Tuesday, October 6, 2009

CON GIUN XÉO MÃI. . . (vụ ông NGUYỄN TRUNG DÂN va báo DU LỊCH)


Con giun xéo mãi…
Nguyễn Ðạt Thịnh
Thứ Hai, ngày 5 tháng 10 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20091005_10.htm

Con giun trong bài báo này là ông Nguyễn Trung Dân, phụ tá chủ bút tạp chí Du Lịch, cơ quan ngôn luận của tổng cục du lịch. Tờ báo ông làm dĩ nhiên là “công báo” như mọi tờ báo khác xuất bản tại Việt Nam: báo in ra và phát hành bằng ngân quỹ của tổng cục du lịch, một cơ quan nhà nước. Ông Dân lãnh lương của nhà nước như mọi công chức khác.Gót giầy xéo con giun Dân là bộ Thông tin và Truyền thông của nhà nước Việt Cộng; bộ này của nhà nước quyết định đình bản tờ báo Du lịch cũng của nhà nước trong ba tháng vì 'sai phạm nghiêm trọng' trong số Tết Kỷ Sửu 2009.
Quyết định ký hôm 14 tháng Tư viết "lãnh đạo báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp và nhạy cảm".
Du lịch Xuân Kỷ Sửu có một số bài đề cập tới chủ đề biên giới lãnh thổ cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quyết định đình bản 3 tháng không nhất thiết có nghĩa là sau 3 tháng tờ Du Lịch được tái bản. Ông Dân viết cho đài BBC, “Đình bản ba tháng (từ 14/4/09 cho đến hôm nay 26/9/09 là 5 tháng 12 ngày) - từng ấy ngày không lương ăn, không việc làm và kinh khủng hơn là không ai thèm biết đến sự tồn tại của hơn 50 con người đang vất vưởng, tội nghiệp, chờ kiếm cho ra một người phụ trách mới.”

Ông hỏi ông phạm “tội gì” mà cả tòa soạn Du Lịch bị trừng phạt nặng nề đến như vậy; câu hỏi giúp ông trả lời, “Có chăng là tội muốn nói lên cho mọi người biết rằng Việt Nam vẫn có - và có nhiều - những thanh niên sẵn sàng xuống đường (và sẵn sàng chết) cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (xem bài “Tản mạn cho đảo xa” của Trung Bảo).
“Và cho dù đã "lỡ lầm" mất Ải Nam Quan thì cũng cần ghi dấu "Hận Nam quan" cho con cháu mai sau biết được rằng: Nước Việt Nam ta hình cong chữ S, liền một dải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (xem Hận Nam quan của Hoàng Cầm).”

Ông Dân cho là ông vô tội vì bài báo của cậu Trung Bảo chỉ nói lên sự thật, nhưng sự thật đó, lại làm gai mắt tòa đại sứ Trung Cộng tại Việt Nam, và do đó trở thành “nhậy cảm”, cấm không được đề cập đến.”
Người cả gan viết lên sự thật “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” --ký giả Trung Bảo-- lại là cậu con trai đầu lòng của ông Dân.
Ông đã từng khuyên con “vào đại học muốn học gì thì học, nhưng đừng học nghề làm báo,” nhưng cậu Trung Bảo vẫn theo nghề của bố; rồi vì bài báo của cậu mà 50 nhân công phục vụ tờ báo trở thành thất nghiệp, không có lương ăn suốt 5 tháng, trong số đó có bố con cậu.
Ông Dân không giận con mà lại giận cái gót giầy đang xéo 50 con giun. Xỉ vả họ, ông viết, “Có phải khi đã yên vị ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc, thì đất nước, lòng yêu nước trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn cái ghế của mình hay không?"

Câu hỏi đầy phẫn nộ, ai cũng biết ông hỏi ai, nhưng những người bị hỏi không buồn trả lời ông. Cũng viết báo như bố con ông, tôi cầu nguyện không bao giờ họ trả lời ông cả, vì chắc chắn họ không trả lời bằng lời, mà bằng nhiều thủ đoạn tàn độc.
Tôi kính phục ông sau khi đọc đoạn ông trần tình với độc giả và giải thích vì sao ông đăng bài báo “nhậy cảm” của Trung Bảo.
Ông viết, “Khi cầm bài báo Trung Bảo viết cho số Xuân Du lịch, tôi đã đắn đo rất lâu. Trong tình hình lúc ấy, với sự nhạy cảm cần thiết, tôi hiểu được điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra.
“Thế nhưng, tất cả những điều có thể xảy ra ấy có khiến tôi chùn tay không dám ký duyệt cho đăng bài viết này, mà khi đọc tôi thật sự xúc động tận tâm can?
“Tôi thương cho bầu nhiệt huyết của lớp lớp tuổi trẻ sẵn sàng xả thân mình, xuống đường biểu tình và có lẽ không ngần ngại hy sinh thân mình khi tấc đất quê hương đang bị xâm chiếm.
“Rồi tôi sợ.
“Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt con tôi, sợ phải nghe câu hỏi là bao nhiêu sự tích anh hùng của cha ông, sao bây giờ lại thế này?”

Thưa ông Dân,
Câu nói dân gian, “con giun xéo mãi cũng quằn” giúp tôi hình dung được sự quằn quại đau đớn của ông, và của 50 người bạn đồng nghiệp với ông. Mọi người đã cúi mặt từ ngày bắt đầu biết cầm bút, và đang đói từ 5, 6 tháng nay chỉ vì ông chọn thái độ không bịt miệng một cậu thanh niên yêu nước viết lên lòng yêu nước của mình nhân danh một thế hệ trẻ.
Ông giúp tôi bớt bi quan với tình hình quốc nội ngày một đen tối hơn trước thái độ hung hãn của một đế quốc Trung Hoa đang tái sinh, và thái độ cúi đầu tùng phục của đám thái thú công trường Ba Ðình.
Cảm ơn ông.


Nguyễn Ðạt Thịnh




Quát Dân

Hieuminh’s blog
05/10/2009
http://hieuminh.wordpress.com/2009/10/05/quat-dan/
“Quát” ở đây là bác Đào Duy Quát, TBT báo Điện tử ĐCS VN, “Dân” là bác Nguyễn Trung Dân, cựu phó TBT báo Du lịch. Mạn phép dùng tên của hai vị cho entry này.Người đọc bình thường ít ai nhớ tên lãnh đạo của các tờ báo. Họ chỉ nhớ bài nào hay và nhà báo nào viết. Nhưng riêng trường hợp bác Quát và bác Dân này thì có hai sự kiện liên quan đến người hàng xóm vĩ đại đã làm các ông trở nên rất nổi tiếng.

Báo Du lịch số Xuân 2009, do các bài viết về Trường Sa, Hoàng Sa đã bị đình bản ba tháng. Báo dám in một bài của nhà thơ Bùi Minh Quốc, người từng có thời bị coi là bất đồng chính kiến. Và một bài khác có tựa đề “Ải Nam Quan” lại trích đăng bài thơ “Hận Nam Quan” trong vở kịch của Hoàng Cầm.
Con trai bác Trung Dân là nhà báo trẻ Trung Bảo có bài “Tản mạn cho đảo xa”, ca ngợi biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc đối với các quần đảo của Việt Nam năm 2007.
Lề phải đã “quát” lề trái. Sau vụ báo Xuân này, bác Dân bị đình chỉ chức vụ và thu thẻ nhà báo.
Vụ xử lý báo chí ấy đã xong nhưng dư chấn vẫn âm ỉ.

Gần đây, dư luận lại bùng lên khi người ta so sánh với bác Quát vì một “tai nạn nghề nghiệp” (nguyên lời của bác Quát) mấy tuần trước.
Vụ này thì hơi “lạ”. Báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam do bác Đào Duy Quát làm Tổng Biên tập, Trung ương Đảng là cơ quan chủ quản, đã dịch ra và đăng tải bài “Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông” do báo Hoàn Cầu (Trung quốc) xuất bản.
Bài báo phô trương sức mạnh của Trung quốc tập trận tại biển Đông có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và dường như “giúp” bạn xác lập chủ quyền vùng đảo biển đang tranh chấp với ta.
Trong thực tế, chính đám blogger rỗi việc “bới ra” vụ động trời này. Theo một nghĩa nào đó, quyền lực thứ 5 (blog) đã “quát” báo chí lề phải. Bài đã được rút xuống và lời xin lỗi bạn đọc sau vài tuần chậm trễ.
Bác Quát bị phạt 30 triệu đồng và bị khiển trách.
Tuy nhiên, so sánh hai vụ, người ta không khỏi băn khoăn.
Một bên đăng báo khuyến khích lòng yêu biển đảo không “đúng lúc” và không được “phép” nên bị tước thẻ, cách chức.
Bên thứ hai đăng bài vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền quốc gia chỉ bị phạt rất nhẹ.
Báo Du lịch cho đến hôm nay sau khi bị đình bản, dù đã hơn 5 tháng, toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc, không có lương ăn. Bác Dân thì chưa biết khi nào được cầm bút trở lại.
Hôm qua (3/10/2009), coi như “xử lý xong rồi”, bác Quát đã đàng hoàng phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu “Biển, đảo Việt Nam” ở Quảng Ninh, rằng, cuộc thi đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, chiến lược của biển, đảo nước ta.
Chỉ có điều bác Quát “quên” không nói, chính vị TBT lại không làm tròn bổn phận đó.
Tờ báo bé bị kỷ luật nặng vì lỗi nhẹ. Tờ báo lớn bị khiển trách nhẹ dù lỗi rất nghiêm trọng.
Dân thấp cổ bé họng dễ bị quát hơn quan. Vì thế, chuyện Quát Dân vẫn còn mãi.
Hiệu Minh. 4 October 2009.

PS. Xin độc giả lưu ý. Cái ghế bác Quát ngồi hình như mới tinh, chưa bóc tem. Nilon dán bên ngoài vẫn nguyên vẹn. Ghế TBT luôn mới nhưng không hiểu tầm nhìn có đổi mới như chính chiếc ghế bác đang ngự.


No comments: