20 Năm Nhìn Lại Biến Cố Tại Đông Âu:
Những Diễn Biến Khởi Đầu Tại Ba Lan và Hung Gia Lợi
Lý Thái Hùng
Cập nhật ngày: 19/02/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8326
Những Diễn Biến Khởi Đầu Tại Ba Lan và Hung Gia Lợi
Ngày mồng 6 tháng 2 năm 2009 vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đề cập về Hội Nghị bàn tròn giữa đảng Công nhân thống nhất Ba Lan (đảng Cộng sản Ba Lan) với Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan như là khởi điểm đưa đến những diễn biến chính trị làm sụp đổ chế độ độc tài Cộng sản tại 8 quốc gia (Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Rumania, Bulgaria, Albania và Nam Tư) trong vùng Đông Âu vào năm 1989. Thật ra, Hội nghị bàn tròn không phải là khởi điểm mà là điểm kết của bước lùi chiến thuật trong diễn trình đối phó của đảng Cộng sản Ba Lan trước sự lớn mạnh của Công Đoàn Đoàn Kết - ra đời vào tháng 8 năm 1980 tại thành phố Gdansk. Nói cách khác, Hội nghị bàn tròn là một chiêu bài “câu giờ” của đảng Cộng sản Ba Lan nhằm giải tỏa sức ép của các cuộc đình công quy mô của Công Đoàn Đoàn Kết do ông Lech Walesa lãnh đạo kéo dài liên tục từ tháng 5 năm 1987 đến tháng 8 năm 1988, làm tê liệt toàn bộ mọi sinh hoạt xã hội vào lúc đó. Mục tiêu của đảng Cộng sản Ba Lan vào lúc đó là dùng Hội nghị bàn tròn để buộc Công Đoàn Đoàn Kết liên đới chịu trách nhiệm về các khủng hoảng xã hội và kiềm chế các hoạt động của Công Đoàn trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp của đảng Cộng sản.
Lúc đó, ban tham mưu của Công Đoàn Đoàn Kết tuy thấy rõ âm mưu “câu giờ” nhằm tìm kiếm những giải pháp thoát hiểm và nhìn thấy rõ đòn hiểm độc trong việc gây phân hóa hàng ngũ Công Đoàn của đảng Cộng sản Ba Lan; nhưng ông Lech Walesa vẫn tuyên bố sẵn sàng tham gia. Đã có lúc nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết phân hóa với hai ý kiến trái ngược. Một bên thì cho là nên tham gia Hội nghị để dùng đối thoại lôi kéo thành phần cán bộ có khuynh hướng cải cách trong đảng Cộng sản Ba Lan tiến tới những cải tổ hợp lý trước các yêu sách của Công đoàn. Một bên thì cho là không nên tham gia vì chỉ giúp cho đảng Cộng sản mua thời gian đối phó đồng thời làm mất đi động lượng của các cuộc đình công đang làm cho đảng Cộng sản Ba Lan điên đầu đối phó. Thậm chí phía phản đối tham gia Hội nghị còn cho rằng nếu ngồi vào bàn Hội nghị với đảng Cộng sản Ba Lan là đồng lõa với chế độ độc tài, phản bội lại tập thể công nhân.
Trong lúc Công Đoàn Đoàn Kết tranh cãi về việc nên hay không nên tham gia Hội nghị bàn tròn thì đảng Cộng sản Ba Lan ra chỉ thị giải tán những xí nghiệp mà Công Đoàn Đoàn Kết có tổ chức hoặc có ảnh hưởng, thường dùng làm cứ điểm tung ra những cuộc đình công tạo sức ép chính trị. Sự kiện này đã giúp cho phe chủ trương không tham gia Hội nghị có lý cớ cổ võ cho việc gia tăng các cuộc đình công và không ngồi vào bàn hội nghị với đảng Cộng sản. Tháng 11 năm 1988, đảng Cộng sản Ba Lan phải ngưng chỉ thị giải tán các xí nghiệp mà Công Đoàn Đoàn Kết có ảnh hưởng và cử Bộ trưởng nội vụ Kiszczak gặp ban tham mưu Công Đoàn để thảo luận về mô thức Hội nghị. Phía Công Đoàn đã đưa ra một số điều kiện tiên quyết để tham gia Hội nghị như: 1/ Đảng Cộng sản phải thừa nhận sự hợp pháp của Công Đoàn; 2/ Phục hồi chức vụ và công việc của những người đã từng tham gia các cuộc đình công; 3/ Cho những người từng tham gia và lãnh đạo hai cuộc đấu tranh năm 1968 và 1970 tham gia Hội nghị; 4/ Thu hồi lệnh giải tán xưởng đóng tàu Lenin tại thành phố Gdansk (cứ điểm quan trọng của bộ chỉ huy Công Đoàn Đoàn Kết).
Những đòi hỏi của Công Đoàn Đoàn Kết đã làm cho đảng Cộng sản Ba Lan lúng túng. Lúng túng quan trọng nhất là công nhận sự hợp pháp của Công Đoàn vì sẽ dẫn đến sự công nhận bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên mà đảng Cộng sản Ba Lan không muốn. Từ sau cuộc gặp gỡ tháng 11, Bộ trưởng nội vụ Kiszczak im lặng không tiếp xúc trở lại với Công Đoàn và không đá động gì đến vấn đề Hội nghị nữa. Biết rõ yếu điểm của đảng Cộng sản Ba Lan, ban tham mưu Công Đoàn Đoàn Kết đã huy động công nhân trên toàn quốc thay phiên nhau tập trung tổ chức hàng loạt các cuộc đình công quy mô ngay tại thủ đô Warsaw vào đầu năm 1989. Những cuộc đình công này đã làm cho ban lãnh đạo đảng Cộng sản Ba Lan phải nhượng bộ đồng ý bốn yêu sách nói trên của Công Đoàn và nhất là đưa ra hai quyết định quan trọng vào ngày 18 tháng 1 năm 1989 là: 1/ Chấp nhận sinh hoạt chính trị đa thành phần (chưa công nhận đa đảng); 2/ Chấp nhận những nghiệp đoàn độc lập ngoài khuôn khổ nghiệp đoàn của nhà nước Cộng sản.
Ngày 22 tháng 1 năm 1989, Công Đoàn Đoàn Kết ra tuyên bố bày tỏ sự quan tâm về quyết định nói trên của đảng Cộng sản Ba Lan và chấp nhận tham gia vào bàn Hội nghị bàn tròn. Hội nghị bắt đầu từ ngày 6 tháng 2 kéo dài đến ngày 5 tháng 4 năm 1989 với nhiều quyết định quan trọng; trong đó, đảng Cộng sản Ba Lan phải chấp nhận tổ chức cuộc Tổng tuyển cử tự do vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 4 tháng 6 năm 1989 có thể coi như là một phán quyết lịch sử của người dân Ba Lan khi đa số dồn phiếu cho Công Đoàn Đoàn Kết thắng lớn tại quốc hội để hai tháng sau đó, nội các của Công Đoàn Đoàn Kết được thành lập dưới sự lãnh đạo của Luật sư Tadeusz Mazowieckj, chấm dứt 45 năm độc chiếm quyền lực của đảng Cộng sản Ba Lan.
Những diễn biến chính trị xảy ra tại Ba Lan từ tháng 8 năm 1988 nói trên đã tác động mạnh mẽ lên nội tình của các đảng Cộng sản Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, nhất là đối với các lực lượng dân chủ tại đây. Điều mà các lực lượng dân chủ tại Đông Âu và cả thế giới tự do chú ý vào lúc đó là thái độ của Liên Xô có đem quân can thiệp nội tình Ba Lan khi mà Công Đoàn Đoàn Kết đang dồn đảng Cộng sản Ba Lan vào đường cùng bởi các cuộc đình công quy mô trên toàn quốc và nhất là làm tê liệt sinh hoạt tại thủ đô Warsaw. Khi ông Gorbachev tuyên bố: "Vấn đế chính trị của Ba Lan phải do người Ba Lan quyết định" trong một cuộc trả lời báo chí tại Mạc Tư Khoa vào tháng 11 năm 1988, đã như một tín hiệu cho thấy Liên Xô sẽ không can thiệp vào nội bộ các nước chư hầu như năm 1956 tại Ba Lan hay 1968 tại Tiệp Khắc. Sự kiện này đã không chỉ kích thích thêm làn sóng chống đối của lực lượng dân chủ tại Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức mà quan trọng hơn nữa là khuyến khích thành phần cán bộ muốn ly khai khỏi sự kiềm chế của Liên Xô, tạo thành một khuynh hướng chống lại quyền lực phe thân Liên Xô.
Cựu Thủ tướng Hungary Imre Nagy, người đã nổi lên chống lại Liên Xô. Hình chụp phiên tòa xử kín ông vào ngày 15/06/1958. Ông bị kết án tử hình và bị xử tử ngay ngày hôm sau. Thân xác bị chôn vùi ngay trong sân tù.
http://www.viettan.org/IMG/jpg/d00001B0A63eacb46a3cf.jpg
Tại Hung Gia Lợi, vào tháng 1 năm 1989, phe muốn ly khai khỏi Liên Xô và có khuynh hướng cải cách theo kinh tế thị trường, đứng đầu bởi ủy viên bộ chính trị Imre Poszgay đã yêu cầu đảng Cộng sản Hung phải duyệt xét lại công trạng của cựu Thủ tướng Imre Nagy, người đã nổi lên chống lại Liên Xô và bị Hồng Quân Liên Xô giết chết vào năm 1956. Trong lúc phe ly khai Liên Xô vận động đảng xét lại cuộc chính biến năm 1959, đã vận động những cán bộ có khuynh hướng cải cách cố xuý những cuộc đối thoại với những lực lượng dân chủ như Hội nghị bàn tròn đang diễn ra tại Ba Lan. Ngày 7 tháng 6 năm 1989, Tối cao pháp viện Hung Gia Lợi ra phán quyết phục hồi danh dự của cựu Thủ tướng Imre Nagy và những người liên hệ đến cuộc chính biến vào năm 1956. Sau khi nghe phán quyết này, cựu Tổng bí thư Janos Kzadar (người đã theo Liên Xô và ra lệnh treo cổ cựu Thủ tướng Imre Nagy) đã tự sát. Sự kiện này gây một chấn động trong nội bộ phe giáo điều. Nhân phán quyết của Tối cao pháp viện về biến cố năm 1956, các đảng viên muốn ly khai Liên Xô, các đảng viên cải cách kêu gọi những lực lượng dân chủ cùng biến ngày lễ cải táng hài cốt cựu thủ tướng Imre Nagy - ngày 16 tháng 6 năm 1989 - làm ngày "Hòa Giải Dân Tộc" để tiến đến một loại Hội nghị bàn tròn.
Hội nghị bàn tròn giữa các lực lượng chính trị tại Hung Gia Lợi diễn ra từ ngày 13 tháng 6 kéo dài đến ngày 21 tháng 6 năm 1989, tập trung thảo luận về cuộc Tổng tuyển cử tự do, tu sửa hiến pháp và thiết lập chế độ đa đảng. Trong lúc Hội nghị bàn tròn đang tiến hành, các lực lượng dân chủ đã gia tăng những áp lực chính trị bằng cách tổ chức những cuộc đình công của công nhân nhằm chống lại việc đóng cửa một số công trường, đòi tăng lương; vận động nông dân biểu tình đòi lại ruộng đất bị cướp đoạt, đòi tăng giá hàng cho những người sản xuất và nhất là đẩy mạnh phong trào chống ô nhiễm môi sinh để đẩy đảng Cộng sản Hung rơi vào thế lúng túng đối phó. Đặc biệt những người kinh doanh cá thể cũng bắt đầu tổ chức biểu tình đòi nhà nước thay đổi chế độ thuế khóa, bãi bỏ tình trạng độc quyền sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh và tự động lập ra Nghiệp đoàn doanh nhân cá thể.
Dân chúng tụ tập ở công trường Anh Hùng ngày 16/06/1989 biểu tình tưởng niệm ông Imre Nagy.
http://www.viettan.org/IMG/jpg/Nagy_lyinginrepose.jpg
Trong khi đó, nội bộ đảng Cộng sản Hung phân hóa trầm trọng vì những ý kiến đối chọi về việc tu sửa hiến pháp, về vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng và những chính sách giải quyết các đòi hỏi của công nhân và nông dân. Do sức ép của phe cải cách, phe muốn ly khai Liên Xô và nhất là do kết quả của cuộc tổng tuyển cử tự do tại Ba Lan, cuối cùng, đảng Cộng sản Hung họp khẩn cấp vào ngày 23 tháng 6, chính thức từ bỏ con đường chuyên chính vô sản, bãi bỏ hệ thống tổ chức đảng theo hình thức của Liên Xô và chỉ thành lập ban đại diện đảng với chủ tịch đảng và 7 ủy viên ban chấp hành. Mặc dù Hội nghị bàn tròn tại Hung Gia Lợi không mang lại kết quả thống nhất ý kiến về việc tổ chức Tổng tuyển cử như Hội nghị bàn tròn tại Ba Lan; nhưng do sự tuyên bố từ bỏ con đường chuyên chính vô sản của đảng Cộng sản, phe cải cách và phe muốn ly khai Liên Xô đã vận động quốc hội Hung biểu quyết tu chính hiến pháp chính thức bãi bỏ chế độ cai trị độc đảng, bỏ tên nước Cộng hòa nhân dân và thay bằng Cộng hòa Hung Gia Lợi. Đồng thời hiến pháp tu chính quốc hội có một viện, nhiệm kỳ 4 năm và sẽ tổ chức cuộc Tổng tuyển cử tự do vào ngày 26 tháng 3 năm 1990.
Khác với cuộc Tổng tuyển cử tự do ở Ba Lan chỉ có đảng Cộng sản Ba Lan đối đầu với Công Đoàn Đoàn Kết, trong khi đó tại Hung Gia Lợi, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 26 tháng 3 năm 1990, có gần 20 đảng phái và lực lượng chính trị tham gia bầu cử; do đó mà không có lực lượng nào chiếm đa số phiếu. Tuy nhiên, đa số các đảng phái dân chủ cùng đưa ra bốn chủ trương để vận động bầu cử: 1/ Dân chủ đa đảng; 2/ Kinh tế thị trường; 3/ Chấm dứt sự lệ thuộc khuôn mẫu Liên Xô; 4/ Triệt thoái Hồng quân Liên Xô ra khỏi lãnh thổ đã thu hút sự ủng hộ của đa số cử tri. Kết quả là ba lực lượng chính trị dân chủ gồm Diễn Đàn Dân Chủ, Liên Minh Tự Do Dân Chủ, Đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập chiếm số phiếu và số ghế trong quốc hội nhiều nhất. Diễn Đàn Dân Chủ đã hợp tác với Đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập thành lập nội các vào tháng 5 năm 1990, chấm dứt 45 năm khống chế quyền lực của đảng Cộng sản Hung và những thế lực thân Liên Xô tại nước này.
Tóm lại, diễn tiến khởi đầu những cuộc chính biến đưa đến sự tan rã chế độ Cộng sản tại Ba Lan và Hung Gia Lợi vào năm 1989 cho chúng ta hai nhận xét:
Thứ nhất, Hội nghị bàn tròn lúc đầu chỉ là thủ thuật câu giờ của đảng Cộng sản Ba Lan hay Hung Gia Lợi; nhưng phía lực lượng dân chủ đã biết khai thác để gây phân hóa chính trong nội bộ của đảng Cộng sản qua những ý kiến hay quan điểm về các vấn đề thảo luận, nhất là về vấn đề Tổng tuyển cử tự do.
Thứ hai, chỉ ngồi vào bàn Hội nghị khi nắm được và tổ chức được các thành phần quần chúng để biến thành những phong trào đấu tranh tạo các áp lực chính trị lên chế độ Cộng sản. Những áp lực đấu tranh quần chúng này, không nhằm buộc đảng Cộng sản phải nghiêm chỉnh thảo luận trên bàn Hội nghị mà là để tấn công làm cho thành phần lãnh đạo Cộng sản thấy rằng họ muốn tồn tại phải chấp nhận đi theo nguyện vọng của quần chúng.
Mỗi quốc gia có những hoàn cảnh khác nhau nên các diễn biến chính trị có thể sẽ rất khác nhau như trường hợp ở Ba Lan và Hung Gia Lợi mà chúng ta thấy; nhưng những diễn biến này cần được những người Việt Nam đang đấu tranh cho tự do dân chủ rút tỉa để giúp chúng ta lượng duyệt xem vì sao Đông Âu chưa xảy ra ở Việt Nam và nếu muốn xảy ra thì đâu là những nỗ lực cần phải tích cực đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Lý Thái Hùng
Feb 17 2009
No comments:
Post a Comment