Liệu Hoa Kỳ sẽ đi vào Xã Hội Chủ Nghĩa nếu Obama đắc cử?
Tuấn Minh
(LÊN MẠNG Thứ năm 6, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4913
(VNN)
Sau ngày bị phe ông McCain lôi vụ ông thợ ống nước tên Joe ra để tấn công chính sách của đối thủ Obama sẽ tăng thuế cho giới tiểu thương, một chiếc nón cối khác cũng bắt đầu được luân lưu khắp nơi để chụp mũ ông Obama là người có chủ trương theo xã hội chủ nghĩa.
Sự việc bắt đầu khi ông Obama đến vận động tại thành phố Holland, tiểu bang Ohio thì gặp một người đàn ông da trắng tên là Samuel Joseph Wurzelbacher và hai người có một cuộc trao đổi ngắn vài phút về chính sách thuế khoá của ông Obama đề nghị sẽ áp dụng nếu như được đắc cử. Vị cử tri này cho biết ông là một người thợ sửa ống nước, và có ước mơ mua lại cơ sở kinh doanh của người sếp mình, với lợi tức thu nhập vào khoảng từ 250,000 đến 280,000 Mỹ-kim/một năm. Do vậy, với mức lợi tức cao như vậy, ông có thể bị đóng thuế cao hơn vì chương trình của ông Obama dự định sẽ tăng mức thuế cao hơn cho những ai có lợi tức thu về trên 250,000 Mỹ trong năm.
Nói chung, Hoa Kỳ cũng như đa số các nước khác trên thế giới đều áp dụng luật tính thuế theo nguyên tắc luỹ tiến (progressive), tức là những ai càng có lợi tức cao thì càng đóng ở tỉ lệ cao hơn. Tuy vậy không mấy ai vui lòng hay hăng hái để nhận lãnh "nghĩa vụ" này, và những ai bị đóng nhiều cũng đều tìm cách than phiền hay mong muốn các chính trị gia hứa hẹn sẽ giảm thuế cho mình. Các chính trị gia khi đề ra những mức thuế khác nhau tuỳ theo mức lợi tức, sẽ ấn định một con số tiêu biểu nào đó để cho rằng những ai có tiền nhiều hơn được coi như là thuộc loại giầu, và như vậy sẽ phải đóng thuế cao hơn. Lý do đơn giản là phải có nhiều tiền thuế thì chính phủ mới có đủ khả năng trang trải nhiều loại chi phí khác nhau để điều hành đất nước. Nhưng đồng thời các chính trị gia cũng không muốn bị oán trách là bắt đóng thuế cao trên đa số người dân có mức lương từ trung lưu trở xuống.
Phía ông Obama chọn con số 250,000 Mỹ-kim. Phía ông McCain và phe Cộng Hoà thường chọn con số cao hơn nhiều. Nhưng ông McCain đã chụp ngay cơ hội này và tấn công đối thủ Obama là người sẽ khiến cho đa số dân trung lưu ở Hoa Kỳ, vốn đã vất vả trong tình thế hiện nay, sẽ phải đóng thuế cao hơn, và ông đã đưa ra hình ảnh của ông Joe the Plumber làm thí dụ trong cuộc tranh luận với ông Obama. Phía ông Obama thì phản bác lại và giải thích rằng nếu xét kỹ vào chi tiết thì cái ông thợ sửa ống nước này có thể sẽ đóng thuế ít hơn nữa.
Sau đó, báo giới mới điều tra thêm để biết rằng thật ra thì anh chàng Wurzelbacher này không có bằng hành nghề thợ sửa ống nước, chỉ làm thợ phụ, và có đồng lương khiêm nhường (khoảng 40,000 Mỹ-kim) không đủ giúp cho anh có thể mua nổi một cơ sở kinh doanh có thu nhập cao như vậy. Hơn nữa, công ty của sếp anh, Newell Plumbing, được ước đoán thu về cũng chỉ có khoảng 100,000 Mỹ-kim trong một năm. Nhưng giả sử như anh ta có làm chủ được một cơ sở kinh doanh có lợi tức đến mức 280,000 Mỹ-kim, thì chỉ có sự sai biệt 30,000 trên mức 250,000 sẽ phải bị đóng ở thuế suất cao hơn. Theo các chuyên gia tính toán thì anh sẽ phải đóng thêm tiền thuế khoảng 900 Mỹ-kim.
Tuy nhiên, con số tiền thuế 900 Mỹ-kim này có thể được bù trừ lại bằng những chính sách nâng đỡ khác trong kế hoạch của ông Obama như trợ cấp thuế (tax credit) trên tiền bảo hiểm y tế, và loại bỏ thuế trên tiền lời (capital gains tax) giành cho các tiểu thương. Như vậy số tiền trợ giúp này nhiều phần là còn cao hơn số thuế 900 Mỹ-kim mà ông Joe phải đóng thêm. Đó là lý do mà ông Obama cho rằng anh Joe không phải đóng thêm thuế, trong khi ông McCain thì cứ tố cáo rằng anh Joe sẽ phải đóng thêm vì có lợi tức trên 250,000 Mỹ-kim. Và người dân ở giữa sẽ phải hoang mang và không biết rõ bên nào đúng hơn nếu như không chịu, hoặc không có thì giờ để tìm hiểu thêm chi tiết.
Nhưng giả sử anh Joe có phải đóng thêm tiền thuế, ông Obama giải thích rằng chủ trương thuế khoá của ông là muốn chia bớt lợi nhuận để giúp cơ hội cho những người kém may mắn hơn. Chính cái từ ngữ "spread the wealth around" này đã bị phía đối thủ McCain đem ra tấn công để ám chỉ rằng ông Obama có chủ trương áp dụng một chính sách theo đường hướng xã hội chủ nghĩa, lấy tiền của người giàu để giúp người nghèo khổ khác.
Từ ngữ "xã hội chủ nghĩa" rất nhạy cảm trong xã hội Mỹ, cũng như trong một số người Việt tị nạn do bởi kinh nghiệm thương đau phải sống dưới chế độ độc tài của Việt Cộng sau ngày 30-4-1975. Nó thường bị nhiều chính trị gia khuynh hữu đem ra để tấn công đối phương và ám chỉ rằng nó đồng nghĩa với chủ nghĩa cộng sản. Hoa Kỳ cũng đã trải qua một thời kỳ mà phe cực hữu cũng thường chụp mũ nhiều thành phần là có khuynh hướng thân Cộng như dưới thời của phong trào McCarthyism. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản một cách đầy ác ý như vậy. Cứ xem thái độ và phản ứng của khối người Việt sống tại Âu Châu thì rõ. Tại đa số các nước này, các chính phủ thường thay đổi giữa hai khuynh hướng xã hội hoặc bảo thủ, tương tự như giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà tại Mỹ. Nhưng các chế độ theo xã hội chủ nghĩa tại Pháp, tại Anh, tại Đức, Ý, hay hầu hết các nước Tây Âu chắc chắn là khác hẳn với cái chế độ theo xã hội chủ nghĩa tại Liên Sô, hay Trung Cộng hoặc Việt Cộng.
Còn nhớ vào năm 1981, trong cuộc tranh cử tổng thống tại Pháp giữa hai ông Valéry Giscard d’Estaing (tổng thống phe hữu) và Francois Mitterrand (phe tả, thuộc đảng Xã Hội), thoạt đầu nhiều người Việt tại Pháp cũng nhốn nháo và đồn với nhau về nỗi lo sợ của họ trước một viễn cảnh nếu như ông Mitterrand được đắc cử, thì không biết những người Việt tị nạn sẽ biết chạy trốn về đâu. Thực tế đã cho thấy là nước Pháp vẫn tiến triển bình thường trong suốt 14 năm cầm quyền dưới thời ông Mitterrand với chính phủ theo xã hội chủ nghĩa và đa số người Việt, vì thường có lợi tức thấp, đều được hưởng nhiều quyền lợi về dân sinh và bảo hiểm xã hội tốt đẹp hơn so với Hoa Kỳ. Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2007, số người Việt sống tại Pháp cũng gần như chia đôi sự ủng hộ giữa hai đảng lớn là đảng Xã Hội (do bà Segolène Royal đại diện) và đảng bảo thủ RPR (do ông Nicolas Sarkozy đại diện). Rất nhiều người Việt đã mạnh mẽ ủng hộ bà Royal cũng như cương lĩnh của đảng Xã Hội mà không còn sợ bị chụp mũ là ngây thơ, hoặc thân Cộng.
Trên lý thuyết, xã hội chủ nghĩa xảy ra khi chính phủ tự làm chủ tất cả những phương tiện về tài chính và sản xuất trong một nước, chẳng hạn như quốc hữu hoá tất cả các công xưởng lớn, các hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở, các nhà máy lọc dầu, các kho khí đốt năng lượng, các hãng chế tạo xe hơi, các nhà băng v.v. . . Lời hứa hẹn trọng yếu của Xã hội chủ nghĩa là sẽ thay thế một sự bất ổn không chắc chắn của thị trường bằng một kế hoạch kinh tế chung do chính quyền trung ương đề ra. Trong trường hợp đó, sẽ không còn có cảnh tiên liệu hay lo ngại rằng không biết nhu cầu tiêu thụ của dân chúng sẽ thay đổi ra sao trong thời gian tới, hoặc là các hãng xưởng sẽ gia giảm mức sản xuất hay thay đổi giá cả để cạnh tranh ra sao. Mỗi một cá nhân trong xã hội chủ nghĩa sẽ được điều động hay hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình của chính phủ, nắm giữ một vai trò quan trọng quán xuyến hầu hết tất cả các nhiệm vụ đã được ấn định theo một kế hoạch chung. Trên lý thuyết, tất cả những thái quá của xã hội như phí phạm vì cạnh tranh giá cả, hoặc tình trạng lên xuống thất thường của kinh doanh và sản xuất, và tình trạng bất quân bình trong lợi tức giữa mọi người trong xã hội coi như sẽ bị loại bỏ.
Dĩ nhiên, lý thuyết theo xã hội chủ nghĩa này đã thất bại. Đầu tiên là nó thất bại về mặt điều hành và hiệu năng khi nó trở thành cồng kềnh. Nhưng khi nhà nước ôm mộng làm trọng tài cho mọi quyết định về giá trị kinh tế và công bằng xã hội thì vô tình nó đã cướp đi cái quyền tự do của mỗi cá nhân, và vì vậy cũng cướp luôn mạng sống của người dân. Sự thất bại của mô hình kinh tế theo xã hội chủ nghĩa đã được tiên đoán và chứng minh bởi nhiều kinh tế gia, mà nổi bật nhất là ông F.A. Hayek khi ông này cho rằng không có một cơ quan nào của chính phủ có khả năng thu thập được tất cả những kiến thức rộng lớn để ấn định một kế hoạch phân phát tài sản và hang hoá tiêu dung đa dạng đến hàng triệu người khác nhau. Một kế hoạch theo kiểu trung ương tập quyền, tự nó đã tước đoạt khỏi người dân cái quyền được lựa chọn và thay đổi, sáng chế.
Thế nhưng một mô hình xã hội chủ nghĩa ở cấp độ nhẹ hơn, như đã xảy ra tại hầu hết các nước phát triển ở Tây Âu, cũng như của các chính trị gia bên đảng Dân Chủ như bà Clinton hoặc ông Obama, được coi như là đường hướng tổng quát hơn là một loạt những chính sách cứng rắn để điều hành một nền kinh tế trong xã hội. Trong ý nghĩa đó, những người chủ trương nên "chia đều sự sung túc" thường ôm một giấc mơ cao đẹp hơn. Họ không coi sự sung túc, thịnh vượng như là kết quả cố gắng duy nhất của một cá nhân mà là có thể bị tác động bởi nhiều nguồn năng lực khác ngoài sự kiểm soát của mỗi cá nhân.
Hãy lấy thí dụ của chiếc máy điện toán hiệu Dell được bán với giá rẻ tại Hoa Kỳ này. Nhiều người có thể lý luận đó là kết quả của nhiều nguyên nhân đa dạng mà chính phủ đã góp sức, chẳng hạn như chính sách giáo dục dân chúng khiến cho người dân Mỹ có kiến thức cao và nhờ vậy hãng Dell dễ mướn được nhân công có tay nghề cao. Ngoài ra cũng có thể kể đến ảnh hưởng của truyền thống văn hoá đặc thù ở Mỹ khiến người dân thường có tinh thần tự giác và siêng năng làm việc, nhờ vậy mà năng suất trong công xưởng cũng gia tăng theo. Trong trường hợp như vậy thì sự thành công của hãng Dell, và cái lợi nhuận to lớn đem về không phải đến chỉ do công sức của riêng ông chủ Michael Dell mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khả quan của nước Mỹ mà ông Dell đã may mắn được sinh ra.
Dưới nhãn quan ấy, sự sung túc được coi như là một sản phẩm của xã hội. Từ đó mới nảy ra từ ngữ "xã hội chủ nghĩa" bởi vì nó đưa ra một quan niệm trừu tượng về giá trị và ảnh hưởng của xã hội lên những cá nhân trong một tập thể. Thế nhưng một hệ quả tai hại của xã hội chủ nghĩa là nó sẽ làm thui chột đi mọi sáng kiến của cá nhân, cũng như giới hạn sự tự do của nhiều người trong một thị trường tự do. Nó cũng dễ dẫn đến tình trạng ỷ lại của một khối dân, nhất là giới nghèo, có thể thích trông chờ vào sự ban phát hay bao cấp của chính phủ thay vì chịu khó đi làm để tự kiếm ăn.
Câu hỏi được đặt ra là liệu tình trạng Hoa Kỳ có thể chấp nhận một mô hình theo xã hội chủ nghĩa hay không, dù chỉ ở mức độ nhẹ? Norman Thomas, ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội Hoa Kỳ, đã từng nói: "Người dân Mỹ chắc chắn là sẽ không bao giờ nói rằng mình sẽ chấp nhận thể chế theo xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng dưới chiêu bài tự do, họ sẽ dần dần chấp nhận những mảng nhỏ của chương trình điều hành đất nước theo xã hội chủ nghĩa cho đến ngày mà họ không ý thức được rằng Hoa Kỳ đã trở thành một nước theo xã hội chủ nghĩa." Nếu như chịu khó nhìn vào những kế hoạch trợ cấp dân sinh quan trọng và khá tốn kém như Medicare (bảo hiểm sức khoẻ cho người già), Social Security (trợ cấp an sinh xã hội và tiền hưu bổng), Medicaid (bảo hiểm y tế cho người nghèo), người ta sẽ thấy rằng chính phủ đã giữ vai trò một kẻ duy nhất làm chủ và giữ trách nhiệm trên các địa hạt này. Và dù có theo đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ, thì bất cứ chính quyền nào cũng không thể nào cắt giảm những chi phí này. Ngược lại, ngân sách giành cho các khoản này sẽ mỗi ngày một tăng lên khá nghiêm trọng, và nhiều phần sẽ trở thành gánh nặng to lớn cho quốc gia. Ngoài ra, với việc một số lớn gần 50 triệu người dân tại Mỹ vẫn không có bảo hiểm sức khoẻ mặc dù là nước giầu có nhất thế giới, càng ngày áp lực này sẽ khiến cho việc đòi hỏi một chính sách bảo hiểm phổ thông toàn quốc (universal health care), mà chính phủ phải đóng góp một vai trò quan trọng, sẽ dễ dàng được nhiều người chấp nhận, mặc dù vẫn còn sự chống đối của nhiều nhóm quyền lợi khác nhau, như các hội bác sĩ, các nhà thương, các hãng bảo hiểm v.v.
Xem vậy thì những lời tiên đoán của ông Thomas cũng không lấy gì làm hoang tưởng. Chỉ tội nghiệp cho những chính trị gia cứ tìm cách bới móc một vài chi tiết sơ hở theo kiểu "bới bèo ra bọ" để tấn công theo kiểu chụp mũ và rao truyền những loại tin này trên mạng Internet. Chẳng hạn như việc một số người vừa mới "khám phá" rằng ông Obama vào lúc trẻ đã có một người "mentor" (đàn anh) theo đảng Xã Hội. Và do đó, trong tương lai nếu đắc cử thì sẽ đẩy đưa đất nước Hoa Kỳ vào con đường xã hội chủ nghĩa. Trong số những người còn tin vào những loại tấn công rẻ tiền và tiểu nhân này lại có khá nhiều tay trí thức Việt Nam, chẳng hạn như ông Nguyễn Ngọc Bích, một người được giới thiệu là giáo sư tinh thông nhiều ngôn ngữ, từng làm giám đốc đầu tiên chương trình Việt-ngữ đài Á Châu Tự Do. Chẳng trách nào mà những lời tố cáo kiểu này đã bị ông Tạ Văn Tài, một giáo sư về luật khoa tại Boston, chê là những đòn tấn công của những người đang ở trong cơn tuyệt vọng. Hoặc như những lời cáo giác hàm hồ đầy ác ý của một nhà báo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, khi xách mé gọi "ông Obama xứng tên là ObaMarx", một hình thức chơi chữ có tính cách chụp mũ gián tiếp. Nhưng lại không đưa ra những luận cứ chứng minh rõ ràng có tính thuyết phục ngoài trừ một lô nhiều dữ kiện linh tinh để tạo cảm giác thông thái nhưng không vững chắc. Quả là những đòn rất độc, và... đểu!
Tuấn Minh
No comments:
Post a Comment