Sunday, October 11, 2009

CHẾ ĐỘ TRUNG QUỐC KHÔNG THOÁT KHỎI VÔ THƯỜNG


Chế độ Trung Quốc không thoát khỏi vô thường
Andrew J. Nathan
Nguyễn Ước dịch

11/10/2009 8:47 sáng
http://www.talawas.org/?p=11380
Lời người dịch: Andrew J. Nathan là giáo sư môn Khoa học chính trị tại Ðại học Columbia, Hoa Kỳ. Ông là đồng biên tập cuốn
The Tiananmen Papers (Hồ sơ Thiên An Môn), (2001), đồng tác giả cuốn China’s New Rulers (Các nhà cai trị mới của Trung Quốc), 2002, và đồng biên tập cuốn How East Asians View Democracy (Người Á đông quan niệm dân chủ như thế nào), 2008. Trong số các sách của ông có Chinese Democracy (Nền Dân chủ Trung Quốc), 1985.
Bài dưới đây dịch toàn văn từ bài “Authoritarian Impermanence” (Tính chất vô thường của chế độ chuyên chế) đăng trong Journal Democracy, số tháng 7 năm 2009, Nxb Johns Hopkins University Press, HK, tt 36-40.
Chúng tôi dùng bài này để đúc kết loạt 13 bài về Trung Quốc, được đăng tải suốt tháng vừa qua, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Loạt bài này cũng được xem như tiếp nối và đối chiếu với loạt 6 bài
“Kinh nghiệm toàn trị tại Trung Quốc” đã được diễn đàn talawas đăng tải cách đây gần 4 năm. Hy vọng cả hai có thể tiếp tay cho vô số bài rất có giá trị của các tác giả khác trên talawas, cung cấp một số thông tin hữu ích (và luôn luôn cần tái đánh giá) về Trung Quốc đương đại cùng các vấn đề nan giải của nó.
Trước khi chấm dứt công việc mà chúng tôi sung sướng xem là một công tác tự nguyện và có cơ may thực hiện này, xin được chân thành cám ơn độc giả đã theo dõi, bằng hữu khích lệ, và đặc biệt, công khó biên tập của BBT talawas.

Nguyễn Ước
----------------------------------

So với các chế độ dân chủ, chắc chắn các chế độ chuyên chế [authoritarianism) có nhiều kiểu hơn, dù chế độ thứ nhất thu hút nhiều chú ý có tính học thuật của chúng ta. Các hệ thống chuyên chế đã và đang ở với chúng ta lâu hơn, cai trị nhiều người dân hơn và trong chừng mực chúng ta biết, trong tương lai chúng có thể cai trị nhiều dân tộc hơn các hệ thống dân chủ. Không nên ngạc nhiên về điều đó nếu chúng ta xét thấy rằng chủ nghĩa chuyên chế là một loại tàn dư của một kiểu chế độ được định nghĩa một cách chật hẹp ([là] sự tự do cạnh tranh chính trị để vào những vị trí cao nhất có quyền lực thật sự), nghĩa là, chế độ dân chủ. Vì là một loại tàn dư, chủ nghĩa chuyên chế không tránh khỏi rất mênh mông và gồm nhiều tiểu loại chế độ rất khác nhau.[1]

Các câu hỏi như làm thế nào các chế độ ấy vẫn tại quyền và chúng biến đổi như thế nào, thường được dùng để thúc đẩy sinh viên chú ý vào chủ nghĩa chuyên chế, chủ nghĩa đoàn ngũ hóa (corporatism), quân phiệt, chủ nghĩa chuyên chế thư lại và chủ nghĩa cộng sản đối chiếu. Nhưng vào đầu thập niên 1990, các chủ đề ấy không còn hợp thời với cái dường như là chiến thắng lịch sử của chế độ dân chủ. Chắc chắn chế độ Trung Quốc (TQ) vẫn còn tại vị, có điều [trên thế giới] đã có vẻ đang tự do hóa; các nhà nước cộng sản nhỏ hơn đã là cái quái dị; và chế độ quân chủ cùng chế độ thần quyền đã có vẻ đang tàn lụi.

Thế nhưng lịch sử vẫn giữ lại sự xảo quyệt của nó – không như một loại mang tính Hegel chủ nghĩa, thao tác theo con đường duy cứu cánh tính qua những hành động mù lòa, mà là một loại hậu hiện đại, phản ứng lại các thông giải của chúng ta bằng một khúc quặt trớ trêu của các biến cố. Hai chục năm sau Thiên An Môn, tính đàn hồi của chế độ chuyên chế TQ vẫn làm chúng ta ngạc nhiên.

Sau khi tra vấn các viễn cảnh cho chế độ dân chủ TQ từ năm 1998 tới năm 2003, Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy) quyết định lưu tâm thêm lần nữa [2]. Chúng tôi đã xem xét có phải các viễn cảnh cho thể chế ấy bị biến đổi vì sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phân cực, hỗn loạn xã hội, giai cấp trung lưu đang nổi lên và sự tự do mới mẻ của internet. Nếu không bị giới hạn về không gian [của tạp chí], chúng tôi đã có thể đặt vấn đề về các tác động của giáo dục và văn hóa phương Tây; sự xuống cấp của môi trường; băng hoại chính trị; chủ nghĩa dân tộc đại Hán; chủ nghĩa dân tộc sắc tộc thiểu số; cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; và các lực lượng to lớn khác đang trắc nghiệm không chút xót thương khuôn khổ tổng thể của trật tự công cộng.

Những đóng góp trong các bài trước bài này làm phong phú tri thức của chúng ta về hệ thống TQ như một chủ nghĩa chuyên chế của một kiểu mẫu mới mà cho tới nay sự am hiểu về nó vẫn còn nghèo nàn, một kiểu mẫu trộn lẫn chủ nghĩa trung ương tập quyền với hàng ngũ doanh gia, độc quyền chính trị với tự do cá nhân, quyền lực cá nhân chủ nghĩa với thủ tục pháp luật, đàn áp với đề kháng, đồng dạng theo chính sách với sự uyển chuyển giải tập trung hóa (decentralyzed flexibility), kiểm soát thông điệp với giao lộ truyền thông (message control with media circus). Một hệ thống vẫn mạnh suốt 20 năm qua không do sự thay đổi ngột ngạt mà do việc nuôi dưỡng nó, không do việc giữ cho một trạng thái tĩnh có tính định chế tồn tại mà do việc uốn nắn hệ tư tưởng của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) cùng các cơ cấu nhà nước để đáp ứng nhu cầu mới. Hệ thống ấy ngày nay cổ vũ các nhà lãnh đạo có trình độ, thực hiện một cách trật tự sự kế thừa chính trị, đẻ ra các chính sách công cộng hữu hiệu, và thu phục sự ủng hộ của đại chúng. Có lẽ nghiên cứu về các động lực của nó sẽ giúp kích hoạt sống động trở lại việc phân tích các hệ thống chuyên chế đối chiếu.

Bóng tối của Tương lai
Nhưng giống với mọi hệ thống phi dân chủ đương đại, hệ thống TQ chịu một khuyết tật bẩm sinh mà nó không thể nào chữa trị, đó là thực tế rằng hình thức chọn lựa chính phủ là do đồng ý chung hơn là hợp pháp (legitimate). Cho dẫu chế độ ấy tuyên bố một các quả quyết rằng nó là một hình thức dân chủ TQ dựa trên cơ sở nó phục vụ người dân và cai trị theo lợi ích của họ, và cho dẫu đa số công dân TQ hôm nay chấp nhận lời tuyên bố đó [3], nó vẫn thừa nhận, và mọi người đều biết, rằng thẩm quyền của nó chưa bao giờ là đối tượng để dân chúng duyệt xét và nó không bao giờ dự tính làm chuyện đó. Theo ý nghĩa đó, chế độ ấy khắc sâu bằng sắt nung như một thiết thực, một cái gì đó tạm thời, có tính chuyển tiếp (quá độ), và người ta cần tới nó để đáp ứng nhu cầu của thời gian [4].

Ngược lại, các chế độ dân chủ thường gợi cho thấy thất vọng và nản lòng nhưng chúng không đối đầu với một hình thức kình địch có thế giá rực rỡ hơn nó [5]. Theo ý nghĩa này, các chế độ chuyên chế không là mãi mãi. Trong chừng mực đa dạng hóa và tuổi thọ của chúng, chúng sống dưới chiếc bóng của tương lai, dễ bị tổn hại trước các thách đố sống còn, những cái mà các chế độ dân chủ trưởng thành không bị đối mặt.

Chúng ta từng quen với những chuyển tiếp như chớp giật và đầy kịch tính tới chế độ dân chủ. Liệu thay vào đó, chế độ TQ có thể cải cách và thích nghi, thích nghi và cải cách, tới một điểm ở đó nó xuất hiện phía bên kia chiếc gương soi như một chế độ dân chủ hơn? Ðây là niềm hy vọng của những phong trào bảo vệ các quyền tại TQ gồm các luật sư, người viết thỉnh nguyện thư, người viết blog và nhà báo, và một vòng tròn rộng lớn các nhóm tôn giáo mà cho tới nay vẫn duy trì cách ứng xử kín đáo để tránh bị đàn áp. Họ hy vọng rằng chế độ sẽ ngày càng bị vướng víu trong lô-gic của các định chế do nó tạo ra như những chiếc van an toàn hầu bảo tồn nền cai trị của nó, thí dụ tòa án và truyền thông. Lúc đó, Ðảng sẽ nhận ra mình bị buộc phải chung sống với một xã hội dân sự có sức mạnh ngang hàng, và TQ sẽ trở thành một chế độ dân chủ mà không có khoảnh khắc biến đổi đầy kịch tính. Hãy cứ gọi đó là một kiểu chuyển biến mới – không đổ vỡ, không tháo gỡ, không hiệp ước mà là liền lạc êm thắm.

ÐCSTQ chống kịch bản đó. Bài học then chốt mà các lãnh tụ của nó học được từ Thiên An Môn là từ chối đối thoại ngang hàng với xã hội. Khi Lý Bằng, vị Thủ tướng ủng hộ đàn áp thẳng tay, mô tả nó trong các cuộc tranh luận với Triệu Tử Dương, vị Tổng Bí thư của Ðảng ủng hộ đối thoại, rằng việc cho phép các sinh viên biểu tình “thương thảo với Ðảng và chính phủ như những kẻ ngang hàng” sẽ là “phủ nhận quyền lãnh đạo của ÐCSTQ và phủ nhận hoàn toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa” [6]. Các biến cố xảy ra sau đó tại Ðông Âu và Liên bang Sô-viết (LBSV) đã xác nhận với hàng ngũ lãnh đạo quan điểm đó [7]. Chế độ đang có ý muốn biến đổi, cách nào cũng được miễn sao giúp nó nắm quyền, nhưng nó không có ý muốn nới lỏng lệnh cấm các lực lượng chính trị hoạt động độc lập. Chính điều này càng khiến cho có khả năng rằng sự thay đổi thể chế, nếu nó xảy đến, sẽ bằng một loại đoạn tuyệt nào đó.

Nhưng sự chuyển tiếp của TQ sẽ không giống của LBSV. Trung Quốc không ở trong cuộc chạy đua vũ trang mà nó không đủ sức. Nó cũng không cạnh tranh quá mức về an ninh với Hoa Kỳ. Các sắc dân thiểu số của nó chỉ chiếm 5 hoặc 6% của thành phần nhân số, và không hơn một nửa. Về mặt hiến pháp, cấu trúc của nó không theo hình thức liên bang với các đơn vị có quyền rút chân ra.

Sự chuyển tiếp của TQ cũng sẽ không giống của Ðài Loan [8]. Chính phủ TQ không cần hội nhập một đa số sắc tộc bị loại trừ trước đó. Nó không cho phép hình thành một phía đối lập có tổ chức hoặc luyện tập cho dân chúng bằng những cuộc bầu cử có tranh đua. Trung Quốc cũng không là một nước phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Do đó, hình thức chuyển tiếp khả thi nhất cho TQ vẫn là kiểu mẫu của Thiên An Môn, với ba thành tố hiệp vào nhau:
(1) một đa số cương mãnh những công dân bất mãn (trong năm 1989 vì lạm phát và tham nhũng, trong tương lai có thể vì nạn thất nghiệp và thảm hoạ môi trường, hoặc một hình thức quốc thể bị sỉ nhục nào đó);
(2) một biến cố mang tính xúc tác; nó gởi tín hiệu cho các lực lượng đang tản mác rằng thời điểm nổi dậy đã tới;
(3) một sự nứt rạn trong giới lãnh đạo (hoặc do những dị biệt cá nhân, tranh giành quyền lực, sự ủng hộ bất định của công an vũ trang và quân đội, hoặc chia rẽ hệ tư tưởng), gây ra phản ứng từ sự bất ổn chóp bu hoặc suy yếu, khiến cho thách đố có cơ hội tăng nhanh.

Việc chế độ tự đánh giá là dễ tổn hại trước một kịch bản y như thế có bằng chứng rõ ràng trong những nỗ lực lớn lao của nó nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của ba thành tố ấy. Nó tìm cách che chắn cho dân chúng khỏi những tác động của cuộc bất ổn kinh tế; mua tính chính thống trong các khu vực xã hội quan trọng; kiểm soát các tin tức xấu; huy động ngoài vòng pháp luật; gây chia rẽ và đàn áp phía đối lập; giám sát xã hội dân sự; kiểm soát các công cụ thao tác mạng lưới internet và điện thoại di động; củng cố công an và bán quân sự; và trên tất cả, giữ cho những bất hoà nội bộ khỏi con mắt của công chúng để cho cơ hội hình thành một sự huy động xã hội vẫn còn không hứa hẹn.

Cho tới nay, các nỗ lực đó của ÐCSTQ thành công trong việc ứng xử với tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên công nhân TQ. Tản mác về lại thôn quê từ nơi họ đã tới và có được công ăn việc làm phát sinh từ gói kích cầu của chính phủ. Chế độ cũng thành công trong việc bóp nghẹt “Linh bát Hiến chương”, một thách đố phức tạp, có tính trí thức và có cơ sở rộng rãi nhất đối với các nguyên tắc cai trị của ÐCSTQ tính từ Thiên An Môn.

Nhưng các thành tố của cuộc khủng hoảng tiềm tàng ấy có thể hội tụ bất cứ lúc nào. Nếu ta thử mường tượng hệ thống TQ đang đối mặt với những loại vấn đề mà các nước như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản vừa mới đi qua – các cuộc chiến tranh không thành công; kinh tế lao thẳng xuống vực; các nhà lãnh đạo không được lòng dân; truyền thông chúi mũi phê bình bắt bẻ; chia rẽ sâu xa về bản sắc văn hoá – ta khó có thể tưởng tượng hệ thống TQ sống sót không kém ta tưởng tượng các chế độ dân chủ đang sụp đổ.

Cái giữ cho các cuộc khủng khoảng chính phủ ấy không trở thành khủng hoảng chế độ là văn hoá công khai bất đồng chính kiến; sự cai trị mạnh mẽ của luật pháp; và năng lực có tính định chế thay đổi các nhà lãnh đạo để đáp ứng sự bất mãn của công chúng mà không thay đổi hệ thống. Nếu năm 1989, TQ chọn một con đường khác thì hôm nay nó có thể có những đặc tính làm cho ổn định đó.

Không có những đặc tính đó, chế độ độc tài chuyên chế phải liên tục thể hiện giống như một đội nhào lộn trên dây cao, ngăn chặn mọi khủng hoảng trong khi giữ cho nó cùng nhau hành động không một kẽ hở hay một lằn nứt. Hôm nay, dựa trên bằng chứng của những đóng góp của chúng tôi [trong những bài này], chế độ TQ đang cố xoay xở để làm điều đó. Nhưng nó không thể nào đủ sức thoát ra.
__________

Chú thích:
[1] Amos Perlmutter, Modern Authoritarianism: A Comparative Analysis (New Haven: Yale University Press, 1981); Juan J. Linz, Totalitarian and Authoritarian Regimes (Boulder, Colo.: Lynnne Rienner, 2000)
[2] “Will China Democratize?” Journal of Democracy 9 (Jannuary 1998); 3-64; and “China’s Changing of the Guard,” Journal of Democracy 14, Jannuary 2003): 5-81.
[3] Tianjian Shi, “China Democratic Values Supporting and Authoritarian System” in Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew J. Nathan, và Doh Chull Shin, biên tập, How East Asian View Democracy (New York, Columbia Unversity Press, 2008), 209-37.
[4] Xem, thí dụ “Zhonggong zhongyang guanyu jiaqiang dang de zhizheng nengli jianshe de jueding” (“Resolution on enhancing the governtment capacity of the CCP – Nghị quyết tăng cường khả năng chính quyền của ÐCSTQ”), 19 tháng Chín 2004. Có ở
http://news.xinhuanet.com/newscenter/2004-09/26/content_2024232.htm.
[5] Yun-han Chu, Larry Diamond, Andrew J. Nathan và Doli Chui Shin, “Asia’s Challenged Democracies,” Washington Quarterly 32 (Jannuary 2009): 143-57.
[6] Zhang Liang, biên dịch, Andrew J. Nathan và Perry Link, biên tập, The Tianmen Papers (New York: Public Affairs, 2001), 118.
[7] David Shambaugh, China’s Communist Party: Atrophy and Adaption (Berkeley: University of California Press, 2009).
[8] Bruce Gilley và Larry Diamond biên tập, Political Change in Chia: Comparisons with Taiwan (Boulder, Colo.: Lynne Rienner, 2008).

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Ước
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog




No comments: