Wednesday, November 5, 2008

Lụt & Độ Nhạy Cảm
Osin’s Blog
Sunday November 2, 2008 - 09:47pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=6230
Nếu lệnh đóng cửa trường học và một số công sở được đưa ra sáng 31-10, bé Nguyễn Vân Anh và 2 học sinh Hà Nội khác đã không phải chết tức tưởi trên đường đi học, hàng trăm nghìn người khác đã không phải ngập mình trong lũ và đêm ấy nhiều người dân Hà Nội đã không phải ở trong tình thế không thể về đến nhà mình. Có thể Nha khí tượng đã dự báo không chính xác nhưng những nhà lãnh đạo có độ nhạy cảm của dân vẫn hoàn toàn biết được đêm ấy mưa to. Hãy đọc nhật ký của công dân Quỳnh Anh đăng trên Vietnamnet mới thấy cô biết trời mưa to từ lúc 2 giờ sáng; cô nhìn thấy nước mấp mé bậc thềm lúc 7 giờ; cô đã ban hành quyết định cho cá nhân cô không ra đường trong buổi sáng ngày 31!

Các quan chức Hà Nội có thể không giật mình thức dậy vào lúc 2 giờ sáng để thấy trời mưa. Nhưng, khác với công dân Quỳnh Anh, Chính quyền có bộ máy mà đêm ấy chắc chắn có hàng nghìn người thức. Hàng nghìn người nhìn thấy nước lên ở khắp phố phường. Nhiều người trong số họ hoàn toàn có thể gọi điện về báo cáo. Nếu một quyết định có thể được đưa ra ngay thì sáng hôm sau nhiều đứa trẻ không phải tới trường rồi không học được vì trường bị ngập. Nhưng, không có quyết định nào được đưa ra trong ngày hôm ấy, thậm chí cho đến sáng ngày mưa thứ hai. Ngày 1-11, bé Vân Anh vẫn phải đến trường để, ngay giữa Thủ đô, đã chết vì lũ cuốn.

Trận mưa đang diễn ra tại Hà Nội mấy ngày qua được coi là lớn nhất trong vòng hơn hai thập kỷ. Thiên tai đến đúng là không báo trước, nhưng Chính quyền trong nhiệm kỳ hiện nay không thể nói là có thể bất ngờ. Đường phố Hà Nội đã từng biến thành sông làm tắc đường nhiều giờ liền trong chỉ mới vừa hơn 4 tháng (18-6-2008). Cái gì đã xảy ra trong lịch sử thì hoàn toàn có thể lặp lại. Người dân có thể thờ ơ, chủ quan và ỉ lại. Nhưng, Chính quyền thì không có quyền ỉ lại cho dân, phải tiên liệu những tình huống xấu nhất, có thể từ thiên tai và cả nhân tai mà đề ra tình huống, tập dượt và khi xảy ra thì đối phó.

Người dân Hà Nội có ngay nơm, có ngay vó để bắt cá trên đường phố. Người dân Hà Nội có thể kết bè để di chuyển đàn bà, trẻ em ra chỗ cao hơn. Người dân Hà Nội, đến hôm qua, 2-11, đã huy động được cả xe ngựa vào làm phương tiện đi lại trong nội thành. Cho dù rất thiếu kỹ năng sông nước, người dân Hà Nội, rõ ràng là đã tự xoay xở lấy thay vì chờ đợi vào chính quyền. Chỉ cần quan sát khả năng xoay xở của dân chúng, mà “mô phỏng” để có những quyết định thôi, thì nhiều tình huống có thể đã được dễ dàng hơn khi xử lý.

Cho đến chiều 2-11, chưa thấy Chính quyền Hà Nội huy động sự ứng cứu trên đường phố của Quân đội (trừ một lực lượng mà báo chí ghi nhận ở trạm bơm Yên Sở). Xe lội nước của Bộ binh Cơ giới và các khí tài quân sự của Công binh hoàn toàn có thể thay thế các xe tải thương và giải cứu các em học sinh bị kẹt trong các trường học chiều ngày 31-10 và ngày 1-11. Xe lội nước cũng có thể giúp những người dân khác, đặc biệt là người già, bị kẹt lại ngoài đường hay ở những khu nhà ngập nước. Những phương tiện này cũng hoàn toàn có thể được huy động để thiết lập các trạm bán và cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người dân ở những nơi mà mấy ngày qua đã không thể ra khỏi nhà. Sự có mặt của Quân đội trong tình huống hiện nay không chỉ có tác dụng giúp dân một cách thiết thực mà về mặt chính trị còn giúp tạo ra hình ảnh về một Quân đội với dân, gần gũi.

Theo ghi nhận của người dân, cho đến hết ngày 1-11, các phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh của Hà Nội cũng đã chưa được trưng dụng để phát đi các mệnh lệnh nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp. Rất ngạc nhiên là tối 31-10, dân tình đã rối loạn như vậy mà sáng 1-11, lãnh đạo Hà Nội vẫn họp để bàn về một vấn đề đã được lên lịch trước đó hàng tuần. Và để rồi, khi họp xong thì “lãnh đạo thành phố đều xuống ngay cơ sở”, như phát biểu của một vị lãnh đạo Hà Nội.

Có thể là trong cơ chế hiện nay, thay đổi “lịch làm việc” cũng là một vấn đề cần phải bàn trong cuộc họp. Nhưng, nước lũ tràn về không phải là một tình huống để chính quyền hành xử theo lề lối lâu nay. Tình huống làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong mấy ngày qua đủ để Chính quyền phải cho ngưng ngay mọi hoạt động “theo lịch” từ sáng 31-10 để ứng phó bằng một “kịch bản xử lý khủng hoảng” mà lãnh đạo địa phương nào cũng cần phải chuẩn bị và cho “diễn tập”. Sâu sát cơ sở là rất cần thiết, nhưng, địa phương nào cũng có lãnh đạo, họ đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề của mình. Chính quyền có nhiều phương tiện để nắm thông tin. “Trên” xuống, một mặt vừa làm cho địa phương ỷ lại, một mặt rất dễ bị hút vào cục bộ, ảnh hưởng đến cái nhìn toàn cục. Trong lúc này, các vị lãnh đạo cao nhất của Hà Nội chính là những vị Tư lệnh, không thể để những vị “Tư lệnh” ấy “ngập trong nước lụt”. Họ có quyền dùng những phương tiện hiện đại như xe cơ giới, trực thăng đi thị sát và trở lại “tổng hành dinh” kịp thời để điều động và ra mệnh lệnh.

Cuộc sống người dân Hà Nội bị đảo lộn trong mấy ngày qua đúng là do “thiên tai”. Tuy nhiên, nhìn những khu đô thị mới như Láng, Mỹ Đình… bị ngập sâu hơn nhiều so với những khu đô thị cũ, mới thấy, quản lý đô thị không phải là một việc ai làm cũng được. Ao hồ đã bị lấp bớt trong khi đường sá đã bị bê tông hóa phần nhiều. Các khu đô thị mới được xây lên mà không tính đến tình huống khi mưa lớn thì nước chảy về đâu, bất chấp độ cao và mật độ. Ngay một công trình cụ thể như trạm bơm Yên Sở, theo báo Hà Nội Mới, công suất bơm chỉ đạt 4 triệu m3/ngày trong khi lượng nước đổ về mỗi ngày hiện là 20 triệu m3. Nếu như người dân Hà Nội được hỏi ý kiến, chắc chắn họ sẽ sẵn sàng bớt những công trình lễ lạt “nghìn năm” để nâng công suất của trạm bơm lên đến mức bớt được cho họ 4 –5 ngày ngập lụt.

Tình huống mưa lụt hiện nay cho thấy những “sự đảo lộn cuộc sống” do thiên tai như vậy còn có thể xảy ra không chỉ ở Thủ đô. Chính quyền, đặc biệt là chính quyền đô thị, cần những nhà lãnh đạo quyết đoán, có thể ban hành các quyết định trong những tình huống như thế này mà không cần quá nhiều cuộc họp. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo như vậy cần phải được “bổ nhiệm” từ lá phiếu của dân, luôn lắng nghe dân và có được sự nhạy cảm để ứng phó nhanh như những người dân đang hàng ngày ứng phó.
Huy Đức

No comments: