Làng báo Việt Nam sẽ đi về đâu?
Việt Hoàng
Đăng ngày 03/11/2008 lúc 01:45:04 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3232
Nhắc đến báo chí là mọi người đều đồng tình rằng đây là “món ăn tinh thần” không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài chức năng cung cấp thông tin (một cách khách quan, trung thực và đa chiều) cho khán giả, báo chí còn có một sứ mệnh quan trọng nữa là làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, “sạch sẽ” hơn thông qua các phân tích và đánh giá nghiêm túc.
Báo chí (chân chính) còn có chức năng định hướng và dẫn dắt dư luận. Chính vì những nhiệm vụ cao cả đó mà báo chí được mệnh danh là “Đệ Tứ Quyền” tức là quyền lực thứ Tư, báo chí chỉ đứng sau cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
Các nhà báo và các tờ báo luôn nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận vì bất cứ ai cũng mong rằng báo chí sẽ phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của chính mình, cũng như của mọi tầng lớp nhân dân. Báo chí là cầu nối giữa nhà nước và công dân. Báo chí cũng là cầu nối giữa các ý kiến khác nhau và nhiều chiều trong xã hội. Báo chí cũng là nơi để các luồng tư tưởng chính trị “đối thoại” và cọ xát với nhau. Báo chí cũng là cơ quan ngôn luận của các tổ chức chính trị và các tổ chức xã hội, là công cụ không thể thiếu được của một xã hội văn minh và phát triển.
Để có được một hệ thống báo chí lành mạnh và đúng nghĩa thì báo chí phải có vài điều kiện căn bản đó là “độc lập” và “tự do” trong việc đưa tin. Khi báo chí đã được độc lập và tự do thì khi đó mới có thể nói đến đạo đức và tư cách của người làm báo chân chính.
Nếu nhìn nhận theo quan điểm như trên thì báo chí Việt Nam ngày nay không phải là một “làng báo” bình thường mà là một “làng nghề” được lãnh đạo bởi ông “chủ nhiệm” Tô Huy Rứa, trưởng ban Tuyên giáo trung ương và một “hội đồng quản trị” là 14 vị trong Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam. Vì là “làng nghề” nên các nhà báo Việt Nam cũng chỉ là những “công nhân viết báo”, có nghĩa là bảo viết thế nào thì viết thế đấy, kể cả viết bậy, vu khống, chụp mũ, xuyên tạc và bôi nhọ người khác.
Làng nghề này là làng nghề đặc biệt do nó được “soi sáng và dẫn đường” bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của “đảng ta” nên các “công nhân viết báo” làm việc rất thoải mái mà không hề bị ràng buộc bởi bất cứ một trách nhiệm hay bất cứ một nguyên tắc truyền thống tối thiểu nào của ngành báo.
“Làng nghề” đặc biệt này cũng mang dáng dấp của một đơn vị bộ đội đó là khi “xung trận” thì “chỉ biết có tiến công”. Những người lính trên “mặt trận tư tưởng” này chỉ cần biết sau lưng là đảng còn trước mặt đều là “quân thù”, từ các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, các tiếng nói bất đồng đến công nhân đình công, hay dân oan hay thậm chí các nhà tu hành…tất tần tật đều là các “thế lực phản động”. Bằng mọi phương pháp, bất chấp đạo lý (trên chiến trường thì làm gì còn đạo đức) phải nhanh chóng đánh gục các đối thủ kể cả việc bới móc đời tư ra để khai thác hay vu oan buôn tiền giả, buôn hêroin, mắc bệnh tâm thần…
Cũng giống như tất cả các cơ quan đoàn thể được nhà nước “công nhận”, làng báo Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh “công cụ” của đảng ta giao phó...
Thế nhưng mọi sự đã không còn như cũ, ngày 1/7/2008 ông Huỳnh Sơn Phước, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã chính thức “mất chức”. Trước đó không lâu nhà báo Trương Quang Vĩnh, cũng là phó Tổng biên tập Tuổi Trẻ cũng đã phải rời nhiệm sở để nhận công tác khác.
Trong phiên tòa “lợi dụng dân chủ…” ngày 15/10/2008 nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị kết án hai năm tù ở và hai năm tù treo.
Cũng liên quan đến hai nhà báo này xung quanh vụ tham nhũng “đặc biệt nghiêm trọng PMU-18” (đã bị chìm xuồng) là việc thu hồi thẻ nhà báo của 7 nhà báo trong đó có mấy nhà báo rất đáng quan tâm, đó là phó Tổng biên tập báo Thanh Niên: Nguyễn Quốc Phong, phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: Bùi Văn Thanh, Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên: Huỳnh Kim Sánh và Trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội: Dương Đức Đà Trang.
Lý do “thu hồi thẻ” được trích từ “văn bản của Cục Báo chí” rằng “Họ là những người đã trực tiếp viết bài, hoặc với trách nhiệm được cơ quan báo chí giao đã không kiểm chứng nguồn tin, biên tập, duyệt đăng các tin bài về vụ PMU-18 trong đó có những thông tin sai sự thật nghiêm trọng”.
Nhà báo Trần Đình Dũng của báo Khoa Học và Đời Sống bị thu hồi thẻ, chuyển công tác vì đã đưa tin, ảnh nhạy cảm của các quan chức lãnh đạo trên số báo ra ngày 24/6/2008.
Mới đây nhất là việc ông Lý Tiến Dũng, Tổng biên tập và Đăng Ngọc, phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đã nhận quyết định kỷ luật chính thức, chuyển sang làm nhiệm vụ khác vì “vi phạm Luật Báo chí”. Theo dư luận thì nguyên nhân của việc mất chức này là do tháng 11 năm ngoái, Đại Đoàn Kết đã cho đăng lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối việc dỡ bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng toà nhà Quốc hội mới trên khu di tích Hoàng thành Thăng Long và mới đây là thư gửi “ban bí thư TƯ Đảng” liên quan đến ông Hồng Vinh, phó Ban tuyên giáo trung ương.
Nhà báo kỳ cựu và nổi tiếng của Tiền Phong: Dương Xuân Nam cũng đã được chính thức về “nghỉ hưu theo chế độ”.
Ai? Nhà báo nào sẽ là người tiếp theo? Chuyện gì đã xảy ra trong làng nghề báo?
Rõ ràng là đã có nhiều nhà báo dũng cảm vượt qua chức năng “viết và lách” thông thường để hướng tới trách nhiệm và bổn phận của một nhà báo chân chính.
Và (cũng) khá rõ ràng là ông “chủ nhiệm” Tô Huy Rứa cùng “ban quản trị” Bộ chính trị đã ra tay lập lại trật tự trong làng nghề để các “công nhân viết báo” phải đi đúng “lề đường bên phải” mà đảng “cộng sản Việt Nam quang vinh và muôn năm” đã đề ra.
Trước mắt thì ý chí của ông chủ nhiệm và ban quản trị đã thành công nhờ sự hỗ trợ của các “công cụ hỗ trợ” như công an văn hóa C25, ban tư tưởng văn hóa các cấp, chính quyền các cấp và các “công nhân viết báo” trung thành. Báo Thanh niên và Tuổi trẻ đã tường thuật về phiên tòa xử hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải như là họ chưa từng “cộng tác” với nhau bao giờ. Các nhà báo đồng nghiệp cũng đều “im hơi lặng tiếng”.
Hậu quả của việc làng báo “đầu hàng” chính quyền ra sao? Chúng ta hãy nghe lời kể của nhà báo tự do Tạ Phong Tần từ Sàigòn về tờ Tuổi Trẻ, từ chỗ “trước đây tờ Tuổi Trẻ được bạn đọc đánh giá là tờ báo chính trị xã hội mạnh nhất nước, có nhiều bài viết hay nhất, lực lượng phóng viên, cộng tác viên đông đảo nhất, số lượng phát hành nhiều nhất, cơ sở vật chất hoành tráng nhất, trả tiền nhuận bút cao nhất, có số hợp đồng quảng cáo nhiều nhất”, và hiện tình của nó bây giờ “cách đây một tháng tôi có mua báo giấy Tuổi Trẻ. Cầm tờ báo trên tay mà ngạc nhiên làm sao khi thấy nó nhẹ bỗng. 36 trang quảng cáo nặng trĩu, màu sắc tươi sáng “đính kèm” thường ngày biến đâu mất, thay vào đó là 4 trang quảng cáo chữ nhỏ xíu li ti, màu sắc ảm đạm. Xem lại Tuổi Trẻ Online thì đầy những khoảng trống đề chữ “Dành cho quảng cáo. ĐT…”. Không kiểm tra, không có số liệu báo cáo chinh xác nhưng nhìn vào hiện tượng thì ai cũng biết rằng Tuổi Trẻ đang bị giảm lượng phát hành và mất hợp đồng quảng cáo, nguyên nhân vì sao thì “không nói ra nhưng ai cũng biết”. (“Ai có quyền đánh giá báo chí?”. Blog Công lý và Sự thật).
Rõ ràng là Tuổi Trẻ đã bị người dân (độc giả) tẩy chay, quay mặt thậm chí “trừng phạt” vì sự “ươn hèn”. Báo Thanh niên chắc cũng chung một số phận. Tôi tin lời tác giả Tạ Phong Tần vì rằng đã mấy tháng nay, từ lúc Tuổi Trẻ và Thanh Niên gỡ bỏ các bài viết liên quan đến vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt giam thì tôi đã không còn hứng thú để truy cập trang web của hai tờ báo này nữa.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là “làng báo” Việt Nam sẽ đi về đâu? Tiếp tục “bứt phá” hay tiếp tục hành quân trên “lề phải” đã có?
Trong bài xã luận nhan đề “Bao giờ báo chí Việt Nam thức dậy?”, bán nguyệt san Tổ Quốc số 52 đã đưa ra nhận định rất chính xác rằng: “Nghề báo chí, truyền thông và xuất bản có tiềm năng rất lớn trong một nước Việt Nam gần một trăm triệu dân; sự khống chế của đảng cộng sản không chỉ làm nhục mà còn gây thiệt hại lớn cho các nhà báo Việt Nam. Trong các nước dân chủ các nhà báo có thế giá đặc biệt cao trọng, báo chí được coi là quyền thứ tư bên cạnh ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Và quyền này ngày càng mạnh thêm trong một kỷ nguyên được gọi một cách rất đúng là kỷ nguyên truyền thông. Cũng có cả một lực lượng báo chí quốc tế rất mạnh mẽ sẵn sàng yểm trợ”.
Sự “nhục” của làng báo Việt Nam khi bị đảng ta “bịt miệng” thì tôi chưa thấy ai nhắc đến nhưng sự “thiệt hại” về kinh tế, về chính nồi cơm của họ thì các báo đã phải gánh chịu qua lời kể của tác giả Tạ Phong Tần.
Vậy các nhà báo Việt Nam phải làm gì bây giờ?
Đây là câu hỏi khó! Làm gì và làm như thế nào? Chính mỗi người làm báo phải tự tìm cho mình một lối thoát. Với nền kinh tế thị trường (cho dù có bị định hướng xã hội chủ nghĩa) thì chắc chắn cơ hội để thay đổi một công việc không phải là quá khó. Ý kiến của nhà báo Tạ Phong Tần là mỗi người hãy mở một blog và nói lên các chính kiến của mình cũng rất dễ dàng thực hiện.
Cái khó nhất là các nhà báo có đủ dũng cảm để vượt qua chính mình hay không? Xã luận báo Tổ Quốc cho rằng “Họ (các nhà báo) là một khối người đông đảo có kiến thức và thông tin, có cả tiếng nói. Điều mà họ thiếu chỉ giản dị là ý chí dám đảm nhiệm căn cước xã hội của mình, nghĩa là sống và làm việc đúng như những nhà báo”. Và câu hỏi đặt ra là: “Bao giờ khối nhà báo Việt Nam mới thức dậy?”.
Tôi không tin là làng báo Việt Nam sẽ “ngoan ngoãn” và “dễ bảo” như thế này mãi được. Chỉ có những kẻ ngốc nghếch và không hiểu gì về thời cuộc mới cho rằng “tương lai cũng vẫn chỉ là quá khứ”.
Việt Hoàng(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
No comments:
Post a Comment