Chuyện nọ xọ chuyện kia
Taxi810, thành viên X-cafe
http://www.x-cafevn.org/node/1813
Hôm rồi, tôi về quê được mọi người kể nghe một chuyện mà cười ra nước mắt. Trong họ nhà tôi có ông anh làm nghề buôn bán cây cảnh, đá cảnh để bán cho dân lắm tiền ở Hà Nội. Thường ngày, ông này cứ phóng xe rong ruổi khắp các bản làng thôn xóm ở những vùng lân cận để mua cây và đá, đem về chế tác lại một chút rồi bán. Mấy cái loại này giá cả vô chừng, chả biết đường nào lần. Nhìn cái cục đá đen xì mà đôi khi bán được vài trăm, cái cây bé tẹo trông chả ra thế nào vậy mà cũng được vài triệu. Mà lão này lại có tính nghệ sĩ, hơi hâm hâm, nói chung là gàn dở. Có khi gặp ông khách nào hợp cạ thì cho luôn cái cây, cục đá quý nhất của mình. Vợ con khỏi cản. Cái xe máy là phương tiện đi lại của ông này cũng lòe loẹt diêm dúa như con công, có cái đẹp đẹp là lão ấy gắn vào xe nhưng cái biển số thì lão lại gỡ ra . Vốn tính nghệ sĩ nên lão ta để tóc dài và buộc túm nó lại theo kiểu đuôi gà. Do tóc tai như thế nên đối với cái nghị định bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì lão ấy coi như dành cho ai đó chứ không phải là lão. Lão ta cứ đầu trần phóng như bay trên đường.
Ở cái đoạn đường quốc lộ vắt qua làng tôi, người ta lập một trạm cảnh sát giao thông. Các bác ở trạm này chả thèm bắt các loại xe máy lìu tìu làm gì cho rách việc, các bác ấy cũng chả thèm soi xem những thằng tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm hay không, vì những thằng không đội mũ bảo hiểm chính là những thằng dân ngụ cư tại làng đó. Ví như có thổi phạt một tay đi xe máy không đội mũ bảo hiểm thì ngay lập tức nó sẽ móc điện thoại ra (bây giờ nông dân lại có cái thói hay xài điện thoại) gọi một phát về nhà, chỉ một lúc sau thì họ hàng hang hốc kéo ra, đầu tiên thì đàn bà con gái năn nỉ, các cụ già thì khuyên lơn phân tích này khác, rồi thì co kéo xỉ vả, nhiếc móc đủ loại, trong khi đó đám thanh niên sẽ lợi dụng tình hình lộn xộn để đánh tháo cái xe về thế là công cốc cho các bác áo vàng. Ấy là chưa kể dân làng nó thù cho, lúc trời nhập nhoạng tối nó cho ăn củ đậu bay. Thế là thôi, các bác áo vàng chả dây vào làm gì, chỉ tổ thiệt thân. Các bác áo vàng chỉ chặn các loại xe tải thôi. Bọn xe tải này thì nhẵn mặt nhau. Xe chạy từ xa thì các bác áo vàng nhìn đã biết thằng này có chở quá khổ quá tải hay không hoặc hôm nay nó đã đi được mấy chuyến rồi, cống nạp được mấy lần rồi. Phải tính chuyến là vì giá tiền chuyến sau khác chuyến trước, càng nhiều giá cả càng khuyến mại nhau hơn. Các bác áo vàng cứ ngồi trên con ISUZU mà các bác sành điệu hay gọi pick up thì phải, xe nổ máy rì rì, máy lạnh bật hết cỡ mới chống lại cái nắng gắt mùa hè. Cánh lái xe thì chả cần phải hiệu lệnh dừng xe làm gì, chỉ có thần kinh mới đợi có hiệu lệnh dừng xe, không tự giác thì ăn phạt gấp đôi ngay, cứ đến trạm là lật đật tấp vào, nhảy xuống cầm cuốn sổ gì cũng được, thậm chí là sổ ghi công nợ hàng hóa, đưa vào trong cabin xe cho các bác áo vàng kiểm tra (?), trong vòng vài giây sau giấy tờ sổ sách được trả lại ngay và xe tải kia lại tiếp tục lên đường. Những gì đã diễn ra trong vòng vài giây đó chỉ có trời mới biết được. Mỗi ngày chuyện đó lặp đi lặp lại đến trăm bận.
Dân làng quanh đó đến trẻ con cũng nhìn thấy những chuyện đấy nhưng vì chả phải chuyện của ta nên cứ mặc mẹ nó. Miễn sao cứ lệ cũ mà chơi, có nghĩa là không phạt xe của dân làng. Cho đến một hôm, trạm ấy có bổ xung về một tay hạ sĩ quan trẻ măng mới ra trường, tay này hăng lắm chả cần biết đầu cua tai nheo gì, cứ luật mà phang, anh dân nào mà phạm luật là túyt còi ngay. Báo hại dân làng cứ chốc chốc bỏ cả đồng áng đề tập họp nhau ra giằng xe của nhà mình về. Bà con căm lắm, ngấm ngầm thù cái tay áo vàng tre trẻ kia và cả cái trạm ấy nhưng chưa có biện pháp gì.
Cho tới một hôm, lão anh họ của tôi sau khi lục lọi khắp các làng bản đã vớ được mấy hòn đá và cái cây lộc vừng to tướng. Lão chất tất cả các thứ ấy lên xe để đèo về. Khi chạy xe ngang qua trạm, thì trời bất dung gian, gặp ngay ca trực của tay hạ sĩ trẻ ấy. Trời nắng mà xe lão anh họ tôi lòe loẹt như gánh hát rong, lại không có biển bảng gì, thế toét lại. A lê hấp, dỡ hết các thứ xuống đặng giam xe cho tởn. Lão anh họ tôi ngạc nhiên lắm, vì cứ cái thói cậy gần nhà nên cứ để xem nó làm gì, vậy mà nó giam thật. Lão này tính gàn, thay vì gọi về cho mọi người ra cứu viện thì lão cứ lẳng lặng cuốc bộ về, rồi lão cho xe cải tiến ra thồ tất cả các thứ về nhà. Mọi người trong nhà cứ đay nghiến lão, bởi bây giờ có đi xin về cũng chả được vì đã lập biên bản rồi. Còn lão kia thì chả nói chả rằng, lão đi mua mấy cái bánh mỳ gối, mấy hộp sữa và đút cuốn sổ, cây bút vào túi rồi ra chỗ cái trạm của các bác áo vàng kia. Lão cứ đứng đấy lão canh, hễ có xe nào xịt tới là lão hý hoáy ghi ghi chép chép, xong lại lôi cái điện thoại tàu có máy ảnh ra chụp lấy chụp để. Lão cứ ở đấy 24/24 và lặp đi lặp lại từng ấy động tác. Tối đến thì lão chơi thêm đèn pin. Ăn uống, đái ỉa cứ tranh thủ nhoánh nhoàng tại chỗ, vì hai bên là đồng trống nên cũng tiện cho cái thói sau quận công.
Sự việc kéo dài qua ngày thứ hai thì các bác áo vàng xào xáo cả lên vì thất thu nghiêm trọng. Thử hỏi ai mà yên tâm công tác khi lão gàn kia cứ tác nghiệp không thèm ngưng nghỉ. Thế là đàm phán diễn ra, các bác áo vàng đồng ý cho lão gàn lấy xe về rồi tới ngày hẹn thì ký nốt vào biên bản và đóng phạt cũng được. Nhưng lão gàn này đã lên cơn rồi nên lão chả thèm lấy xe nữa, lão cứ diễn lại trò cũ ấy. Đến nước này thì các bác áo vàng phát cáu lên được. Các bác ấy bèn bảo cái thằng cha xe kiêm cò mồi (trạm giao thông nào cũng phải có thằng cha xe ôm kiêm cò mồi này thì mới là trạm giao thông đúng nghĩa) đi kiếm mấy thằng đầu gấu về dọa lão anh họ tôi một trận để lão ấy ngược chỗ khác. Nhưng các bác áo vàng lại quên một điều, ở nhà quê quan hệ họ tộc vốn rất rộng nên có mấy thằng đầu gấu mò đến thấy lão gàn đó thì đứa nhận là bác, đứa nhận là ông trẻ rồi bị ông trẻ chửi cho một trận là lủi mất. Cứ nhùng nhằng như thế cả tuần lễ, khiến cho các bác áo vàng như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, các bác áo vàng đành mò vào tận trong làng nói khó với cụ trưởng họ. Cụ trưởng họ sau khi khề khà đông tây nọ kia, mới nhận lại cái xe của lão anh họ tôi. Sau đó, cụ vác gậy ra đánh đuổi lão gàn kia về nhà mà lo việc nhà, quấy rối như thế là đủ rồi. Lão gàn kinh sợ cụ Cả nên đành ra về.
Sau này tôi có hỏi lão, nếu không bị gọi về thì lão sẽ tiếp tục bao nhiêu lâu. Lão chỉ cười phá lên mà không trả lời.
Kể lại chuyện này để thấy tính cộng đồng họ tộc ở người miền Bắc rất cao. Đôi khi phép vua chả cái gì cả so với cái lệ làng của họ.
No comments:
Post a Comment