Tuesday, February 10, 2009

BBC PHỎNG VẤN DƯƠNG THU HƯƠNG

Phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương
Quốc Phương

www.bbcvietnamese.com
10 Tháng 2 2009 - Cập nhật 11h54 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2009/02/090209_duongthuhuong_inv.shtml
"Từ khi tôi rời khỏi đất nước, tôi chẳng có xuân với Tết gì hết," nhà văn Dương Thu Hương, tác giả cuốn tiểu thuyết 'Đỉnh cao chói lọi' đang gây nhiều dư luận trong và ngoài nước, cho BBC hay về việc đón Tết nguyên đán mới đây trong một phỏng vấn dài đầu năm.
"Tôi ở đây có một mình và tôi cũng ít tiếp xúc với mọi người. Tôi hay khép kín mình ở trong phòng làm việc suốt trừ những khi phải đi các tỉnh gặp gỡ độc giả, hoặc tham gia những hội chợ, các conference quốc tế," nhà văn nói về cuộc sống riêng của mình.
"Cảm ơn những lời chúc mừng của mọi người, sách cũng mới phát hành thôi nên tôi hiện chưa biết được kết quả ra sao. Chỉ biết là dù sao cũng trả được một món nợ với những người đã mất," bà Hương nói.
Trung tuần tháng này, chương trình văn hoá bằng tiếng Anh thuộc Thế giới vụ Đài BBC sẽ phát sóng một phần cuộc trao đổi giữa nhà văn nữ bất đồng chính kiến với BBC Việt ngữ, mà nội dung chính mời quý vị theo dõi sau đây.

Con chuột trong hang

Tôi vẫn sống cuộc sống của một người như con chuột trong hang thôi, chỉ có một mình, mà Xuân phải đông đủ gia đình thì mới gọi là xuân được. Tết này tôi cũng được nhiều bạn bè mời đến nhà ăn tết nhưng tôi cũng ngại. Thành ra đối với tôi, xuân với hè cũng như nhau.
Tôi vẫn nhận được nhiều thư từ, điện thoại từ bạn bè. Tuy được nhà nước Việt Nam coi là kẻ thù, nhưng tôi lại có nhiều bạn, kể cả các bạn quốc tế.
Con cái tôi cũng có gọi điện. Đặc biệt những nhân vật quan trọng nhất của tôi là các cháu cũng gọi điện 'chúc bà thêm một tuổi'. Nhưng làm bà thì cũng 'đau đớn' lắm vì thêm một tuổi thì lưng thêm còng, gánh thêm nặng. Nhưng như thế thì cũng vui.
Tôi có đủ cả một cỗ hai cháu nội, hai cháu ngoại, nhưng các cháu đại xá cho vì bà ở xa quá không gửi mừng tuổi về được. Năm vừa rồi, vào tháng Chín, con gái tôi có qua chơi, nhưng việc xin visa bây giờ hình như là càng ngày càng khó lên.
Về lại Việt Nam ư, từ lâu nay, tôi sống ngày nào biết ngày ấy. Tôi không có kế hoạch lâu dài. Vả chăng tôi còn một chương trình làm việc dự định ở một nước khác, tôi cũng đã 60 tuổi rồi.

Internet, tiếng Pháp và cơm Việt

Tôi không có Internet và kiên quyết không có Internet vì vào Internet chắc chắn là nhiều thông tin, rồi lại đến thư từ, thành ra tôi không có thì giờ mà phải tập trung làm việc.
Tin tức ở Việt Nam thì tôi cũng có mấy nhóm thân cận bên này. Thỉnh thoảng có tin tức gì quan trọng, các cháu hay bạn bè lại in ra cho tôi đọc. Thành ra tôi vẫn cập nhật được tình hình chung bên nhà.
Với các báo đài, truyền thông, tôi cũng ít có thời gian theo dõi. Tôi cũng lớn tuổi rồi và không hề có ảo vọng về sức khoẻ của mình. Một điều nữa là phải hình dung được một người ở tuổi 50, 60 nay đi học một thứ ngoại ngữ vất vả như thế nào.
Tôi từ khi sang đây, ngoài lúc làm việc ra, phải tập trung vào học ngoại ngữ để có thể tiếp xúc, giao tiếp với mọi người. Vì chẳng lẽ lúc nào cũng phải thông qua phiên dịch. Những người trẻ sán lạn không thể nào hiểu được những người già 'tăm tối' khi họ phải học một món ngoại ngữ ở tuổi 50.
Về Tết thì thực ra tôi quanh năm đều có đồ châu Á. Ở Paris đặc biệt không thiếu đồ châu Á , lại có nhiều nhà hàng Á nữa. Chỉ có thiếu thời gian để nấu thôi vì tôi ở một mình, không thể nấu cơm Việt được.
Nói vậy nhưng nấu cơm Việt Nam vô cùng phức tạp. Phải từ 2-3 người trở lên mới bõ. Không bao giờ làm cơm Việt Nam một mình, vì nó phải đủ món.
Tôi là người 'răng đen mắt toét' nên những món tôi ưa thích như canh cua, bánh đúc không có được. Thành ra để thay thế, thỉnh thoảng tôi đi ăn phở hoặc đành vuốt bụng thôi. Không làm thế nào được.

'Đỉnh cao chói lọi'

Để tìm hiểu lịch sử và nhìn lại chân lý là một việc nan giải và không dễ dàng gì để tiếp nhận. Bởi vì con người ta luôn luôn là nô lệ cho một hệ thống giả định. Những hệ thống ý tưởng giả định đó khi đã cắm sâu vào đầu con người thì rất khó bứt ra.
Thật ra con người nói chung là một con vật rất lười suy nghĩ. Thành ra không phải dễ dàng gì tìm ra chân lý. Hồ Chí Minh từ lâu đã biến thành một hình nộm bị dùng bởi hai thế lực lịch sử.
Đối với những người cầm quyền trong nước, ông ta biến thành một ông Thánh, một con người toàn bích. Không có một nhược điểm nào, xin lỗi, chắc là không có cả đi vệ sinh và không làm tình. Để trở thành một thành luỹ che chắn cho chế độ.
Còn đối với những người vượt biên, hay những người là nạn nhân của chế độ cộng sản, buộc phải rời Tổ quốc ra đi trong một nỗi đau khổ khôn cùng, trong một lòng thù hận khôn nguôi, thì chỉ có Hồ Chí Minh là cái đích, cái biểu tượng dễ nhất để mà khạc nhổ, để mà đánh đấm.
Hồ Chí Minh đối với những người căm thù cộng sản trở thành hố rác để người ta chút tất cả những sự phẫn nộ, thù hận và sự khinh bỉ vân vân và vân vân.
Và khi đã có một mục đích như vậy thì không thể nào mà tiếp cận được chân lý. Bởi vì tất cả những người đã bị điều khiển bởi một mục đích thì không thể nào có được một cái nhìn khách quan.

'Có chủ trương riêng'

Vì vậy từ lâu nay, dù là người tranh đấu cho dân chủ, nhưng tôi kiên quyết không bao giờ vào một đảng phái nào. Mặc dù cách đây mấy năm, tôi có ghi tên vào khối '8406', nói thẳng là tôi ghi tên để cùng đấu tranh với anh em, nhưng tôi là tôi.
Tôi luôn luôn là người đơn độc và tôi luôn có chủ thuyết của riêng tôi, tôi không bao giờ phụ thuộc vào bất kỳ hệ thống ý tưởng của ai khác. Thời anh Chính (Hoàng Minh Chính) còn sống, tôi rất kính trọng anh Chính, nhưng tôi cũng nói với anh là chúng ta liên đới để đấu tranh. Tôi không phải là đệ tử của anh ấy.
Thực ra từ lâu tôi đã nhìn thấy rằng sự đồng lòng nhất trí trong một tập đoàn đưa đến một cái nhìn mù quáng và nhiều khi xuyên tạc lịch sử. Khi đã có một mục tiêu, người ta phải giả mạo lịch sử, người ta phải biến báo tất cả các sự kiện đi để đạt được mục tiêu ấy.
Ví dụ như trong khối '8406' bây giờ có mục tiêu cương quyết đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại, và vì thế tìm đủ mọi cách để có thể hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bằng mọi giá.
Còn những người bảo vệ Hồ Chí Minh thì cũng không phải vì Hồ Chí Minh mà vì họ bảo vệ quyền lợi của họ. Bởi vì dù sao ông Hồ trong lịch sử vẫn còn để lại một hình ảnh tốt đẹp trong dân chúng.

'Hình ảnh sáng giá'

Sau 100 năm sống dưới chế độ đô hộ của thực dân Pháp, muốn hay không, thì Hồ Chí Minh cũng là người lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8 và đã xoá bỏ chuỗi ngày dài nô lệ.
Người ta không quên được những cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Bản thân tôi cũng không quên được những hình đã từng xem như là Đề Thám và nghĩa quân các cuộc khởi nghĩa thất bại bị chặt đầu, rồi đầu họ bị cho vào những chiếc rọ.
Tất cả những hình ảnh đó cắm sâu vào tiềm thức của dân tộc và vì vậy mà Hồ Chí Minh vẫn là sáng giá để bảo vệ cho một chế độ mà người ta đã ngán đến tận tai và người ta đã thấy đầy rẫy những tội lỗi.
Những người làm chính trị là những người có mục đích. Vì vậy, tôi nói tôi chỉ làm giặc chứ không làm chính trị gia. Vì làm chính trị gia khó tránh khỏi phải thoả hiệp, trong đó bao gồm sự gian dối và đạo đức giả...
Tôi không bao giờ lệ thuộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào và do đó trong chuyện này, nhà văn tự do hơn chính trị gia nhiều.

Tiểu thuyết hay chính trị

Trong đoạn tự thoại của nhân vật Chủ tịch ở cuốn tiểu thuyết của tôi, nhân vật mặc bộ complê trắng ngà chính là lương tâm của ông ta tự vấn. Ông không phải chỉ là nạn nhân đâu, bản thân ông cũng tham dự một phần của kẻ đao phủ.
Trong con người ông có một góc hình thành con người tên đao thủ, vì ánh sáng của quyền lực, ảo vọng của vinh quang v.v... và vai trò của Cha già dân tộc đã khiến cho ông rơi vào một tình trạng tê liệt và hèn nhát.
Và cái đó chính ông cũng nghiệm thấy là bản thân ông tham dự vào cái chết của vợ ông ấy.
Không một cuốn sách nào chỉ có một thông điệp không thôi cả, nếu không thì người ta không nên mất công viết làm gì, nhất là lại tra tấn người đọc đến gần 800 trang với chỉ một thông điệp không. Đấy là điều thứ nhất, quy luật chung của văn chương.
Điều thứ hai, người ta hỏi tôi đây là cuốn sách văn học hay chính trị? Tôi bảo tôi không biết, vì cái này tuỳ người đọc người ta lựa chọn và định giá. Tôi chỉ cho đây là một cuốn tiểu thuyết.
Nhưng vì nhân vật là một chính trị gia, nên nó nhuốm mầu sắc chính trị. Trên con đường tìm kiếm nguyên nhân cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ và tìm hiểu lịch sử, tôi đã bắt gặp câu chuyện này.
Tôi bắt gặp nhân vật vốn là một chính trị gia vĩ đại này, nhưng đồng thời cũng là một con người khốn khổ. Và tôi mô tả ông ta đúng như điều tôi nhìn thấy dưới ánh sáng của văn chương, chứ không phải dưới chủ đích của chính trị.
Bởi tôi đã nhắc lại cả nghìn lần rằng tôi không bao giờ tham dự vào bữa tiệc của những người dân chủ khi họ mừng ngày thắng lợi. Tôi là người tự do và đừng hòng ai có thể điều khiến tôi trong bất cứ mục tiêu nào cả.

' Bằng đôi chân của mình'


Đừng bao giờ kết tội tôi gây khó khăn cho những người viết sau, khi họ muốn sử dụng những cứ liệu, huyền thoại về nhân vật lịch sử mà tôi đã sử dụng này. Mỗi người tự đi bằng đôi chân của mình.
Mỗi người phải tự tìm con đường của mình, phải can đảm đối diện với lịch sử. Và như vậy phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Về bằng chứng ư, bản thân tôi, 20 năm ấy, nếu không có người em trai tôi, làm sao tôi tiếp cận được nhân vật ấy.
Họ phải thủ tiêu tôi tức khắc ấy chứ. Bởi vì họ đã bố trí hai lần để kẹp chết tôi nhưng vì người em tôi cứu tôi, và vì tôi đã viết những bài như 'Thế nào là Chủ nghĩa Xã hội', hay 'Đảng phải biết ơn nhân dân' thay vì đảng dạy nhân dân biết ơn đảng.
Tôi đã phân tích những cái đạo đức giả cũng như những cái corruption - tham nhũng rất lớn của nhà nước. Những cái đó nhẹ hơn nhiều nếu như họ biết tôi tìm để viết đích thực về chuyện ông Hồ và hai nhân vật là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
Nếu họ biết thì không phải là lần thứ ba hay thứ tư mà cả lần thứ ba mươi, họ cũng tìm cách để thịt chết tôi. Những thế hệ sau có con đường của họ. Họ phải đổ mồ hôi để tìm hiểu lịch sử và phải lao động.

'Xúc động thực sự'

Ông Hồ là một người đàn ông khoẻ mạnh, khá đẹp trai. Tôi nghĩ điều Xuân Quỳnh trước đây nói với tôi là nếu Quỳnh gặp ông ấy ngày trước, có thể Quỳnh cũng phải lòng, cũng có thể là thật.
Vì thế trong cuộc đời của ông ta không thể nào chỉ có một người phụ nữ được. Cái huyền thoại một mối tình từ 16 tuổi tới 79 tuổi là ngớ ngẩn, chẳng ai tin vào thời buổi này.
Ông ta có nhiều người đàn bà trên con đường phiêu dạt của ông ấy. Nhưng vì ông ấy là người cách mạng, ông ấy không thể sống một cuộc đời bình thường được.
Nhưng qua tìm hiểu của tôi, đặc biệt khi tìm hiểu cô Xuân, tôi hiểu rằng đây là mối tình lớn nhất của ông. Đây cũng là mối tình đau khổ mà người ta gọi là mối tình định mệnh đối với người đàn ông này.
Và tôi nghĩ rằng người phụ nữ này cũng là người phụ nữ xấu số. Bà là một người có đầy đủ các khả năng để trở thành một người đàn bà sung sướng. Vừa có nhan sắc, vừa có từ tâm, vừa hồn nhiên.
Tóm lại đó là một con người không hề có một mục đích tăm tối nào trong cuộc đời của mình, thế mà lại phải chịu một số phận oan nghiệt.
Nói chung, khi gặp lịch sử về người phụ nữ miền núi này, chính bản thân tôi cũng xúc động.

Vũ Kỳ và Trần Độ

Có thể là có lý khi cho rằng giữa ông Vũ Kỳ và ông Trần Độ có một điểm nào đó giống nhau. Đó là khi cuối đời họ nhận ra rằng trong con đường mà họ cho là lý tưởng, có một cái gì đó là một sai lầm lớn.
Nhưng riêng với ông Trần Độ, những năm cuối đời của ông, ông đã thay đổi hẳn. Cùng với anh Kiên Giang, tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với anh Trần Độ.
Anh Trần Độ đã đứng hẳn về phe chúng tôi, tôi biết chắc rằng cuối đời sự chuyển hướng của anh là mạnh mẽ và dứt khoát.
Với ông Vũ Kỳ thì tôi không thể gặp được vì tôi mà xán vào ông ấy, thì người ta sẽ giết tôi luôn. Nên thay vì tôi, người khác phải tìm cách gặp và phỏng vấn ông ấy, dĩ nhiên với những hình thức khác nhau chứ không phải như cách nhà báo BBC phỏng vấn tôi bây giờ.
Vì chuyện ấy sẽ có thể trở thành một thứ chướng tai gai mắt trong xã hội lúc bấy giờ và người ta sẽ cho anh đi chơi với hà bá luôn.
Thế nhưng, như tôi đã nói, nếu không có người em trai tôi thì tôi không thể làm được việc gì. Vì những sự thật cốt lõi, phải là người em tôi làm. Anh ta đã phỏng vấn và tìm hiểu các vấn đề vì nếu tôi chường cái mặt tôi ra thì tôi không còn được sống tới bây giờ.

Với độc giả trẻ

Đừng hỏi tôi về việc những độc giả trẻ trong tương lai suy nghĩ gì khi đọc cuốn chuyện của tôi. Cái đó phải hỏi họ. Nhưng tôi có một phương châm là trong cuộc sống của mình tôi làm hết mình những gì tôi thấy cần phải làm.
Để góp phần gì đó cho sự nghiệp phát triển của dân tộc, hoặc là để cho họ nhìn thấy một chân lý, hoặc là để cho họ tiếp cận được với nền dân chủ, hoặc là làm được một điều dù bé nhỏ nhưng giúp dân mình thay đổi được số phận, tôi làm hết mình.
Nhưng mà để rình mò xem cuốn này người ta có thích không, bao nhiêu người thích, bao nhiêu người ghét, rồi phải gia giảm chi tiết này, bớt chi tiết kia, thi xin lỗi, ngay với độc giả Tây vốn là độc giả chính của tôi bây giờ, tôi không tính đến chuyện ấy đâu.
Bởi vì tôi không phải là người làm hàng, bán hàng mà tôi phải tính tới nhu cầu thương mại.
Sau gần 800 trang sách, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc liệu còn điều gì lấn cấn và chưa hài lòng. Đó là một câu hỏi phức tạp. Nói thực là tôi viết xong cuốn nào là thôi, là tôi quên luôn, tôi nghĩ sang chuyện khác.
Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp như các nhà văn Pháp ở đây. Họ rất kỹ lưỡng về nghề nghiệp. Họ dò la độc giả, rồi dò la các nhà xuất sách và họ rất quan tâm tới chủ các nhà xuất bản.
Tôi không làm chuyện đó và không quan tâm tới chuyện đó. Tôi làm đến đâu hay đến đấy. Tính tôi từ xưa tới nay là như vậy, tôi tự gọi mình là 'sans foutisme' - bất cần - là thế.


No comments: