Tuesday, October 6, 2009

ASEAN NGÀY CÀNG NGHI NGỜ TRUNG CỘNG


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
CÁC NƯỚC ASEAN NGÀY CÀNG NGHI NGỜ TRUNG QUỐC
Thứ Tư, ngày 30-9-2009
(Tổng hợp từ nguyệt san “Bình luận phòng vệ Hán Hoà”, “Bình luận Trung Quốc” số tháng 9/2009, tờ “Đại công báo” và “Đông phương Nhật báo” của Hồng Kông số ra gần đây)
Thời gian gần đây, sau khi quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan có xu thế hoà hoãn cũng như thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (biển Nam Trung Hoa) đã dẫn đến sự nghi ngờ phổ biến và ngày càng gia tăng của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Hơn thế, mối nghi ngờ này có xu thế công khai hoá, thậm chí dẫn đến sự chuẩn bị cao độ trên phương diện quân sự của một số nước ASEAN hữu quan.

1 – Biểu hiện cụ thể
Hồi tháng 4/2009, tại Lễ duyệt binh trên biển của lực lượng Hải quân Trung Quốc, trong số các nước ASEAN, ngoài Xinhgapo, đã không có nước nào điều động tàu hải quân đến tham dự. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng đây là một bằng chứng chứng minh cho sự nghi ngờ và cảnh giác của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Còn Hải quân Xinhgapo sở dĩ điều động tàu hải quân tham gia Lễ duyệt binh này của Trung quốc, chủ yếu là do trước đây, trong thời gian diễn ra “Triển lãm và Hội thảo Hải quân quốc tế lần thứ 2” (IMDEX) tại Xinhgapo, Trung Quốc đã điều động tàu hải quân đến thăm Xinhgapo.
Bên cạnh đó, tình trạng các nước ASEAN không mua sắm trang bị vũ khí quân sự của Trung Quốc đã bộc lộ rõ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngoài “viện trợ” vũ khí cho Chính quyền quân sự Mianma, không bán được cho các nước ASEAN bất kỳ một loại trang bị vũ khí nào. Ngoài ra, gần đây còn xuất hiện động thái các nước ASEAN tiến hành liên kết cùng đối phó với Trung Quốc, hoặc dựa vào phương Tây để cân bằng với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông. Việt Nam và Malaixia là điển hình của phương thức này.

2 – Lý do khiến ASEAN nghi ngờ Trung Quốc

Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn tại khu vực Biển Đông, như xây dựng mở rộng căn cứ hải quân quy mô lớn cho tàu ngầm hạt nhân và tàu mặt nước (thậm chí cả tàu sân bay trong tương lai) tại đảo Hải Nam; bố trí tàu đổ bộ cỡ lớn “071” tại Biển Đông; tiến hành các cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên biển quy mô lớn v.v. Vấn đề khiến các nước ASEAN lo ngại là ý đồ của Trung Quốc trong việc xây dựng căn cứ lớn cho tàu ngầm hạt nhân và tàu mặt nước tại đảo Hải Nam cũng như ý đồ của Trung Quốc bố trí tàu đổ bộ cỡ lớn “071” tại Biển Đông. Rõ ràng, nhìn từ góc độ các nước ASEAN, hành động này của Trung Quốc đã chứng minh: Trung Quốc bắt đầu đi theo phương hướng chuẩn bị quân sự cụ thể cho biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Thái độ Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông tỏ ra cứng rắn hơn cũng như Trung Quốc có động thái bố trí nhiều hơn tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân tại căn cứ ở đảo Hải Nam. Quan chức Hải quân Trung Quốc từng tuyên bố có đủ năng lực bảo vệ Biển Đông, thậm chí hô hào Trung Quốc cần “tiên lễ hậu binh” (ngoại giao trước, quân sự sau) trước các hành động “khiêu khích” Trung Quốc của các nước xung quanh Biển Đông. Điều này khiến giới quân sự ASEAN lo ngại không hiểu quan chức hải quân Trung Quốc tuyên bố có đủ năng lực bảo vệ biển Nam Trung Hoa là có ý gì.
Hải quân Trung Quốc đưa ra khái niệm “biên giới lợi ích” và tuyên bố “biên giới lợi ích” của Trung Quốc tới đâu, sứ mệnh của hải quân cần bảo vệ tới đó. Hầu hết các nước ASEAN cho rằng nếu nói “biên giới lợi ích”, các nước đều có, không chỉ mình Trung Quốc có “biên giới lợi ích”. Tuy nhiên, điều khiến các nước ASEAN càng nghi ngờ Trung Quốc hơn là không hiểu rốt cuộc Trung Quốc sẽ bảo vệ cái gọi là “biên giới lợi ích” như thế nào. Giới quân sự các nước ASEAN bày tỏ cách nói “biên giới lợi ích” của Trung Quốc là không thuận, không phù hợp cũng như không có luật quốc tế làm căn cứ. Trong khi đó, phía Trung Quốc đưa ra giải thích chung chung: “biên giới lợi ích” mà Trung Quốc đề cập là xuất phát từ nguyên tắc công bằng, bảo đảm chắc chắn phân chia khu vực trách nhiệm chống cướp biển.
Trung Quốc thừa nhận đang nghiên cứu đóng tàu sân bay, tuy nhiên Trung Quốc chưa từng công khai tiến trình và kết quả cụ thể, khiến mối nghi ngờ của các nước ASEAN đối với Trung Quốc ngày càng tăng. Phía Trung Quốc cho biết hiện nay, nước này đang trong quá trình nghiên cứu đóng tàu sân bay, đợi đến khi có kết quả cụ thể sẽ công bố công khai. Ngoài ra, Trung Quốc luôn nhấn mạnh hải dương hài hoà, nhưng gần đây lại có những hành động ngăn chặn tàu của Mỹ thực hiện nhiệm vụ khảo sát, thăm dò ở vùng biển quốc tế thuộc khu vực Biển Đông. Điều này cho thấy “hình tượng quốc tế” của Trung Quốc đang có vấn đề. “Sách Trắng quốc phòng” mà Ôxtrâylia công bố gần đây đã nêu rõ cần cảnh giác cao độ với thái độ của Trung Quốc.
Quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan có xu thế hoà hoãn, Trung Quốc có điều kiện tập trung sức mạnh quân sự tại Biển Đông, điều này đã dẫn đến sự nghi ngờ phổ biến của các nước ASEAN đối với Trung Quốc và mối nghi ngờ này dường như đã công khai hoá.

3 – Hệ quả
Các nước ASEAN liên kết với nhau, thậm chí dựa vào cường quốc phương Tây đối phó với Trung Quốc. Ví như hồi cuối tháng Tư đầu tháng Năm, trong vấn đề vạch đường ranh giới phân chia khu vực ngoài thềm lục địa 200 hải lý, Việt Nam đã cùng với Malaixia đưa ra phương án phân chia chung tại Biển Đông. Đa số các nước ASEAN không chỉ bắt đầu nghi ngờ Trung Quốc trong vấn đề “biên giới lợi ích”, mà còn đưa ra vấn đề trước hiện tượng gần đây hải quân Trung Quốc liên tiếp bày tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề biển Nam Trung Hoa. Tư lệnh hải quân Malaixia từng công khai nhấn mạnh nếu như những tàu ngư chính của Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaixia, Hải quân Malaixia có quyền xua đuổi.
Những hành động của Trung Quốc đã gây ra phản ứng chính trị ở tầng nấc tối cao. Hồi đầu tháng 3/2009, đích thân Thủ tướng Malaixia Abdullah Badawi tới thăm đảo Layang (đảo Hoa Lau) thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa), hòn đảo mà Trung Quốc cho rằng còn tồn tại tranh cãi chủ quyền. Tiếp sau đó, Tổng thống Philippin Gloria Arroyo đã ký “Dự luật đường lãnh hải cơ sở”. Việt Nam bổ nhiệm quan chức hành chính quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa v.v. Rõ ràng cấp phản ứng chính trị của các nước ASEAN đối với Trung Quốc ngày càng nâng cao, thậm chí lên đến cấp cao nhất.
Nỗ lực xuất khẩu kỹ thuật, trang bị vũ khí sang thị trường các nước ASEAN là bằng không. Tại IMDEX – 2007, công ty tàu thuyền Trung Quốc đã tham gia triển lãm, giới thiệu với Thái Lan và Malaixia tàu đổ bộ cỡ lớn “071”. Còn IMDEX – 2009 (từ ngày 12 – 14/5/2009, tại Xinhgapo), không có công ty tàu thuyền nào của Trung Quốc tham dự triển lãm vì cho rằng không có hiệu quả. Hải quân Malaixia đã tuyên bố rõ ràng với Trung Quốc: Hải quân Malaixia đang xem xét mua tàu đổ bộ của nước khác ngoài Trung Quốc. Hãng DAMEN của Hà Lan thừa nhận đã hai năm liền giới thiệu bán cho Malaixia tàu đổ bộ ENFORCER 13.000 tấn. Ngoài ra, quan chức phụ trách thị trường của Công ty ThyssenKrupp (Đức) xác nhận Malaixia đang nhờ ThyssenKrupp tư vấn mua tàu đổ bộ cỡ lớn MHD – 200 trọng tải từ 17.000 – 20.000 tấn. Tính đến nay, trang bị quân sự mà Trung Quốc giới thiệu bán cho Malaixia, chưa có thương vụ nào thành công. Điều này chứng tỏ Malaixia đã đưa ra phương châm mua sắm vũ khí cơ bản: không trực tiếp nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nỗ lực của Trung Quốc tham gia đầu thầu đóng tàu đổ bộ cho Hải quân Thái Lan cũng không có kết quả. Tháng 11/2008, Hải quân Thái Lan đã cùng với hãng ST Marine của Xinhgapo chính thức ký kết hợp đồng trị giá 200 triệu USD. Theo đó, Thái Lan sẽ nhập khẩu 1 tàu LPD lớp 8.000 tấn, 2 tàu LCM Mic-23, 2 tàu LCVP Mic 13 của Xinhgapo. Quan chức phụ trách chương trình thị trường của ST Marine cho biết tháng 7/2009, ST Marine đã bắt đầu đóng thân tàu LDP, năm 2012 sẽ giao hàng cho Hải quân Thái Lan. Nguồn tin từ Hải quân Thái Lan cho biết hiện Thái Lan không lựa chọn mua tàu đổ bộ cỡ lớn “071” của Trung Quốc là do kết quả đấu thầu. Nhưng trên thực tế, vấn đề mua sắm tàu thuyền do Trung Quốc sản xuất là vấn đề gây tranh cãi nhất ở Thái Lan. Bởi vì hai tàu hộ vệ tên lửa 3.000 tấn Thái Lan mua của Trung Quốc trước đây, hiện nay hệ thống rađa và hệ thống điện liên tiếp bị trục trặc, hơn thế sửa chữa mất rất nhiều thời gian. Hải quân Thái Lan dự tính trong điều kiện có kinh phí, sẽ mua hệ thống Atlas Elektronik của Đức để thay thế cho hệ thống điện trên tàu mua của Trung Quốc. Ngoài ra, hệ thống trợ đáp của hai máy bay trực thăng OPV mà Thái Lan mua của Trung Quốc gần đây nhất, trên phương diện chỉnh thăng bằng cũng nhiều lần xuất hiện vấn đề.
Các nước ASEAN nhấn mạnh năng lực tác chiến chống ngầm trong xây dựng lực lượng hải quân và không quân. Cụ thể, tại khu vực Biển Đông, các nước ASEAN phổ biến lấy nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm làm đối sách cụ thể ưu tiên phát triển hải quân. Trong năm nay, Malaixia sẽ tiếp nhận chiếc tàu ngầm chạy đầu Scorpenne đầu tiên do Pháp sản xuất và Hải quân Malaixia sẽ phân chia thành hai khu vực tác chiến chống ngầm. Việt Nam chuẩn bị nhập khẩu tàu ngầm KILO – 636M của Nga. Báo chí Nga đưa tin Việt Nam đặt mua của Nga 6 tàu ngầm lớp KILO-636, tổng trị giá lên đến 1,8 tỷ USD, đồng thời còn theo đuổi dự án mua 8 máy bay chiến đấu đa năng Su30MK2 của Nga, tổng giá trị là 500 triệu USD. Báo chí Nga còn cho biết hồi tháng 1/2009, hai bên đã ký kết hợp đồng, nhưng thông tin này hiện nay vẫn chưa được Chính phủ Việt Nam và Nga thừa nhận. Việt Nam nêu rõ cần có tàu ngầm để bảo vệ lãnh hải của Việt Nam. Giới công nghiệp quân sự của Nga tại Xinhgapo xác nhận thị trường tàu ngầm của Việt nam là mở cửa đối với Nga.
Cùng với xu thế quyết liệt hoá trong vấn đề tranh chấp các đảo bãi trên Biển Đông, các nước ASEAN đang phổ biến trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn. Hải quân Inđônêxia bắt đầu tự thiết kế tàu đổ bộ mang theo máy bay trực thăng cỡ lớn 35.000 tấn. Ngoài ra, Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào tranh chấp tại Biển Đông. Cuộc diễn tập liên hợp trên biển hàng năm mang tên “Carat” giữa Mỹ với một số nước xung quanh Biển Đông, quy mô ngày càng lớn, màu sắc nhằm vào “một nước lớn nào đó” của “Carats” cũng rõ ràng hơn. Chưa hết, gần đây “Sách trắng quốc phòng” của Ôxtrâylia bày tỏ rõ Biển Đông là tuyến đường an ninh trên biển mà Ôxtrâylia quan tâm.
----------------------------------

Đăng bởi
anhbasam on 06/10/2009
http://anhbasam.com/2009/10/06/319-asean-ngay-cang-nghi-ng%e1%bb%9d-trung-qu%e1%bb%91c/#respond



No comments: