Wednesday, November 19, 2008

ĐẢNG CSVN CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020

Tạp chí Cộng Sản Số 22 (166) năm 2008
CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020
(Cập nhật: 19/11/2008)
http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=5&News_ID=191142390

Tại cuộc họp báo chính phủ chiều ngày 18-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã thông tin một số nội dung quan trọng về Dự thảo Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho biết, thấy rõ tầm quan trọng phải có một Chiến lược Phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữ quan xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Đến nay, dự thảo đã hoàn thành trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, để tiếp tục hoàn thiện trình Bộ Chính trị và Quốc hội sớm ban hành.

Quán triệt và phát triển những quan điểm phòng, chống tham nhũng đã được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3, Dự thảo Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tại nhiều hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế, sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về phòng chống tham nhũng, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Dự thảo chiến lược đã được chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức hữu quan và chuyên gia tư vấn trong nước, quốc tế.

Một số nội dung chính yếu Dự thảo Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020:

1- Các quan điểm của Chiến lược
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Sử dụng tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng với những bước đi vững chắc; gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, xây dựng lực lượng chuyên trách đủ mạnh làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Đặt công tác phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hội nhập, chủ động hợp tác hiệu quả với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác phòng, chống tham nhũng.

2- Mục tiêu chung: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa, phát hiện xử lý tham nhũng.
Trên cơ sở mục tiêu chung, dự thảo chiến lược đã xây dựng các mục tiêu cụ thể: Hạn chế tối đa điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật, tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước. Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; từng bước từng bước xoá bỏ tệ hối lộ giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước và trong giao dịch thương mại. Nâng cao nhận thức của xã hội về tham nhũng, về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thúc đẩy sự tham gia chủ động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng.

3- Năm nhóm giải pháp chủ yếu:
- Ttăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền.
- Kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng.

Ba giai đoạn thực hiện:
Giai đoạn thứ nhất (từ nay đến năm 2011): tập trung nâng cao năng lực phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng;
Giai đoạn thứ hai (từ 2011 đến 2016), tập trung hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng
Giai đoạn thứ ba (từ 2016 đến 2020): tiếp tục làm tốt các giải pháp đã được thực hiện trong các giai đoạn trước, triển khai các giải pháp còn lại, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược. Trong mỗi giai đoạn đều có sơ kết, rút kinh nghiệm; việc thực hiện chiến lược sẽ được tổng kết vào năm 2020.
Việc sớm ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đặc biệt này trong tình hình mới./.

Trần Thị Nam

Bình luận :
Té ra đến nay Đảng CSVN mới bắt đầu chống tham nhũng và chỉ chống tham nhũng cho đến năm 2020?

No comments: