Sunday, November 16, 2008

TƯƠNG LAI ĐEN TỐI CỦA NỀN KINH TẾ MỸ

Tương lai đen tối của nền kinh tế Mỹ
Robert J. Samuelson
(Trích thuật từ: Robert J. Samuelson (2008), The Great Inflation and Its Aftermath:The Past and Future of American Affluence sẽ do nhà Random House xuất bản)
Nguồn:
Newsweek, ngày 10/11/2008

Nguyễn Minh Tâm lược dịch
Đăng ngày 16/11/2008 lúc 06:24:33 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3275

Người Mỹ chúng ta mắc phải cái bệnh ghiền tiến bộ. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai sẽ phải tốt hơn ngày hôm nay. So sánh với nhiều dân tộc khác trên thế giới, chúng ta tin tưởng nhiều vào “cơ hội may mắn”, và lúc nào cũng “phải đứng đầu, trước tất cả mọi người” thì mới chịu. Bây giờ thì chúng ta đang bước sang thời kỳ khiến cho những ai trước đây từng lạc quan, hăm hở sẽ phải bực tức và nhăn nhó. Nó không phải chỉ gồm có hiện tượng vừa mới xảy ra lúc gần đây như khủng khoảng thị trường tài chính, thị trường chứng khoán lên xuống muốn thót tim, rồi ngân hàng lần lượt bị phá sản, hay thua lỗ. Những khủng hoảng chúng ta phải đương đầu trong những ngày sắp tới liên qua đến một xã hội già nua, đến chi phí y tế tăng đến mức không thể kiểm soát được, và hiện tượng hâm nóng điạ cầu.. Những thử thách đó sẽ làm cho nhịp độ phát triển kinh tế bị chậm lại. Vị tổng thống tương lai của nước Mỹ phải đối phó với một bài toán kinh tế hết sức nan giải, khó khăn nhất từ nhiều thập niên nay. Khó khăn hơn cả hồi lạm phát trên mười phần trăm của thời tổng thống Reagan, hay kỳ thất nghiệp hơn 25% như thời tổng thống Franklin Roosevelt.

Phải công nhận rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã có một quá trình lịch sử rất dài cưỡng lại được những xu hướng bi quan, yếm thế. Văn hoá Hoa Kỳ, như tham vọng dân tộc, và óc sáng tạo thiên phú đã giúp cho chúng ta liên tục bành trướng, phát triển trong nhiều năm. Đó là những động lực rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có nhũng giai đoạn mức phát triển kinh tế bị khựng lại. Thời Kỳ Đại Kinh Tế Khủng Hoảng kéo dài đến mười năm, nạn thất nghiệp của những năm 1930 trung bình khoảng 18%. Hồi thập niên 1970’s nạn lạm phát triền miên làm gỉam mức sống của dân chúng, và thị trường chứng khoán bị xuống rất thấp (hồi năm 1982, thị trường chứng khoán cũng thấp hơn hồi 1965). Vào khoảng năm 1979, mức lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ vào khoảng 13%. Nhà văn Theodore H. White chuyên viết về chính trị tóm tắt về thời kỳ đó như sau :”Nạn lạm phát ám ảnh nặng chĩu trên đầu dân chúng đến nỗi không có vấn đề nào khác qua mặt nổi.”. Từ đó chúng ta rút ra một định đề là “Người Mỹ chẳng có một cái quyền thần bí gì để cho mình có mức phát triển kinh tế thật nhanh, và mạnh mãi được.”.

Phải chăng nền kinh tế của chúng ta đang tiến đến một khúc quanh lịch sử là những khuôn thức hành sử cũ không còn được dùng làm phương tiện để tiên đoán cho tương lai một cách khả tín nữa? Đó chính là câu hỏi trọng tâm được đặt ra cho vị tổng thống sắp tới. Cách đây chừng hai năm, không ai có thể tưởng tượng chính phủ lại phải đứng ra làm cái chuyện gánh nợ. Chính phủ đứng ra tiếp thu hai công ty cho vay nợ để mua nhà lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac. Bộ Ngân Khố đứng ra đầu tư vào một số ngân hàng lớn của trong nước. Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang bơm vào thị trường tới $1 trillion (một ngàn tỉ) để giúp ổn định thị trường tín dụng. nạn thất nghiệp đang từ mức 4.4 % nhảy vọt lên 6.1%, và có nguy cơ sẽ tăng lên tới 8% theo một vài ước tính mới.

Dự án lớn nhất của tổng thống sắp tới là phải làm cho tình hình kinh tế ổn định, không thể để nó bập bềnh, lên xuống bất thường được nữa. Tin mừng là nạn thất nghiệp có thể lên đến mức cao điểm 8% nhưng không đến nỗi quá xấu như thời kỳ Khủng Hoảng Kinh Tế. Người ta chú tâm cứu gỡ tình hình tài chính một cách cấp kỳ, chứ không để mặc cho nó sụp đổ như thời kỳ năm 1930. Hồi đó, người ta để cho ngân hàng sập tiệm, có đến hai phần năm ngân hàng bị phá sản. Ngoài ra, hiện nay Quốc Hội còn đang cứu xét đến biện pháp thúc đẩy nền kinh tế thêm một lần nữa bằng cách bỏ thêm vào khoảng $300 tỉ. Một số kinh tế gia đề nghị bỏ thêm vào tới $500 tỉ.

Nhưng điều khổ tâm là các biện pháp nhằm khôi phục nền kinh tế, tránh tình trạng thất nghiệp, hầu như không đem lại kết quả thoả đáng. Nền kinh tế của chúng ta đang bước vào thời kỳ tạm gọi là “bị mất đi tính sung mãn”(affluent deprivation), cái từ này mới, nghe thật là lạ. Nó không có nghĩa là chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nghèo khó. Hoa Kỳ vẫn còn là một quốc gia giầu có. Song cụm từ “mất đi tính sung mãn” nói lên cái tâm trạng. cái tâm lý của con người. Mọi người cảm thấy mình nghèo đi, nghèo hơn trước, bởi vì đồng tiền kiếm ra thì khó, và kiếm ra đồng nào thì lại phải đóng thuế nhiều hơn trước, trả tiền cho chí phí năng lượng, và y tế đắt hơn. Mặc dù chuyện đóng thuế, trả tiền bảo hiểm y tế đều là chuyện đem lại quyền lợi, nhưng không ai thích cả, vì nó không đem lại lạc thú cho con người. Đã vậy, sắp tới còn có sự đụng chạm giữa những gì người dân đòi hỏi ở khu vực tư và khu vực công – chính phủ muốn can dự vào đủ thứ từ chuyện hưu bổng, sang đến quốc phòng, và sửa chữa đường sá, cầu cống.

Theo một số người đứng ngoài quan sát thì người Mỹ bấy lâu nay đua đòi theo vật chất hơi nhiều, bây giờ có phải hy sinh một chút thì cũng chẳng sao. Mua cái lò nướng thịt chưa dùng được bao lâu đã quăng đi để mua cái mới. Cái TV hiện nay còn tốt chán, vậy mà thấy cái TV mỏng kiểu mới là mua ngay đem về. Thực tình, bấy lâu nay, chúng ta phí phạm nhiều lắm. Nhưng khổ một điều là từ chỗ thích sa hoa,hàng xịn, món hàng đó nó biến thành nhu cầu cần thiết lúc nào không hay. Lấy ví dụ cái điện thoại “cell phone” chẳng hạn, bây giờ nó trở thành vật cần thiết, bất ly thân cho nhiều người. Kinh tế gia Benjamin Friedman của trường đại học Havard nêu lên nhận xét là: “Cái tâm lý muốn hơn người khác, lúc nào cũng dẫn đầu làm cho con người trở thành lạc quan, dễ khoan dung đối với tình trạng đa dạng, nó làm cho xã hội năng động, và chuộng sự công bằng”. Khi nào có sự phát triển kinh tế mạnh, mức phát triển kinh tế nhanh, sẽ làm cho người ta mãn nguyện về đất nước của mình. Trái lại, kinh tế phát triển chậm sẽ làm cho người Mỹ sẽ trở nên cau có, xấu tánh, và hay cãi cọ với nhau.

Nhưng chuyện kinh tế phát triển chậm hơn trước là điều sẽ phải tới. Ông tổng thống mới và mọi người cần phải ý thức một điều là tình trạng khủng hoảng hiện nay đánh dấu sự kết thúc của một thời đại kinh tế thịnh vượng. Trong gần 25 năm qua , nền kinh tế Hoa Kỳ được lợi lạc nhờ không có nạn lạm phát trong một thời gian rất dài: lãi suất xuống thấp, người ta vay nợ nhiều, và cá nhân có thêm tiền của – sung mãn quá đến mức độ chúng ta bị bội thực, và rơi vào tình trạng ngật ngừ như người say rượu sau một giấc ngủ dài, nhưng vẫn còn ngầy ngật. Trong nỗ lực đi tìm cho ra thủ phạm của hoàn cảnh kinh tế hiện nay, chúng ta phải công nhận rằng một số nguyên do chính xuất phát từ những thói quen xấu do thời kỳ thịnh vượng lâu dài vừa kể tạo nên.

Nhiều người quên không để ý đến yếu tố lạm phát. Trong hơn một nửa thế kỷ vừa qua, nền kinh tế của chúng ta cứ luân phiên bị những giai đoạn lạm phát trên 10%, khi trồi, khi sụt. Hồi năm 1960, mức lạm phát bắt đầu tăng khoảng 1%, làm cho nền kinh tế đi vào bất ổn. Sau đó, có bốn đợt kinh tế suy thoái trong khoảng thời gian từ 1969 đến 1981. Tỉ lệ thất nghiệp lên cao nhất là 10.8 % vào cuối năm 1983. Chính cái kỳ suy thoái nặng nề nhất đó khiến cho ông Paul Volcker, Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, dưới thời ông Reagan, phải chịu một tình trạng lạm phát rất nặng. Qua đến năm 1984, nạn lạm phát hạ bớt chỉ còn ở mức dưới 10%, sau đó, giảm xuống còn khoảng 4%.Đến năm 2001, lạm phát chỉ còn ở mức 1%. Sự triệt giảm mức độ lạm phát giúp cho nền kinh tế bốc lên thật mạnh.

Hãy nhìn xem những gì đã xảy ra trước mắt. Thị trường chứng khoán phục hồi thật là ngoạn mục: mức lạm phát thấp, giúp cho lãi suất hạ, vì thế người đầu tư từ bỏ đầu tư vào bond, chuyển qua đầu tư vào stock. Chỉ số Dow Jones thời kỳ năm 1982 thường đóng ở mức trên dưới 1,000, qua đến năm 1989, trung bình đóng ở mức 2,500, rồi đến năm 1999, lúc nào cũng ở mức trên 10,500. Người ta thi nhau mà tiêu xài thả ga. Ai cũng cảm thấy như mình giầu có thêm, người Mỹ đi vay tiền để mà tiêu xài. Tỉ lệ tiết kiệm cá nhân hụt hẳn đi, từ 11% hồi năm 1982, tuột xuống zero vào năm 2005. Trong suốt một thời gian dài, chỉ có hai lần suy thoái (recession) nhẹ, hồi năm 1990 – 91 và năm 2001. Nhưng tất cả những thói hư tật xấu chẳng hạn như tiêu xài hoang phí, không biết tiết kiệm là gì, gom lại thành những độc tố tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nhiều người cứ đổ lỗi cho cái vụ “subprime lending”, cho vay tiền mua nhà không cần tiền down, hay lấy equity nhà ra để tiêu xài bằng cách đổi nợ. Đó chẳng qua chỉ là mặt nổi của vụ khủng hoảng. Lý do sâu kín đưa đến cuộc khủng hoảng hiện nay chính là cái tâm lý lạc quan quá trớn, phổ biến khắp nơi vì không bị đe doạ bởi lạm phát.

Đến bây giờ thì hậu quả tai hại của nó đã rõ ràng. Khi trị giá cổ phần chứng khoán (stocks) và trị giá tài sản điạ ốc tăng lên thật nhiều, người Mỹ tin rằng giá sẽ chỉ có tăng lên, chứ không bao giờ giảm cả. Một khi sự suy nghĩ đã thành nếp sẵn rồi, các tiêu chuẩn đầu tư trở nên dễ dãi, như trường hợp của các công ty cao kỹ (high tech), và việc cho vay cũng được linh động, điều kiện cho vay hết sức dễ dãi. “Hiện tượng bong bóng” hay thổi phồng giá cả bất động sản xảy ra. Thiên hạ đầu tư thật nhiều vào các chứng khoán công ty kỹ thuật cao, và mượn tiền thật nhiều để mua những căn nhà mà giá đã bị thổi lên đến tận trời xanh. Nhưng mức đi vay không thể tăng lên mãi, kéo dài bất tận được, bởi vì nó bị giới hạn về mức lợi tức. Rất nhiều người đi vay mượn vượt quá mức lợi tức. Tính đến năm 2006, số nợ của các gia đình Mỹ bằng 134% lợi tức thu hoạch cá nhân. Như vậy thì thể nào cũng có lúc người tiêu thụ bị vỡ nợ. Quả thực, bây giờ họ đang vỡ nợ, kẹt cứng. Số xe hơi bán chẳng được, người ta không còn đi mua sắm nữa, các cửa hiệu bán lẻ không bán được hàng hoá.

Giai đoạn suy thoái kinh tế rồi đây cũng sẽ phải kết thúc, nhưng phục hồi lại được mức phát triển kinh tế như ngày xưa coi bộ khó lắm. Chưa hết, ở đằng cuối chân trời đang hiện ra hình ảnh một xã hội già nua, tuổi hạc, số người về hưu nhiều hơn người đi làm.

Nói theo khía cạnh toán học, sự phát triển kinh tế phản ảnh sự gia tăng giữa số giờ làm việc với năng suất của nó – nói khác đi đó chính là hiệu năng của nền kinh tế. Từ năm 1960 đến năm 2005, trung bình hàng năm nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển ở mức độ 3.4%, chia đều cho hai yếu t1ô : mức phát triển của lao động( 1.5%), và thu hoạch của năng suất (1.9%). Khi thế hệ sinh sau thế chiến thứ hai (baby boomer) bắt đầu về hưu, lực lượng lao động sẽ co lại. Vào giữa thập niên 2020, Văn Phòng Quản Trị Quĩ An Sinh Xã Hội tiên đoán rằng mức phát triển chỉ còn khoảng 2.1%, trong đó mức gia tăng về lao động chỉ còn 0.4%, thu hoạch về năng suất được 1.7% .Bởi vì năng suất bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như kỹ thuật, khả năng quản trị, tay nghề chuyên môn của người công nhân – vì thế dự phóng kể trên có phần hơi lạc quan. Nếu năng suất suy giảm như hồi thập niên 1970, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị trì trệ, và sẽ bị dân chúng than phiền đồng lương kiếm được sao mà ít thế, không đủ để chi tiêu

Cái khổ của ông Obama, vị tổng thống mới đắc cử, là phải làm thế nào dung hợp những nhu cầu cấp bách hiện tại, với nhu cầu phát triển trong tương lai. Nhu cầu cần thiết ngay lúc này là phải làm phục hồi lòng tin tưởng của dân chúng – giúp họ tăng tiêu dùng và mua sắm, để từ đó làm giảm mức thất nghiệp, và tăng mức sản xuất của những ngành doanh nghiệp chưa tận dụng hết mức. Nhưng nói đến khó khăn dài hạn thì lại là một mối lo khác. Đó là phải làm sao để dung hợp các nhu cầu trong nền kinh tế cả nước, và huy động nền kinh tế phát triển đúng mức để thoả đáp những nhu cầu này. Nếu để nền kinh tế bị trì trệ, người dân sẽ phải khổ sở vì việc phân phối lợi tức, không những giữa người giầu với người nghèo, mà còn giữa người trẻ với người già, hay giữa người sinh đẻ ở Mỹ với người di cư từ nước khác đến.

Trên con đường tương lai đó, chúng ta sẽ thấy “sự sung túc bị lấy đi mất”. Nói rõ hơn là từ nay người dân sẽ phải chia nhau miếng bánh có kích thước nhỏ hơn ngày xưa, còn đâu chiếc bánh to, hay chiếc bánh mỗi ngày mỗi lớn theo kiểu hồi xưa nữa đâu. Kẻ có miếng ăn có thể vui trong bụng, nhưng người không có miếng ăn sẽ cảm thấy căm tức, và từ đó xung đột, căng thẳng có thể xảy ra. Biết đâu kẻ có miếng ăn ngày hôm qua lại trở thành kẻ mất miếng ăn ngày hôm nay. Khi đó, gấu ó chính trị lại xuất hiện một cách gay cấn. Bởi vì chính trị thường liên hệ đến chuyện tưởng thưởng cho kẻ này, và trừng phạt kẻ khác. Người Mỹ vốn dĩ đã phải trả nợ nần nhiều hơn mức lợi tức kiếm được, nên chuyện tranh dành miếng ăn ngày càng trở nên cam go hơn.

Bắt đầu từ phía chính quyền. Ông chính phủ hay can dự vào đủ chuyện, vượt cả khả năng của mình, hứa cho cố vào, kể cả những việc chưa chắc làm nổi. Điều hứa lớn nhất ông chính phủ làm liên quan đến chi phí hưu bổng. Như mọi người đều biết ba chương trình dành cho người cao niên chế ngự gần hết ngân sách chính phủ liên bang: An sinh xã hội (Social Security), chương trình Medicare, Bảo hiểm sức khoẻ, và chương trình Medicaid, chi trả cho viện dưỡng lão của những người già không có lợi tức. Những chương trình này tốn hơn hai phần năm(2/5) số tiền $3 trillion của ngân sách chính phủ. Khi thành phần dân số sinh ra sau thế chiến thứ hai (baby boomer) hội đủ điều kiện để lãnh tiền Social Security và hưởng Medicare thì kinh phí này sẽ tăng lên gấp đôi - ước tính theo Tổng Sản Lượng của nến kinh tế vào năm 2030. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta còn có thể gánh được cái gánh nặng cho người nghỉ hưu đuợc bao lâu nữa, bằng không chúng ta sẽ phải tăng thuế, hay cắt xén bớt những chương trình khác của chính phủ.

Chi phí chăm sóc y tế trở nên đắt đỏ, khiến cho vấn đề càng khó giải quyết. Khoảng ba phần tư(3/4) mức tăng về chi tiêu của chính phủ liên bang dành cho người già chỉ vì chương trình Medicare và Medicaid. Chúng ta có thể nói xã hội Mỹ vẫn chưa tìm ra được phương pháp nào để kiểm soát chi phí về y tế. Hầu hết người Mỹ đều cho rằng người dân phải được hưởng tất cả các dich vụ y tế cần thiết. Việc kiểm soát chi tiêu về y tế thật là khó làm cả trong lãnh vực công của chính phủ cũng như lãnh vực tư cuả các công ty bảo hiểm bởi vì không ai muốn kiểm soát nó cả. Chi tiêu về sức khoẻ chỉ chiếm có 5% Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) vào năm 1960, bây giờ nó tăng lên đến 16% của GDP, và nó sẽ tăng lên đến 20% của GDP vào năm 2015. Đối với người công nhân đi làm, được hãng xưởng đóng bảo hiểm y tế, họ sẽ thấy đồng lương đem về nhà ít đi, bởi vì hãng xưởng buộc họ phaỉ đóng phụ thêm chi phí bảo hiểm y tế. Đối với nhưng người khác, chi phí bảo hiểm y tế sẽ trở thành một gánh nặng rất lớn, hoặc là phải đóng thuế thêm, hoặc sẽ gây nên nhiều áp lực trên những chương trình khác của chính phủ.

Sau cùng, chúng ta còn phải lo đến vấn đề năng lượng. Mặc dù lúc gần đây giá dầu có hạ xuống chỉ còn $65 một thùng dầu thô, song vẫn còn rất cao so với giá $29 một thùng hồi năm 2003. Nỗ lực ngăn chặn hiện tượng hâm nóng điạ cầu cũng khiến cho giá dầu hoả tăng Nhiều người Mỹ tin rằng hơi đốt greenhouse gas khi được khai thác đúng mức sẽ giúp giá năng lượng giảm đi. Ngồi đó mà mơ tưởng! Chuyện này còn lâu mới xảy ra. Hầu hết các chính sách liên quan đến việc chống hiện tượng hâm nóng điạ cầu đều nhắm mục đích tận dụng khai thác khí carbon với giá rẻ, và làm cho nó sạch sẽ. Nhưng thực tế,việc này rất phức tạp và tốn kém, nên nhiều người muốn chuyển sang dùng các loại năng lượng khác như năng lượng mặt trời.

Cả hai ông Obama và McCain đều nói một cách nhiệt tình về vấn đề khai thác các nguồn năng lượng thay thế cho dầu hoả. Song cả hai ông đều nói theo kiểu đi xin phiếu của cử tri, chứ không hề đưa ra những chi tiết cụ thể. Họ đều né tránh những chủ đề gai góc, ví dụ chẳng có ông nào dám nói thẳng sẽ tăng giá năng lượng hay không. Tương tự như vậy trong vấn đề chi phí bảo hiểm y tế. Hai ông đều đề nghị phải kiểm soát chi phí y tế, và kêu gọi phải tăng phần bảo hiểm cho dân chúng. Nhưng không ông nào dám nói đến việc làm sao để trang trải y tế phí ngày càng tăng. Ông nào cũng đề nghị giảm thuế. Như vậy thì chỉ còn có nước thâm thủng ngân sách chính phủ nhiều hơn. Các chính khách đều có giọng điệu “hứa hẹn những điều từ trên trời rơi xuống”.

Bàn về vấn đề này một cách nghiêm chỉnh, có lẽ việc để cho ngân sách bị khiếm hụt nhiều thêm sẽ là liều thuốc đúng nhất. Đó là phương pháp trì hoãn cổ điển, áp dụng từ bấy lâu nay. Theo sự ước tính của một số kinh tế gia, ngân sách tài khóa năm 2009 sẽ có mức khiếm hụt lên đến gần $1 trillion, tăng từ mức $455 tỉ trong năm 2008 (tức khoảng 3.2% Tổng Sản Lượng Quốc Gia) . Nhưng sự tiện dụng của việc để ngân sách khiếm hụt chỉ có tính cách tạm thời, mặc dù nó đã xảy ra khá thường xuyên, hầu như thường trực. Từ năm 1961 đến nay, nước Mỹ chỉ có năm lần là có ngân sách thặng dư mà thôi. Hiện tượng khiếm hụt ngân sách cũng là một dâú hiệu cho thấy có sự bất tương xứng giữ những điều người dân mong muốn từ phía chính phủ so với số tiền thuế họ sẵn lòng chịu đóng.

Nếu trong tương lai chúng ta không thể nào cắt giảm chi phí về An Sinh Xã Hội và Medicare, chúng ta sẽ phải tăng thuế. Văn phòng dự chi ngân sách của Quốc Hội ước tníh rằng chúng ta sẽ phải tăng thuế hơn 50% vào năm 2030 mới đủ sức để trang trải những chi phí của chính phủ cho những quyền lợi kể trên. Tức là mỗi năm phải lấy thuế thêm khoảng $1 trillion đô la tính theo thời giá hiện nay. Bằng không, chính phủ sẽ phải cắt bớt rất nhiều chương trình công cộng khác.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa canh tân hai chương trình xã hội trên để theo kịp sự đổi thay trong đời sống xã hội. Chúng ta nên từ từ tăng tuổi về hưu. Dân chúng bây giờ sống thọ hơn ngày xưa. Tuổi thọ trung bình vào năm 1935 là 62 tuổi. Đó là năm Quốc Hội làm ra luật về An Sinh Xã Hội. Ngày nay, tuổi thọ trung bình là 78 tuổi, và người ta có thể đi làm việc lâu hơn. Phần lớn công việc bây giờ chuyển từ việc nặng ngoài đồng áng sang việc nhẹ trong văn phòng. Công việc không còn mệt nhọc như ngày xưa. Nhiều người về hưu để dành tiền khá lắm, họ không cần phải nhờ vả vào Quỹ An Sinh Xã Hội, hay Bảo Hiểm Y Tế. Chúng ta nên cắt giảm quyền lợi về An Sinh Xã Hội và Bảo Hiểm Y Tế của những người giầu có. Hệ thống xã hội của chúng ta đang làm caí chuyện trái khoáy, một thứ anh hùng Robin Hood ngược đời. Tức là lấy tiền của bọn trẻ đang phải chật vật kiếm sống, cung phụng mấy cụ già ngồi hưởng nhàn.

Chúng ta cũng nên mẫn cảm về vấn đề điạ cầu bị hâm nóng. Với hoàn cảnh kỹ thuật hiện nay, chúng ta khó có thể làm đuợc nhiều thay đổi. Hơn bốn phần năm năng lượng của chúng ta lấy từ dự trữ năng lượng dưới quặng mỏ: Dầu hoả (35%), than đá (25%) và hơi đốt thiên nhiên (20%). Đến năm 2030, sức tiêu thụ về năng lượng toàn cầu có thể tăng thêm 55%, so với mức năm 2005. Tổ chức International Energy còn cho biết thêm là Ấn Độ, Trung Hoa và một số nước nghèo khá chiếm hết ¾ mức tăng này. Những nước này không đời nào hy sinh mức phát triển kinh tế để thoát khỏi cảnh nghèo đói, đồng ý dùng bớt năng lượng đi. Riêng tại Ấn Độ vẫn còn khoảng 400 triệu người không có đủ điện lực để dùng. Những chính sách cắt giảm việc thải khí ô nhiễm, nhưng khá tốn tiền như ở Mỹ là chuyện diễu dở đối với mấy nước đang phát triển. Tìm cách giảm khí ô nhiễm tốn phí nhiều, gây ảnh hưởng tai hại cho sự thịnh vượng của chúng ta, song chỉ đem lại chút xíu lợi lộc cho vấn đề hâm nóng điạ cầu thôi.

Chỉ tìm cách sản xuất ra các loại năng lượng sạch hơn không đủ. Chúng ta phải nghiên cứu thêm về vấn đề làm giảm hiện tượng hâm nóng điạ cầu. Trong hiện tại, có lẽ việc tăng thuế đánh vào nhiên liệu, và buộc nguời dân phải dùng những loại xe ít hao xăng , bắt buộc phải chạy được 35 miles một galông vào năm 2020 như Quốc Hội mới qui định là giải pháp nên làm.

Bất kể chuyện gì sẽ xảy ra, sự phồn thịnh trong tương lai của người Mỹ còn tùy thuộc vào khả năng sản xuất, và tâm tình người dân Mỹ. Tính cách của một quốc gia dân tộc sẽ được xác định tùy vào sức chịu đựng, đề kháng của dân tộc đó vào những thời điểm nguy kịch. Thất bại không khắc phục được khó khăn sẽ làm mất niềm tin của dân tộc. Hồi thời kỳ sau thế chiến thứ hai, người dân lo ngại rằng sẽ xảy ra một cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế, hay nền kinh tế sẽ phát triển rất ít. Nhưng thực tế cho thấy hoàn cảnh hoàn toàn ngược lại. Sức sản xuất mạnh kinh khủng, người ta đua nhau ra ngoại ô sống cho sướng, đồ đạc gia dụng,TV, xe hơi sản xuất ra ào ạt. Rất có thể mối lo sợ hiện nay sẽ trở thành một sự hiểu lầm, nhận định sai lạc.

Nhưng chắc chắn rằng ông tổng thống mới Barack Obama đứng ra nhận trách nhiệm đúng vào thời điểm hết sức nguy kịch. Nó nguy kịch không phải vì cơn khủng hoảng tài chính xảy ra mới lạ, và đáng sợ. Nó nguy kịch vì tầm vóc lớn lao, bao trùm toàn cầu của cuộc khủng hoảng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc nội. Vì thế cho nên việc ổn định kinh tế đòi hỏi thêm cả một chính sách ngoại giao thích hợp, chứ không phải chỉ thuần túy lý thuyết kinh tế. Cũng cần phải ghi nhận một bài học trong quá khứ là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong hơn 25 năm qua chính là nhờ không có lạm phát, và sự gia tăng tài sản cá nhân, và đi vay mượn. Thế rồi chúng ta không biết tiết kiệm, tiêu xài phí phạm để nó ra nông nỗi ngày hôm nay. Vậy thì hãy nhớ một khi kinh tế ổn định rồi, phải tìm cách dung dưỡng đường lối khác để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tránh đừng tiêu xài hoang phí, vung tay quá trán, vượt khỏi mức lợi tức mình có.

Trước phạm vi lớn lao, và đáng sợ của cơn khủng hoảng, chính phủ đã phải ra tay can thiệp thật mạnh để thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng hãy coi chừng, chính phủ can thiệp nhiều quá, hay can thiệp sai lầm cũng có thể làm hại sự phát triển kinh tế, hại cho sự đầu tư, hay tinh thần chấp nhận rủi ro. Có nhiều đối tượng đáng giúp đỡ, và nhiều mục tiêu đáng làm vật tế thần , chúng ta phải cẩn thật khi qui định về những giới hạn, hay đánh thuế, nếu làm sai, chúng ta sẽ kiềm hãm sự phát triển. Không biết tương lai sẽ ra sao, nhưng rõ rệt là ông tổng thống mới Barack Obama sẽ đứng ngay ở trung tâm điểm của trận bão tố. Để có thể khôi phục sự thịnh vượng, sung mãn cho người Mỹ, ông ta phải tìm được sự cân bằng thích hợp giữa quá khứ và tương lai.

(Trích thuật từ: Robert J. Samuelson (2008), The Great Inflation and Its Aftermath:The Past and Future of American Affluence sẽ do nhà Random House xuất bản)

No comments: