Wednesday, October 21, 2009

"BỆNH SÔ-VIẾT" LAN TỚI TRUNG QUỐC


"Bệnh Sô Viết" lan tới Trung Quốc
Arthur Waldron
Theo The FEER

tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Ba, 20/10/2009
http://danluan.org/node/2981
Tóm tắt: Giống như Liên Bang Sô Viết, kinh tế phát triển đã dẫn tới sự nảy nở của các nhóm lợi ích trong lòng Trung Quốc. Các mâu thuẫn lợi ích ngày càng trầm trọng bắt buộc Trung Quốc phải tìm giải pháp để tạo sự hài hòa - nếu không muốn bất ổn xã hội nổ ra, hoặc lãnh thổ tan rã thành nhiều mảnh.

Giải pháp của các nước phương Tây cho vấn đề này - tự do ngôn luận, luật pháp công bằng và sự đại diện của các lợi ích trong một diễn đàn dân chủ - vẫn là điều cấm kỵ đối với Đảng CSTQ. Do vậy, Trung Quốc sẽ bước trên con đường mà Liên Sô đã từng đi trước kia: Cởi mở từ từ và dân chủ một cách hạn chế trong đảng. Tuy rằng giải pháp này sẽ giúp các bất đồng có cơ hội lưu chuyển, nhưng nó không đưa ra cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, và như thế Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi số phận giống Liên Sô.

Hội nghị cấp cao gần đây của Đảng CSTQ – Kỳ họp thứ tư của Ban Chấp Hành Trung Ương – đã đưa ra kết luận với lời kêu gọi: “ủng hộ mạnh mẽ sự lãnh đạo dân chủ của nhân dân [Trung Quốc] bằng dân chủ hóa trong chính nội bộ Đảng”. Nếu xét đến thực tế là không tồn tại dân chủ thực sự tại mọi cấp độ ở Trung Quốc, kết luận này – được nhấn mạnh trong thông cáo báo chí – cho thấy Đảng CSTQ đang tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề cơ bản theo con đường riêng của mình. Cũng như Liên bang Sô Viết trong thời điểm sắp tan rã, Trung Quốc đang vật lộn với những phức tạp và khác biệt xã hội ngày càng tăng, cả chính trị lẫn chủng tộc, điều đe dọa quyền lực độc tôn của Đảng.

Các Mác tin rằng lịch sử loài người là một tiến trình thuần nhất, trong đó bánh xe biện chứng từng bước biến sự phức tạp thành đơn giản. Do đó mà hàng vạn tầng lớp dưới thời phong kiến đã được thay thế bằng những cấu trúc đơn giản hơn gồm giai cấp lao động công nghiệp dưới thời tư bản chủ nghĩa. Mác tin rằng những người công nhân cuối cùng sẽ trở thành hoàn toàn thuần nhất, một nhóm người cùng chia sẻ một lợi ích chung đơn giản. Một khi lũ tư bản bị loại bỏ, một xã hội tự quản sẽ hiện ra, bởi vì tất cả các thành viên trong đó cùng chia sẻ những lợi ích chung.

Tại Đông Âu, rồi đến Liên Bang Sô Viết, và cuối cùng là Trung Quốc, tiên đoán này của Mác đã được chứng tỏ là sai lầm. Thay vì biến mất, những lợi ích đa dạng đã tăng lên với cấp số nhân. Mikhail Gorbachev đã cố gắng tái thiết lại Liên Bang Sô Viết theo cách của mình nhằm hạ nhiệt những xung đột ngày càng tăng dưới thời xã hội chủ nghĩa, và cuối cùng dẫn tới cái mà ông gọi là soglacie, hay “hài hòa”. Hồ Cẩm Đào cũng có mục tiêu y đúc, đó là tìm cách tạo ra “một xã hội hài hòa” khi hàng loạt những tranh chấp – đôi khi là xã hội, đôi khi là chủng tộc, và đôi khi là từ chính trong nội bộ Đảng – đã và đang tạo ra một tình trạng mà không ai có thể coi là “hài hòa”.

Vấn đề này đã được nhận diện từ lâu bởi các nhà phân tích xã hội. Nhưng cách thức mà nó được thảo luận ở Trung Quốc bây giờ lại nhận được nhiều chú ý nhất, bởi vì vấn đề cơ bản ở quốc gia này, đang mỗi ngày một lớn, là sự không tương xứng giữa một xã hội phức tạp và một chính quyền yếu – không có khả năng quản lý xã hội. Nó cũng cho thấy áp lực đặt lên sự không hài hòa giữa các nhóm sắc tộc, cũng như sự không hài hòa trong Đảng – ví dụ như sự mất hài hòa đã ngăn cản quyết định ông Tập Cận Bình sẽ là người lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc, trong hội nghị cấp cao vừa qua.

Tranh luận về vấn đề này tại Trung Quốc bắt đầu từ thời kỳ tự do hóa dưới thời Thủ tướng Triệu Tử Dương (cầm quyền từ năm 1980 tới 1987). Trên tờ Tạp chí Bắc Kinh năm 1987, chúng ta thấy một loạt bài viết của Luo Rongxing và những người khác, trong đó có bài “Những nhóm lợi ích khác nhau dưới thời Chủ nghĩa xã hội”, đã chỉ ra sự đa dạng xã hội dưới thời cộng sản Trung Quốc đã phát triển thế nào, giống như nó đã phát triển ở Liên bang Sô Viết:
"Một thực tế không thể chối cãi là ở Trung Quốc hiện nay tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau, những người có cách hiểu tình hình khách quan một cách khác nhau… Hệ thống chủ nghĩa xã hội có lợi thế là có khả năng tốt nhất trong việc xác định các lợi ích của người dân cùng với các lợi ích của toàn xã hội, nhưng vẫn có những sự khác biệt về lợi ích giữa các nhóm nhân dân”.

Ông Luo và các đồng nghiệp cho biết: “Kể từ 1978… đổi mới đã đa dạng hóa các hình thức sở hữu công cộng, kích thích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, cá thể và các loại hình kinh tế khác, phát triển mối quan hệ giữa hàng hóa và tiền tện, đề cao vai trò của điều tiết thị trường, và phá vỡ hệ thống phân phối bình quân chủ nghĩa. Tất cả điều trên có nghĩa là những quan hệ lợi ích đã thay đổi toàn diện – khiến chúng trở nên đa dạng, phức tạp và rõ ràng hơn bao giờ hết.”

Các tác giả sau đó đã đưa ra hàng loạt ví dụ. Ở nông thôn, “các hộ gia đình tham gia sản xuất hàng thủ công truyền thống, các hộ gia đình được chuyên môn hóa, hợp tác xã và công ty kết hợp nông nghiệp với công nghiệp và thương mại, các doanh nghiệp cổ phần do cá nhân sở hữu v.v..” – chưa kể đến các nhà nông truyền thống – “tất cả đều có những lợi ích riêng của mình”. Trong thành phố, “những người làm việc ở các ngành công nghiệp và doanh nghiệp với các hình thức sở hữu khác nhau cũng có những lợi ích khác nhau”. Lợi ích của “các nhân viên và trí thức trong chính phủ cũng đã đa dạng hóa với cuộc cải tổ hệ thống nhân sự”. Đó là chưa kể đến “mối quan hệ lợi ích hết sức phức tạp giữa các thành phố và nông thôn, giữa quan chức và người dân, giữa các ngành nghề, giữa các nhóm tuổi, giữa các công dân có trình độ văn hóa khác nhau, giữa chính quyền địa phương và trung ương, giữa các vùng gần bờ biển và các vùng xa… và giữa người mua và người bán. Tất cả những quan hệ lợi ích này đang dịch chuyển, tạo ra những sự khác biệt và xung đột mới, điều cần phải được tính đến khi cân nhắc các cuộc cải cách kinh tế và chính trị ở Trung Quốc”.

Cơ chế mới, họ cho rằng, phải được thành lập để đại diện và điều chỉnh các lợi ích này, nếu không xã hội Trung Quốc sẽ gặp rủi ro hoảng loạn, xung đột hay phân rã. Các phương thức trong quá khứ không còn có thể sử dụng. Trước các cải cách, “dân chúng và cán bộ đều dễ dàng được lái khỏi nhận thức rằng có sự khác biệt rõ ràng về lợi ích giữa các nhóm khác nhau trong cộng đồng: Các xung đột và khác biệt giữa các nhóm người chẳng qua là một phần của ‘đấu tranh giai cấp’.” Nhu cầu về một giải pháp mang tính thể chế và có cấu trúc bền vững đang ngày càng rõ ràng.
Khi Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa sau năm 1978, nó đã trở nên giàu có hơn, và có học hơn. Khi người Trung Quốc sử dụng tài năng của họ vào nhiều lĩnh vực đa dạng, đương nhiên là xung đột lợi ích bắt đầu phát triển. Vấn đề là giải pháp mà nhiều quốc gia đã sử dụng – bao gồm tự do ngôn luận, luật pháp công bằng và sự đại diện của các lợi ích trong một diễn đàn dân chủ - vẫn là điều cấm kỵ đối với Đảng CSTQ.

Điều duy nhất mà ông Luo có thể làm là trích lời Li Jun thuộc Viện nghiên cứu Đổi mới Kinh tế Trung Quốc để chứng minh hậu quả của những thay đổi mà ông đang nghiên cứu là tốt cho xã hội: “Sẽ là điều có ý nghĩa đối với chúng ta nếu nhận thức và hiểu được rằng có nhiều nhóm lợi ích khác biệt đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Chúng ta cũng phải nỗ lực điều phối và xử lý những bất đồng xảy ra từ sự khác biện đó”.
Và đó là lập luận xa nhất mà cuộc thảo luận những năm 1980 đả động tới. Sau khi Lý Bằng trở thành Thủ tướng vào tháng 8/1988, thái độ ủng hộ rộng rãi đối với chủ đề này nhanh chóng thay đổi. Một bài bào trên tờ Tạp chí Peking có tên “Kiểm soát sự đa dạng hóa các lợi ích” không hề bàn về cách nuôi dưỡng các lợi ích đang bùng nổ ở Trung Quốc, mà thay vào đó cho biết: “các chương trình phát triển và cải tổ tương lai sẽ được quyết định chủ yếu dựa vào liệu đó có phải là cách hiệu quả để hạn chế sự đa dạng hóa các lợi ích và khắc phục các yếu tố tiêu cực có liên quan khác”.

Biện pháp duy nhất được đưa ra là “thiết lập hàng loạt các cơ chế kinh tế định hướng thị trường mới” (mặc dù làm thế nào thị trường có thể ngăn được sự đa dạng hóa lại không thấy nói tới) và những luận điệu cũ rích: “tăng cường giáo dục ý thức hệ, xây dựng khái niệm đặt lợi ích nhà nước và người dân lên hàng đầu, và hi sinh lợi ích cục bộ vì đại cuộc. Đạo đức chuyên môn và đạo đức xã hội phải được khuyến khích. Nhìn chung, quá trình phát triển văn hóa và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa phải được đẩy mạnh”. Nói cách khác, đồng dạng (homogeneity) phải được củng cố và phát triển phải bị hạn chế, ngay cả khi phải trả giá bằng phúc lợi xã hội. Kể từ đó cuộc tranh luận tiếp tục ở Trung Quốc, thăng trầm cùng với bầu không khí chính trị, trên nhiều cuốn sách và bài viết.

Ông Gorbachev tin rằng sự cởi mở, hay glasnost, cùng với cải cách cơ cấu, hay perestroika, sẽ giải quyết được vấn đề. Điều đó đã không xảy ra, bởi mặc dù nó cho phép sự bất đồng được lưu chuyển, nó không cung cấp một cơ chế để giải quyết chúng. Ở Trung Quốc hiện giờ, bất đồng thậm chí không được biểu lộ một cách chính thức, một hạn chế dẫn tới những bất ổn và phản kháng ngày càng mạnh mẽ hơn. Thậm chí nếu chúng được công khai, thì chẳng có gì trong các cơ chế giải quyết tranh chấp và pháp lý hiện tại có đủ năng lực để làm việc với những lợi ích mới đang đua nhau phát triển, cũng như các xung đột do chúng tạo ra.

Câu hỏi đặt ra là liệu biện pháp mà ông Hồ đưa ra có giải quyết được vấn đề này thành công hơn là ông Gorbachev không? Hậu quả của giải pháp của ông Gorbachev là Đảng buộc phải từ bỏ quyền lực độc tôn của mình, và thay vào đó bằng một hệ thống chính quyền phức tạp hơn, trong đó các lợi ích được đại diện và cân bằng, mặc dù vẫn không hoàn toàn công bằng.

Cũng giống như Trung Quốc, trật tự xã hội ở Liên Bang Sô Viết được quyết định bởi chính sự phát triển của nó. Trong những năm dưới thời Brezhnev, dân chúng đã thay đổi cách sống khiến nó không còn đồng nhất như trước đó. Năm 1950, năm ông Gorbachev vào trường Đại học Moscov, có 1,25 triệu sinh viên học đại học, chiếm khoảng 3% dân số. Nhưng đến cuối những năm 1970, 10% dân số Liên Sô đã học hết đại học. Khoảng 70% đã học hết cao học, so với con số 40% năm 1950. Những ngành khoa học, toán học và kỹ thuật – và cả một số các ngành khác – được cầm đầu bởi những người có trình độ quốc tế; mặc dù họ vẫn phải phủ lên mình một vài tấm áo ngụy trang chính trị. Khả năng tư duy phân tích và sáng tạo về tất cả các vấn đề được giao, không tránh khỏi, sẽ dẫn tới những suy nghĩ về những vấn đề không được giao, ngay cả những chủ đề nhạy cảm. Miêu tả này hoàn toàn phù hợp với Trung Quốc hôm nay.

Đối với các nhà lãnh đạo Sô Viết, đây là một bước tiến hoàn toàn không ngờ tới và không được đón nhận nồng nhiệt. Bắt đầu vào giữa những năm 1970, thể chế này, cũng giống như lãnh đạo Trung Quốc sau năm 1988, đã ngày càng nỗ lực đè nén và ngăn cản các nghiên cứu xã hội học dám chống lại tiên đoán của Mác về “sự đơn giản hóa của xã hội”.

Một số học giả cộng sản cho rằng những vấn đề nêu trên có thể được giải quyết. Nhưng việc Sô Viết sử dụng học thuyết lãnh đạo của Brezhnev đã cương quyết phủ nhận quá trình thống nhất nội bộ mạnh hơn sẽ diễn ra hoàn toàn do sự phát triển tự phát của xã hội. Cũng giống như bài báo Trung Quốc thứ hai được trích dẫn ở trên, họ khăng khăng rằng nếu phát triển xã hội không được lên kế hoạch một cách có ý thức, thì tốc độ tăng trưởng của khác biệt và phức tạp sẽ dẫn tới vô chính phủ và phân rã.

Đó là vì ngay dưới chủ nghĩa xã hội, những “mâu thuẫn” vẫn tiếp tục gia tăng. Những mâu thuẫn xã hội này không còn là điều kiện “sống còn” của xã hội cũ. Chúng được nhìn nhận như là nazhitki, “sự thụ đắc”, hay sản phẩm của chính chủ nghĩa xã hội. Thảo luận của Trung Quốc về vấn đề này được xây dựng trên hơn 20 năm tranh luận của Liên bang Sô Viết.

Sự khác biệt trở nên đặc biệt đáng lo ngại, khi xét tới vấn đề sắc tộc. Câu nói của Nikolai Leonov, chuyên viên phân tích cao cấp tại KGB, có lẽ được biết đến nhiều ở Trung Quốc: "Liên Bang Sô Viết giống như một thanh kẹo sô-cô-la: nó có những đường vạch chia sẵn, rất tiện để bẻ ra chia nhau”.

Trung Quốc đương nhiên là rất lo lắng trước những căng thẳng sắc tộc bắt đầu nổ ra vào năm ngoái. Những lo lắng này càng trầm trọng hơn bởi mô hình Sô Viết cơ bản, gồm những bang sắc tộc có vẻ có quyền tự trị nằm trong một quốc gia lớn hơn, chính là thứ được Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa sử dụng. Quá lo sợ trước nguy cơ phân rã tại các đường nối sắc tộc, một số học giả Trung Quốc đã kết luận rằng ý tưởng một liên bang dựa trên các lãnh thổ sắc tộc tự trị là sai lầm. Họ tranh luận rằng “cần phải đưa ra ý nghĩa mới cho quyền tự quyết của dân tộc, để làm giảm bớt tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, và hỗ trợ cho sự bảo toàn và thống nhất của một quốc gia đa sắc tộc.”

Quan điểm nói trên có lẽ đã được đem vào thực hiện ở Trung Quốc. Người ta đang nỗ lực thực hiện dự án bằng cách nào đó biết tất cả những ai sống trong biên giới CHND Trung Hoa thành người Trung Quốc, một phần của dòng dõi Trung Hoa, và như thế tiến tới đồng nhất sắc tộc – được củng cố bằng những vụ lụt lội tại các khu vực dân tộc thiểu số ở Trung Quốc – thay cho sự đồng nhất kinh tế đã không xảy ra. Chúng ta chỉ cần nhìn vào những cuộc trình diễn tại quảng trường Thiên An Môn trong ngày Quốc Khánh, qua cách thể hiện các sắc tộc khác nhau ở Trung Quốc như một phần của toàn bộ quốc gia, cũng có thể thấy rằng người ta đang chú ý tới vấn đề sắc tộc nhiều hơn là vấn đề giai cấp. Đó là sự khác biệt với Liên bang Sô Viết, khi tư tưởng “người Sô Viết” (hay Sovetskii narod) đã bị lảng tránh một thời gian dài, và chỉ được đưa ra vào những ngày cuối cùng.

Đó cũng là một vấn đề khác cho Trung Quốc. Tại Liên Sô, sự giải tán Đảng là kết quả của hàng loạt các sự kiện không lường trước sau khi các chính sách của Gorbachev được thực hiện. Liên Sô không có những vấn đề sắc tộc như chúng ta thấy ngày hôm nay ở Trung Quốc vào những năm cuối cùng của nó. Không giống như Đảng CS Liên Sô lúc đó, Đảng CS Trung Quốc ngày hôm nay đầy “những vạch chia sẵn” trên thanh kẹo sô-cô-la.

Trái lại với lịch sử Đảng CS Sô Viết, lịch sử Đảng CSTQ đầy những chủ nghĩa bè phái kinh niên, ngay cả khi những nhân vật oai trấn quần hung như Mao hay Đặng còn đang nắm quyền. Sự đa dạng xã hội chỉ củng cố thêm và thúc đẩy chủ nghĩa bè phái này. Vai trò lãnh đạo yếu, không có nhân vật nào có quyền thống trị hơn người khác, là tình hình hôm này, lại càng làm tình hình trầm trọng.
Ít cặp nào có thể khác biệt hơn, ngài Mikhail Gorbachev, một lãnh đạo cộng sản nhân đạo, và ngài Hồ Cẩm Đào, một nhà độc tài lạnh lung. Thế mà ở đây, ngài Hồ Cẩm Đào trong hội nghị lần thứ tư, rõ ràng đã bỏ qua các giải pháp khác, gợi ý một nền dân chủ trong nội bộ Đảng, đối với một vài người chính là glasnost của Gorbachev, nhằm tìm kiếm hài hòa trong quốc gia và trong đảng. Điều này có lẽ không làm ai ngạc nhiên. Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính cấu trúc cơ bản giống Sô Viết trước đây, và nó sẽ đi lại đúng con đường mang tính ứng biến của những người cộng sản.

___________________

Arthur Waldron là giáo sư nghiên cứu về các quan hệ quốc tế tại Đại học Pennsylvania.



No comments: