Nhà văn Minh Võ nhìn lại lịch sử: tìm hiểu cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và chính nghĩa dân tộc
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Monday, November 03, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=86395&z=157
WESTMINSTER, California (NV).- Bốn mươi nhăm năm sau ngày chế độ đệ I Cộng Hòa bị lật đổ, ngày 2 tháng 11 vừa qua, tại hội trường thành phố Westminster, nhà văn Minh Võ đã ra mắt cuốn biên khảo “Ngô Ðình Diệm và Chính Nghĩa Dân tộc”.
Nhà biên khảo Minh Võ (trái) được một bạn trẻ, anh Frank Trần, đọc hộ lời phát biểu của mình trong dịp ra mắt sách “Ngô Ðình Diệm và Chính Nghĩa Dân tộc”.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/86395-medium_NVHN-081103-MinhVo.jpg
Khoảng trên 200 đồng hương người Việt tại Nam California đã đến tham dự. Giới thiệu quan khách, nhà văn Trần Phong Vũ trong ban tổ chức đã nhận xét rằng: “Hầu hết quan khách có mặt hôm nay chúng tôi thấy đều là những khuôn mặt đáng kính, đáng trọng, đáng mến”. Tiếp đó nhà văn kể đến cụ Cao Xuân Vỹ, nhà hoạt động Phạm Quốc Bảo, các Nghị Sĩ Nguyễn Văn Nhuệ, Trần Tấn Toan, Lê Châu Lộc, các nhân sĩ như cụ Huỳnh Văn Lang, cựu Ðại Tá Lê Khắc Lý, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, các giáo sư Trần Huy Bích, Lưu Trung Khảo, Lê Tinh Thông và đại diện các cơ quan truyền thông Việt ngữ ở Nam California. Một vị khách đặc biệt là Ðại Ðức Thích Giác Luận mà theo lời ban tổ chức thì Ðại Ðức cho biết là đi ngang qua thấy có treo Cờ Vàng nên vào tham dự. Buổi ra mắt sách hôm nay được anh em trong Thư Viện Toàn Cầu trực tiếp phổ biến trên Net.
Người giới thiệu sách đầu tiên là Giáo Sư Lê Tinh Thông. Giáo Sư Thông cho biết có người hỏi giáo sư về sự khác biệt giữa cách mạng 26 tháng 10 và 2 tháng 11 ra sao thì giáo sư đã trả lời và phân tích rằng: “Ngày 26 tháng 10 mang ý nghĩ trọng đại, đó là ngày thu hồi chủ quyền từ tay thực dân Pháp, được dân chúng thiết lập nên nền Cộng Hòa Việt Nam, phát triển kinh tế mang lại ấm no cho người dân. Còn ngày 2 tháng 11 là ngày tướng lãnh nhận tiền của Hoa Kỳ phá đổ một chính quyền hợp pháp đưa Việt Nam đến chỗ tồi tệ. Nên ngày 2 tháng 11 gọi là biến động chính trị hay nói rõ hơn là một cuộc phản loạn”. Vẫn theo Giáo Sư Lê Tinh Thông thì sau đó đã xảy ra một chuỗi biến cố và hậu quả những biến cố đó là ngày 30.4.1975. Giáo sư Thông cũng cho rằng sau biến cố lật đổ đệ I Cộng Hòa nhiều sách báo đã thóa mạ “vô liêm sỉ” chế độ này nhưng cũng đã có nhiều sử gia chân chính đã làm sáng tỏ lịch sử trong đó có nhà văn Minh Võ.
Vị giới thiệu sách thứ hai là Giáo Sư Lưu Trung Khảo. Sau gần một tiếng đồng hồ nhắc lại giai đoạn lịch sử trong đó cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã tỏ ra là một nhà yêu nước, Giáo Sư Lưu Trung Khảo kết luận: “Ðây là một tài liệu phong phú đầy sức thuyết phục”.
Ðến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện thì nhà thơ cho biết khi ông còn ở ngoài Bắc chưa được hiểu biết về nền đệ I Cộng Hòa và chính phủ Ngô Ðình Diệm. Khi tới Mỹ, qua bạn bè và sách báo mới được hiểu và thấy rằng “sát hại Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là một sai lầm vô cùng to lớn”. Nhà thơ kể lại chuyện một nhà báo nổi tiếng của Úc vào thời bấy giờ có hỏi ông Hồ Chí Minh về việc sát hại này thì ông Hồ đã nói: “Tôi không ngờ bọn Mỹ lại ngu như vậy” và chủ tịch Trung Cộng Mao Trạch Ðông cũng phát biểu: “Mỹ đã phạm một sai lầm chết người”. Theo nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, chính vì biến cố ấy mà CSVN quyết định xua quân vào giải phóng miền nam ngay năm 1965 và Mỹ đã đổ quân vào để ngăn chặn.
Nói về cuốn sách “Ngô Ðình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc” của tác giả Minh Võ, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã khuyên các bạn trẻ mà ông thường gặp rằng “những cuốn sách của tôi có thể chỉ đọc qua nhưng sách của Minh Võ nhất thiết phải đọc nếu muốn chống Cộng Sản”.
Mãi đến lúc này, tác giả Minh Võ mới được giới thiệu. Nhà văn Trần Phong Vũ đã sơ lược tiểu sử của tác giả mà trong 7 tác phẩm của ông thì hết 6 cuốn nhà văn Minh Võ không để tiểu sử của mình. Nhà văn Minh Võ vốn là một sĩ quan QLVNCH, từng là huấn luyện viên tại quân trường Thủ Ðức. Cho mãi đến năm 1968 ông cũng vẫn chỉ là một sĩ quan cấp Ðại Úy. Nhưng nhiệt tâm của ông đối với đất nước và dân tộc thì không vì thế mà suy giảm. Cuốn sách đầu tay của ông là “Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản” được ông tự xuất bản vào năm 1963 và được tái bản nhiều lần sau đó. Sau 30.4.1975 ông ra hải ngoại bỏ nhiều thì giờ hơn trong việc biên khảo và liên tục cho xuất bản thêm 6 cuốn nữa. Ðến đây thì nhà văn Trần Phong Vũ mời tác giả lên diễn đàn.
Ở tuổi 80 với mái tóc bạc trắng và vừa qua một cơn bệnh từ bệnh viện ra, nhà văn, nhà biên khảo Minh Võ đã phải nhờ một bạn trẻ là một ứng cử viên vào Hội Ðồng Học Khu Westminster, anh Frank Trần, lên đọc hộ lời phát biểu trong dịp ra mắt sách này. Trong lời phát biểu này, nhà văn Minh Võ đã cho rằng khi viết xong cuốn sách mới thấy khả năng của mình chưa nói được hết ý nghĩa của hai điều mà người ngoại quốc thường nói về cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là, thứ nhất ông là một sự kỳ bí và thứ hai là ông là con người quyết liệt. Vẫn trong lời phát biểu trên tác giả cầu mong “độc giả sẽ hiểu tôi qua những chương sách đơn sơ này. Ðó là cố Tổng Thống Diệm đã để cả cuộc đời tranh đấu cho nền tự chủ, độc lập hoàn toàn của tổ quốc. Và kết cuộc, ông đã phải hy sinh cho lý tưởng ấy”.
Hết phần phát biểu của các diễn giả nhân cuộc ra mắt sách của nhà biên khảo Minh Võ, ban tổ chức mời một số người tham dự lên phát biểu những suy nghĩ của mình. Cụ Cao Xuân Vỹ, một nhân vật từng thân cận với cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, dù yếu sức cũng lên cho biết một điều là “ông Ngô Ðình Diệm không phải là người Công Giáo mà là Nho Giáo lấy Khổng Giáo làm căn bản, nghiên cứu Phật Giáo để lấy Tam Giáo đồng nguyên mà cai trị. Khi xẩy ra vụ Phật Giáo, ông là người buồn phiền nhất”. Cụ Cao Xuân Vỹ xác nhận cụ là người Phật Giáo, thấy xung quanh cố Tổng Thống Diệm đều là những nhân viên không có ai theo Công Giáo. Cụ Cao Xuân Vỹ cũng “xin cải chính là không có đàn áp Phật Giáo”.
Qua cuộc ra mắt sách của nhà văn Minh Võ, mọi người đã được tham dự một cuộc hội thảo tưởng niệm đến công lao và sự nghiệp của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Về phần giới thiệu nội dung cuốn sách, các vị lên thuyết trình đã chỉ sơ lược qua khi đề cập đến. (N.H.)
Video ra mắt sách Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc (Minh Võ)
http://anhduong.info/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=2513&Itemid=1
No comments:
Post a Comment