Thursday, November 20, 2008

NHỮNG MẪU CHUYỆN NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Những mẩu chuyện nhân ngày nhà giáo ở Việt Nam
Trần Tiến Dũng
Wednesday, November 19, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=87024&z=1
LTS: Hàng năm, 20 Tháng Mười Một là ngày dành cho các nhà giáo ở Việt Nam. Ðã có đủ loại chuyện kể về ngày này. Năm nay, Trần Tiến Dũng ghi nhận thêm vài mẩu chuyện nữa...
---0---

Với ông H. và gia đình, sự kiện đáng chú ý nhất trong ngày nhà giáo 20 Tháng Mười Một năm nay là chuyện đứa con trai út học lớp 12 của ông lần đầu tiên say xỉn. Ông kể: “Như thường lệ nó đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ Việt-Úc, sau 9 giờ đêm nó về, khi bước vào nhà đã nồng nặc mùi bia, nó quăng vội mấy cuốn sách rồi chạy vào toilette ói ụa. Nhìn hình ảnh thằng con say rượu, tôi có cảm giác là những gì quí giá mà mình cố giữ gìn đã mất hết.”

Ðứa con trai của ông H., sau đó đã xin lỗi ông về chuyện uống bia, nó chống chế rằng, hôm nay nhân ngày thầy cô giáo, chính cô giáo của nó đã hướng dẫn cả lớp học ra quán bia để ăn mừng ngày nhà giáo. Rồi nó kết luận: “Bố thông cảm, tặng quà hay chúc mừng mãi rồi cũng nhàm, thêm chuyện kéo nhau ra quán nhậu thầy trò tâm sự thế mà vui bố ạ. Bố không hiểu đâu, đời nay, tụi bạn con đều làm thế cả”.

Ông H. làm nhà giáo từ những năm 1970. Sau biến cố 1975, ông được lưu dụng, quan niệm về giáo dục của ông bị hành hạ không thương tiếc suốt những năm tháng hành nghề dưới chế độ Cộng Sản nhưng vì miếng cơm manh áo, ông chấp nhận chịu đựng. Tuy nhiên không ai có thể phá hủy được niềm tin ở ông về vẻ đẹp, sự mực thước của nghề giáo và những giá trị làm nên hình ảnh người thầy, những phẩm chất mà trước đây ông từng được đào tạo, rèn luyện. Ông tâm sự, nạn nhân chính của vấn nạn giáo dục Việt Nam lúc này là sự phá hủy hình ảnh người thầy và mối quan hệ thiêng liêng giữa thầy và trò.

Sáng ngày 19 Tháng Mười Một, trong những chuyên đề về giáo dục Việt Nam trên báo chí, một học giả đặt vấn đề trên trang chính của một tờ báo: “Chuẩn nhà giáo”. Bài báo này đưa ra một chuẩn dạy học, không nói rõ là của quốc gia nào, chỉ gợi ý là có giá trị ở tầm thế giới. Chuẩn công thức bằng tiếng Anh đó được đưa như sau: Why - “Học để làm gì?”, What - “Học cái gì để đạt được mục tiêu đó?” và How - “Học như thế nào?” Từ công thức trên, bài báo đưa ra lời kêu gọi thiết lập một chuẩn mới cho nghề giáo nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động của nghề dạy học. Bên cạnh những cái “hóa” được ra sức tuyên truyền hằng ngày như “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”... thì thông tin từ bài báo này giúp độc giả biết thêm được một cái “hóa” khác nữa, đó là cả hệ thống và bộ máy quản lý giáo dục đồ sộ, tiêu tốn hàng ngàn tỉ tiền thuế mỗi năm đều là dân nghiệp dư cả.

Trong một quán nhậu, nhân ngày nhà giáo Việt Nam, ông P. - một thầy giáo cấp 3 tâm sự với bạn: “Học trò tôi hỏi rằng vì sao bằng cấp đại học Việt Nam không được thế giới công nhận. Tất nhiên là tôi có cách trả lời của tôi. Song tôi muốn nghe câu trả lời của anh?” Người bạn nhậu của thầy P. - vốn từng là một nhà giáo tự làm cho mình bị “mất dạy”, kể: “Tôi cũng từng hỏi thầy mình câu đó. Thầy tôi, một giáo sư Sài Gòn trước đây, nói: ‘Họ theo đuổi chủ nghĩa lý lịch với trí thức trong bao nhiêu năm. Theo cậu thì mục đích của giáo dục hiện nay là tạo ra con người hay công cụ. Tự cậu trả lời được mà.’”

Vì là bàn nhậu giữa “giáo chức” nên ông P. góp thêm: “Một cô dạy chung trường với tôi, có con đi du học, thuật lại với đồng nghiệp chuyện con cô kể là bên đó, người ta không công nhận bằng đại học Việt Nam nhưng lại công nhận bằng tú tài của Việt Nam. Cô kể rằng họ vừa công nhận vừa nể phục học sinh trung học Việt Nam lắm, vì trong học bạ những đứa học năm cuối phổ thông, đứa nào cũng đạt điểm cao trong tất cả 13 môn học. Anh thấy trình độ của học trò mình kinh khủng chưa!” Người bạn của thầy P. hỏi: “Nè, anh có chủ trương gợi ý học trò lại nhà học thêm không?” Thầy P. trả lời: “Phong trào mà, chúng ép mình dạy thêm đó chứ, học trò ngày nay đánh giá trình độ thầy qua chuyện có đông học sinh học thêm hay không. Chúng ép mà lại khinh thầy lắm!”

Cũng nhân ngày nhà giáo, xin thuật lại một mẩu chuyện nhỏ đề cập đến vấn đề hiệu quả của giáo dục đối với một gia đình lao động ở Sài Gòn. Bác M., một người chạy xe ôm có một đứa cháu nội, năm nay tới tuổi thi đại học kể: “Con trai tôi nói với con nó rằng: Tao chạy tiền cho mày đi học thêm suốt 12 năm, bây giờ tao chuẩn bị cho mày một số tiền nữa, mày mà thi rớt đại học thì tao cho mày sáu triệu, mày thi đậu tao cho mày ba trăm ngàn. Thằng con nó ngạc nhiên hỏi lại, sao kỳ vậy. Nó nói: Cho mày một lần một, sáu triệu để mày mua chiếc xe Trung Quốc chạy xe ôm cho đời tao chấm dứt đau khổ vì gánh nặng học phí chớ sao. Còn đậu thì cho ba trăm ngàn đủ đi nhậu với bạn bè rồi”.



No comments: