Tuesday, November 4, 2008

SỮA NHIỄM ĐỘC LÀ MỘT BÍ MẬT MÀ AI CŨNG BIẾT

Wall Street Journal
Nhiễm độc sữa là điều bí mật mà ai cũng biết ở Trung Quốc

Tainting of Milk Is Open Secret in China
By
GORDON FAIRCLOUGH
November, 3-2008

ZHANGZHUANG, Trung Quốc - Trước khi chất melamine được pha vào trong sữa gây nên chết chóc và bệnh tật cho nhiều trẻ nhỏ Trung Quốc và dẫn tới việc thu hồi sản phẩm trên khắp thế giới, thói pha chế sữa với các chất bị cấm đã là một bí mật mà ai cũng biết tại nhiều vùng sản xuất bơ sữa ở Trung Quốc, theo như những miêu tả của nông dân và những người khác có hiểu biết về ngành công nghiệp này.

Những người nông dân tại tỉnh Hồ Bắc này cho biết qua các cuộc phỏng vấn rằng thứ “bột đạm” nguyên chất thường không được biết rõ nguồn gốc đã được tận dụng trong nhiều năm như là một cách rẻ tiền giúp cho sữa của những con bò không được ăn uống đầy đủ đánh lừa được khâu kiểm tra chất lượng của các công ty sữa. Khi các công ty lớn biết được việc này, một số nhà chế biến gia giảm, để tránh bị phát hiện, đã chuyển sang sử dụng chất melamine độc hại - thứ bắt chước được như chất đạm khi đem kiểm định trong phòng thí nghiệm và có thể gây nên tổn hại nặng cho thận.

Những lo lắng về quy mô nhiễm độc trong nguồn cung cấp thực phẩm của Trung Quốc đã đòi hỏi phải ban hành một tình trạng khẩn cấp mới vào cuối tuần này. Sau khi chất melamine bị phát hiện trong trứng tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh đã ra lệnh phải có một biện pháp nghiêm khắc trên toàn quốc chặn đứng việc gây nhiễm độc lên thức ăn chăn nuôi, thứ mà các nhà chức trách tin là nguồn gốc của chất melamine trong trứng. Bộ Nông nghiệp cho biết đã phát hiện có chất melamine chiếm 2,4% trong thức ăn chăn nuôi mà cơ quan này đã kiểm tra kể từ giữa tháng Chín, và đã cho tiêu hủy hoặc tịch thu hơn 3.600 tấn. Bộ này đã lệnh cho các quan chức địa phương “cương quyết dẹp tan các sào huyệt đen tối” sản xuất và mua bán chất melamine dùng cho thức ăn chăn nuôi, và cho biết đã phát hiện 238 cơ sở và đang điều tra thêm 278 cơ sở nữa.

Chất melamine trong thức ăn chăn nuôi không dẫn tới sự cô đọng ở mức cao hóa chất có trong trứng như nó đã bị phát hiện khi được đổ trực tiếp vào sữa – chỉ vài nghìn phần triệu trong một số trường hợp. Thế nhưng số lượng được phát hiện trong trứng đã là cao hơn tiêu chuẩn cho phép mà Trung Quốc và vài quốc gia khác đã thiết lập là 2,5 phần triệu.

Lượng trứng bán ra đã suy giảm, y như nhu cầu tiêu thụ thịt gà, và một số nông dân đã bắt đầu mổ thịt những con gà mà họ không còn có thể tiếp tục tiêu thụ được nữa. Hệ thống truyền thông nhà nước phê phán các công ty sản xuất thực phẩm và các cơ quan giám sát bảo vệ người tiêu dùng của nhà nước đã không có hiệu lực, khi phản ứng của Bắc Kinh cho thấy tín hiệu báo động trước mối đe doạ đang lan rộng đối với niềm tin của công chúng về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các giới chức địa phương tại một số vùng đang kiểm tra các loại thịt và cân nhắc tới khả năng mở rộng kiểm tra sang cả cá nuôi.

Các nhà sản xuất chất melamine, một hóa chất công nghiệp vẫn được sử dụng trong sản xuất nhựa, cho biết rằng họ đã để ý đến tình trạng gia tăng nhu cầu thu mua phế liệu của nhà máy. Tại ngôi làng Zhangzhuang của tỉnh Hồ Bắc, những cư dân ở đây kể là chất melamine được mua như là thứ phế liệu từ một nhà máy gần đó thường chất trên vỉa hè bên ngoài ngôi trường làng trước khi được chuyển thành một chất bổ sung trong sữa. “Họ chứa nó trong những tòa nhà lớn,” một cụ già trong làng kể. Việc mua bán thứ bột này đã trở nên quá sôi nổi đến nỗi dân làng tham gia vào đã phải làm việc nhiều giờ và cả những ngày nghỉ để đáp ứng nhu cầu, các cư dân ở đây kể.

Công ty kinh doanh sữa tươi lớn nhất trong nước của Trung Quốc, Mengniu Dairy Co., và hãng thực phẩm đa quốc gia Nestlé SA đều cho biết họ đã ý thức được rằng nông dân Trung Quốc và các thương lái đã pha thêm những chất nào đó không được phép vào sữa tươi, thế nhưng họ không biết chất melamine có trong số đó. “Chúng tôi đã biết có sự pha trộn giả mạo” đang diễn ra trong nhiều năm, đó là lời của ông Zhao Yuanhua, người phát ngôn của công ty Mengniu. Nằm trong số những chất phổ biến được trộn thêm vào sữa có: một dung dịch màu vàng sền sệt có chứa chất béo và một hợp chất giúp bảo quản và các chất kháng sinh, được biết đến như là “dung dịch để giữ cho sữa được tươi.”

Hơn 2.300 trẻ em Trung Quốc hiện vẫn được điều trị trong bệnh viện vì những vấn đề về sỏi thận liên quan tới chất melamine, gần hai tháng sau khi việc pha trộn giả mạo này bị công khai vạch trần. Ít nhất ba trẻ em đã chết và hàng chục ngàn em khác đã bị bệnh. Vụ bê bối tầm cỡ quốc gia đã làm lung lay nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sự an toàn của họ và gợi lại những mối lo sợ ở nước ngoài về các tiêu chuẩn sản phẩm Trung Quốc. Một số nhãn hiệu thực phẩm được sản xuất cùng với sữa của Trung Quốc, ví như kẹo, đã bị thu hồi có vẻ là một cách phòng ngừa từ xa như tại Hoa Kỳ.

Đặc tính hóa chất của melamine là làm gia tăng sự có mặt rõ ràng của chất đạm trong thực phẩm. Những loại bột đạm hiện thời - thứ mà những người nông dân cũng đã bị cấm không được cho thêm vào trong sữa tươi - sử dụng đạm lấy từ các bộ phận của con vật được nghiền ra, từ đậu tương và các nguồn khác. Các nhà sản xuất những chất phụ gia này thỉnh thoảng trộn melamine với các phụ gia thực phẩm ví như tinh bột bắt nguồn từ chất maltodextrin, và làm lại bao bì rồi bán cho những nông dân sản xuất sữa mà không cần phải cho biết rõ thành phần của nó.

Tương tự, chất melamine đã được trộn vào thức ăn gia súc bởi các nhà sản xuất muốn làm cho thức ăn có vẻ có hàm lượng đạm cao hơn trên thực tế. Ông Yang Yong, người sở hữu một phần xưởng sản xuất thức ăn gia súc tại tỉnh Hồ Nam đã cho biết chuyện này “rất phổ biến” và khó mà phát hiện được. Ông cố chọn những nhà cung cấp đáng tin cậy bởi vì “việc kiểm nghiệm của chúng tôi không thể phát hiện được,” ông nói. “Tôi không đảm bảo là không có melamine trong thức ăn gia súc của chúng tôi.”

Hai nông dân sản xuất sữa ở tỉnh Hồ Bắc, những người đã miêu tả quá trình pha trộn này nhưng đề nghị không công bố tên của mình, họ cho biết việc pha trộn từ lâu đã giúp cho những người nông dân đánh lừa được quá trình kiểm nghiệm lượng đạm, chất béo và độ tươi mới trong sản phẩm của các công ty sữa. Một số nông dân còn thêm cả chất tẩy hydrogen, một loại thuốc tiệt trùng, hai nông dân này kể.

Một người trong số họ, từng nuôi bò lấy sữa trong 20 năm và là một nhà lãnh đạo hiệp hội nhà nông, đã cho biết những người bán hàng lâu năm có thể đi từ trang trại này tới trang trại khác trong những vùng chăn nuôi bò lấy sữa để chào bán “bột đạm” sử dụng như là một chất phụ gia. Nó thường được giao trong những cái túi giấy màu nâu không rõ ràng nặng 25 kg, khoảng 55 pound, và với giá 300 tới 400 tệ, khoảng 44 tới 60 đô la, ông kể.

Khoảng hai năm trước, những người nông dân và nhà chức trách Trung Quốc cho biết, một số nhà sản xuất đã chào bán một kiểu bột đạm mới mà họ nói là có thể vẫn đánh lừa được các cơ sở sản xuất đã biết rõ các loại phụ gia đạm khác. Loại này có chứa melamine, nhưng lại không ghi nhãn theo kiểu thông thường. “Tất cả mọi người chỉ gọi nó là bột đạm,” người nông dân thứ hai kể lại. “Không đâu gọi nó là chất melamine,” ông nói tiếp. “Dân chúng chưa bao giờ nghĩ về nó và chưa bao giờ nghĩ là họ cần biết nhiều chi tiết hơn.”

Liu Wuqiang, một nông dân khác cũng sản xuất sữa tại Hồ Bắc cho biết, “những người nông dân không có ý nghĩ rằng nó là chất độc hại.” Ông kể, “Chúng tôi chỉ lo rằng sữa của mình sẽ bị trả lại và phải đổ đi.” Ông bảo ông chưa bao giờ thêm bất cứ thứ gì vào trong sữa của mình.

Ông Guan Huizhen, giám đốc kinh doanh của nhà máy Hebei Guangtong Chemical tại thành phố gần làng Zhangzhuang, cho biết trong những năm gần đây dân chúng ngày càng chú ý tìm mua phế liệu của nhà máy. “Tôi chưa bao giờ quan tâm tới lý do vì sao các khách hàng của mình lại mua thứ này,” ông Guan kể.
Hàng tá các công ty sản xuất chất “bột đạm” vẫn quảng cáo trên mạng, nhưng nhiều đường liên kết tới các trang web của họ đã bị ngắt kể từ khi vụ bê bối melamine được đưa ra công khai vào đầu tháng Chín.
Một người đàn ông tên là Jiang Weisuo từng mua sữa từ những nông dân ở tỉnh Shaanxi phía bắc và bán nó cho các công ty sữa, đã công bố công khai vào năm ngoái những nỗi lo của mình về các chất không được phép thêm vào trong sữa của các đối thủ cạnh tranh với ông, bao gồm những loại kháng sinh. Ông kể việc mình đã than phiền với các nhà kiểm định và các nhà sản xuất sữa vào năm 2005 và 2006. “Họ đều nói là họ sẽ xem xét kỹ chuyện này, thế nhưng chưa bao giờ có được bất cứ kết quả nào,” ông kể. Thế rồi ông than phiền với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc [CCTV], và những lời kêu ca của ông đã khích lệ cho một bài báo hoàn chỉnh với đoạn phim quay cảnh những người nông dân đổ các chất phụ gia vào thùng sữa. Các quan chức thuộc Cơ quan Giám sát Chất lượng và Kỹ thuật ở Shaanxi đã xác nhận lời than phiền ban đầu của ông Jiang, song một cán bộ điều tra đã cho biết ông không tìm được bằng chứng về những hành động sai trái.

Hãng Mengniu Dairy về cơ bản đã giàn xếp một trò chơi mèo-vờn-chuột với các nhà cung cấp, theo cô Zhao, người phát ngôn của hãng, cho biết. Hãng này đã thay đổi cách kiểm nghiệm của mình nhằm cố gắng bắt quả tang việc các chất phụ gia được sử dụng bởi những người nông dân. “Nếu chúng tôi phát hiện ra mức độ nguyên chất có ý nghĩa quan trọng trong thành phần sữa bất ngờ tăng lên, chúng tôi sẽ phải xem xét xem liệu có một vài thứ nào đó đã được thêm vào hay không,” cô Zhao cho biết. Công ty này giờ đây phải kiểm tra chất melamine cũng như các chất cặn của thuốc trừ sâu, thuốc thú y và các loại kháng sinh trong sữa.

Đối với hãng Nestlé, vẫn sử dụng sữa Trung Quốc trong các sản phẩm được bán ra hầu như khắp Trung Quốc, việc thêm các chất cấm như đạm, béo, chất bảo quản và kháng sinh vào sữa là những vấn đề “được nhiều người biết đến” ở Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác, theo ông Robin Tickle, một người phát ngôn của Nestlé. Ông cho biết công ty mua sữa trực tiếp từ các nhà sản xuất là những người nhận các lời chỉ dẫn từ Nestlé.

Công ty sử dụng hơn 70 xét nghiệm để đảm bảo độ an toàn cho sữa Nestlé. “Chúng tôi luôn trong tình trạng giám sát đề phòng các sản phẩm giả mạo,” ông Tickle nói. Tuy nhiên các nhân viên kiểm tra tại Hong Kong và Đài Loan đã phát hiện lượng melamine ở mức độ rất thấp trong một số sản phẩm sữa của Nestlé vào tháng Chín, ngay sau khi Nestlé tự mình bắt đầu cho kiểm tra chất melamine. Nestlé đã cho thu hồi các sản phẩm của mình, trong khi công ty này cho rằng có rất ít sản phẩm cho thấy không có biểu hiện nguy hiểm cho sức khỏe.

Căn cứ vào sự chú ý rất nhiều của nhà nước giờ đây nhắm trực tiếp vào các nguồn cung cấp sữa, người dân trong ngành công nghiệp này nói họ mong rằng việc pha trộn chất melamine vào sữa đã được ngăn chặn trên quy mô rộng lớn. Thế nhưng họ cho biết những vấn đề căn bản đối với nguồn cung cấp thực phẩm vẫn còn đó: những thói quen xấu trong các phương thức canh tác cùng với tình trạng giám sát khá là lỏng lẻo.

Khó kiểm soát được những nhóm nông dân sản xuất sữa nhỏ lẻ của Trung Quốc, và ít người có đủ tiền và sách hướng dẫn làm sao giữ được những thói quen sản xuất sữa có chất lượng đảm bảo, đó là nhận xét của ông Qiao Fulong, một nhà tư vấn về sữa ở Bằc Kinh, có công ty Beijing Farmunity Inc. cung cấp những hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Việc pha trộn thêm vào sữa đã trở thành “một phương thuốc phổ biến”, ông nói.

Làm phức tạp thêm cho những thách thức đối với ngành sữa là tính chất tương đối mới mẻ của bò sữa ở Trung Quốc trong khi nhu cầu đã tăng cao trong những năm gần đây. Ông Qiao cho rằng do nhiều nông dân không biết cách nuôi và chăm sóc cho bò sữa một cách thích hợp, nên sữa mà họ sản xuất ra thường không đủ tiêu chuẩn của các công ty sữa. Thậm chí những nông dân biết cách nuôi cũng thường chọn những phương thức nuôi đỡ tốn kém hơn, ông Qiao đánh giá. Nhiều người nuôi bò bằng rơm thay vì ngô được chứa trong một cái tháp, bởi vì như thế sẽ rẻ tiền hơn – song lại ít khả năng đem đến những sản phẩm sữa tốt.

—Kersten Zhang tại Bắc Kinh và Ellen Zhu và Bai Lin tại Thượng Hải đã đóng góp thêm cho bài báo này.

Hiệu đính:
Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
Tuesday November 4, 2008 - 11:15am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?p=2424

No comments: