KỶ SỬU VÀ VẬN HỘI MỚI CỦA VIỆT NAM
Trần Đông Chấn
http://blog.360.yahoo.com/blog-VAMH4Rclaaccgza0JPgODGPLQXM-?cq=1&p=912
Năm mới ai cũng nguyện ước về những điều tốt đẹp, mọi người thường chúc nhau tài lộc và thịnh vượng. Làm giàu là mong muốn chính đáng và tự nhiên của con người, là quyền con người mà ai cũng được hưởng. Những nơi nào người ta được tự do làm giàu thì xã hội nơi đó sẽ phát triển thịnh vượng bền vững và bình đẳng. Ngược lại, ở những đâu mà cái quyền làm giàu ấy bị biến thành đặc quyền để những người cầm quyền ban phát thì ở đấy đầy dẫy bất công và sẽ phát triển không bền vững.
Tự do hay làm giàu
Muốn giàu có và làm cuộc sống tốt đẹp hơn là điều con người hướng tới và tìm kiếm từ hàng nghìn năm trước, nhưng xã hội loài người chỉ mới thực sự phát triển thịnh vượng được vài trăm năm nay. Người ta thường gắn cho thành tựu vĩ đại này là nhờ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Điều đó không sai, nhưng bước tiến bộ nhảy vọt về khoa học kỹ thuật này chỉ là quả, nhân của nó chính là sự giải phóng tự do và tư tưởng con người. Có tự do và quyền con người nên người ta mới thỏa sức nghiên cứu, tìm tòi để hiểu rõ được những quy luật của tự nhiên; mới không sợ hãi phát biểu chính kiến của mình để tìm ra những giải pháp tốt nhất. Đây chính là nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật để tạo ra các phát minh, sáng chế; hiểu được quy luật kinh tế; và sáng tạo ra những hệ tư tưởng chính trị, triết học làm thay đổi hình thái nhà nước hiệu quả hơn. Lịch sử đã chứng minh rằng một xuất phát điểm ở phía sau nhưng đặt quyền tự do của con người lên trước đã thắng và vượt xa một xuất phát điểm ở phía trước nhưng không coi trọng quyền và sự tự do của con người.
Trong cả thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Châu Âu cộng lại. Vào lúc đó, khi mà triều đại phong kiến Trung Quốc vẫn đang say sưa với sức mạnh của mình và tiếp tục tìm mọi cách để đạt mục tiêu là kẻ mạnh nhất giàu nhất, thì Phương Tây bắt đầu những cuộc cách mạng về nhân quyền với mục tiêu hàng đầu là giành bằng được quyền tự do của con người. Chỉ 50 năm sau, Trung Quốc đã trở thành một kẻ to xác nhược tiểu bị các nước phương Tây xâu xé, rồi sau đó bị Nhật – một láng giềng nhỏ bé đi theo mô hình phương Tây xâm chiếm. Triều đình Mãn Thanh phải ký hàng loạt các hiệp ước bán nước nhục nhã. Trong cùng thời gian đó, thế giới phương Tây đã phát triển nhanh chóng, đạt đến sự thịnh vượng bền vững. Điển hình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đất nước này đã đưa vào trong hiến pháp đầu tiên của mình sự bảo về quyền con người, tự do của con người lên trên tất cả những thứ cần bảo vệ khác. Hiến pháp Hoa Kỳ đã hiệu chỉnh nhiều lần nhưng ở đó sự tự do thiêng liêng của con người vẫn luôn là ngự trị số một. Không phải tự nhiên mà Mỹ trở thành quốc gia cường thịnh như ngày nay. Tự do cho con người cũng không phải là thứ tự nhiên mà có.
Cuộc cách mạng nhân quyền
Khi con người có tự do và có đủ quyền con người thì chắc chắn sẽ làm cho mình giàu có hơn và đồng thời làm xã hội phát triển thịnh vượng bền vững. Đó là một quy luật tất yếu mà loài người đã nhìn ra được.
Phương Tây đã biết thuận theo quy luật ấy nên đã phát triển đến kinh ngạc, tạo ra giá trị của cải trong vòng 200 năm của thế kỷ 19 và 20 lớn hơn mấy ngàn năm trước đó của cả thế giới cộng lại. Cách mạng nhân quyền không chỉ mang đến cho con người sự tự do mà còn cho nhân loại cả sự thịnh vượng chưa từng có. Trước khi nhìn ra và hiểu được quy luật tất yếu này, xã hội loài người tiến triển rất chậm chạp.
Những nền văn minh sớm nhất như Ai Cập, Trung Quốc cuối cùng đều bị tàn lụi. Cho dù trải qua hàng nghìn năm phát triển nhưng trong các xã hội này quyền con người chưa bao giờ được tôn trọng một cách đầy đủ. Thay vào đó là các mục tiêu đại cường, bá chủ mà thực chất là tham vọng cá nhân của những kẻ cầm quyền. Quyền tự do của con người đã bị tước đoạt để thực hiện các tham vọng như vậy.
Liên Xô trong thế kỷ 20 cũng đã từng dẫn đầu thế giới rất nhiều mặt, nhưng ngay sau đó không lâu nó sụp đổ và tan rã nhanh chóng. Nó đạt được đỉnh cao ngắn ngủi không phải bằng tự do mà bằng sự sợ hãi của dân chúng, nó dùng vũ lực để buộc người dân phải thực hiện những tham vọng của giới thống trị. Nó nghĩ mình hơn cả tạo hóa nên phủ định kinh tế thị trường – một quy luật khách quan. Trái quy luật thì tất yếu dẫn đến sụp đổ cho dù lý tưởng của nó mong muốn sự công bằng cho mọi người. Sẽ không bao giờ có sự công bằng khi con người bị tước đoạt tự do và những quyền cơ bản của mình. Sau khi Mao Trạch Đông mất, Trung Quốc nhanh chóng nhận ra quy luật của kinh tế thị trường nên đã phát triển kinh tế nhanh chóng. Người dân nước này đã bị bần cùng hóa một thời gian dài nên lao vào làm giàu bằng mọi giá, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ điều gì để được giàu có. Hiểu được điều này nên giới cầm quyền Trung Quốc dễ dàng tiếp tục tước đoạt tự do của người dân để duy trì quyền lợi độc tôn về chính trị cho mình. Với người dân Trung Quốc bây giờ, muốn được làm giàu thì đừng nói đến chính trị. Một sự đánh đổi không xứng đáng, chỉ tạo ra lợi ích nhỏ cho giới cầm quyền.
Một dân tộc vĩ đại như Trung Quốc lẽ ra phải có một ví trí xứng đáng hơn nhiều so với hiện nay. Vị trí ấy sẽ không bao giờ có được đến khi nào mà tự do và nhân quyền của người Trung Hoa được tôn trọng một cách đầy đủ. Ngược lại, sự phát triển kinh tế như hiện nay sẽ dẫn đến một sự mất cân bằng xã hội nghiêm trọng, dễ dàng gây nên những rối loạn chính trị và hình thành nên một triều đại mới, giống như sự tồn vong của các chế độ phong kiến ở nước này xưa nay. Nhưng trước khi sụp đổ nó sẽ gây ra bao nhiêu tai họa cho cả thế giới. Khi một cá nhân hay một nhóm nhỏ cầm quyền cảm thấy mình có quyền lực tuyệt đối với hàng chục, hàng trăm triệu người thì sẽ dễ dàng nắm trong tay mình những nguồn lực khổng lồ. Tham vọng bá quyền tất sẽ phát sinh. Đang độc tôn về chính trị nên họ dễ dàng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi để phát động những cuộc chiến tranh tàn phá những dân tộc và quốc gia khác. Điều này đã từng xảy ra trong cả chủ nghĩa phong kiến, tư bản lẫn cộng sản.
Thảm họa và thách thức
Đức Quốc xã gây ra thảm họa thế chiến thứ II là một kinh nghiệm còn nóng hổi. Nước Đức sau thế chiến thứ I đã phục hồi và phát triển chóng mặt nhờ đi theo kinh tế thị trường và áp dụng các tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật trong một thiết chế dân chủ. Nhưng từ khi lên nắm quyền thủ tướng năm 1933, với nhiều mánh khóe đê hèn và thủ đoạn tàn nhẫn, Hitler đã dẫn nước Đức đến một nền chính trị độc đảng bằng một đạo luật qui định: “đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (tức đảng Quốc xã) là đảng chính trị duy nhất ở Đức”. Mọi quyền tự do cá nhân, phát biểu ý kiến, tự do báo chí, quyền lập hội và tụ tập đều bị hạn chế và cấm đoán; người dân Đức dễ dàng bị lục soát và xâm phạm riêng tư. Tự do bị tước đoạt và sợ hãi được áp đặt lên toàn nước Đức. Chỉ hơn 5 năm sau đó nó đã gây ra một cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, tàn sát gần 70 triệu người vô tội.
Nhưng nó cũng nhanh chóng sụp đổ bất chấp nó đã từng tuyên bố: “Vận mệnh mới của dân tộc Đức được xác định chắc chắn trong một ngàn năm tới... Sẽ không cần có cuộc cách mạng nào khác ở Đức trong một ngàn năm nữa!”. Sụp đổ đó là tất yếu, nhưng những kẻ mang tham vọng điên cuồng luôn bị mờ mắt trước những cám dỗ của quyền lực tuyệt đỉnh, không nhận ra quy luật tất yếu vì những tiếng nói có trách nhiệm để soi sáng thực tế đều bị dập tắt từ trong trứng nước.
Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những nguy cơ tương tự. Nếu toàn cầu hóa thất bại trong việc tạo ra một sự phân bổ hợp lý thị trường thế giới và Trung Quốc không hình thành được một thiết chế dân chủ để đảm bảo tự do và các quyền cơ bản, kể cả quyền quyết định vận mệnh chính trị quốc gia cho người dân Trung Hoa; Nga không phát triển được nền dân chủ non trẻ dân chủ hơn nữa thì nguy cơ xảy ra một cuộc chiến diện rộng để tranh giành thị trường, ảnh hưởng và thỏa mãn tham vọng cá nhân được ẩn chứa trong những mục tiêu dân tộc là điều khó mà tránh khỏi. Đây thực sự là một thách thức rất lớn cho toàn nhân loại trong vòng 20 năm tới. Nhưng chính điều này tạo ra một vận hội mới cho Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm với hòa bình và ổn định của thế giới.
Sách lược Ô-ba-ma
Sau chiến tranh lạnh, thừa thắng, Phương Tây đứng đầu là Mỹ đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhanh chóng theo hướng tạo ra lợi thế cho mình và gây thiệt thòi lớn cho nhiều nước khác. Đây là một sai lầm vì nó làm gia tăng thêm sự bất ổn và nguy cơ cho thế giới, và nước Mỹ đã phải nhận lấy hậu quả của nó là chủ nghĩa khủng bố toàn cầu lan rộng mà đỉnh điểm là vụ 11 tháng 9. Nặng nề hơn nữa là nó kéo Mỹ vào một cuộc chiến chống khủng bố làm tổn hao rất nhiều tiền của và nhân mạng. Nhưng người Mỹ giờ đây đã nhận ra những sai lầm đó nên bầu cho Barack Obama lên làm tổng thống của mình. Vị tổng thống mới đã được dân Mỹ lựa chọn bởi những quan điểm chiến lược táo bạo, mạnh dạn và rõ ràng hơn những người tiền nhiệm thuộc đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Có thể đọc được những mấu chốt chiến lược này trong quyển sách nổi tiếng của ông - Hy vọng táo bạo(*):
“Đôi khi, chính sách đối ngoại của Mỹ khá nhìn xa trông rộng, vừa phục vụ lợi ích, lý tưởng của Mỹ, vừa vì lợi ích của các nước khác. Nhưng một vài lúc khác, chính sách của Mỹ đã đi sai đường do dựa trên những giả định sai lầm – bỏ qua mong muốn hợp lý của các dân tộc khác, làm suy giảm uy tín quốc gia, tạo ra một thế giới nguy hiểm hơn.” (trang 298)
“Toàn cầu hóa khiến cho nền kinh tế, sự thịnh vượng cũng như an ninh quốc gia của chúng ta gắn chặt với những sự kiện diễn ra ở đầu kia thế giới. Và trên trái đất này không có nước nào có khả năng hơn chúng ta để thiết lập nên một hệ thống toàn cầu hay xây dựng sự đồng thuận xung quanh một loạt những quy tắc hành xử quốc tế giúp mở rộng tự do, an toàn cho mỗi cá nhân và lợi ích kinh tế. Dù muốn hay không, nếu chúng ta muốn nước Mỹ an toàn hơn thì chúng ta phải giúp cả thế giới an toàn hơn … Việc Đức và Nhật gia nhập thế giới dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường tự do đã xóa bỏ nguy cơ xung đột giữa các cường quốc trong thế giới tự do” (trang 322)
“Chúng ta cần duy trì lực lượng quân sự chiến lược cho phép chúng ta kiểm soát được nguy cơ từ những quốc gia bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran cũng như đáp ứng được thách thức từ những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc.” (trang 324)
“Vì vậy, thách thức đối với chúng ta là phải đảm bảo các chính sách của Mỹ sẽ dẫn hệ thống quốc tế theo hướng công bằng hơn, có công lý hơn và thịnh vượng hơn – và các quy tắc chúng ta đề ra sẽ đem lại lợi ích cho cả nước Mỹ lẫn thế giới” (trang 332)
Do đó thay vì dùng sức mạnh để áp đặt những bất công thì ông chủ trương tạo ra những quan hệ thương mại bình đẳng hơn để mang đến nhiều cơ hội hơn cho các nước đối tác; thay vì chỉ xem dân chủ nhân quyền là những chiêu bài để mặc cả quyền lợi cho Mỹ như những chính phủ trước đây thì ông tin rằng nếu những giá trị tự do, dân chủ và quyền con người được thực thi bên ngoài nước Mỹ thì dân Mỹ vẫn là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Không khó để nhận ra một chiến lược toàn cầu mới mà ông Obama sẽ triển khai: thúc đẩy hòa bình để tránh chiến tranh; thúc đẩy tự do, dân chủ, nhân quyền để kiến tạo hòa bình và ổn định nhằm phát triển thịnh vượng bền vững. Sẽ không ít người hoài nghi khả năng vượt qua thách thức thực tế của ông. Nhưng một vị tổng thống bước lên vũ đài chính trị Mỹ mà không chịu sự chi phối tiền bạc của giới tài phiệt sẽ cho phép ông ta tự do và có nhiều quyền lực hơn để thực thi những suy nghĩ và chiến lược của chính mình. Thách thức lớn nhất của Obama là làm sao giữ được tính mạng.
Vận hội cho Việt Nam
Tổng thống Obama, vì thế, sẽ đặt mục tiêu làm sao để Trung Quốc có được một nền dân chủ, người dân Trung Hoa có được tự do và đầy đủ quyền con người để quyết định vận mệnh chính trị của đất nước mình một cách hòa bình. Điều đó sẽ tạo ra một sự ổn định và cân bằng để kiến tạo hòa bình lâu dài cho cả thế giới. Đây là một kế hoạch lớn và rất khó nhưng chắc chắn ông sẽ thực hiện. Và Mỹ sẽ chọn Việt Nam làm điểm nhắm chiến lược vì Việt Nam là mô hình không khác gì Trung Quốc. Nếu Việt Nam trở thành một nền dân chủ, tự do thì chắc chắn sẽ định hình niềm tin của người dân Trung Hoa và cả thế giới rằng Trung Quốc cũng sẽ sớm phải tham gia vào thế giới tự do dân chủ. Niềm tin của con người là một sức mạnh to lớn, nền chính trị độc đảng Trung Quốc khó mà duy trì trước một sức mạnh hợp lực từ bên trong lẫn bên ngoài như vậy được. Nhưng mấu chốt quan trọng nhất để đảm bảo thắng lợi là bởi điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đại đa số nhân dân các dân tộc Trung Hoa và cho cả hòa bình của nhân loại. Các lợi ích chung đó sẽ hình thành nên những động lực mãnh liệt để đảm bảo mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được không quá 10 năm nữa.
Các đồng minh quan trọng của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những nước sẽ được hưởng lợi rất lớn khi mục tiêu chiến lược này hoàn thành nên chắc chắn sẽ hết sức mình chung tay cùng thực hiện. Không có lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam, không chỉ bởi sự giống nhau về mô hình với Trung Quốc mà còn bởi hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam rất thuận lợi cho chiến lược đó. Chính quyền hiện tại có thể xem đây là một nguy cơ và thách thức, nhưng nó thực sự là một cơ hội lớn cho đất nước Việt Nam. Không có gì tốt hơn là dân tộc Việt Nam cần chủ động chớp lấy thời cơ này, tự thay đổi mình trở nên dân chủ và tự do, đặt mình vào một mắt xích quan trọng trong chuỗi chiến lược toàn cầu này. Được như vậy Việt Nam ngoài việc góp phần quan trọng vào công cuộc kiến tạo ổn định và hòa bình cho thế giới trong đó có mình, sẽ còn được hưởng lợi rất lớn từ các chính sách của các cường quốc trong quá trình thực thi chiến lược này. Một cơ hội vàng để Việt Nam có thể xây dựng sự thịnh vượng bền vững từ tự do và dân chủ.
Ngược lại, nếu dân tộc Việt Nam vẫn thụ động, chính quyền vẫn bám lấy quyền lực thì cũng không thể ngăn cản được tiến trình lịch sử tất yếu. Một khi các cường quốc đã muốn thì họ sẽ thực hiện cho bằng được. Và cho dù Obama có chủ trương quan hệ công bằng thì quyền lợi chiến lược của nước Mỹ vẫn phải được đảm bảo trên hết. Và vì Trung Quốc mới là đích nhắm cuối cùng nên người Mỹ sẵn sàng chấp nhận một sự tự do dân chủ hình thức ở Việt Nam miễn không còn là cộng sản và độc đảng. Khi đó một lực lượng chính trị dễ vâng lời sẽ được hậu thuẫn để tạo ra những hiện tượng bên ngoài tưởng như tự do dân chủ.
Chỉ có những kẻ cơ hội mới chấp nhận tham gia lực lượng chính trị như vậy. Và như thế sẽ tiếp tục là một bất hạnh cho đất nước Việt Nam. Chỉ khi nào dân tộc Việt Nam nhìn ra được thời cuộc và tiến trình tất yếu của lịch sử, giành lấy quyền lực về cho nhân dân, tự quyết định vận mệnh của dân tộc để chủ động tham gia vào xu thế đó một cách có chiến lược thì mới tạo ra cho mình một vận hội mới tốt đẹp hơn.
Quy luật của tất yếu
Chỉ khi đó Việt Nam mới trở thành lựa chọn tối ưu mang tính chiến lược, chứ không phải là một căn cứ chiến thuật để lợi dụng nhất thời nên chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội. Trong cuộc chiến với chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc là những điểm nhắm chiến lược tối ưu trong khi đó Indonesia và Philippines chỉ là những căn cứ chiến thuật trong chiến lược của Mỹ chống sự bành trướng đỏ thời kỳ đầu chiến tranh lạnh. Mục tiêu chiến lược thời kỳ đó là đánh bại chủ nghĩa cộng sản nên Mỹ sẵn sàng chấp nhận thậm chí dung dưỡng cho những chế độ độc tài tham nhũng, điển hình nhất là Suharto ở Indonesia. Đó là một bài học mà chúng ta cần hiểu rõ để tránh cho Việt Nam. Chế độ Suharto cuối cùng cũng bị lật đổ bởi một cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến nền kinh tế Indonesia sụp đổ vì sự mục ruỗng được khéo léo che đậy trước đó bị phơi bày ra ánh sáng. Sẽ rất ngây thơ nếu cho rằng kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam cho dù có nhiều sự kiện tương đồng, nhưng sẽ càng kém khôn ngoan hơn nếu không hiểu rằng những quy luật suy vọng như thế không diễn ra ở trên đất nước này ở một hình thái khác, có khi còn nhanh chóng và khốc liệt hơn nhiều.
Quy luật tất yếu là một thực tế khách quan tồn tại từ thời mới khai thiên lập địa để chi phối sự vận hành của tất cả những gì trong vũ trụ này, và độc lập với ý chí con người – thực thể thông minh và phức tạp nhất của vũ trụ. Luật vạn vật hấp dẫn không phải mới có từ lúc nhà bác học Newton phát hiện ra, mà chỉ là từ lúc đó con người mới bắt đầu hiểu biết đến quy luật này. Thật khó mà hình dung được vũ trụ này tồn tại ra sao nếu không có một quy luật như thế vận hành. Thế giới ý thức và tâm linh của con người cũng vậy, chắc chắn tồn tại những quy luật khác nhau chi phối sự vận hành. Thật khó có thể tin rằng một thế giới phức tạp đến như vậy đã có thể tồn tại và phát triển cả ngàn năm nay mà không theo những quy luật nào đó. Nói cách khác, những gì trái với quy luật đều không thể tồn tại. Tùy trí tuệ con người phát triển tới đâu thì loài người mới nhìn ra và hiểu biết được các quy luật tất yếu khách quan đến đấy. Những gì chưa được biết là do trí tuệ con người chưa vươn được tới chứ không phải thực tế khách quan đó không tồn tại. Lịch sử của khoa học đã cho thấy khi nào con người hiểu biết và thuận theo những qui luật tất yếu thì sẽ có sự phát triển vượt bậc.
Luật lục thất thập phân
Ngay cả sự tồn vong của các triều đại cũng tuân theo một quy luật. Những ai đọc qua sấm Trạng Trình đều có thể thấy rằng cụm từ lục thất, lục thất gian hay lục thất nguyệt gian được lặp lại nhiều lần trong các câu thơ sấm. Đó là một quy luật tồn vong của các triều đại được thiên tài Nguyễn Bỉnh Khiêm mô hình hóa thành một cách tính toán đơn giản. Một gian lục thất (6+7) là 13 năm, một nguyệt gian hay một gian thập phân là 10 năm (đây là cách ẩn dụ của Trạng Trình, ngày xưa theo âm lịch, 1 tuần trăng – nguyệt là 10 ngày). Hãy xem xét 3 triều đại liền kề nhau từ Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn.
Nhà Hậu Lê do Lê Lợi sáng lập năm 1428 và kết thúc hoàn toàn vào năm 1789 sau khi Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh và bị Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan. Tổng cộng tồn tại 361 năm, tương đương với 27 gian lục thất (27 x 13 = 351 năm) cộng thêm 1 gian thập phân (351 + 10 = 361 năm). 27 gian lục thất từ năm thành lập, tức rơi vào năm 1779 (1428 + 351), đây là năm đánh dấu sự suy vong của triều đại nhà hậu Lê vì năm đó Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế nhà Tây Sơn. Nhà Hậu Lê đã suy yếu từ cả trăm năm trước, có thời gian bị nhà Mạc lật đổ, sau đó khôi phục lại và dẫn đến hình thành triều Lê Trung Hưng với chúa Trịnh đàng Ngoài chúa Nguyễn đàng Trong. Dù vậy danh nghĩa nhà Lê vẫn ngự trị trong lòng dân chúng nên cho dù nắm mọi quyền bính trong triều đình Bắc Hà nhưng các đời chúa Trịnh không bao giờ dám xưng đế vì sợ mất lòng dân. Ngay cả ở đàng Trong, dù hùng cứ một phương nhưng các chúa Nguyễn vẫn tôn nhà Lê là thiên tử. Nhưng vào năm 1779, một triều đại mới ra đời dám xưng đế và không chịu bất kỳ ảnh hưởng và quyền lực nào của triều Lê. Và đúng 10 năm sau đó, chính nhà Tây Sơn đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Hậu Lê. Tóm lại, nhà Hậu Lê sinh năm 1428, vong năm 1779 (sau sinh 27 gian lục thất) và tận năm 1789 (sau vong thêm một gian thập phân nữa).
Nhà Tây Sơn được khởi sự bởi 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Khởi nghĩa vào năm 1771, đến năm Mậu Tuất 1778 thì Tây Sơn đã làm chủ gần một nửa đất nước, từ Quảng Nam đến Hà Tiên. Vào cuối năm Mậu Tuất (tức đầu năm 1779) thì Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đóng đô tại Qui Nhơn và lấy hiệu là Thái Đức, chính thức khai sinh ra triều đại Tây Sơn. Triều đại này đã có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm nhưng đã không dàn xếp được tranh giành trong nội bộ gia đình nên chỉ đúng 1 gian lục thất sau đó (1779 + 13), tức năm 1792, đã bước vào suy vong. Cùng năm đó Nguyễn Ánh đã chiếm lại gần hết phần đất miền Nam và tiến đánh thành Qui Nhơn, còn vua Quang Trung Nguyễn Huệ - người đứng đầu triều đình Tây Sơn lúc đó thì đột ngột qua đời. Và đúng 10 năm (1 gian thập phân) sau đó, tức năm 1802, Nguyễn Ánh đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn, bắt sống vua Cảnh Thịnh Quang Toản, chấm dứt triều đại Tây Sơn tồn tại 23 năm. Tóm lại nhà Tây Sơn sinh năm 1779, vong năm 1792 (sau sinh 1 gian lục thất) và tận năm 1802 (sau vong thêm 1 gian thập phân nữa).
Cùng năm đó, triều Nguyễn được thành lập bởi Nguyễn Ánh, lấy hiệu Gia Long. Dù bị Pháp xâm chiếm năm 1858 nhưng triều Nguyễn vẫn tồn tại song song với chính quyền bảo hộ thực dân thêm gần 100 năm nữa. Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại bị chính quyền Cách mạng tháng 8 lật đổ vào năm 1945, đúng bằng 11 gian lục thất sau năm sinh (1802 + 11 x 13 = 1945). Nhưng đây mới chỉ là năm vong của nhà Nguyễn. Sau khi giả chấp nhận làm cố vấn Vĩnh Thụy cho chủ tịch Hồ Chí Minh một thời gian ngắn thì Bảo Đại bỏ trốn rồi theo chân pháp về miền Nam thành lập Quốc gia Việt Nam và giữ chức quốc trưởng. Đến năm 1955 quốc trưởng Bảo Đại bị thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế bằng một cuộc trưng cầu dân ý, mất hoàn toàn quyền lực, thành dân thường và bắt đầu cuộc sống lưu vong bên Pháp. Như vậy triều Nguyễn tồn tại 153 năm, bắt đầu sinh vào 1802, vong năm 1945 (sau sinh 11 gian lục thất) và tận năm 1955 (sau vong thêm 1 gian thập phân nữa).
Tự do và dân chủ
Số gian lục thất cũng có quy luật để tính toán. Với triều đại Cộng sản do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1945, số gian lục thất là 5, 2010 là năm vong, 2020 là năm tận. Cũng chẳng cần hiểu biết luật lục thất thập phân, chỉ cần phân tích biện chứng tình hình, bối cảnh chung, đánh giá những động lực bên trong và bên ngoài, nhận thức của những người cầm chèo cầm lái, … thì cũng có thể nhận ra được những biến động từ nay đến 2010. Đó cũng không nằm ngoài quy luật nhân quả. Xét cho cùng, không ai đánh bại được chủ nghĩa Cộng sản trên toàn cầu nếu nó tốt và phù hợp với quy luật tất yếu. Nó suy vong là bởi chính nó. Sự xuất hiện những tác nhân bên ngoài cũng chỉ là kết quả theo quy luật từ cái nhân bên trong tạo ra. Các tác nhân bên ngoài sẽ tôn tạo hay hủy diệt cái bên trong cũng là do cái nhân sinh ra từ bên trong đó. Triều đại Cộng sản Việt Nam sẽ suy vong nhanh chóng là tất yếu không thể cản lại được bởi chính những sai lầm của nó.
Điều nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cần quan tâm trên hết lúc này là một thời đại mới sẽ hình thành như thế nào, chúng ta có nắm bắt được vận hội mới để tham gia kiến tạo hòa bình và ổn định cho toàn thế giới, qua đó tận dụng cơ hội để phát triển thịnh vượng bền vững hay không. Điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào ước nguyện bây giờ của chúng ta. Nếu chúng ta lại rơi vào cái bẫy của nghèo đói hoặc của sự tham lam mà mong ước một xã hội thế nào cũng được miễn có thể kiếm tiền nhiều hơn thì lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta sẽ không đi được đến đó. Nhưng nếu chúng ta mong cầu tự do; mong được có đầy đủ quyền con người mà tạo hóa dành cho chúng ta; kiên quyết nắm lấy quyền quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc mình bằng lá phiếu của mình để lựa chọn những thành phần ưu tú nhất lãnh đạo đất nước thì chúng ta sẽ có tất cả.
Chúng ta sẽ có quyền làm giàu và cũng có quyền không thích làm giàu, nhưng không ai có quyền tước đoạt hay ban phát những cơ hội đó của chúng ta. Chúng ta sẽ có quyền nói lên tiếng nói của mình mà không phải sợ hãi cho dù đó là những lời phê bình chỉ trích những nhà lãnh đạo. Lịch sử đã cho thấy rõ là những xã hội như thế thì luôn phát triển thịnh vượng và bền vững, mọi người trong đó luôn có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp. Những doanh nhân chân chính khát khao làm giàu để làm ra của cải vật chất cho mình và cho xã hội thì chỉ cần phục vụ khách hàng và thỏa mãn cổ đông chứ không phải những quan chức nhà nước. Nhìn những doanh nhân “đại gia” nhất nước hiện nay phải cung kính trước mặt hoặc lấp xấp chạy theo các quan chức không chỉ tạo ra hình ảnh của sự bất công mà còn là sự hạ thấp phẩm giá của họ. Trong thời đại toàn cầu hóa này, Việt Nam cần những doanh nhân có tư thế lớn, ngẩng cao đầu. Người Nhật đã rất giận dữ khi doanh nhân của họ cúi đầu đút lót cho quan chức Việt Nam.
Và chủ quyền quốc gia
Một nền tự do dân chủ cũng sẽ giúp chúng ta bảo vệ chủ quyền đất nước, chống việc xâm lấn biên giới lãnh hải hiệu quả. Nếu quyền lực tối cao của Việt Nam thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam và quyền lực tối cao của Trung Quốc thuộc về nhân dân Trung Quốc thì chắc chắn hai dân tộc sẽ lựa chọn giải pháp chung sống hòa thuận để cùng nhau phát triển hòa bình. Thật đáng buồn với tình trạng hiện nay, khi quyền lực thuộc về một nhóm nhỏ cầm quyền ở cả 2 nước thì kẻ mạnh kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi kêu gọi đánh chiếm Việt Nam, còn kẻ yếu thì trấn áp sự biểu lộ tinh thần yêu nước chống xâm lăng. Trong một xã hội mà quyền quyết định cuối cùng thuộc về nhân dân thì những tham vọng cá nhân muốn xâm chiếm nước khác không thể phát triển, nếu có cũng không thể thực hiện được vì điều đó đi trái ngược với ý muốn của đa số dân chúng. Tuyệt đại đa số con người trên trái đất này đều muốn hòa bình, không muốn đổ máu chém giết lẫn nhau. Người ta chỉ phải làm điều đó khi bị bắt buộc.
Nhật Bản sau 50 năm duy tân bằng những tư tưởng tự do đưa đến một sự cường thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Nhưng do không có một thiết chế dân chủ hiệu quả để duy trì tự do và dân chủ, nước Nhật đã sa vào chủ nghĩa quân phiệt rồi gây bao nhiêu chiến tranh khốc liệt, tàn sát hàng chục triệu người vô tội bởi tư tưởng đại Đông Á bệnh hoạn. Người Nhật cũng bị xua vào những cái chết vô nghĩa. Cuối cùng nó đã bị đánh bại một cách nhục nhã ê chề. Nhưng người Nhật đã nhanh chóng nhận ra sai lầm đó, họ hiểu rằng cần tôn trọng tự do và quyền quyết định vận mệnh đất nước của người dân. Và họ đã xây dựng một thiết chế hiệu quả để duy trì và đảm bảo dân chủ. Nhờ vậy mà nước Nhật đã đứng lên, phát triển nhanh chóng từ đống đổ nát. Cũng dân tộc Nhật đó nhưng gần 65 năm nay đã chung sống hòa bình với cả thế giới. Người Đức cũng đã như thế, không còn là mối đe dọa an ninh cho bất kỳ nước nào. Nước Mỹ tự do và dân chủ cũng không tránh khỏi vài lúc xuất hiện những tư tưởng bá quyền của tầng lớp lãnh đạo, nhưng với quyền lực thực tế luôn thuộc về nhân dân Mỹ, nó dễ dàng thay đổi nhanh chóng để đưa về đúng với quỹ đạo của tự do, bình đẳng, bác ái, chống quyền lực tuyệt đối mà nó theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập quốc.
Do vậy, thay vì đấu tranh phản đối Trung Quốc đe dọa biên giới lãnh hải Việt Nam, chúng ta cần đấu tranh để có được tự do, có đủ quyền con người và một thiết chế dân chủ hiệu quả. Khi đó chúng ta có quyền thể hiện lòng yêu nước của mình mà không phải chờ được phép.
Gửi những người Cộng sản
Những người Cộng sản Việt Nam hơn lúc nào hết nên nhận ra thời cuộc. Lịch sử sẽ sang trang và chấm dứt vai trò lịch sử của đảng Cộng sản. Lịch sử sẽ tiếp tục đi về phía trước. Việc phán xét công trạng của đảng Cộng sản cũng sẽ thuộc về lịch sử. Nhưng cho dù thế nào thì lịch sử cũng đã lựa chọn đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi thuộc địa. Việt Nam ta đang đứng trước một vận hội lịch sử để có thể đóng một vai trò quan trọng trong một chiến lược toàn cầu để kiến tạo hòa bình và thịnh vượng cho toàn thế giới. Vận hội đó cần một hình thái nhà nước và mô hình chính trị khác với hiện tại. Đó là sự phát triển tất yếu theo quy luật. Đó không phải là sự phủ định lịch sử. Việt Nam có sứ mạng lịch sử để trở thành một nơi cân bằng và giao thoa về kinh tế, văn hóa, chính trị giữa đông và tây để duy trì sự ổn định và hòa bình cho thế giới. Hãy để lịch sử tiến về phía trước nếu không muốn bị bánh xe lịch sử đè bẹp.
Bánh xe lịch sử đó nếu không đến từ trong thì cũng sẽ đến từ bên ngoài. Trong diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Obama đã nói:
“Đối với những người bám lấy quyền lực nhờ tham nhũng, dối trá và bịt miệng tiếng nói đối lập, hãy biết rằng quý vị đang đi ngược lịch sử, nhưng chúng tôi sẽ chìa tay ra nếu quý vị biết từ bỏ nắm đấm.”
“Chúa trao cho mọi người quyền được bình đẳng, quyền được tự do, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.”
“Và do đó đối với tất cả các dân tộc và chính phủ khác đang theo dõi chúng ta hôm nay, từ các thủ đô lớn nhất tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi ra đời: quý vị biết rằng nước Mỹ là bạn bè với từng quốc gia, từng cá nhân dù là nam hay nữ, từng đứa trẻ, đang tìm kiếm tương lai hoà bình và phẩm giá, và chúng ta sẵn sàng để đi đầu một lần nữa.”
Chúc Tết năm Kỷ Sửu
Nếu người Mỹ gốc Phi bao lâu nay chỉ ước nguyện làm giàu là trên hết thì sẽ còn rất lâu nữa người da đen mới có thể chiếm ưu thế tuyệt đối trong nền kinh tế Mỹ. Nhưng họ đã ước nguyện đến tự do, đến quyền làm người của mình để đến ngày hôm nay họ có một tổng thống của nước Mỹ.
Do vậy năm mới, thay vì chúc nhau phát tài, chúng ta hãy chúc nhau và cùng nguyện ước đến tự do và quyền con người. Chúc cho Việt Nam dân chủ.
Xin hãy gửi lời chúc này đến tất cả người dân Việt.
Chào Kỷ Sửu. Đón chào một vận hội mới của Việt Nam.
Trần Đông Chấn
Mùa xuân, mùng 8 Tết Kỷ Sửu 2009
No comments:
Post a Comment