Sunday, November 2, 2008

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC THẢO LUẬN về NÔNG DÂN và NÔNG THÔN

Mô hình nông thôn mới: Bức phác hoạ dang dở
Lao Động Cuối tuần số 44 Ngày 02/11/2008 Cập nhật: 4:23 AM, 02/11/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Mo-hinh-nong-thon-moi-Buc-phac-hoa-dang-do/200811/112496.laodong

(LĐCT) - Sau 2 năm thực hiện mô hình nông thôn mới cấp thôn bản (với mục đích cải biến nông thôn VN trở thành nông thôn hiện đại vào năm 2020 với chủ trương "Dựa vào nội lực do cộng đồng làm chủ"), thực tế cho thấy có đến 43% kinh phí thí điểm mô hình nông thôn mới cấp thôn bản lại được dành cho việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng.
Và với nguồn vốn ít ỏi còn lại, một danh sách dài những mục tiêu đầy tham vọng khác rõ ràng khó có thể thành hình.

Lúng túng và loạn nhịp

Từ kinh nghiệm "xương máu" thí điểm rầm rộ 200 xã trong chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới cấp xã triển khai từ năm 2001, Bộ NN&PTNT chỉ chọn ra 15 thôn, bản của 13 địa phương cho chương trình mới. Cho đến tháng 9.2008, cơ quan này đã chi hơn 10 tỉ đồng để xây dựng các hạng mục đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi, đường điện, xây nhà văn hoá thôn và phát triển các mô hình sản xuất mới.

Song điều đáng nói là trong số đó có đến 43% tổng kinh phí được dồn vào xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi và điện sinh hoạt. Riêng trong năm 2008, chỉ 17% kinh phí được chi cho xây dựng mô hình phát triển sản xuất.

Sự lựa chọn đầu tư này dường như trái ngược với khảo sát của đơn vị tư vấn thiết kế khi Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, gần như 100% thôn, bản thí điểm đều thống nhất đưa mục tiêu chuyển đổi mô hình sản xuất lên hàng đầu.

Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hưng Yên - ông Vũ Hồng Thuấn - nêu ví dụ, trong số hơn 2 tỉ đồng đầu tư thí điểm nông thôn mới năm 2008 và trong các hạng mục hoàn thành, không có bất cứ hạng mục nào liên quan đến việc phát triển mô hình sản xuất mới. Một hạng mục duy nhất đang được thực hiện, hạng mục dạy nghề thêu chỉ được đầu tư nhỏ nhoi là 30 triệu đồng.

Điểm thú vị là phần lớn kinh phí lại cho toàn bộ chương trình được tập trung vào trùng tu cải tạo khu di tích. Ngay trong năm 2007, cũng chỉ có 15 triệu đồng được dành cho việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong tổng số đầu tư cho chương trình hơn 900 triệu đồng.

Quảng Ngãi chọn một hướng đầu tư khác, dĩ nhiên vẫn nằm trong những mục tiêu về một mô hình nông thôn mới được Bộ NN&PTNT đưa ra, là tập trung cật lực cho các công trình nhà văn hoá thôn. Và khi các công trình này đã ngốn tới 360 triệu đồng, mới có vẻn vẹn 6,5 triệu đồng được dành cho việc xây hầm biogas.

Ông Đỗ Kỳ Ân - Chi cục trưởng Chi cục HTX và PTNT Quảng Ngãi - lý giải: "Mức đầu tư cho chương trình còn thấp nên chúng tôi tập trung vào công trình nhà văn hoá theo nhu cầu của bà con. Hơn nữa, khối lượng công việc triển khai đang ở giai đoạn đầu nên chúng tôi khó huy động đầy đủ nguồn lực trong dân".

Một thực tế được nhìn nhận từ các địa phương cho thấy, ngoài 2 mô hình điểm tại Nam Định được xây dựng bài bản với kế hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020, phần lớn các tỉnh còn lại triển khai chương trình thí điểm bằng việc liệt kê các đầu mục công việc. Và trong các đầu mục ấy, hạng mục nào "yếu nhất" dĩ nhiên sẽ được ưu tiên làm trước.

Sự lúng túng, loạn nhịp trong việc lựa chọn đầu tư cho mục tiêu nào và cần bao nhiêu rõ ràng không chỉ xảy ra với Hưng Yên hay Quảng Ngãi. Bởi trong lúc Vĩnh Phúc tập trung hầu hết nguồn vốn cho kiên cố hoá kênh mương, Tuyên Quang lại chú trọng cho chương trình nước sạch.

Quá nhiều tham vọng?

Trước hết cần quay lại mục tiêu về mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản mà Bộ NNPTNT đặt ra khi triển khai thí điểm. Có đến 4 mục tiêu lớn gồm đào tạo năng lực phát triển cộng đồng, nâng cấp điều kiện sống cho người dân, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, dịch vụ nâng cao thu nhập và phát triển mỗi làng một nghề được đề ra cho mỗi thôn, bản tham gia chương trình.

Với tư cách là đơn vị tư vấn, TS Vũ Trọng Bình - Giám đốc trung tâm PTNT (Viện Chiến lược Chính sách và PTNT) - băn khoăn: "Ngay từ đầu chúng tôi xác định trong một giai đoạn không thể xây dựng được hình ảnh của một nông thôn mới, trong khi bức tranh nông thôn cũ đã hình thành từ hàng nghìn năm nay. Hơn nữa đầu tư của Bộ NN&PTNT hết sức ít ỏi nên chỉ cho phép làm thử một số hạng mục để từ đó có cơ sở tiếp tục huy động nguồn vốn. Nếu làm hết tất cả các hạng mục đề ra, sẽ là bài toán quá khó cho các địa phương".

Sau hai năm và tiêu tốn 10 tỉ đồng, một mô hình cụ thể và chung nhất dù chỉ là cho 15 thôn bản thí điểm ban đầu rõ ràng vẫn chưa được phác hoạ xong. Thừa nhận nội dung xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản là vấn đề mới và chưa có tiền lệ nên cần có thời gian nghiên cứu, điều chỉnh, Bộ NN&PTNT mạnh dạn quyết định kéo dài thời gian thí điểm thêm 2 năm, cho đến 2010.

Kéo dài thời gian và thu gọn chương trình, cơ quan đầu ngành NN&PTNT cho rằng, trọng tâm lớn nhất trong thời gian tới vẫn là xây dựng cơ sở hạ tầng mà trước hết là giao thông, điện, hệ thống tiêu thoát nước và sau đến chỉnh trang nơi ở với vườn ao, sinh cảnh sạch đẹp. Các nội dung phát triển kinh tế hộ nông thôn sẽ chỉ chọn một vài nghề làm thế mạnh, không phát triển tràn lan...

Cùng với những điều chỉnh này, một điểm quan trọng khác sẽ được bổ sung theo như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - ông Hồ Xuân Hùng, là hình thành một ban phát triển thôn bản. "Đây sẽ là tiếng nói chung của người dân nhằm thống nhất các công việc cần làm, phát huy tối đa nội lực của dân, đồng thời sẽ là cách làm linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu của từng thôn, bản" - ông Hồ Xuân Hùng nói.

Còn TS Vũ Trọng Bình khi nhìn nhận về quá trình xây dựng mô hình cũng đúc kết, sự đồng thuận giữa đơn vị tư vấn và địa phương cũng như nội bộ địa phương sẽ là điểm kết nối các lực lượng cùng tham gia vào xây dựng thôn, bản một cách hệ thống, có sự phân công rõ ràng từ đoàn thanh niên đến hội phụ nữ tạo điều kiện để người tham gia một cách năng động, có khuôn khổ. "Nếu làm được điều này, đây sẽ là mấu chốt thành công" - TS Vũ Trọng Bình nhấn mạnh.

Dương Hà

Đề án thí điểm "Mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản" được Bộ NNPTNT phê duyệt theo Quyết định số 2614 ngày 8.9.2006. Tiến trình thí điểm hai năm, tổng vốn thực hiện đến hết tháng 9.2008 là 10,1 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách 6 tỉ, vốn địa phương 1,8 tỉ và dân đóng góp 2,3 tỉ). 13 tỉnh có thôn, bản được chọn thí điểm là: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Nam Định và TPHCM.

Với chủ trương "Dựa vào nội lực do cộng đồng làm chủ", đề án nhằm giải quyết bốn vấn đề: Đào tạo nâng cao năng lực phát triển cộng đồng, nâng cấp điều kiện sống cho người dân nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, dịch vụ nâng cao thu nhập và phát triển mỗi làng một nghề. Đề án sẽ góp phần vào việc triển khai Nghị quyết TƯ 7 về vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) với đích cuối là nông thôn VN trở thành nông thôn hiện đại vào năm 2020.

Ông Lê Đình Sơn - Giám đốc sở NN- PTNT Hà Tĩnh: Thi đua "Làm để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước". Một loạt các hạng mục cần xây dựng như: hệ thống nước sạch, hệ thống cống rãnh thoát nước thải của thôn, đưa chăn nuôi gia trại ra khỏi khu dân cư, xây dựng phương án phát triển sản xuất một số sản phẩm hàng hoá có lợi thế... Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ quá ít ỏi, nguồn lực dân cư khó huy động liên tục hàng năm, lộ trình đề ra quá ngắn. Chính vì vậy địa phương khó có thể đảm bảo đúng kế hoạch. Trong giai đoạn tới, ngoài việc thu gọn hạng mục, chúng tôi kiến nghị nguồn chi ngân sách cần được trao quyền tự chủ cho địa phương, nhằm tạo ra một phong trào thi đua "làm để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước".

Hưng Yên: Phần lớn vốn đầu tư do dân đóng góp. Mô hình điểm tại thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Đồng, Hưng Yên có lẽ là trường hợp đặc biệt khi trong tổng vốn đầu tư hơn 2,9 tỉ đồng xây dựng mô hình nông thôn mới thì số vốn huy động từ sự đóng góp của dân chiếm hơn 2 tỉ. Theo ông Vũ Hồng Thuấn - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh: "Mô hình nông thôn mới đáp ứng nguyện vọng của bà con địa phương, đặc biệt một lượng lớn tiền của là của nhà tài trợ, bà con xa quê. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy nội lực để bổ sung thêm nhiều hạng mục xây dựng mô hình điểm trong giai đoạn mới".


Thảo luận sôi nổi những vấn đề về tam nông
Cập nhật 11:14 ngày 02-11-2008
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=134157
ND - Tiếp tục chương trình làm việc, hôm qua, các đại biểu của hai đoàn Việt Nam, Trung Quốc đã thảo luận và trao đổi ý kiến xoay quanh chủ đề về tam nông của hai nước.

Hơn mười báo cáo trình bày tại hội thảo đã đề cập toàn diện các quan điểm, nội dung các chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình đổi mới ở Việt Nam và cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Nhiều tham luận tập trung nêu lên những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông thôn, nông dân như: Quá trình đô thị hóa và những vấn đề về kinh tế, xã hội nông thôn; Chính sách đất đai trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Thành tựu và kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn; Chính sách bảo vệ môi trường nông thôn trong bước chuyển nông nghiệp sang CNH; Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa; Xây dựng nông thôn mới XHCN và những tiêu chí xây dựng văn hóa nông thôn; Các chính sách xã hội và an sinh xã hội đối với nông dân; Chính sách, giải pháp đối với lao động nông dân làm thuê lưu động; Tăng cường hệ thống chính trị nông thôn và xây dựng chính quyền cơ sở nông thôn; Xây dựng cơ chế lấy công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp trong quá trình CNH, HÐH; Các giải pháp và chính sách tài chính đối với việc thực hiện chủ trương CNH nông nghiệp, HÐH nông thôn trong cơ chế kinh tế thị trường;...

Với tinh thần cầu thị và cởi mở, các đại biểu thảo luận sôi nổi những vấn đề đang nổi lên và đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 7 của Ðảng CS Việt Nam và Nghị quyết T.Ư 3 của Ðảng CS Trung Quốc về nông nghiệp, nông thôn, nông dân mới ban hành.
VĂN KHÁNH và PHONG NGUYÊN

Khai mạc Hội thảo lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ngày 31/10/2008. Cập nhật lúc 17h 33'
http://www.cpv.org.vn/tiengviet/capuydang/details.asp?topic=23&subtopic=113&ID=BT31100863106

(ĐCSVN) - Sáng 31/10, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã diễn ra Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc”. Đây là Hội thảo lần thứ 4 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc về công tác lý luận.

Tham dự Hội thảo, về phía Trung Quốc có đồng chí Chu Vĩnh Khang, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Uỷ ban Chính pháp Trung ương dẫn đầu; phía Việt Nam do đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu cùng đông đảo các nhà lý luận, các nhà nghiên cứu khoa học về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của 2 nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo của đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề đang được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam và Trung Quốc. Hai Đảng, 2 nước Việt-Trung chú trọng phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, xây dựng nông thôn mới XHCN. Do vậy, việc chọn chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc” tại cuộc Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả 2 bên, đối với việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm “làng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng những kinh nghiệm quí báu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là những kinh nghiệm về xây dựng Đảng, quản lý đất nước, cũng như những thành quả về lý luận mà các đồng chí đã tổng kết được. Hội thảo lần này chính là dịp tốt để Việt Nam tìm hiểu, tham khảo những kinh nghiệm quí của Trung Quốc về vấn đề “Tam nông”.

Trong lời khai mạc Hội thảo, đồng chí Chu Vĩnh Khang khẳng định: sau 3 lần Hội thảo lý luận thành công, với đặc điểm 2 nước có dân số nông thôn chiếm đa số thì Hội thảo lần này về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc” có ý nghĩa rất quan trọng đối với 2 Đảng, 2 nước Trung-Việt và luôn là vấn đề lớn được 2 nước quan tâm. Đồng chí cũng bày tỏ sự tin tưởng Hội thảo đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Trương Tấn Sang và của đồng chí Chu Vĩnh Khang, các đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Việt Nam và đồng chí Trác Vệ Hoa - Phó Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ đã đọc báo cáo đề dẫn. Trong báo cáo đề dẫn “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong đổi mới ở Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ: Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khoá X) gần đây của ĐCSVN đã ra nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khẳng định vai trò to lớn của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Hội nghị Trung ương 7 ĐCSVN đã đề ra những mục tiêu và giải pháp chủ yếu để phát triẻn toàn diện và vững chắc nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì lợi ích của người nông dân, vì sự phát triển của cộng đồng và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn các nhà nghiên cứu khoa học 2 nước Việt Nam, Trung Quốc làm rõ các vấn đề còn yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, về việc làm, đời sống, triển vọng phát triển của nông dân và vấn đề xây dựng nông thôn mới v.v...

Trong báo cáo đề dẫn “Lý luận và thực tiễn cải cách và phát triển nông thôn Trung Quốc 30 năm qua”, đồng chí Trác Vệ Hoa, Phó Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ đã nêu rõ những thành tựu trong lĩnh vực “Tam nông” của Trung Quốc. Báo cáo cũng khẳng định, mặc dù đã giành nhiều thắng lợi, nhưng Trung Quốc cũng còn không ít khó khăn, tại trong lĩnh vực này và bày tỏ mong muốn Hội thảo này sẽ bổ sung những kinh nghiệm quí báu của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận của 2 nước nhằm đưa chính sách “Tam nông” của Trung Quốc và của Việt Nam giành thêm nhiều thành tựu mới.

Ngày đầu tiên, Hội thảo đã được nghe 6 tham luận của các đồng chí Phùng Hữu Phú về “Đô thị hóa Việt Nam – Từ góc nhìn nông nghiệp, nông thôn, nông dân”; Lê Hữu Nghĩa về “Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam – những vấn đề đặt ra và giải pháp”; Nguyễn Văn Tự về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Khánh Hòa” (Việt Nam); đồng chí Lưu Phúc Hợp về “Thành tựu và kinh nghiệm phát triển xóa đói giảm nghèo nông thôn Trung Quốc”; Chu Hòa Bình về “Tăng cường xây dựng văn hóa nông thôn, nâng cao trình độ văn hóa của nông dân”; Trương Hổ Lâm về “Thúc đẩy công nhân xuất thân từ nông dân lưu động hợp lý, bảo đảm thiết thực quyền lợi hợp pháp của công nhân xuất thân từ nông dân” (Trung Quốc).

Hội thảo lý luận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc diễn ra đến hết ngày 2/11/2008./.

No comments: