Bình Luận Hoa Kỳ
Khi Nền Kinh Tế Hết Thịnh Rồi Đến Suy
Mai Loan
(LÊN MẠNG Thứ bảy 1, Tháng Mười Một 2008)
http://www.vnn-news.com/spip.php?article4896
(VNN)
Ông James Grant là một bình luận gia được nhiều người lắng nghe trên hai lãnh vực tài chính và lịch sử Hoa Kỳ. Ông là một thành viên thường trực trong chương trình hội luận "Wall Street Week" của nhà báo Louis Rukeyser chủ xướng, chuyên bình luận về thị trường tài chính hàng tuần. Ông cũng thường xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình khác như 60 Minutes, Nightly Business Report và Bloomberg TV. Ông là người giữ cột mục "Current Yield" (Mức Lời Hiện Nay) trên tuần báo tài chính Barron’s trong một thời gian dài trước khi chuyển hướng để thực hiện một tờ báo chuyên đề có tên là Grant’s Interest Rate Observer, một bán nguyệt san độc lập, chuyên phân tích về các đề tài thời sự liên quan đến kinh tế và tài chính. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về tài chính và lịch sử, trong đó có cuốn "The Trouble with Prosperity" (Khó Khăn khi Thịnh Vượng), xuất bản cách đây hơn một thập niên, năm 1996.
Nội dung cuốn sách thu thập những dữ kiện trong lịch sử tài chính giúp cho tác giả đề ra một lý thuyết sơ khai về định mệnh kinh tế, theo đó những diễn biến hưng thịnh hay suy vi dường như đã được sắp đặt sẵn theo tiền định. Nếu như mọi sự đang có vẻ như huy hoàng tráng lệ, thì tức là nó sẽ trên đường đi xuống. Sự thành công bao giờ cũng khiến người ta đâm ra quá tự tin, dẫn đến những lạm dụng hay thái quá khiến cho mầm mống thất bại bắt đầu ló dạng. Ngược lại, nếu như mọi chuyện có vẻ như bi quan, ảm đạm thì đương nhiên chúng sẽ được khá hơn. Những cơn khủng hoảng gây khó khăn cũng là dịp tạo nên những cơ hội mới khiến cho sự phát triển có thể thăng hoa. Dường như những sự thành công vinh quang luôn đi kèm với những thất bại ê chề theo một chu kỳ bất biến, cho dù người ta đã cố gắng tìm cách ảnh hưởng hay thay đổi, nhưng không bao giờ đẩy lui được.
Thật ra thì điều này cũng dễ hiểu đối với đa số người Việt chúng ta. Trong ca dao tục ngữ đã có câu "Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời". Trong quân trường Bộ Binh ở Thủ Đức ngày xưa, các sinh viên sĩ quan của Việt Nam Cộng Hoà đều thuộc nằm lòng khẩu hiệu "Cư An Tư Nguy" (Trong lúc sống hoà bình thì đã phải lo nghĩ đến nguy cơ chiến tranh). Người dân bình thường có niềm tin theo Phật-giáo thì cũng dễ chấp nhận vì cho đó là định luật vô thường, không có gì vĩnh viễn trên cõi đời này, và trong hạnh phúc vui vầy thì thế nào cũng có mầm mống của đau khổ chia ly.
Theo nhận xét của nhà báo Grant thì những thời kỳ huy hoàng cực thịnh sẽ nảy sinh ra những mầm mống xấu xa vì hám lợi, tham quyền hay cẩu thả; và ngược lại. Trong bối cảnh của những biến động hoảng loạn trên thị trường tài chính gần đây, dẫn đến những hậu quả thê thảm và những lời buộc tội, kết án nặng nề, nhận xét này có lẽ là điều cần thiết để nhắc nhở cho mọi người đừng quên về cái định luật không sai đó. Cho dù nhiều người đã đưa ra những tiên đoán về một cuộc suy thoái khó khăn từ cả năm trước, khởi đi từ vụ khủng hoảng địa ốc tụt giá, nhưng có lẽ không ai ngờ tình trạng hoảng hốt đã lan rộng khắp nơi, khiến cho chính quyền tại nhiều nước phải đồng loạt nhập cuộc và áp dụng những biện pháp táo bạo và tốn kém kinh khủng để giải quyết, như việc chính quyền bỏ ra hàng trăm tỷ Mỹ-kim để bảo kê cho các đại công ty cho vay Fannie Mae và Freddie Mac, rồi đến đạo luật cứu nguy với tốn phí lên đến 700 tỷ, tiếp theo là quyết định của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ chịu bỏ tiền ra để giúp vốn cho các ngân hàng tư, nhưng dường như thị trường tài chính vẫn chưa ổn định, với những đợt lên xuống giá đi từ cực này sang cực khác. Những điều đó đã đẩy mọi người lao vào những cuộc tranh luận để đổ lỗi hay phân công, cũng như bàn cãi về sự hiệu năng của các giải pháp đề ra, liệu có đủ để bảo vệ cho nền kinh tế hay không?
Người dân Hoa Kỳ thường nổi tiếng với tinh thần thực dụng và ... thiếu kiên nhẫn. Họ chỉ thích có những giải pháp tức thời để giải quyết những khó khăn, nhiều khi không cần màu mè hay lý thuyết trừu tượng, xa xôi. Nhiều người thường gọi đó là một đặc tính "thích mì ăn liền", nhanh chóng, giải quyết tức thời cái nhu cầu cần ăn mà lại tiện lợi, ít tốn kém. Nhưng người dân Mỹ cũng thường thích đòi hỏi tinh thần đạo đức trong sáng, rõ ràng, thích có những tiêu chuẩn để so sánh và hãnh diện. Nhưng thế giới chung quanh thì nhiều khi lại không đơn giản, mù mờ giữa tranh tối tranh sáng. Giống như hình ảnh trước đây của TT Bush thường hay nói về cuộc chiến chống khủng bố: "Hoặc là anh ở phía chúng tôi, hoặc là chống lại chúng tôi", trắng với đen rõ ràng, không có màu xam xám ở giữa. Cuộc tranh luận hiện nay là liệu những giải pháp đưa ra có đầy đủ chưa để chữa trị cơn bệnh khẩn cấp? Thế nhưng, thế nào mới gọi là đủ, và đủ để đạt được điều gì? Nếu như mục đích chỉ để tạo ổn định, tránh một sự suy sụp trầm trọng của thị trường tín dụng, thì câu trả lời có thể tạm gọi là có.
Tuần trước, chính phủ đã ra quyết định bảo đảm cho các món nợ giữa các ngân hàng, đồng thời áp lực lên 9 ngân hàng lớn chịu nhận thêm vốn từ Bộ Ngân Khố, với chi phí lên đến 125 tỷ Mỹ-kim. Đây là những bước có thể giúp cho các nhà băng sẵn sàng làm việc trở lại như bình thường, tức là đi vay người này để cho vay kẻ khác. Cái nỗi lo phải tích tụ vốn hay tiền mặt cho chắc ăn đã giảm thiểu nhiều khiến cho các nhà băng hết còn bị áp lực có thể bị sụp tiệm vì mọi người ồ ạt đòi rút tiền.
Thế nhưng, nếu cái mục đích chính là để ngăn chặn cho tình trạng suy thoái và những cơn biến động khác không xảy ra thì câu trả lời sẽ là không. Nhiều phần là Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng suy thoái, cho dù có hay không những lời xác nhận chính thức. Trong tháng 9 vừa qua, mức bán lẻ đã giảm xuống. Cộng với những hậu quả của thị trường địa ốc vẫn còn tệ hại, nạn thất nghiệp gia tăng, và giá cổ phiếu rơi rụng, tất cả những yếu tố trên đã tác động mạnh mẽ lên niềm tin của người dân, và mức tiêu thụ từ đó chắc chắn sẽ giảm nhiều so với lúc trước. Cho dù Ngân hàng Trung ương có giảm lãi suất nhưng các nhà băng đã siết chặt lại các điều kiện vay nợ, và do đó giới tiêu thụ cũng không còn tiêu xài rộng rãi vì không xin được tiền nợ. Tỉ lệ thất nghiệp, hiện nay đã ở mức khá cao 6,1%, có thể sẽ còn tăng lên nữa đến mức 7,5% trong những ngày tháng tới.
Những khó khăn trên thị trường tài chính không chỉ giới hạn ở các nhà băng tại Hoa Kỳ mà đã lan rộng sang nhiều nơi khác, từ Âu sang Á, hoặc như ở Nam Mỹ. Tại Ba Tây (Brazil), thị trường chứng khoán đã mất giá đến 50% so với thời điểm mấy tháng trước. Các quỹ đầu tư bạo gan như hedge funds cũng bị nhiều áp lực rút tiền, nên tìm cách bán bớt cổ phiếu, khiến cho thị trường càng dễ bị mất giá thêm.
Trong tình cảnh hỗn loạn khắp nơi như vậy, nhiều tiếng nói từ những diễn đàn khác nhau - các giáo sư, các kinh tế gia, các nhà nghiên cứu, các nhà báo và các chính trị gia - sẽ tìm cách phân tích để quy lỗi. Phải chăng đây là do những chính sách thả lỏng kiểm soát (deregulation) mà chính quyền phe Cộng Hoà thường chủ trương? Liệu những đầu óc đầu cơ và hám lợi đã khiến cho nhiều nhà đầu tư đi quá đà và trở nên cẩu thả? Phải chăng ông Alan Greenspan, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương trong một thời gian dài cực thịnh và trước đó được coi như là nhân tài lèo lái vững chắc để giúp cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, mới chính là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay do bởi chính sách hạ giá phân lời và không kiểm soát thị trường? Hoặc là do lỗi của ông Robert Rubin, cựu tổng trưởng tài chính thời TT Clinton, đã không biết tiên liệu sớm về một tình trạng khủng hoảng có thể xảy tới?
Quả tình những lời buộc tội trên cũng đúng một phần nào. Ông tổng trưởng Rubin, sau ngày rời khỏi chính quyền, được nhà băng lớn nhất Citigroup mời về làm nhân vật chóp bu trong ban giám đốc. Nhưng, giống như những người lãnh đạo các cơ quan tài chính lớn khác, ông cũng không sớm nhận ra ảnh hưởng độc hại của những món nợ thế chấp địa ốc được chứng-khoán-hoá nằm đầy rẫy trong kho của Citigroup. Nếu ông còn ngồi làm việc trong chính quyền ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, liệu ông có để cho tình trạng nguy hiểm như vậy tiếp tục mãi hay không? Gần đây đã có nhiều bài phóng sự đăng trên các tờ báo New York Times và Washington Post cho thấy là chính phủ dưới thời Clinton cũng đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách thả lỏng kiểm soát trên thị trường tài chính mà những vị dân cử phe Dân Chủ đang mạnh mẽ kết án.
Trường hợp của ông Greenspan thì có phần rắc rối hơn. Dĩ nhiên, giờ đây hào quang của ông đã bị lu mờ, và uy tín của ông có thể đã bị đổ vỡ nặng nề, hết còn những lời khen về một nhân vật xuất chúng đã góp công cho một thời kỳ phát triển dài lâu. Sự kiện ông thường luôn chống lại giải pháp cần kiểm soát điều lệ chặt chẽ hơn trên thị trường giờ đây đã bị chỉ trích là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện nay. Và cũng khó có ai muốn nhảy ra bênh vực lập luận này của ông. Trong cuộc điều trần tại Hạ Viện vào ngày thứ Năm 23/10, ông đã bị các vị dân biểu "quay" ông tơi bời. Tuy không nhận mình là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng, ông Greenspan cũng công nhận đây là một bài học sai lầm hiếm có, một "cơn sóng thần chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ" theo như lời ông nói để xác nhận về hậu quả tệ hại ngày nay.
Nhưng lời kết tội về chính sách hạ giá phân lời rất thấp của Ngân hàng Trung ương do ông Bernanke chủ trương có phần hơi vội vã, và cần phải được cứu xét kỹ lưỡng hơn. Dĩ nhiên là việc giảm lãi suất đến mức thật thấp (như chỉ còn 1% vào năm 2003) có hậu quả là bơm vào thị trường số lượng tiền tệ rất cao, đồng thời khiến cho nhiều người dễ sinh ra tinh thần tiêu tiền quá đáng, dễ dẫn đến tình trạng vay nợ bất cẩn, quá khả năng của mình, góp phần vào cơn khủng hoảng nợ subprime sau này. Nhưng tình thế lúc ấy buộc ông Greenspan phải hành động như vậy để chống đỡ lại những hậu quả tệ hại của cơn vỡ bóng đầu tư Internet và vụ khủng bố 9/11 vào cuối năm 2001. Nhờ vậy mà mức tiêu thụ không bị tụt giảm, giúp cho Hoa Kỳ tránh được một tình trạng suy thoái. Đến giữa năm 2004 thì Ngân hàng Trung ương đã bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Nhưng điều bất ngờ là phân lời dài hạn (giành cho các món nợ địa ốc) lúc ấy đã không thay đổi theo mà vẫn còn rất thấp vì chịu theo quy luật của thị trường cung cầu. Một số người giải thích rằng nguyên nhân của vụ này là do số tiền đầu tư dồi dào của các nước Á Châu khiến cho dân Mỹ tiếp tục được hưởng các món nợ rẻ tiền.
Nhìn lại những diễn biến vừa qua, người ta cũng dễ nhận ra một bài học đơn giản. Đó là khi mọi chuyện xuông xẻ, mọi người ai cũng thích đứng trong hàng ngũ những người lạc quan, phù thịnh. Những kẻ bi quan hay đa nghi thì bị coi là những kẻ chậm lụt, khờ dại kiểu "trâu chậm uống nước đục". Vì thế cho nên, không một ai, kể cả chính phủ, muốn nhảy ra để nói lên những lời cảnh cáo hay báo động là "hãy coi chừng, cái chuyện kiếm ăn quá dễ dàng như vầy không thể nào kéo dài mãi."
Mọi người cứ thi nhau lạc quan, tin tưởng vào mô hình kiếm lời, từ những người sẵn sàng đi vay nợ mua nhà với bất cứ giá nào vì tin rằng giá nhà sẽ lên nữa, cho tới những tay môi giới và các chủ nhà băng lúc nào cũng hăng say cho mượn để kiếm hoa hồng cũng như tự tin rằng các nhà băng hay giới đầu tư khác sẽ nhanh chóng mua lại các món nợ của mình. Khi thị trường địa ốc bung lên một cách mạnh mẽ từ năm 2000 đến 2006, giá nhà tăng vọt đến 50%. Nếu căn nhà của bạn trước đó trị giá 500,000 Mỹ-kim, giờ đây chỉ sau 6 năm, bạn đã làm chủ được một tài sản lên đến 750,000 Mỹ-kim, bảo sao mà chẳng thích, chẳng mê, chẳng "sướng run người"? Các ngân hàng đầu tư cũng vì hám lợi nên đã xào nấu các món nợ lẫn lộn để gói ra những bọc nợ khác và bán lại trên thị trường. Chính phủ cũng đã dễ dãi cho Fannie Mae và Freddie Mac được tự do làm ăn mà không cần đòi hỏi có vốn liếng thế chấp cao để giảm bớt rủi ro. Đồng thời, Quốc Hội cũng nhập cuộc để mua chuộc cảm tình từ phía nhiều khối cử tri, bằng cách buộc các nhà băng phải tăng số lượng các món nợ địa ốc cho dân nghèo và trung lưu được dễ dàng vay, khiến cho cơn sốt nợ subprime càng dễ có cơ hội tăng mạnh hơn.
Kết quả diễn ra đúng như sự tiên đoán theo lý thuyết của ông James Grant. Mọi người chúng ta đều trải qua những chu kỳ theo tiền định mà trong đó có lúc mình cảm thấy sung sướng như trúng số, có lúc như mê sảng, nhưng rồi lại đến lúc rơi vào tình trạng u buồn, ủ dột và bi quan. Có lẽ cái an ủi duy nhất là từ trong những đổ vỡ hoang tàn của tình trạng hoảng loạn hiện nay sẽ nẩy mầm ra những hạt nhân mới mẻ, tươi tốt và khả quan hơn cho một cuộc hồi sinh trở lại trong tương lai.
Mai Loan
No comments:
Post a Comment