Saturday, November 22, 2008

HỨA HẸN và THỰC TẾ ĐỐI VỚI OBAMA

Hứa Hẹn và Thực Tại Cho Ông Barack Obama
Tuấn Minh
(LÊN MẠNG Thứ sáu 21, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4980
"Nói vậy mà không phải vậy", câu thành ngữ quen thuộc có thể được áp dụng trong nhiều tình huống, đặc biệt là trên chính trường Hoa Kỳ. Trong cuộc bầu cử năm nay, nhiều người chống đối ông Barack Obama thì cho rằng ông này chỉ có tài hùng biện, đưa ra những lời hứa tốt đẹp hay ngon ngọt nhưng liệu có ai biết là ông ta có làm được hay không, dựa qua thành tích gần như không có điều gì để chứng minh.

Nhưng thí dụ điển hình nhất để chứng minh cho trường hợp của một chính trị gia khi ra tranh cử đã đưa ra lời hứa nẩy lửa nhưng sau đó không lâu đã bắt buộc phải làm ngược lại là lời nói của cựu tổng thống Bush Bố. Trong mùa vận động tranh cử năm 1988, ông Bush đã có câu nói bất hủ: "Hãy đọc kỹ đôi môi của tôi: Không có đóng thuế mới" (Read my lips: No new taxes). Thế nhưng không lâu sau khi đắc cử tổng thống, ông Bush đã phải ký đạo luật tăng thuế do Quốc Hội thời ấy thông qua để đối phó với tình trạng thâm thủng ngân sách quá nặng sau 8 năm dưới thời TT Reagan vì chính sách tăng chi và cắt thuế. Tuy đây là một quyết định can đảm và sáng suốt của TT Bush Bố cho quyền lợi tối thượng của quốc gia, nhưng ông đã bị phe bảo thủ cực hữu trong Đảng Cộng Hoà chống đối và lạnh nhạt, góp phần vào sự thất bại của ông trong kỳ tái tranh cử vào năm 1992.

Trường hợp một chính trị gia ứng cử viên tổng thống cũng đã phải thay đổi quan điểm và hành động khác với những lời nói lúc ban đầu (khi chưa thắng cử) là của ông tổng thống lên kế nhiệm ông Bush Bố: đó là TT Bill Clinton. Trong mùa vận động năm đó, ông Clinton là người của đảng Dân Chủ với lý tưởng cao đẹp ủng hộ tự do dân chủ nên đã lên án hành động của chính quyền Bush là chỉ biết nhắm đến quyền lợi nên nhắm mắt làm ngơ trước những hành động bóp nghẹt tự do dân chủ và đàn áp dã man dân chúng qua vụ dẹp cuộc biểu tình của sinh viên tại Quãng trường Thiên An Môn. Ông Clinton chỉ trích chính quyền Bush là đã làm ăn với những tay đồ tể của Bắc Kinh (working with the butchers of Beijing). Thế nhưng sau khi lên nắm quyền thì chính ông Clinton lại đổi thái độ, trở thành vị tổng thống Mỹ mở rộng bang giao song phương với Trung Cộng, ban đặc ân tối huệ quốc thường trực trong quan hệ mậu dịch, và bảo trợ cho việc Trung Cộng được gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO). Nhờ vậy mà nền kinh tế tiêu thụ ở Mỹ phát triển mạnh với hàng hoá nhập cảng với giá rẻ rề từ Trung Cộng, và nền kinh tế của quốc gia cộng sản này đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào xuất cảng với một thị trường tiêu thụ béo bở. Sau này, các nhà kinh tế đều nhận định rằng ông Clinton không có lựa chọn nào khác hơn vì nếu Hoa Kỳ không chịu làm ăn với Trung Cộng thì nước này cũng sẽ có cơ hội làm ăn với Liên Hiệp Âu Châu và chừng đó thì Hoa Kỳ sẽ mất cơ hội làm ăn tốt đẹp với Trung Cộng.

Trong vụ này tưởng cũng nên nhắc lại một chi tiết trong nội bộ, qua lời kể của ông Brent Scowcroft, để hiểu vì sao có những điều tế nhị mà các vị lãnh đạo phải quyết định cho dù có thể gặp nhiều chống đối từ phía dân chúng vì không hiểu rõ. Khi vụ đàn áp dã man sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn xảy ra vào mùa hè năm 1989, TT Bush Bố đã phái ông Scowcroft, Cố vấn An ninh Quốc gia và cũng là một người bạn thân lâu năm, đến Bắc Kinh để nói riêng với lãnh tụ Đặng Tiểu Bình sự không đồng ý của Hoa Kỳ trước việc làm này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn muốn duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại tốt đẹp giữa hai nước. Khi các cuộc thương thuyết chấm dứt, chính quyền Trung Cộng là phía chủ nhà, theo tục lệ có làm một buổi tiệc để khoản đãi khách quý và mời ông Scowcroft ở lại dự tiệc. Ông này nhận lời mà không ngờ đến những diễn biến có thể diễn ra sau đó. Đó là khi ông đang cầm ly rượu trò chuyện với các giới chức lãnh đạo Trung Cộng thì một toán các chuyên viên của đài truyền hình nhà nước với giàn máy quay phim đã bước vào để sửa soạn thu hình, vì theo truyền thống các nước theo thể chế độc tài, bao giờ cũng có màn quay các cuộc đón tiếp khách ngoại giao để sau đó tuyên truyền cho việc làm của chính phủ. Ông Scowcroft chợt nhận ra sự khó xử cho mình nhưng không còn cách nào để tránh né. Ông biết là khi được phỏng vấn để nói về cảm tưởng, ông có hai sự lựa chọn: Một là ông nói thẳng những quan điểm không đồng ý của Hoa Kỳ mà ông đã trình bày trước đó không lâu, nhưng làm như vậy thì chẳng khác gì tạt ly rượu vào mặt của chủ nhà, làm bẽ mặt cho chính quyền của một quốc gia đặt nặng vấn đề sĩ diện. Như thế thì tất cả những thành công về sự cam kết hợp tác chặt chẽ mà ông mới đạt được thì kể như bỏ trôi sông. Còn nếu nâng ly để chúc mừng chủ nhà theo như phép lịch sự và truyền thống ngoại giao thì chắc chắn là những hình ảnh này sẽ gặp phản ứng chống đối tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác, lúc bấy giờ không thể có thiện cảm với việc đàn áp dã man của chính quyền Bắc Kinh. Thành ra ông Scowcroft phải bấm bụng nâng ly lên chúc mừng chủ nhà mà tâm can ông rối bời, chịu hy sinh cho uy tín cá nhân của ông chỉ vì nghĩ đến quyền lợi chung của quốc gia Hoa Kỳ mà TT Bush đã giao phó cho ông. Cho nên nói "thấy vậy mà không phải vậy" thì cũng có cái lý của nó.

Lần này, trên mặt trận đối ngoại, vị tổng thống tân-cử Barack Obama có lẽ sẽ gặp nhiều tình huống mà ông phải có những quyết định đi ngược lại với những gì đã hứa, hoặc ít ra là có thể làm phật lòng nhiều người đã ủng hộ ông vì tin vào những lời hứa hẹn trước đó.

* Về quan hệ đồng minh với Âu Châu, ông Obama đã nói đến nhu cầu hàn gắn những đổ vỡ trong mối giao hảo giữa Hoa Kỳ với những đồng minh trụ cột này, như trong bài diễn văn đọc tại Berlin vào mùa hè năm nay khi ông kêu gọi hai bên hãy cùng hợp tác để đối phó với nhiều hồ sơ khó khăn từ cuộc chiến chống khủng bố cho tới hiểm hoạ tăng nhiệt địa cầu, mối nguy của vũ khí hạch tâm có thể tràn lan khắp nơi v.v.
Trong thực tại, ông Obama có lợi thế nhất thời là ông không mang cái tên Bush, một lãnh tụ bị nguyền rủa nặng nề nhất tại Âu Châu. Tuy vậy việc Hoa Kỳ kêu gọi các nước trong Liên minh NATO hãy đóng góp thêm quân cho chiến trường ở A Phú Hãn sẽ gặp sự chống đối, dù ngấm ngầm, do bởi áp lực chính trị nội địa của nhiều nước, dẫn đến việc không vừa lòng giữa đôi bên. Những sự va chạm này có thể khiến cho những nỗ lực khác, như việc duy trì áp lực để ngăn chặn Iran thủ đắc bom nguyên tử, dễ gặp những trở ngại tốn kém thời gian. Ngoài ra Âu Châu cũng lo ngại về một chính phủ Obama cũng sẽ thiết lập những hàng rào bảo hộ mậu dịch (để thoả mãn nhu cầu của các nghiệp đoàn ở Mỹ) cũng như sẽ chống lại những đề nghị buộc giới làm ăn ở Wall Street cũng phải chịu sự kiểm soát hay quy định ngoài Hoa Kỳ.

* Đối với Nga, ông Obama vẫn nói rằng ông muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Ông chủ trương hai bên cần nên tiêu huỷ nhiều hơn nữa trong kho vũ khí nguyên tử, với lý luận rằng điều này dễ có sức thuyết phục cho các nước khác như Bắc Hàn và Ba Tư (Iran) chịu từ bỏ tham vọng hạch tâm. Lời chỉ trích của ông về việc Nga tấn công Georgia vào đầu tháng 8 vừa rồi nhân cuộc nổi loạn tại Nam Ossetia xem ra có phần dịu giọng hơn là những lời lên án nặng nề của ông John McCain.
Trong thực tế, không một vị tổng thống Mỹ nào có khả năng cải thiện những mối giao hảo với Nga trong một sớm một chiều được khi mà hai bên đã có những căng thẳng hay lục đục dồn nén từ nhiều năm, mà phía Nga cho rằng Hoa Kỳ, dưới chính quyền Bush, cũng như Clinton, đã ỷ thế mạnh và chơi gác kiểu xem thường Nga trong nhiều năm qua. Không rõ là ông Obama có tiếp tục chính sách nới rộng NATO đến sát nách của Nga mà chính quyền Bush đã khởi động hay không. Nhưng lời lẽ cứng rắn trong bài diễn văn của TT Dmitry Medvedev hứa rằng sẽ đặt các giàn phi đạn tầm ngắn tại biên giới của Nga cho thấy là cựu siêu cường này quyết sẽ đẩy lại tham vọng này của Hoa Kỳ cũng như sẵn sàng "thử lửa" vị tân tổng thống.

* Đối với Trung Cộng, ông Obama cho rằng nước này đã tạo nên một tình trạng thặng dư mậu dịch khổng lồ đối với Hoa Kỳ do bởi chính sách kềm giá đồng yuan. Ông cũng đã từng nói rằng ông sẽ thúc đẩy Trung Cộng chú tâm hơn vào thị trường nội địa để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế.
Việc kềm giá đồng nhân-dân-tệ cũng chỉ là một phần trong quan hệ mậu dịch giữa hai nước. Mặc dù Hoa Kỳ đã áp lực mạnh mẽ trong hai năm qua để Trung Cộng thả nổi đồng tiền của mình nhưng việc này cũng không làm giảm nhiều trong sự thặng dư mậu dịch khổng lồ này. Những áp lực về ngoại giao cũng có ảnh hưởng rất giới hạn vì nền kinh tế của hai quốc gia đã liên hệ tròng tréo với nhau. Nhiều phần là Trung Cộng sẽ tìm cách chống lại những áp lực điều chỉnh mạnh bạo một khi mà tình trạng suy thoái toàn cầu sẽ khiến cho nhiều hàng xưởng phải bị đóng cửa và sa thải hàng loạt nhân công.

* Đối với hồ sơ A Phú Hãn, ông Obama luôn nhấn mạnh đây là tâm điểm của cuộc chiến chống khủng bố. Ông đã đề nghị chuyển quân từ chiến trường Iraq sang nơi này để "dứt điểm" phe Taliban và những nhóm phiến quân Hồi-giáo quá khích.
Tuy vậy, hầu hết các nhà lãnh đạo ngoại giao cũng như quân sự đều tin rằng ngay cả với một đợt tăng quân lính Mỹ khá mạnh, cuộc chiến tại đây cũng không thể chỉ giải quyết trên mặt trận quân sự mà giải pháp sau cùng là phải do chính quyền tại địa phương đi đến một thoả hiệp trong nội bộ. Trong thời gian đó, Hoa Kỳ dường như sẽ phải đảm đương phần lớn trách nhiệm nặng nề này, vì tuy các lãnh tụ của Âu Châu đều hoan nghênh việc đắc cử của ông Obama, nhưng hầu như tất cả các đồng minh trong NATO đều gặp sự chống đối của người dân trong nước về việc gửi thêm quân sang A Phú Hãn.

* Tại Iraq, ông Obama đã từng hứa rằng ông muốn rút hết tất cả các đạo quân chiến đấu (combat troops) của Hoa Kỳ ra khỏi nơi đây trong vòng 16 tháng sau khi ông nhậm chức, dựa theo những đề nghị phối hợp của các vị tướng chỉ huy tại chiến trường cũng như chính quyền Iraq. Một lực lượng cơ hữu sẽ tiếp tục trú đóng để chống lại các phần tử al-Qaeda và các toán cố vấn Mỹ vẫn ở lại để huấn luyện cho quân đội địa phương. Theo ông Obama thì việc đề ra một lịch trình rút lui như vậy sẽ tạo áp lực cho các phe ở Iraq phải cố gắng để đi tới một giải pháp thoả hiệp và hoà giải.
Trong thực tại, Iraq sẽ có những cuộc bầu cử cho các hội đồng tỉnh và chính quyền toàn quốc trong năm 2009, và có thể dẫn đến những cuộc xung đột hoặc bạo loạn nổ bùng trở lại, từ đó có thể khiến cho kế hoạch rút lui của ông Obama sẽ gặp khó khăn hơn. Các tướng lãnh chỉ huy của Hoa Kỳ có thể lý luận rằng Hoa Kỳ cần phải duy trì một sự hiện hữu lâu dài hơn ở Iraq để cho tình trạng bất ổn không thể trở lại, nhất là nếu như chính quyền địa phương không có thực tâm hàn gắn giữa hai khối Sunni và Shiite.

* Đối với Iran, ông Obama cũng đã nói rõ sự chống đối không muốn thấy nước này có vũ khí nguyên tử, tuy nhiên ông sẵn sàng "mở rộng đối thoại" với các lãnh tụ của nước này. Ông cũng sẵn sàng cung ứng những quyền lợi kinh tế nếu như Iran chịu hợp tác trên các hồ sơ như chống khủng bố và từ bỏ tham vọng hạch tâm; điều này sẽ khiến ông có thêm uy tín sau đó nếu như Iran từ chối hợp tác và chính quyền Obama sẽ đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt bằng kinh tế hay quân sự.
Có lẽ là Iran đã tiến gần đến việc thủ đắc được kỹ thuật để chế tạo bom nguyên tử, mặc dù đã gặp nhiều áp lực và trừng phạt của quốc tế trong thời gian qua. Để đối phó với hiểm hoạ này, có lẽ vị tân tổng thống Obama sẽ phải huy động sự tiếp tay mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, một điều mà chính quyền Bush đã không đạt được. Để từ đó có thể qua mặt được Iran, đồng thời xoa dịu nỗi lo âu của các lãnh tụ ở Do Thái có thể muốn ra tay tấn công trước, giống như nhiều nhóm diều hâu tại Hoa Kỳ lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ cho một giải pháp quân sự để đối đầu với quốc gia Hồi-giáo này.

* Đối với Hồi Quốc (Pakistan), ông Obama cũng đã từng nói rằng ông chủ trương Hoa Kỳ cần phải tấn công để triệt hạ các lãnh tụ cao cấp của Al-Qaeda và phe Taliban nếu như có tin tức tình báo chính xác và khả thi là các phần tử này đang trú ẩn tại những vùng tự trị và chính quyền nội địa Pakistan e ngại hay chần chừ.
Trong thực tại, chính quyền ở Pakistan đã gặp áp lực chống đối mạnh mẽ trong quốc nội trước hình ảnh những cuộc oanh kích của không lực Mỹ xảy ra trên vùng đất của họ. Nhiều người dân trong nước tin rằng những cuộc tấn công này, thường dùng bằng các máy bay không người lái, đã giết khá nhiều thường dân vô tội, vì thế đã khiến cho sự phẫn nộ dâng cao, vô tình tiếp sức cho phong trào phiến quân càng lan rộng thêm hơn.

Đại để đó là một số những thử thách cho tân chính quyền Obama vào đầu năm tới, xem chừng như nhiều lời hứa hẹn của ứng cử viên Obama không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, cho dù lần này ông sẽ lên nắm quyền trong một tình thế thuận lợi nhất: đó là ông sẽ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất trong nội địa từ phía Quốc Hội do phe Dân Chủ chiếm đa số áp đảo tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện; hơn nữa, trên trường quốc tế, ông cũng sẽ được sự thiện cảm của hầu hết mọi người và chính quyền khắp nơi do bởi sự chống đối hay bực tức của mọi người đối với chính quyền Bush trước đó.

Tuy vậy, nói thì dễ nhưng làm thì khó hơn nhiều. Hơn nữa, khi lên nắm quyền, ông Obama có thể nắm được nhiều tin tức bí mật mà chỉ có một vị nguyên thủ quốc gia mới có được, do đó ông có thể có những cái nhìn chiến lược về quyền lợi quốc gia cho Hoa Kỳ khác với những chính trị gia khác, cho dù là cùng đảng hay thuộc đảng đối lập, mà trong lúc vận động tranh cử họ có thể tuyên bố dễ dàng để mong lấy cảm tình từ nhiều thành phần dân chúng. Thí dụ của cựu TT Bill Clinton trong đề tài đối phó với chính quyền độc tài của Trung Cộng là một trường hợp điển hình nhất.

Trong cung cách làm việc của ông Obama trong những ngày đầu của thời gian chuyển quyền này, người ta thấy là dường như ông chú trọng nhiều vào việc tìm những người có khả năng và kinh nghiệm, cho dù đó là những người kỳ cựu và thuộc những đối thủ mà ông đã chỉ trích lúc trước, tức là những phụ tá cũ dưới thời chính quyền Clinton. Ông không đặt nặng vào việc trao nhiệm vụ cho những người thân tín, nhất dạ trung thành (như thói quen của đương kim TT Bush) cũng như không để ý đến việc bổ nhiệm nhiều nhân vật đa dạng để thoả mãn sự mong muốn của nhiều khối cử tri riêng biệt (như trường hợp của TT Clinton vào năm 1993). Mặc dù nhiều lần hứa hẹn chiêu bài "đổi mới" trong lúc vận động tranh cử, nhưng dường như khi bắt tay vào việc điều hành đất nước, ông Obama sẵn sàng chấp nhận những đường lối xưa cũ miễn là nó hiệu nghiệm. Xem chừng như ông biết trọng tinh thần thực dụng (pragmatism) phổ thông ở Hoa Kỳ này. Và có lẽ vì vậy mà ông sẽ tránh được những vết xe lầm lẫn của những vị tiền nhiệm. Nếu được vậy thì âu cũng là một điều tốt cho Hoa Kỳ.

Tuấn Minh

No comments: