Rớt Mặt Nạ Tôi Đòi Phương Bắc
Đa Nguyên (18.2.09)
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090218_02.htm
Vào dịp Tết năm ngoái, đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức rầm rộ kỷ niệm 40 năm biến cố Mậu Thân, một biến cố do họ chủ xướng, gây tổn thất nhân mạng cho hàng chục ngàn người Việt từ cả hai phía Bắc Nam.Năm nay, vào dịp kỷ niệm cuộc chiến 17 tháng 2 do Trung Quốc gây ra 30 năm trước, Cộng sản Việt Nam chẳng những không làm gì cả, mà còn chuẩn bị đàn áp những ai muốn bầy tỏ tình cảm của mình đối với biến cố đau thương ngày.
Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA ngày 18 tháng 2, trích tin của Reuters cho biết báo chí Việt Nam đã không đề cập gì tới cuộc chiến tranh Việt Trung 30 năm trước đây, dù tại một công viên nhỏ gần Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Hà Nội, khoảng 40 nhân viên cảnh sát Việt Nam đã tập dượt diễn hành hôm thứ Ba.
Thái độ của Hà Nội đã tự tố cáo Bộ chính trị đảng Cộng sản VN chỉ là một lũ nô dịch của Bắc Kinh.
Từ năm 1954, Cộng sản Bắc Việt gọi chính quyền miền Nam do ông Ngô Đình Diệm đứng đầu là bù bù nhìn của Mỹ. Nhưng miền Nam không nhượng đất cho Mỹ, không giết dân theo lệnh của Mỹ. Và 9 năm sau, ông Diệm thà chết cùng anh em mình, hơn là chịu hành động theo yêu cầu của Mỹ.
Trong khi ấy, chính quyền miền Bắc lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đảng Cộng Sản, đã theo lệnh của Trung Cộng giết dân Việt qua chính sách Cải cách ruộng đất. Trung Cộng bắt phải đạt chỉ tiêu tàn sát 5% dân số, gọi là địa chủ. Không đủ thì đôn lên cho đủ. Giết đợt đầu còn thiếu, thì phải đấu tố thêm các đợt kế tiếp. Theo tài liệu chính thức do Hà Nội xuất bản năm 2004, chỉ riêng Cải cách ruộng đất đợt 5 vào các năm 1955-1956 tại 3.563 xã, đã có tới 172.008 người bị sát hại.
Năm 1958, Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ của họ bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Cộng sản Việt Nam chẳng những không phản đối, còn mau chóng lên tiếng ủng hộ. Năm 1974, Hải quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Việt Nam Cộng Hòa chống trả mãnh liệt, trong khi Hà Nội không hề có phản ứng.
Vì đã lệ thuộc quá sâu đậm vào Trung Quốc. Nhờ chuyên viên Trung Quốc để thắng tại Điện Biên Phủ, nhờ võ khí Trung Quốc đề thắng trong trận chiến chiếm miền Nam, nên cuối thập niên 70, khi Cộng sản Việt Nam đi với Liên Xô, đã bị Đặng Tiểu Bình cho là vô ân bạc nghĩa, và trừng phạt bằng cách kéo hàng chục vạn quân sang đánh vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, gọi là cho một bài học.
Bài học 30 năm trước vô cùng đắt giá, cho cả hai bên. Nhân kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Trung Quốc - Việt Nam, đài BBC đã công bố một bài viết của hãng AFP, theo đó, đến nay các số liệu thiệt hại về cuộc chiến 1979 vẫn chưa được nêu rõ. Các học giả bên ngoài Trung Quốc nói trong tháng đầu tiên đã có 25.000 đến 63.000 người phía Trung Quốc bị giết, với con số phía Việt Nam từ 20.000 đến 62.000.
Cuộc chiến do Trung Quốc gây ra, chỉ kéo dài trong một tháng, nhưng số thiệt hại về nhân mạng mỗi bên, còn lớn hơn cả số quân Mỹ thiệt hại tại Việt Nam trong hơn mười năm. Nhưng theo bài Vì sao Việt Nam phải ghi nhớ ngày 17 Tháng Hai của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, viết từ Hà Nội vào ngày 15 tháng 2, 2009, thì:
Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày kỉ niệm 30 năm, thế mà tuyệt nhiên không có bài báo nào nói về biến cố này trên báo chí nhà nước. Suốt mấy năm gần đây, truyền thông chính thức tại Việt Nam hoàn toàn lờ đi không nói gì về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như thoả thuận biên giới 1999, và lãnh thổ và lãnh hải bị mất về tay Trung Quốc.
Nhiều nhà hoạt động cũng như người viết nhật kí cá nhân từng cố gắng nói lên sự thâm độc của Trung Quốc thì bị bỏ tù hay bị truy bức. Rõ ràng là giới chức đương quyền tại Việt Nam không muốn nhắc đến biến cố này; họ cố tình câm nín và bịt miệng những ai muốn đối đầu với quyền bá chủ của Trung Quốc.
Thực tế cho thấy Hà Nội đã hèn hạ tới mức không dám đả động tới những việc làm tàn ác và ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam, nhưng sẵn sàng lên tiếng ca tụng Trung Quốc về cả những chuyện đáng chê trách.
Tin VOA ngày 17 tháng 2 cho biết, tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp ở Geneva, trong khi các nước tự do dân chủ chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc thì: Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại diện của Việt Nam đã lên tiếng ca ngợi điều mà họ gọi là 'chính sách phát triển lấy con người làm gốc' của Trung Quốc, giúp cho nước này đạt được 'những thành tựu to lớn trong lãnh vực nhân quyền'.
Cuộc chiến do Trung Quốc chủ tâm gây ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 tuy chỉ kéo dài một tháng, nhưng thiệt hại rất cao. Ngoài các binh sĩ bị hy sinh, tài sản của thường dân 6 tỉnh biên giới bị phá tan hoang, phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều trẻ em không chết vì đạn lạc, mà bị chặt bằng giao, bằng búa. Vậy mà 30 năm sau, cả lính lẫn dân bị hy sinh đều không được nhắc nhở, không được kỷ niệm cho phải phép.
Theo tin BBC ngày 15 tháng 2: Tại nghĩa trang Lạng Sơn nơi chôn hàng trăm bộ đội Việt Nam, nhà báo John Ruwitch của Reuters để ý một số hàng bia ghi rõ họ chết trong giai đoạn nào - "chống Pháp" hoặc "chống Mỹ". Nhưng đa số bia chỉ ghi "bảo vệ Tổ quốc", ám chỉ cuộc chiến nổ ra ngày 17.2.1979 khi quân Trung Quốc tràn sang biên giới.
Cộng sản Việt Nam sợ Trung Quốc tới mức không dám thành thật cả trên mộ bia những chiến sĩ đã hy sinh.
Vào dịp Tết năm ngoái, đảng Cộng Sản Việt Nam đã sử dụng ngân sách quốc gia, tổ chức Ăn mừng 40 năm biến cố Mậu Thân, với cả chục ngàn người tham dự.
Mình giết quân, giết dân mình ngay trong ngày Tết thiêng liêng, thì tưng bừng kỷ niệm. Lân bang bỗng dưng giết quân, giết dân mình thì nín khe, không dám nhắc nhở, dù trong ngày giỗ.
Chẳng những quá như nhược, đảng Cộng sản còn tỏ ra không biết nhục, cả với những người đã từng bị lên án là bù nhìn cho ngoại bang./.
Hoa Thịnh Đốn 18.2.2009
No comments:
Post a Comment