Saturday, November 8, 2008

LÁ THƯ TỪ CÔNG VIÊN GRANT PARK

Bốn mươi năm trước đây, cũng ở Grant Park này...
Melissa Phan
08-11-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5673

DCVOnline: Đây là lá thư của cô Melissa Phan, một sinh viên Mỹ gốc Việt Nam trẻ hiện đang học năm thứ ba ở trường Đại học Luật Chicago, nơi ông Barack Obama đã dạy học trước đây. Lá thư này cô gởi đến một trong những người bạn của cô, nằm trong BBT của DCVOnline. Và với sự đồng ý của cô Melissa Phan, DCVOnline xin được đăng lá thư gói ghém những suy tư của cô - một sinh viên Mỹ gốc Việt về cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Có thể nói hầu hết, tất cả các sinh viên Việt Nam hiện đang du học ở nước ngoài, cho dù ở Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Anh, Singapore… khi được hỏi “em/cháu nghĩ gì về hiện tình đất nước Việt Nam ngày nay?”, câu trả lời thường đồng nhất và lẫn tránh một cách đơn điệu: “Dạ, em/cháu không thích chính trị, nên không theo dõi, để ý và cũng không muốn nói đến.”

Thái độ thờ ơ trước hiện tình đất nước là một hệ qủa của chủ nghĩa cộng sản, và từ đó ra đời chủ nghĩa “mackeno.” Và đó cũng là lý do DCVOnline muốn giới thiệu những cảm nhận của cô sinh viên Melissa Phan, sinh ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ tới các bạn đọc trẻ Việt Nam khác ở trong nước. Cô Melissa đã hòa mình và cảm nhận niềm vui đóng góp cho tiến trình dân chủ của đất nước cô đang sống, qua những suy tư, tranh luận với bạn bè, bỏ phiếu và chia sẻ những cảm nhận của mình đối với đất nước cùng người khác, vốn là điều hiếm hoi cho những sinh viên Việt Nam được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

***

Cái khoảnh-khắc-làm-nên-lịch-sử lớn lao nhất của thế hệ tôi

Chào các bạn,

Tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn một số hình tôi chụp và kinh nghiệm mình cảm nhận sau khi tham dự buổi mít-tinh của ông tổng thống Obama vừa được đắc cử tối qua ở Grant Park, thành phố Chicago.

Tôi không thể bắt đầu diễn tả như thế nào cho hết nỗi may mắn không ngờ mà tôi cảm nhận được, khi mình có thể tham dự một trong những cái khoảnh-khắc-làm-nên-lịch-sử lớn lao nhất của thế hệ tôi. Đêm hôm qua là một thời điểm hãnh diện và đặc biệt đầy cảm tính, bởi ông Obama là người ở đây, nơi tôi đang sống và cũng bởi ông Obama trước đây là giáo sư ở trường Luật nơi tôi đang theo học.

Sinh viên trường luật đại học Chicago ủng hộ cựu giảng viên Barack Obama của trường. Nguồn: Melissa Phan
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/m-1-200.jpg

Suốt thời gian tranh cử của mình, ông Obama vẫn là một nhân tố đóng góp rất tích cực cho cộng đồng Hyde Park và đã là nguồn cảm hứng bất tận và là niềm hãnh diện cho những vùng nghèo đói, đầy bạo động của phía Nam thành phố Chicago này. Đó là điều phản ảnh một cá tính đầy ấn tượng của ông Obama, rằng ông tiếp tục sống, làm việc, và nuôi dưỡng gia đình mình ở Hyde Park -- một vùng thường bị biết đến bởi phân chia chủng tộc, bạo động và đầy rẫy những khó khăn kinh tế. Tôi nghĩ đó là một điều nói lên được cái cam kết của ông Obama đối với cử tri và gốc rễ của ông khi ông đã chọn ở lại vùng này (mặc dù ông có những thành công và những cơ may để dọn đi nơi khác) – cái vùng mà tôi (một sinh viên trường luật còn trẻ và đói, nghèo) đã phải dọn ra sau một năm sống ở đó vì tôi cho rằng nó qúa nguy hiểm và cũng qúa khó khăn để sống ở vùng Hyde Park này.

Ông Obama là người biết chọn con đường đi đúng, cho mình. Và bên cạnh, ông ăn nói duyên dáng, nhiều thuyết phục.

Là một thành viên trong cộng đồng này, và là một sinh viên của một trường Luật vẫn ái mộ cái khả năng lãnh đạo của ông Obama, tôi cảm thấy cần phải chia sẻ với các bạn một vài ấn tượng của mình đối với những tháng cuối cùng trong mùa tranh cử tổng thống này, và tôi vẫn biết rằng một số trong các bạn có thể có những bài học chính trị khác nhau và khác tôi trước đây.

Kể từ lúc ông Obama tuyên bố ra tranh cử tổng thống, đèn chiếu của đất nước này đã rọi lên trường Đại học Luật khoa Chicago (The University of Chicago’s Law School), ví dụ điển hình là bài "The College Issue: Case Study" (1). Chiến dịch tranh cử của ông ta cho thấy rõ ràng không còn gì để nghi ngờ khi nói rằng trường đại học này đã đào tạo ra những nhà lãnh đạo. Học trình cũng như cách dạy rất độc đáo của trường tôi, và những giảng viên mang tiếng tăm ... xấu, đã được chú ý đến nhiều trong năm rồi – cũng luôn tiện tôi muốn cám ơn ông Obama, vì cái bằng luật của tôi từ trường này cũng tăng thêm phần gía trị do ông ấy! Để đáp lại, sinh viên trường luật Chicago đã ủng hộ và trung thành mãnh liệt với chiến dịch tranh cử của ông Obama, mặc dù trường luật Chicago trong qúa khứ đã là rất bảo thủ, trường phái của đảng Cộng Hòa. Những sinh viên nào làm việc trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama rất là căng thẳng – sinh viên ngoài 40 đến 60 giờ học một tuần đã tranh thủ chút thì giờ còn lại để gọi phôn, đi gõ cửa từng nhà, đi đến tận tiểu bang Indiana, Wisconsin, Iowa, Michigan để ghi danh bầu phiếu cho cử tri, theo dõi và có mặt ở chỗ bỏ phiếu, tất cả cho mục đích bảo vệ tính hợp pháp của cuộc bầu cử này. Dĩ nhiên, không phải ai cũng tham gia -- khoảng 45 phần trăm sinh viên ở đây phản đối ông Obama một cách mạnh mẽ, và đó là nguồn nhiên liệu cho những cuộc thảo luận bất tận và sinh động ở những buổi ăn trưa của sinh viên chúng tôi.

Grant Park, Chicago đêm Obama đọc bài diễn văn lịch sử sau khi thắng cử cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Cung. Nguồn: Melissa Phan và DCVOnline
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/m-8-pano.jpg

Tối qua, chúng tôi đã có một buổi party cho lần bầu cử lịch sử này ở trường chúng tôi. Vô số người, bao gồm cả phóng viên, nhà báo, làm chật cứng chỗ học của sinh viên để cùng nhau xem kết qủa bầu cử được truyền hình trực tiếp và thảo luận những vấn đề chính trong cuộc tranh cử này. Như là Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Luật khoa Chicago (2), tôi lấy làm hãnh diện vô cùng đã tổ chức một buổi sinh hoạt như thế này, nơi mọi người tụ tập để thảo luận, tranh luận, và thực sự tham dự vào những biến cố lịch sử của thời đại của chúng tôi. Tôi rời buổi party sớm để lấy xe lửa ra Grant Park, nơi hằng chục ngàn người đang tụ về chờ đêm trải lòng ra.

Đám đông có mặt đêm đó cả hằng ngàn người (con số người tham dự được ghi nhận khoảng từ 200 đến 250 ngàn người, chú thích DCV), với những khuôn mặt hân hoan, hy vọng, an bình và tỏ vẻ tôn kính. Người ta có cảm nhận như tất cả mọi người ở Chicago đều ra đường hết, đoàn kết cùng nhau cho một nguyên nhân chung -- để làm chứng nhân cho một biến cố lịch sử. Người ta đứng chen vai sát cánh cùng hướng về khán đài, hát quốc ca, chùi giọt nước mắt vui mừng đang trào ra trên khóe mắt không chút ngượng ngùng khi cuộc chiến thắng của Obama được thông báo, và lại khóc lần nữa với niềm hãnh diện khi nghe ông đọc bài diễn văn hay xuất thần.

Melissa Phan (phía trái hinh), cô sinh viên luật năm thứ ba ở University of Chicago, The Law School, class 2009 và cũng là Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Luật khoa Chicago, cùng các bạn ở Grant Park, Chicago. Nguồn: Melissa Phan và DCVOnline
http://www.dcvonline.net/php/images/112008/m-2.jpg

Là một cử tri trẻ, đây là lần tranh cử tổng thống thứ ba trong cuộc đời tôi cho đến nay, và tôi – chưa bao giờ - thấy chính trị lại trở nên đầy cảm xúc như thế này, và – chưa bao giờ -- tôi thấy một chính trị gia có một tác động tích cực và sâu sắc lên con người như thế. Mặc dù tôi không đồng ý với tất cả ý tưởng trong chính sách của ông ta, tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ cái khả năng lãnh đạo của ông Obama, tôi đã thấy tận mắt cái bằng chứng về con người mà người khác muốn đi theo.

Bốn mươi năm trước đây, Grant Park là nơi xảy ra cuộc bạo động chính trị ở Đại hội Quốc gia của Đảng Dân Chủ năm 1968. Tối qua, 40 năm sau, trải qua một kỷ nguyên chia rẽ và chê trách đổ lỗi nhau về mặt chính trị, bên tám lạng bên nữa cân, buổi mít-tinh của ông Obama chỉ mang đến niềm vui và ăn mừng trong an bình. Tôi nghĩ đến tất cả các bạn trong những suy nghĩ của mình đêm nay khi tôi cũng ăn mừng niềm vui này với những suy tư về đất nước rất riêng tư của tôi.

© DCVOnline
--------------------------------
Nguồn:
(1)
The College Issue: Case Study.The New York Times, by Alexandra Starr, 19 September 2008
(2)
Law Students Association.The University of Chicago, Law School. Cô Melissa cho hay cô hiện là Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Luật khoa Chicago, và webiste của trường - theo đó, cô là Thư ký của hội đã ... một năm cũ, chưa cập nhật.

No comments: