Cụ khốt là cụ khốt ơi
Hà Trung Kiên
Đăng ngày 5-11-2008
http://danchimviet.com/articles/584/1/C-kht-la-c-kht-i/TrangPage1.html
Em họ tôi sang Pháp từ đầu thập kỷ 70, khi mới ngoài 20 tuổi, đến đúng thời điểm "lục thập nhi nhĩ thuận" (60 tuổi thấy điều gì cũng thuận) mới lò dò về nước. Nhân dịp này, cậu cả mừng anh em tôi bằng đôi vé ca nhạc xịn (Tất nhiên là giá chợ đen, ngót ngét 500 nghìn đồng tiền Việt). Nó lý sự: Bằng nửa tháng lương hưu của bố, nhưng so với số tiền 1.000 USD chú ấy cho, thì chỉ nhõn 30 USD thôi... Chúc hai cụ một tối vui vẻ, tràn ngập ấn tượng.
Đinh ninh rằng "tiền nào của ấy", tất cả đều xịn, từ lời ca, ý thơ, nhạc đệm, ánh sáng đến ca sĩ biểu diễn, tôi hào hứng kéo tuột ông em đi, khỏi cần "củng cố dạ dày" nữa. Tuổi già ăn hương ăn hoa là chính, huống hồ gặp gỡ, tiệc tùng suốt mấy hôm liền, bụng dạ lúc nào cũng lưng lửng trên đoạn cong xích ma (2/3 dạ dày) rồi chẳng thiết tha nhồi nhét, khề khà, chén chú chén anh làm gì, chẳng may lỡ mất một đêm đặc biệt này thì gay...
Bước chân ra đường không khí chiến thắng trong ngày "giải phóng thủ đô" vẫn còn tràn ngập. Các biển quảng cáo "mừng đảng mừng xuân", vẫn chăng ngang đường đập vào mắt người đi lại. Trên ban công mỗi nhà cờ đảng treo ủ rũ như cờ rủ. Lũ trẻ ăn vận lịch sự và bắt mắt, tôi để ý có đến 60% diện áo da các loại, từ da Tàu, da Ý, đến da Nhật, da Hàn, màu đen, màu xanh, màu mận chín, rong rêu đủ kiểu... chứng tỏ Hà Nội thực sự khởi sắc đa dạng...
Bước chân vào cửa rạp, cả một dãy ăn mày chìa nón rách, mũ cũ, ống bơ ra, mặt cúi gằm, miệng lí nhí khấn lạy bằng đủ các giọng miền Bắc, miền Trung, xứ đông, xứ đoài, Nghệ An, Hà Tĩnh... chú em tôi cất lời:
- Sao ở đây cũng giống cửa chùa anh em mình tới lúc chiều vậy. Người ra vào lũ lượt, áo ngắn áo dài thướt tha, sang trọng, lịch lãm, đồ lễ ai nấy xách nặng tay mà bên ngoài cổng chùa, đền, phủ miếu các loại là hàng chục, hàng trăm người ăn xin, ăn mày. Cứ những bàn tay lật ngửa, những ánh mắt âm thầm khép xuống, những giọng nói năn nỉ cất lên... trông đối nghịch, cám cảnh quá.
Mặc cả hàng rào tay đen nhẻm xoè ra, tôi kéo chú em vào sâu trong khu vực biểu diễn:
- Đi nào, việc "cứu trợ đồng bào đói khổ" đã có Đảng và chính phủ lo, chú không phải nghĩ.
Ngồi yên vị trong rạp, chú em tôi đưa mắt bao quát khắp phòng, vẻ hài lòng, háo hức.
Sau lời giới thiệu, cô ca sĩ õng ẹo bước ra, tóc húi cua, chân dài ngẳng, váy lượt thượt, đeo đôi giày khủng bố nặng trịch, cổ đóng cứng một lớp lông thú dựng ngược, mặt trát đủ các loại phấn son xanh xanh đỏ đỏ loè loẹt... khiến tôi trố mắt: Ôi bí quyết của sự quyến rũ đây ư?
Nhạc sập sình nổi lên, ánh sáng thay đổi liên tục như trong bảy sắc cầu vồng, cô ca sĩ vén môi đưa đẩy, bắt đầu bài hát:
"...Ngón tay kia xin chớ hững hờ
Dắt em đi về trong dại khờ
...Hãy yêu như chưa yêu lần nào..."
Bíu lấy áo tôi, ông em nhận xét:
- Sao lại hãy yêu như chưa yêu lần nào hả anh? Nghe cái tên đã đủ giả dối rồi
- Ừ thì tôi gạt đi, hiện đại, đời mới mà. Có phải như tớ với cậu ngày xưa "cha mẹ đặt đâu con nằm đấy đâu".
Cậu em lắc đầu đầy bướng bỉnh
- Nhưng tình yêu đâu cứ phải gào lên như thế?
- Thì, tôi lấp lửng... ca sĩ Việt Nam bây giờ phần lớn gào bằng cổ họng chứ đâu phải hát bằng trái tim. Họ đã chai sạn, mòn mỏi vì yêu hàng ngàn lần rồi thì phải giả vờ như vẫn chưa yêu lần nào chứ sao?...Với lại họ muốn cho những khán giả ít tiền ngồi tít tận hàng ghế cuối cùng hay khán giả đến muộn đang còn dựng xe phía ngoài cửa rạp cũng phải nghe thấy mà.
- Trời đất!
Tiếng vỗ tay lẹt đẹt nổi lên, trong tiếng nhạc sập sình chát chúa như muốn nuốt hết mọi âm thanh, cô ca sĩ thứ hai bước ra. Thay vì bộ quần áo lượt thượt tế lễ với chiếc cổ lông đầy ấn tượng, cô này mặc một bộ quần áo quá thiếu vải. Áo hai dây, cổ để trần, váy ngắn cũn cỡn như thể vì mải chạy xô mà vội vàng mặc nhầm quần áo của con trong độ tuổi "nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng" vậy.
Õng ẹo dậm dật chán, cô ta rên rỉ gào lên:
"Em vẫn nhớ anh, nhớ lúc ân ái, làn tóc xoã môi hôn thật sâu... Tình xa khu...ất...ất... "
Nghe đi nghe lại cái điệp khúc vừa nhạt nhẽo lại dung tục, sàm sỡ và còn lộng óc, điếc tai đó, ông em họ tôi khó chịu nhận xét:
- Tình xa khuất gì mà... bày hết cả ra giữa thanh thiên bạch nhật, trên sân khấu, ngay giữa đám đông như thế? Hay là em xa nước lâu ngày nên không biết được sự thay đổi của phụ nữ Việt nam ? Chứ ngày xưa họ vốn kín đáo, e dè, đâu có dám phô phang tình yêu của mình như thế này: "Nhớ lúc tóc xoã, môi hôn thật sâu" còn chưa đủ, phải lôi cả "lúc ái ân" ra cho thiên hạ dòm, chả trách cô ta ăn mặc hở hang, phóng đãng thế, có khác gì quả bom sexy của Madona đâu?
Tôi chưa kịp úp mở gì đã bị cô ca sĩ sexy hở hang thộp cổ lôi vào "vườn yêu":
"Hãy ôm em như anh đã từng ôm, hãy cho em một lần, dù gian dối..."
Trời đất! tôi kêu lên: Đầu đề bài hát tác giả đặt là "vườn yêu" mà sao trong vườn yêu, vườn thượng uyển của A Đam và Ê Va - Thuỷ tổ của loài người lại toàn những thứ tình nhảm nhí, gian dối ấy? Ngày xưa A Đam yêu Ê Va là yêu bằng cả trái tim mình, đâu phải chỉ một lần ? Hay vào thời điểm ấy, Ê Va là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trên mặt đất, nên không phải nài nỉ, cầu xin, không lo sợ bị bội phản?Cũng không đến nỗi phải chấp nhận thứ tình cảm yêu ma gian dối đó?
Bên cạnh, chú em tôi cũng ngọ nguậy trên ghế, như sốt ruột muốn đuổi quách cô ca sĩ về cái vườn yêu rẻ tiền, nhàm chán của cô ta đi... Nào ngờ sự chịu khó của chúng tôi lại được đáp đền bằng một sự khó chịu mới. Lần này vừa nghe cô phát thanh giới thiệu: "Nam ca sĩ cùng bài hát "màu của lãng quên". Cả hai anh em tôi đã nhẹ cả người... Cả tình đầu, tình xa khuất, tình gian dối sẽ lập tức bị nhấn chìm trong "màu của lãng quên", thay vào đó là cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, da diết, giàu hình tượng (!)
Nào ngờ vừa mở miệng ca sĩ đã chạy ma ra tông thanh quản hết cỡ:
"Bờ môi hôn từng đêm rã rời, chớ hoài nhau gầy thêm mắt nâu, trăng úa màu..."
Vẫn chất giọng ngột ngạt, rên rỉ, sầu muộn bị bóp méo bằng cách phóng đại, vống lên... Tôi chỉ muốn kéo chú em về quách, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy nửa tháng lương hưu là quan trọng hơn hẳn sự bực bõ vừa rồi - nên lại thôi. Những 30 USD - bao công lao xương máu của gần 40 năm trời phấn đấu, vào sinh ra tử, trưởng thành trong nỗi sợ hãi... các đồng chí mới có được chứ có phải vỏ hến đâu ?
Cuối cùng nhạc điệu cũng nổi lên, chuyển từ màu của lãng quên sang : "Con gái bây giờ". Chú em bấm vai tôi: Lần này “đúng tủ” rồi, em muốn so sánh con gái bây giờ với con gái ngày xưa, thời của hai anh em mình ra làm sao ?
Nhạc sập sình nổi lên, tôi co cả hai cẳng chân lên ghế, hai tay ôm chặt lấy đầu, dù biết là khí bất lịch sự nhưng không sao trốn thoát khỏi những lời quái ác, chối tỷ này:
"Biết yêu là đau buồn, biết yêu là biết buồn mà sao ta cứ cắm đầu vì yêu, Biết yêu là không thành, trái tim này tan tành, xin làm người điên với nàng..."
- Đúng là người điên thật! cậu em tôi cấm cẩu. Chẳng còn tìm đâu ra điệu nhạc trữ tình truyền thống, cùng lời ca mượt mà trong sáng da diết, thiết tha nữa, chỉ rặt tảo sinh là tảo sinh thôi.
Nghe ngôn từ là lạ, tôi vội hỏi:
- Chú vừa nói gì thế ? Sao lại là tảo sinh ? Từ xưa tới nay tôi chỉ nghe từ tảo hôn thôi mà.
- Thì đấy, chú em tôi giải thích - lời bài hát hoàn toàn do nhạc sĩ đẻ non, âm nhạc cũng cố mà vào hùa với sự tảo sinh này đẻ ra toàn một lũ quái thai, chứ đâu phải là bài hát ? Một thứ bùng nhùng tí mắt, tí da, tí xương, tí lông trong đống thịt lổn nhổn dưỡng chất. Còn ca sĩ nữa, chả biết có phải "tảo sinh" hay không mà cứ đứng dạng chân ra mà gào như người đau đẻ gọi người đến đưa vào nhà hộ sinh vậy.
Tôi cười, nửa đồng tình, nửa thông cảm với người vừa chân ướt chân ráo về lại quê xưa, nên hỏi:
- Cậu thấy ngộp thở vì đổi mới, thả nổi quá hả ? Thời đại mở cửa mà, đâu phải như cánh chúng mình ngày xưa, chen bẹp ruột tới sân đình để xem các nàng "yếm thắm quai thao, áo mớ bảy mớ ba"... biễu diễn.
Không ngờ chú ấy lại là một tay hoạt ngôn, thâm thuý, liền mắng tôi một chặp:
- Mở cửa gì, có mà... thả cửa thì có ấy, cứ kéo dài tình trạng thả cửa như thế này: Thiết kế đã dở, tiền vé bán rõ cao, một đêm đòi cát sê vài chục triệu thì đúng là dân chửi cho thật, đâu còn là dân chủ, đổi mới nữa ???
Ờ ! tôi gật gù khi trên sân khấu lại xuất hiện một bài hát mới, đầy côn đồ, chợ búa:
"Yêu nhau con mắt liếc qua
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra..."
Thương cho đôi trai gái trong bài hát, tôi giật mình thon thót... Thay vì đạo lý thuỷ chung, tình người, họ lại dùng luật rừng, giang hồ để ném đá vỡ đầu nhau ra mới thôi. Càng nghĩ càng thương cho đôi cánh âm nhạc việt Nam, vốn mỏng manh yếu ớt, thơ mộng, e ấp như một cô gái đồng trinh mà tay nhạc sĩ lực điền nào lại đè ngửa ra mà hãm hiếp đến mức rách nát, sướt sát hết cả thế này ? Cái hành động vũ phu, bạo lực thời trung cổ ấy cũng đáng để nhạc sĩ đưa vào phổ nhạc ư ? Cả ca sĩ nưã, chỉ có tình yêu với tiền chứ không biết yêu thương đồng loại giống nòi hay sao mà thể hiện hồn nhiên say sưa đến thế ? Không rõ ngành văn hoá, chủ quản có rơi vào... chủ quan hay không khi cho ra mắt bài hát nửa trữ tình, nửa gạch đá này nhỉ ?
Trên sân khấu nữ ca sĩ tiếp nối chương trình bằng chất giọng não nuột ủ ê:
"Đến đảo hoang tìm nơi vắng người, rồi cười nói một mình..."
Chưa kịp bày tỏ nỗi chán chường của mình sau bài hát có cái tên "khêu gợi" "có đôi khi" chúng tôi lại tiếp tục bị tra tấn bằng một bài mới với tên gọi "Một thời đã xa:" mà lời bài hát vô cùng ảo não:
"Em biết trái tim anh có hình bóng ai kia, đâu chỉ riêng em, khi ta đến bên nhau... tình gian dối...ối...ối..."
Chú em đứng lên giật áo tôi quả quyết: Đi thôi anh, quả tim "lục thập nhi nhĩ... nghịch" của em không thể chịu đựng nổi sự nghịch nhĩ, thác loạn này nữa rồi, chỉ một đêm mà đủ thứ tình: Nào tình đầu, tình cuối, tình cô đơn, tình xa khuất, tình gian dối, tình yêu, tình ghét, tình hờn... tình trách, tình buồn, tình quên, tình khóc, tình cười... tình gạch đá, trả thù, tình vớ vẩn, linh tinh ...
- Ừ, tôi bực bội đứng lên, coi như cánh ta mất tiền "ngu phí" vậy.
Phía ngoài, cậu cả đang đứng đợi, nhìn thấy liền hốt hoảng:
- Kìa bố, kìa chú. Còn hơn một nửa chương trình kia mà, sao về sớm thế ?
Đáp lại thái độ sốt sắng của cậu cả, ông chú bảo:
- Ôi, cô nàng ca từ đã tảo sinh lại còn kết hôn với anh chàng âm nhạc đần độn, trống rỗng, suy dinh dưỡng này nữa, đẻ ra một lô bài hát dặt dẹo quái thai... thật ngán quá đi mất.
Cậu cả cười:
- Chắc hai cụ Khốt bây gìờ là “tình già”, không tiêu hoá nổi những thứ tình hổ lốn ấy nên bật bãi sớm chứ gì, rõ phí của giời!
- Phải đấy tôi đáp, mày về nhà cứ bật dân ca và nhạc cổ truyền cho cậu nghe: Lúng liếng là lúng liếng ơi... lại hay đấy. Ngày xưa người ta say nhau ở trang phục "mớ bảy mớ ba", ở con mắt lá răm, nụ cười hàm tiếu đáng trăm quan tiền" chứ đâu có bị thay đổi thẩm mỹ bằng cách biến bảy màu hoặc ba màu áo thành ba mảnh hoặc bảy mảnh như bây giờ, trông rõ tội...
Cậu cả cười rinh rích:
- Cụ khốt ơi là cụ khốt ơi, mặc cả một mớ xống áo những là trong trắng, ngoài xanh, đóng đanh từng lớp, giữa hồng, rồi gụ, nâu sồng... như thế mà cứ yêu nhau cởi áo í à trao nhau... thì còn nước mẹ gì... Thôi, thằng con xin đổi khẩu vị cho các cụ.
Tiếng động cơ xe nổ giòn tan, cả hai anh em tôi co hai cặp đùi dế ngồi sau tay lái vĩ đại của cậu cả trở về nhà, cười ngặt nghẽo vì chất giọng nhại độc đáo của nó: Từ ngày yêu anh, bụng dạ em làm sao, người cứ nôn nao, váng vất cả ngày, phở cháo cơm bỏ mứa không thèm, cưới quách đi thì hơn...
Nó thao thao bất tuyệt:
- Nhạc và lời của "nhại sĩ" Nguyễn Văn Toáy em Nguyễn Văn Tí đấy, hai cụ thấy ngọt không?
Cậu em tôi cố nín cười nhận xét:
- Lại một sự “cưỡng hôn” nữa, mày thật là một thằng láo toét, âm nhạc và ca từ của tác giả ngọt ngào uyển chuyển, mềm mại, thiết tha thế , mà mày cố tình bịa đặt, hãm hiếp, thật là tí toáy.
Tôi gạt nước mắt chảy ướt dề hai bên má, hùa thêm:
- Chả trách từ “Đường cày đảm đang” lại biến thành ... “Đường tình dở dang” ...của lớp trẻ chúng mày.
- Vâng ! nó từ tốn thanh minh: - Tính con hay hài, thấy các cụ buồn nên chỉ định mua vui thôi mà, làm gì mà kết tội nhau ghê thế, cụ khốt là cụ khốt ơi...
Hà Nội 10-2008
© 2008 www.danchimviet.com
No comments:
Post a Comment