Sunday, October 11, 2009

BÍ THƯ HÀ NỘI : NHO CÒN XANH !


Phải chăng ông bí thư Hà Nội muốn nói “nho còn xanh”?
Người Yêu Nước
10.10.2009
http://www.x-cafevn.org/node/2250
Còn nhớ, khi ông Phạm Quang Nghị mới nhậm chức Bí thư Hà Nội hồi năm 2006, ông đã phàn nàn về sự ọp ẹp của kinh tế thủ đô. Khi đó ông nói sản phẩm nổi tiếng nhất của thủ đô Hà Nội chỉ là cái màn tuyn. Thế rồi sau đó, nào thành ủy, nào ủy ban nhân dân, nào hội đồng nhân dân của thủ đô bàn thảo, thông qua rất nhiều chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, trọng dụng nhân tài...
Còn có cả một chương trình trao tặng các sinh viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi, tổ chức ở Văn Miếu, và có nhiều hứa hẹn sẽ trọng dụng các tri thức trẻ này.

Đến bây giờ mọi chuyện có vẻ im ắng. Các chương trình kinh tế ảm đạm. Có lẽ nổi bật nhất là công trình hầm chui Kim Liên, nhưng lại bị ngập nước ngay khi chưa kịp khánh thành. Niềm tự hào của Hà Nội chuẩn bị đón chào 1000 năm tuổi có vẻ hơi bị xìu xuống một chút. Chương trình trọng dụng nhân tài giờ đây cũng không thấy nói mạnh nữa. Các sinh viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi được trọng dụng như thế nào, có ai được làm giám đốc sở, ban, ngành không,,,cũng không thấy ai nói đến nữa. Thế rồi đầu tháng 10 năm nay 2009, khi cả Hà Nội vẫn đang sôi sục chuẩn bị đón chào Hà Nôi - Thăng Long 1000 năm tuổi, ông bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông trả lời “với Hà Nội, văn hóa quan trọng hơn”.

Có cảm giác ta đang đọc chuyện ngụ ngôn của Edop, “Nho còn xanh”. Con cáo thèm ăn nho chín ở trên cây, nhưng cây cao quá, không với tới được. Con cáo chữa ngượng vì sự yếu kém của mình, không lấy nho được, bằng cách nói “nho còn xanh”, ta không thèm ăn.
Phải chăng những nỗ lực của ông bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị, của cả tập thể thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân đều không đủ khả năng làm phát triển kinh tế Hà Nội, nên đành chuyển hướng sang văn hóa?

Tất nhiên là dưới sự chỉ đạo của thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân (cơ quan chỉ đạo có lẽ hơi nhiều chăng?), nên kinh tế Hà Nội cũng đã có sự phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua. Nhưng nó đã vượt qua được trình độ “màn tuyn” chưa, thì có lẽ chưa.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày mồng 9 tháng 10 năm 2009, ông bí thư nói nhiều về các mục tiêu văn hóa mà người Hà Nội phải phấn đấu thực hiện, đó là các công trình văn hóa như thư viện, công viên, nhà bảo tàng,,,và nhất là tính cách văn hóa của người Hà Nội như thanh lịch, văn minh, tôn trọng pháp luật... Thế nhưng cả nhà báo phỏng vấn, lẫn ông bí thư trả lời, đều không thấy hỏi, và nói là làm thế nào để thực hiện các mục tiêu văn hóa đó, nhất là các giá trị văn hóa vô hình, như tính cách người Hà Nội.

Làm thế nào để người Hà Nội không phóng uế bừa bãi, không xả rác lung tung, không vặt hoa, bẻ cây, không văng tục, chửi bậy, để lái xe ta-xi không lừa tiền của khách, để cán bộ Nhà nước không hách dịch, cửa quyền, để cảnh sát giao thông lịch sự với dân, để tòa án tôn trọng luật pháp, không kết án ông Huỳnh Ngọc Sỹ quá nhẹ, với lý do nhân thân tốt...
Không thấy ông bí thư Hà Nội đề cập các giải pháp để thực hiện các mục tiêu văn hóa này.

Và nhất là một thái độ văn hóa nhất, là dũng cảm thừa nhận cái yếu kém của mình, chứ không đánh trống lảng kiểu như “nho còn xanh”, thì chưa thấy ông bí thư Hà Nội làm.


No comments: