Tết đến với những trẻ em vùng nông thôn
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2009-02-04
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tet-with-poor-children-in-remote-areas-with-sbs-02042009124450.html
Tết Kỷ Sửu này là một cái Tết đáng chú ý. Đáng chú ý vì phần lớn người dân Việt Nam đón Tết trong sự dè dặt tiêu pha, bởi làm ăn đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế tòan cầu.
Nhưng trong lúc tạm vui với cái Tết kiệm ước ấy, thì những ai truy cập đựơc vào Internet lại ngỡ ngàng khi thấy tận mắt những hình ảnh về cảnh sống xa hoa bên trong tư dinh cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ông Phiêu vẫn được tôn vinh là người liêm khiết bậc nhất trong bộ máy lãnh đạo Đảng.
Nhìn cái trống đồng báu vật quốc gia cùng là ngà voi tượng đồng trưng bày trong phòng khách riêng của ông, và vườn rau tự động trên sân thượng, người xem bỗng chạnh nhớ đến cảnh đời khốn cùng của những trẻ bất hạnh ở các vùng nông thôn nghèo khó. Các em đón Tết thế nào?
Đối với trẻ em, Tết là thời khắc mà các em mong đợi nhất trong năm, vì đây là lúc các em được ăn nhiều quà bánh, được có quần áo mới, được vui chơi thoả thích, và được nhận lì xì.
Thế nhưng, niềm vui ngày Tết đối với các em ở những vùng quê nghèo dường như không được trọn vẹn như thế, như hoàn cảnh của một nhóm em nhỏ ở các làng quê thuộc vùng đồng bằng của Nghệ An, nơi quanh năm phải chống chọi với thiên tai.
Hỏi thăm một số em ở độ tuổi cấp hai ở đây, chúng tôi được biết vì gia đình nghèo, đông anh em, nên sau giờ học các em phải quán xuyến tất cả các công việc trong nhà, từ nấu ăn, trông em, giặt giũ, đến nuôi heo để cha mẹ có thời giờ lo đồng áng.
Chúng ta hãy nghe các em kể về cái Tết của mình nhé:
“Em tên Tình, 11 tuổi, học lớp 5. Ở nhà bố mẹ do hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền sắm quần áo mới cho em vui Tết. Các bạn khác hoàn cảnh khá giả thì đựơc quần áo đẹp và ăn Tết sum vầy, đầy đủ hơn. Còn gia đình em năm nay Tết không đựơc vui lắm vì anh chị đi làm xa không có tiền mua vé xe về. Em ước mơ sau này sẽ học thật giỏi. Em cũng muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo như em và chữa bệnh cho cha mẹ đỡ bệnh tật.”
Những em bé đáng thương
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Tet-with-poor-children-in-remote-areas-with-sbs-02042009124450.html/nhandan.jpg
“Em là Khang, 12 tuổi, học lớp 6. Gia đình em bố mẹ không có tiền nên không mua sắm quần áo mới và ăn Tết ít hơn các gia đình khác. Trong lớp học của em, những bạn nghèo nhiều hơn các bạn có hoàn cảnh tương đối. Em mơ ước được học giỏi, làm đựơc một công việc gì đó để giúp cho cha mẹ.”
“Em tên Hùng, 14 tuổi, học lớp 9. Các gia đình khác khá giả hơn thì đón Tết vui hơn. Còn gia đình em thì không vui mấy. Ba ngày Tết các gia đình đều có thịt để ăn còn gia đình em toàn ăn cơm. Các bạn có gia đình sum vầy thì hãy thông cảm cho gia đình tớ. Tớ không có gì để ăn Tết cả. Em mơ ước năm sau được có quần áo mới ăn Tết.”
“Em là Đạt, 12 tuổi. Em ăn Tết cũng rất buồn vì thấy mấy bạn gia đình khá được ba mẹ mua cho quần áo mới. Còn em thì bố mẹ không có tiền để mua quần áo mới cho 9 anh chị em. Em có mơ ước là các bạn gia đình khá giả hãy chia sẻ vất vả và những nỗi buồn với những gia đình nghèo như chúng em.”
Niềm vui đơn sơ
Khác với các bạn nhỏ này, em Hồng, 14 tuổi, do bố bị bệnh nặng, chỉ có mẹ em phải quần quật đồng áng suốt ngày để nuôi gia đình, nên em phải đi học buổi tối, ban ngày phụ mẹ cấy lúa. Ngày Tết, em cùng với các trẻ em nghèo được nhà thờ tổ chức các sinh hoạt vui chơi và dắt đi tham quan các hội chợ Tết. Em thích thú cho biết:
“Thiếu đồ ăn thức uống thôi, chứ còn vui chơi thì đầy đủ. Con vừa học vừa đi cấy lúa phụ mẹ. Con học vào buổi tối. Con được giúp bố mẹ như vậy con rất vui. Con muốn học thật giỏi. Con muốn trở thành người lương thiện.”
Em Tiến, sinh sống ở khu nông thôn của huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, ngày thường phụ mẹ làm nông, cuối tuần lặn lội lên thành phố Vinh đánh giày để kiếm thêm thu nhập phụ mẹ nuôi em. Tiến tiếp chuyện chúng tôi trong lúc em đang cùng mẹ chẻ lạt mướn trong ngày mùng 2. Em nói về cái Tết của mình:
“Thời còn bố em, Tết đối với em rất vui, nhưng từ khi bố mất, em cảm thấy thiếu tất cả. Đối với em, vật chất đã thiếu, nhưng tinh thần càng thiếu hơn. Cuộc sống nhiều trăn trở, khó khăn, phức tạp lắm. Nghề đánh giày nhiều người khinh lắm, coi mình là đầy tớ, nhưng em chấp nhận tất cả để có cuộc sống yên bình, em phải làm thôi. Mình vì cuộc sống mà chị.”
Những niềm mơ ước
Rời Nghệ An, Hà Tĩnh xuôi về phía Nam, rẽ lên quốc lộ 14 đến với khu vực cao nguyên trung phần, chúng tôi có dịp gặp gỡ em Loan, 16 tuổi, đang sống tại mái ấm Vinh Sơn 2, ngôi nhà chung của các trẻ em dân tộc xung quanh thị xã Kontum có hoàn cảnh khó khăn. Loan kể về cái Tết của em và các bạn trong mái ấm này:
“Tụi em được các sơ cho đi chơi hội chợ, tham gia vui chơi với các bạn. Tụi em được đón giao thừa, được ăn cỗ. Mỗi năm đến Tết tụi em đều đựơc sơ lì xì cho. Em mơ ước có được một gia đình sung túc để đón Tết vui vẻ. Em cũng ước sau khi học xong, có thể giúp sơ giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn em.”
Từ tỉnh duyên hải Phú Yên ở vùng Nam Trung Bộ, cậu bé bán vé số tên Thành, 14 tuổi chia sẻ với chúng tôi rằng vì hoàn cảnh nghèo khó, Thành và 2 người em nhỏ dưới 10 tuổi đều phải làm thêm phụ giúp cha mẹ lo cơm áo cho gia đình. Mỗi ngày sau giờ học, em rong ruổi khắp nơi đến tận chiều tối mới kiếm được số tiền ít ỏi 20 ngàn đồng. Tết, trừ ngày mùng một, em vẫn phải đi bán, thậm chí còn phải đi suốt cả ngày tranh thủ dịp cầu may của mọi người và cũng là lúc em được nghỉ học:
“Tết em đựơc nghỉ có một ngày thôi, vì hoàn cảnh nên em cũng phải đi bán mấy ngày Tết cho đỡ qua ngày chứ khổ quá cô ơi! Mấy bạn có cùng cảnh ngộ như em đi bán vé số nhiều lắm. Gia đình em đón Tết cũng khổ lắm cô, chỉ có mấy que kẹo của mẹ đem về cho chúng em, chứ không có bánh chưng hay trái cây gì cả.
Tết ở đây không có gì vui cả. Chỉ có khu sinh thái Thuận Thảo là nơi vui chơi nhưng chỉ dành cho mấy ông lớn. Còn chúng em không có tiền để vào chỗ đó để vui chơi gì cả. Em đi bán vé số, thường tới những quán nhậu của các cán bộ. Mấy ổng ngày nào cũng nhậu nhẹt. Họ làm sao mà có tiền nhiều dữ?!
Nhờ cô nói dùm với mấy ổng nhín ít tiền để giúp đỡ chúng em, chứ chúng em làm việc suốt ngày đêm, quần quật lăn lộn ngoài xã hội để kiếm ăn nuôi sống bản thân và gia đình. Khổ quá cô ạ. Em đi bán vé số từ sáng đến tối, có lúc đói mà cũng không có tiền để ăn. Ước muốn của em cũng giống các bạn cùng trang lứa là được đón cái Tết vui vẻ cùng gia đình và có điều kiện được học hành đầy đủ như các bạn cùng tuổi.”
Tết đối với các trẻ em bất hạnh ở nông thôn tuy thiếu thốn nhiều thứ, nhưng lại giàu những ước mơ. Những mơ ước trong sáng và giản dị này có trở thành hiện thực hay không, rất cần một sự quan tâm nghiêm túc của xã hội.
No comments:
Post a Comment