quyền Việt Nam cũng như hệ thống bảo vệ pháp luật Việt Nam có tôn trọng và thực thi điều mà Hiến pháp từng minh định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”? Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình...

Đánh quá khẽ
Cuối cùng, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nghi can chính trong vụ PCI - tên tắt của một tập đoàn tư vấn ở Nhật - đã phải hầu toà.
Tuy nhiên, Toà án TP.HCM chỉ xem xét hành vi đem công thự cho PCI thuê lại, rồi lấy khoản tiền đó chia cho nhau, để xác định ông Sỹ đã phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Vì sai phạm này, ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã bị phạt ba năm tù. Người ta chưa rõ ông Huỳnh Ngọc Sỹ và ông Lê Quả - đồng phạm của ông Sỹ - có kháng cáo bản án sơ thẩm hay không (?). Nếu không, vụ PCI coi như đã kết thúc dù quanh nó vẫn còn nhiều câu hỏi lớn, chưa được giải đáp...

Vụ PCI bùng lên hồi giữa năm ngoái. Kể từ lúc đó, báo chí Nhật liên tục thông báo các dữ kiện liên quan đến sự kiện: Bốn nhân vật từng đảm nhận vai trò lãnh đạo tập đoàn PCI ở Nhật, đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật bắt giữ, kết án vì sử dụng 820.000 đô la, hối lộ cho một số viên chức Việt Nam để được chọn làm nhà thầu, thực hiện ba gói thầu tư vấn cho hai công trình Đại lộ Đông Tây và Cải tạo môi trường nước.
Trong suốt tiến trình điều tra – truy tố và xét xử, cả bốn bị cáo người Nhật cùng xác định, “đối tác” chính trong vụ đưa – nhận hối lộ để được trúng thầu tại Việt Nam là ông Huỳnh Ngọc Sỹ!
Do cả hai công trình đã kể cùng được thực hiện bằng viện trợ của Nhật và cả vì phía Việt Nam thiếu thiện chí trong việc điều tra vụ án đưa – nhận hối lộ này, cuối năm 2008, Ðại sứ Nhật tại Việt Nam thay mặt chính phủ Nhật tuyên bố, Nhật sẽ tạm ngưng viện trợ, cho đến khi chính quyền Việt Nam có những hành động “nhiều ý nghĩa” để bài trừ tham nhũng trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn ODA.
Chuyện Nhật ngưng viện trợ đã khiến hàng loạt dự án quan trọng tại Việt Nam bị đình trệ. Đáng lưu ý là điều đó làm uy tín của Việt Nam sút giảm nghiêm trọng. Cũng vì vậy, Việt Nam đã phải cam kết thực hiện nhiều yêu cầu của các quốc gia cung cấp viện trợ để giữ viện trợ, cũng như được viện trợ trở lại.

“Phúc” to quá!
Ngày 11 tháng 2, đúng vào lúc Hoàng Thái tử của Nhật sang thăm Việt Nam, công an Việt Nam đã thực hiện lệnh bắt ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Khoảng mười ngày sau, Nhật tuyên bố viện trợ trở lại cho Việt Nam.Trong bối cảnh như thế, người ta đã chờ Việt Nam chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng cũng như nỗ lực thực hiện các cam kết của mình.
Sự chờ đợi này phát xuất từ một thực tế, đó là những dự án như Đại lộ Đông Tây và Cải tạo môi trường nước ở TP.HCM liên quan đến rất nhiều ngành (Giao thông Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính,…) và nhiều cấp (thành phố, trung ương).
Thành ra, việc ông Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khiến nhiều người ngạc nhiên bởi nhiều người từng tin ông Sỹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm vì nhận hối lộ.

Lúc ông Huỳnh Ngọc Sỹ vừa bị bắt, trả lời Đài Á Châu Tự Do, luật sư Bùi Quang Nghiêm giải thích: Ranh giới giữa hai tội như hai vòng tròn giao nhau, có phần chung rất lớn. Cho nên nếu như người ta có cảm tình với bị can, bị cáo thì người ta dễ đẩy tội “đưa và nhận hối lộ” thành tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Người ta sử dụng điểm chung trong hai vòng tròn ấy.
Tuy nhiên, Luật sư Nghiêm cũng chỉ dám phỏng đoán: Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ rằng. cả phía Nhật Bản và dư luận báo chí đều cho rằng ông Huỳnh Ngọc Sỹ liên quan đến việc nhận hối lộ. Nếu như được khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn thì phúc của nhà ông Huỳnh Ngọc Sĩ to quá!

Hồi ấy, trên một số diễn đàn điện tử và blog, vài người lạc quan đã từng cho rằng, trong quá trình điều tra, ông Sỹ sẽ bị khởi tố bổ sung về hành vi nhận hối lộ. Song thực tế cho thấy sự lạc quan này thiếu cơ sở!
Giờ chót, ông Sỹ vẫn chỉ bị truy tố về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Cho dù Nhật đã chuyển cho Việt Nam khoảng 4.000 trang tài liệu liên quan đến nghi án Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ, thế nhưng, ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ, giải thích, vì chi phí dịch thuật các tài liệu lên tới cả tỷ đồng, nên chúng đã được lưu kho.

Mới đây, khi xét xử ông Sỹ, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, chủ tọa phiên xử, nhấn mạnh, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Tòa án TP.HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban, ngành, tập thể, tha thiết đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Mặt khác, vì ông Huỳnh Ngọc Sĩ có “nhân thân tốt, có quá trình cống hiến lâu dài, gia đình có công với cách mạng, quá trình làm việc đã đạt nhiều thành tích tốt”, thành ra Hội đồng xét xử chỉ phạt ông Sỹ ba năm tù.
Hình phạt đã tuyên chỉ bằng một nửa hình phạt mà Viện Kiểm sát TP.HCM đề nghị, dẫu cho mức hình phạt mà Viện Kiểm sát đề nghị vốn đã dưới mức bình thường.

Pháp chế, Công lý vận hành theo tiêu chí “phúc”?
Bây giờ, yếu tố “phúc của nhà ông Sỹ to quá” đã trở thành điều hiển nhiên. Người ta thắc mắc: Cứ cho là các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam không đủ cơ sở để khởi tố, truy tố, kết án ông Huỳnh Ngọc Sỹ “nhận hối lộ”, song ít nhất, họ đã có đủ chứng cứ để xác định ông Sỹ “lợi dụng chức vụ quyền hạn”, bỏ túi 52 triệu đồng. Vậy thì tại sao chỉ phạt ông Sỹ ba năm tù?
Đã có khá nhiều thành viên trên các diễn đàn điện tử, nhiều blogger đem chuyện xử ông Sỹ, so sánh với một vụ án khác, mới xảy ra hồi giữa tháng 8.
Chỉ vì dùng một viên đá nhỏ, ném người trông trại vịt rồi vào trại vịt bắt hai con về làm mồi nhậu, ba nông dân ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã bị Toà án huyện kết tội “cướp”, một người bị phạt năm năm tù, hai người bị phạt bốn năm tù, bất kể nạn nhân đã bãi nại.
Một số người nhận định ba nông dân mới kể “vô phúc” khi không phải là cán bộ, không được coi là có “nhân thân” tốt, thiếu “thân nhân” tốt.
Hình như những nhận định ấy không sai thực tế. Thế nhưng nếu nó đúng thì chẳng lẽ cả “pháp chế xã hội chủ nghĩa” lẫn “công lý xã hội chủ nghĩa” lại vận hành theo tiêu chí “phúc”?

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: