ĐẢNG NÓI BỪA, NGHĨ QUẨN
Phạm Trần
Đăng ngày 31/10/2008 lúc 15:51:51 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3227
Hoa Thịnh Đốn.- “Có thể nói, các Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đã chắt lọc và đúc kết, trí tuệ của nhiều cấp, nhiều ngành; thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, khoa học và dân chủ của Ban Chấp hành Trung ương (tổng hợp cả 3 đề án, có 337 ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ và tại Hội trường).
Đó là lời khoe của Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương nói tại Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến ngày 22/7/2008 đang được đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền trong nhân dân khắp làng trên, xóm dưới.
Hội nghị 7, từ 09 đến 17/7/2008, đã thảo luận và hòan tất 3 Nghị quyết về các vấn đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”; “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, và “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Phú nói : “ Hội nghị Trung ương 7 thể hiện một bước tiến mới trong quá trình chuẩn bị các đề án. Các Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này là những vấn đề rất lớn và khó, được chuẩn bị rất công phu và nghiêm túc, có sự kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn với nghiên cứu khoa học lý luận.”
Mới nghe thôi cũng đã cảm thấy lạnh da người, bởi vì theo lời Phú thì các đề tài thảo luận tại kỳ 7 đặc biệt và quan trọng hơn các Kỳ Hội nghị trước.
Phú nói với cán bộ : “ Từ trước tới nay, các đề án, các vấn đề trình ra Trung ương đều được chuẩn bị công phu, nghiêm túc nhưng do yêu cầu khách quan của thực tiễn với những vấn đề ngày càng phức tạp hơn, mới hơn, khó hơn đòi hỏi Đảng phải tiếp tục nâng cao trình độ trí tuệ trong việc đề ra các quyết sách lớn. Chất lượng các đề án trình ra Trung ương tạo cơ sở để Trung ương cân nhắc, bàn thảo và quyết định chính xác nhất những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5 đã ra Nghị quyết về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”.
THANH NIÊN VÀ ĐẢNG
Vậy Đảng CSVN đã nói gì về 3 Đề tài dao to búa lớn này mà Phú phải giải trình, làm to chuyện đến thế ?
Về tình hình Thanh niện hiện nay, đảng phán : “Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm tới tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tỉ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao.
Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo công tác thanh niên… chưa làm tốt công tác phát triển đảng trong thanh niên. Nhà nước chậm thể chế hoá và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên; thiếu những chính sách nhất quán, đồng bộ, lâu dài đối với thanh niên; chưa có chính sách cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng tài năng trẻ, việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên còn hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên thuộc lĩnh vực được phân công. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thanh niên....”
Đại biểu Quốc Hội, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đơn vị Đắc Lắk là người đầu tiên có Bài viết đối đáp với Đảng về từng vấn đề đã nêu ra trong Nghị quyết 7. Bài của ông xuất hiện trên Tạp chí Tia Sáng do Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ qủan. Tia Sáng là diễn đàn quy tụ các bài đóng góp ý kiến thẳng thắn, gần như không bị “kiểm duyệt” của nhiều Nhà Trí thức trong nước, được phản ảnh theo quan điểm nêu trên trang diện tử của Tạp chí : “Một góc nhìn của Trí thức”.
Về vấn đề Thanh Niên, ông Dũng cho đảng biết tại sao Thanh niên, đội dự bị của đảng, lại thờ ơ với đất nước : “ Với Thanh niên. Chúng ta nói thanh niên chung đều thông minh, ham học, cầu tiến bộ nhưng phong trào thanh niên còn rất nhiều hạn chế, một số thanh niên mất phương hướng và đi vào con đường hư hỏng. Tệ nạn nghiện hút, tiêm chích đẫn đến HIV, tình trạng kiếm sống bằng buôn bán ma túy, mại dâm, trộm cướp chưa bị đẩy lùi. Nghị quyết Trung ương 7 đã đánh giá rất chính xác các tồn tại trong thanh niên.”
Nhưng ông cũng nhắc khéo Đảng : “ Nên tìm hiểu vì sao thanh niên giảm sút niềm tin, đó chính là do họ là lớp người rất nhạy cảm. Các bậc cha chú làm ăn bất chính mà trở nên giàu có thì họ tội gì không noi theo? Nông thôn sống quá cực khổ thì tội gì không lao ra thành phố, mặc dầu biết rằng ở đó có sẵn biết bao nhiêu cạm bẫy. Lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, coi nhẹ nền tảng gia đình đã khiến cho biết bao gia đình tan vỡ và đẩy biết bao thanh niên vào chỗ chán nản, mất phương hướng. Hoc đại học rất tốn kém mà tìm được việc làm đúng chuyên môn nghe đâu chỉ mới được tới được 20%? Xin việc làm ở bất kỳ đâu cũng phải đút lót(!). Chuyện rất phổ biến, ai cũng biết, vậy mà chả có bất kỳ ai bị xử lý? Chuyện rất phi văn hóa lại được gọi là văn hóa- Văn hóa phong bì (!)” (Tạp chí Tia Sáng ngày 20-10-2008)
Đại biểu Dũng nêu tỷ dụ : “ Khi Đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn bị tuyên án tù 8 năm vì tham ô từ dự án ma 172 triệu đồng (!), giới trẻ cười thầm: Giám đốc một Sở lớn thế mà chỉ ăn hối lộ có ngần ấy thôi à? Thế thì các Giám đốc khác, ngay cả các Trưởng, Phó phòng xúc đâu ra tiền mà hầu hết đều có được nhà cửa khang trang tại Thủ đô, tại TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác. Trước là cho con về ôn thi, đợi sau khi về hưu sẽ chuyển cả nhà ung dung về đó. Tiền mua đất xây nhà phải nhiều tỷ chứ đâu có ít?
Chúng ta quyết tâm chống tham nhũng nhưng có lẽ đang giống như quyết tâm chống bọ rầy(!). Bỏ ra biết bao công sức, tiền bạc mà bọ rầy năm nào cũng phá lúa đến mức có tới hàng nghìn con trên một gốc lúa? Bọ rầy nhờn thuốc chẳng khác gì tham nhũng đã nhờn với pháp luật hiện hành (!).”
Đề cập đến các Phong trào thi đua của Đòan Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông Dũng tiết lộ những việc làm tồi tệ chưa bao giờ có ai dám nói : “ Thanh niên cũng đâu còn có hăng hái thi đua như trước đây, vì việc nhận danh hiệu thi đua nhiều khi phải chạy chọt, xin xỏ… Sinh hoạt Đoàn trở nên nhạt nhẽo, thiếu sinh khí, nhất là ở khu vực nông thôn. Thanh niên tham gia Công đoàn cũng chẳng hào hứng gì với các sinh hoạt thiếu nội dung thích đáng. Thanh niên trí thức tốt nghiệp ở nước ngoài về không muốn ở lại làm việc trong nước đang bị hiểu lầm là vì muốn làm ở nước ngoài cho có lương cao. Thực tế ở đơn vị tôi cho thấy, dù lương rất thấp nhưng các tiến sĩ ấy rất hào hứng ở lại tham gia, vì thấy có đầy đủ điều kiện để phát huy tài năng của mình. Muốn hiểu thanh niên cho đúng nên hỏi xem người lớn đã quan tâm đến thanh niên như thế nào. Họ cần được tự do phát biểu chính kiến của mình, miễn là những chính kiến mang tính xây dựng. Họ có quyền đòi hỏi điều kiện để phát huy những điều đã được học hỏi trong và ngoài nước. Sử dụng sai một trí thức là bóp chết ngay trí thức ấy ngay từ ngày sử dụng.”
ĐẢNG NHÌN TRÍ THỨC
Trong Nghị quyết về Trí thức, đảng không ngần ngại chê xả láng lớp người có học hàm hơn nhiều Lãnh đạo : “ Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém.
Số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít.
Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép….”
“Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.
Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão. Nhiều trí thức trẻ có tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn.”
Có ngôn từ nào nặng nề hơn mà Đảng chưa dùng để “lên lớp” Trí thức, nhất là khi đảng đã ‘vơ đũa cả nắm”, không cần phân biệt giữa các Trí thức có bằng thật với “bằng gỉa”, hay giữa các Tiến sỹ có học hàm đàng hòang và các “Tiến sỹ giấy” do các trường đảng nặn ra ?
Hãy nghe Đại biểu Nguyễn Lân Dũng trả lời đảng của ông : “ Anh chị em trí thức đặt câu hỏi: Những tồn tại trên phần nào thuộc về bản thân các trí thức? Chúng ta có hàng chục vạn trí thức đang hoạt động nhiệt tình và tự nguyện trong các Hội khoa học chuyên ngành, nhưng ai cho phép các Hội chuyên ngành này tham gia phản biện các vấn đề hệ trọng đến khoa học- công nghệ, đến kinh tế-xã hội?
Lấy ví dụ trong khi chương trình giáo dục phổ thông của ta vừa nặng lại vừa thấp, nhiều môn học chả giống nước nào trên thế giới. Chương trình lại được làm sau khi đã soạn sách giáo khoa và sách giáo khoa sửa mãi vẫn đầy thiếu xót.
Vậy tại sao Bộ GD&ĐT không giao cho các Hội chuyên ngành tham gia xây dựng Chương trình rồi sẽ hỏi ý kiến của đông đảo các thầy cô giáo. Sao không kiến nghị sửa Luật Giáo dục để chuyện viết và in sách không còn là chuyện độc quyền của một nhà xuất bản.
Chuyện bỏ kỳ thi vào đại học, việc định rút chương trình đại học xuống 3 năm, việc xây thêm một đại học chất lượng cao nữa khi đã có sẵn hai Đại học Quốc gia anh chị em trí thức và các Hội chuyên ngành đâu có được tham gia phản biện. Thậm chí những việc rất lớn như mở rộng Hà Nội thì nghe nói ngay Hội Kiến trúc sư và Hội Xây dựng cũng đâu có được tham gia ý kiến?
Gần đây trí thức trong và ngoài nước phản ứng mạnh mẽ khi Nhà nước dự kiến bỏ ra 80 triệu USD để xây dựng nhà máy cồn nhiên liệu từ bột sắn và rỉ đường ở Phú Thọ. Thật là khó hiểu, khi các nước người ta sản xuất cồn sinh học từ bã mía, rơm rạ và sinh khối thực vật biển , chứ bột sắn và rỉ đường thì là nguyên liệu cho các nhà máy công nghệ sinh học mà các nước phát triển đang làm ra các dược liệu có giá trị cao hơn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với cồn nhiên liệu. Đã có 80 triệu USD thì nên đầu tư tập trung cho ngành Công nghệ Sinh học để có thể làm ra hàng loạt các sản phẩm có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu có hiệu quả cao hơn nhiều.
Sản xuất từ sắn (và rỉ đường) thì chỉ cần tháp cất lại từ “quốc lủi” chứ cần gì tới 80 triệu USD? Tôi chỉ có một nguyện vọng là mong các đồng chí lãnh đạo cấp cao rẽ qua thăm Viện Vi sinh vật học ở Bắc Kinh để hiểu rõ nếu tập trung đầu tư thì có thể đưa lại biết bao nhiêu sản phẩm có giá trị cho đất nước bằng con đường sản xuất các sản phẩm Công nghệ sinh học từ vi sinh vật mang gene tái tổ hợp.
Cá nhân tôi không tán thành việc đánh giá các nhà khoa học bằng số bài báo đăng trên một số tạp chí danh tiếng nước ngoài, Chúng ta hãy coi trọng việc đem khoa học phục vụ trực tiếp cho đất nước này hơn là việc làm các nghiên cứu lý thuyết để dễ được đăng trên báo chí nước ngoài. Tại sao chúng ta không có các thành tựu lớn trong khoa học trong khi hằng năm đầu tư không ít kinh phí cho khoa học.
Tôi cho rằng chúng ta đầu tư quá dàn trải, các đề tài nghiên cứu cũng quá dàn trải và chính sách đấu thầu đề tài thường không hợp lý và không chính xác. Nên thu gọn quyết liệt đầu mối các cơ quan nghiên cứu và cần đầu tư đủ tầm cho các Trung tâm khoa học để đủ sức giải quyết các nhiệm vụ do Chính phủ đặt hàng trong từng giai đoạn….”
NÔNG DÂN SỐNG NHỜ SÂN GOLF ?
Trong Nghị quyết về “ Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đảng CSVN thừa nhận: “Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh sản xuất hàng hoá. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.”
Đại biểu tỉnh Đắc Lắk, người có nhiều bài phát biểu gây ấn tượng tại Quốc hội và trong dư luận phản bác nhận xét của Nghị quyết : “ Người nông dân hỏi: Ai chịu trách nhiệm về những tồn tại yếu kém này? Nhẽ nào trách nhiệm đều thuộc về nông dân? Nông dân làm sao xóa bỏ được 75 triệu thửa ruộng manh mún, nhỏ bé? Nông dân làm sao trồng trọt, chăn nuôi theo quy mô lớn với những hợp đồng có người đảm nhận đầu tư và tiêu thụ nông sản phẩm. Nông dân làm sao tự nhập được các giống cây trồng chuyển gene với năng suất rất cao mà giá thành lại hạ vì chịu được thuốc trừ cỏ và giảm thiểu được thuốc trừ sâu mà 12 triệu nông dân thuộc 23 nước đang canh tác rộng lớn trên 114,3 triệu ha? Bộ cấm chăn nuôi nhỏ lẻ theo truyền thống thì nông dân lấy gì quả trứng bồi dưỡng cho con, lấy gì có con lợn bán đi để nộp tiền học cho con. Nông dân làm sao ngăn cản được các nhà đầu tư và chính quyền đang ngang nhiên chiếm đoạt toàn những bờ xôi , ruộng mật, toàn là những nhất đẳng điền, toàn là ven các quốc lộ, tỉnh lộ, những nơi đất có cấu tượng mà phải hàng nghìn năm nhờ tác dụng chuyển đổi của vi sinh vật mới có thể có được.”
Ông Dũng đã tỏ ra bất bình về cách đổ trách nhiệm lên đầu nông dân của đảng. Ông nói : “ Tôi thầm nghĩ lãnh đạo mà vẫn chưa hiểu thế nào là đất có cấu tượng thì đừng nên tham gia vào việc quy hoạch ruộng đất. Thật bất ngờ khi trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi tới 366,44 nghìn ha (!). Vậy mà ngay các Khu công nghiệp được cấp giấy phép từ lâu nhưng ruộng đất vẫn bị bỏ không một cách vô cùng lãng phí.
Nhẽ nào đất nước mình mà cần tới 141 sân golf ở 39 tỉnh, sử dụng tới 49.268 ha đất đai- trong đó có 2 625 ha đất trồng lúa.
Nếu như trong suốt 16 năm Thủ tướng chỉ cấp phép cho 34 dự án sân golf thì chỉ chưa đầy 2 năm (7/2006-5/2008) các địa phương sau khi được phân cấp đã cấp phép cho 104 dự án- nghĩa là cứ bình quân sau mỗi tuần lại xuất hiện thêm 1 sân golf (!).
Đấy là chưa kể việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ cỏ sẽ dẫn đến ô nhiễm không ít các mạch nước ngầm.
Xin lưu ý Quốc hội là ở Trung Quốc các bạn nói với tôi là muốn chuyển đổi mục đích sử dụng 5 mẫu Trung Quốc (tương đương với 1/3 ha) thì phải cần có quyết định của Quốc vụ viện (tức là của Chính phủ Trung ương). Bao giờ Chính phủ ta làm được như vậy?”
Nhà lâp pháp này cũng hỏi thẳng đảng : “ Nông dân làm gì để có mức sống không quá chênh lệch so với thành thị? Hiện nay giá lương thực, thực phẩm so với năm 2005 đã tăng được 20-30% , nhưng giá vật tư nông nghiệp , giá nhân công đã tăng trên 60%, chưa kể nạn phân bón giả đang làm nông dân khốn đốn. Thu nhập thực tế của nông dân đã giảm đi 50% sau khi trừ đi các chi phí sản xuất.
Trong khi Công nghiệp được bảo hộ mạnh mẽ từ phía Nhà nước thì thử hỏi Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân được gì? Nhiều nước đầu tư vào nông nghiệp tới 7-8% GDP (Trị gía của mức Sản phẩm nội địa) trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng chỉ đầu tư có 4% cho lĩnh vực hết sức quan trọng này. Ai chịu trách nhiệm dừng xuất khẩu khi giá gạo trên thế giới lên tới 1200 USD khiến nông dân Tây Nam Bộ không bán được thóc tươi và phải phơi lúa lên khắp đường nhựa mặc cho xe ô tô nghiền nát ?”
Như vậy có phải Đại biểu Dũng đã tạt gáo “nước lạnh” vào mặt đảng, hay cả 3 Nghị quyết của Hội nghị 7 đã phản ảnh tính nói bừa, nghĩ quẩn của Ban Chấp hành Trung ương trước những khó khăn trong đời sống của Nông dân, Thanh niên và đội ngũ Trí thức ?
Mặt trái của Hội nghị 7 cũng lộ ra sự thiếu ngay thẳng, không lương thiện và cố ý trốn trách nhiệm của Lãnh đạo đảng trước tình trạng mất định hướng của Thanh niên, thiếu tin tưởng, hoang mang của Trí thức và mất đất, thất nghiệp của nông dân.
Phạm Trần
(10-29-2008)
No comments:
Post a Comment