Ngôn ngữ của im lặng
Đỗ Thái Nhiên
Đăng ngày 07/11/2008 lúc 16:11:59 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3247
Nhờ vào năng lực của tư tưởng, con người diễn tả những cảm nghĩ đối với đời sống bằng các loại ngôn ngữ mang liều lượng khác nhau. Người khiêm cung mượn lời tiếng êm ả để biểu tỏ nỗi bất bình sâu sắc. Người nghèo-nàn-hiểu-biết thường rất “rộng lượng” trong việc chi tiêu chữ nghĩa. Họ sẳn sàng ném vào đời sống các loại từ ngữ nặng ngàn cân chỉ để ứng xử với một trái ý nhẹ tựa tơ trời. Trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt, con người lại vận dụng ngôn ngữ của sự im lặng để thay thế cho những đối thoại rộn ràng. Im lăng qua một cái bắt tay. Im lặng bằng một tiếng thở dài. Im lặng trong một ngước mắt nhìn mung vào khoảng không…Những cô nghiệt của đời sống đã mang lại cho con người một thể nghiệm rằng: im lặng là hình thức lên tiếng tinh vi nhất. Nó giúp người dân hiệu báo cho nhà cầm quyền biết: im lặng chính là thước đo mức độ khinh miệt của người dân dành cho giới thống trị độc tài và tham ô. Ngược lại, đôi khi im lặng còn là dấu hiệu của lòng kính trọng và cảm thông dành riêng cho những người mà tâm tình của họ bị suy diễn sai lầm .
Sau đây là hai trường hợp im lặng điển hình
Im lặng của Nguyễn Việt Chiến
Ngày 15/10/2008, tại Hà Nội, tòa án CSVN đã chiếu điều 258 bộ hình luật để xét xử nhà báo Nguyễn Việt Chiến về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Kết quả: Nguyễn Việt Chiến bị phạt 2 năm tù giam. Dư luận trong và ngoài nước đều thừa biết 02 năm tù giam là cái giá mà Nguyễn Việt Chiến phải trả cho sự việc năm 2006 Nguyễn Việt Chiến đã thâu lượm tin tức để tận lực tố cáo quan chức Hà Nội đã tham ô trong hồ sơ PMU18. Ngày 31/10/2008, gia đình của nhà báo Nguyễn Việt Chiến cho biết nhà báo này quyết định không ký tên chống lại án sơ thẩm ngày 15/10/2008. Có hai lý do để từ chối chống án:
Lý do một: Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh của công an CSVN bị truy tố và bị trừng phạt về tội “Tiết lộ bí mật công tác”. Tiết lô bí mật không thể là gì khác hơn là tiết lộ sự thật. Thế nhưng khi nhà báo Nguyễn Việt Chiến lấy những tin tức do hai vị kia tiết lộ đăng lên báo thì Nguyễn Việt Chiến lại bị phạt về tội đăng tin sai sự thật! Nếu sai sự thật tại sao hai viên chức công an kia lại bị án phạt về tội “Tiết lộ bí mật công tác” ?
Lý do hai: Trong một bài báo gửi cho BBC Luân Đôn ngày 01/11/2008, bà Phùng Bích Ngọc, vợ của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, khi nhận định về bản án ngáy 15/10/2008 viết rằng: “Cũng những thông tin ấy, vài năm trước, anh (NguyễnViệtChiến) nhận giải thưởng báo chí nhưng lần này thì lại bị buộc tội. Một mình giữa bốn bức tường, với anh ấy, giờ thì bầu trời cao và ở xa lắm”.
Hai lý do nêu trên tổng hợp lai với nhau tạo thành khối nghịch lý cực lớn chất chứa bên trong guông máy pháp quyền của CSVN. Nhìn và suy nghĩ xoáy vào khối nghịch lý kia dư luận sẽ nhận ra trọn vẹn tội ác độc tài và tham ô của CSVN. Đối diện với núi tội ác kia, mọi nổ lực chống án để đi tìm công lý chỉ là công việc mò kim đáy biển. Nói cách khác, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã quyết định từ chối chống án như một biểu tỏ bằng im lặng thái độ khinh miệt hệ thống tòa án của Hà Nội.
Im lặng của nhà thơ Đỗ Trung Quân
Ngày 05/Oct/2008 qua câu chuyện giữa ký giã Mặc Lâm của đài Á Châu Tự Do và nhà thơ Đỗ Trung Quân, thính giả được biết: Đỗ Trung Quân (sanh năm 1955 tại Saigon) là tác giả một số bài thơ nổi tiếng: Năm 1978 thi phẩm “Hương Tràm” ra đời, Vũ Hoàng phổ nhac. Năm 1988 thi phẩm “Chút Tình Đầu” ra đời Vũ Hoàng phổ nhạc,đổi tên thành “Phượng Hồng”. Năm 1986 Đỗ Trung Quân sáng tác “Bài Học Đầu Cho Con”, Giáp Văn Thạch phổ nhạc và đổi tên thành “Quê Hương”. Riêng thi phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” có hàm chứa một im lặng cho đến bây giờ vẫn chưa được Đỗ Trung Quân minh thị giải thích. Trước hết, chúng ta hãy đọc nguyên văn thi phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” của Đỗ Trung Quân:
Quê hương là gì hở Mẹ,
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở Mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím dậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ có một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…
Thi phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt: mỗi đoạn gồm bốn câu. Đặc biệt đoạn cuối lại chỉ gồm ba câu. Thế nhưng khi phổ thành nhạc và đổi tên thành “Quê Hương”, đoạn cuối được người nào đó thêm vào câu thứ tư:
“Quê hương mỗi người chỉ có một
Như chỉ là một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…”
Tại sao và ai đã viết thêm câu cuối “Sẽ không lớn nổi thành người”? Qua chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài Á Châu Tự Do, do ký giả Mặc Lâm phụ trách, Nhà thơ Đỗ Trung Quân giải thích như sau:
“Tôi đăng bài thơ này lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm cái câu cuối cùng: “Sẽ không lớn thành người”.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói tiếp: “Khi tôi thấy họ sữa và bỏ một vài đoạn nên khi đăng lại vào năm 1991 ở trong tập Cỏ Hoa Cần Gặp thì tôi đăng lại nguyên bản…không có câu cuối cùng”
“Đăng lại nguyên bản” có nghĩa là bài thơ vẫn được kết thúc bằng một câu thơ bỏ lửng: “Quê hương nếu ai không nhớ…”. Điều hết sức đặc biệt nằm ở sự thể: Đỗ Trung Quân không hề minh thị nói cho người đọc hiểu rõ ý nghĩa của câu thơ bỏ lửng kia. Thay vào đó, Đỗ Trung Quân lại luận về đời sống riêng của bài thơ:
“Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên là bài thơ này có một số phận rất là đặc biệt, nó được nhiều người biết đến, nó được loan đi rất xa, nó có thể gây yêu mến, nhưng đồng thời nó có thể gây ngộ nhận. Tất cả những cái đó là số phận riêng. Tốt nhất là thôi cứ để nó có số phân riêng của nó”.
Bây giờ, xin cứ hình dung “số phận riêng” của bài thơ như một dòng sông, chúng ta hãy ngồi xuống bên cạnh dòng sông kia để thử tìm hiểu xem “Quê hương nếu ai không nhớ” thì chuyện gì sẽ xảy ra và ai là người không nhớ quê hương?
Phàm là người, không ai lại không nhớ quê hương. Tuy nhiên, ở vào tình huống đặc biệt của lịch sử, có một thành phần dân tộc rất dễ bị suy diễn là đã không nhớ quê hương. Đó là những người phải cắn răng bỏ nước ra đi do biến cố 30/04/1975. Ra đi biền biệt,.Ra đi sau mấy mươi năm vẫn không quay về. Phải chăng không quay về có nghĩa là không nhớ quê hương? Cần nói ngay rằng càng không quay về, càng nhớ thương quê hương da diết. Không quay về chỉ vì họ không muốn trong tình huống bất lực lại phải chứng kiến quê hương thân yêu bị đọa đày dưới ách độc tài tham ô. Họ chỉ quay về chừng nào họ có thể làm một điều gì đó góp phần giúp cho quê hương vươn mình tìm tới dân chủ và thịnh vượng. Hiểu được tâm tình u uẩn kia, bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” không chấp nhận một suy diễn hổn láo và vô ý thức theo kiểu viết của ban biên tập báo Khăn Quàng Đỏ:
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người”
Thế rồi thi phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” vẫn duy trì kết thúc cũ với một câu sáu chữ đi kèm dấu ba chấm:
“Quê hương nếu ai không nhớ…
Dấu ba chấm kia là sự ẩn dấu môt cảm thông, một lời thăm hỏi dành cho những người càng đi biền biệt, càng thương nhớ quê hương, nhưng nhất định không quay về. Sở dĩ tình cảm nồng nàn kia phải được cất dấu bên dưới các dấu chấm là vì Đỗ Trung Quân không muốn thi phẩm “Bài học Đầu Cho Con” bị công an văn hóa quấy nhiễu. Đó là ý nghĩa của hiện tượng được gọi là ngôn ngữ của im lặng trong thi ca.
Bài viết này muốn nhắm đến hai mục tiệu: vừa tố cáo chế độ Hà Nội gay gắt chà đạp quyền tự do ngôn luận của người dân, vừa gửi lời cảm thông sâu sắc về những khốn khổ mà đồng bào quốc nội phải gánh chịu dưới ách cai trị độc tài của CSVN. Từ những khó khăn của đồng bào quốc nội, cộng đồng Việt Nam hải ngoại hãy nghĩ đến những tự do dân chủ, nhất là tự do ngôn luận mà chúng ta đang được hưởng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Xin hãy trân trọng quyền tự do ngôn luân. Xin đừng lạm dụng quyền tự do ngôn luận để thóa mạ lẩn nhau. Xin hãy sử dụng quyền tự do ngôn luận để kiến tạo tình thương yêu và đoàn kết giữa người Việt với người Việt, giữa người Việt với Tổ Quốc Việt Nam. Có như vậy đất nước Việt Nam mới có cơ hội tiến tới dân chủ và thịnh vượng.
Đỗ Thái Nhiên
No comments:
Post a Comment