Friday, November 1, 2024

HOA KỲ : VIỆC TRIỀN KHAI LÍNH TRIỀU TIÊN CÓ THỂ KÉO DÀI, MỞ RỘNG CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE (Reuters)

 



Mỹ: Việc triển khai lính Triều Tiên có thể kéo dài, mở rộng cuộc chiến ở Ukraine

Reuters

31/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/my-viec-trien-khai-linh-trieu-tien-co-the-keo-dai-mo-rong-cuoc-chien-o-ukraine/7845732.html

 

Việc Triều Tiên triển khai quân tới Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Ukraine có khả năng kéo dài cuộc xung đột đã 2 năm rưỡi qua và thu hút thêm nhiều bên tham gia, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cảnh báo ngày 30/10.

 

https://gdb.voanews.com/248f5a5a-927a-4dae-addf-87146edb6bcc_w1023_r1_s.jpg

 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, giữa, họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc, Kim Yong-hyun tại Ngũ Giác Đài, ngày 30/10/2024.

 

Khoảng 10.000 lính Triều Tiên đã được triển khai tới miền đông nước Nga, mặc quân phục Nga và mang theo thiết bị của Nga, ông Austin cho biết, trong những gì ông nói thêm là ngày càng giống một cuộc triển khai để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu của Nga tại khu vực Kursk, gần biên giới với Ukraine.

 

Các lực lượng Ukraine đã tấn công lớn vào Kursk vào tháng 8 và chiếm giữ hàng trăm km vuông lãnh thổ ở đó.

 

Sau các cuộc đàm phán với người đồng cấp Hàn Quốc tại Ngũ Giác Đài, Kim Yong-hyun, ông Austin gọi cuộc triển khai này là “sự leo thang nguy hiểm và gây mất ổn định”.

 

“Nó có khả năng kéo dài hoặc mở rộng xung đột”, ông Austin nói với các phóng viên, đứng cạnh ông Kim. “Nó có thể khuyến khích những người khác hành động, nhiều loại hành động khác nhau ... Có một số điều có thể xảy ra”.

 

Nếu Triều Tiên hỗ trợ chiến tranh của Nga, quân đội Triều Tiên có thể sẽ bị quân đội Ukraine nhắm mục tiêu bằng vũ khí do Hoa Kỳ và các đồng minh cung cấp, và một số có khả năng sẽ tử trận trên chiến trường, ông Austin nói thêm.

 

“Nếu họ chiến đấu cùng với lính Nga, họ là những bên đồng tham chiến, và chúng tôi có mọi lý do để tin rằng ... họ sẽ bị giết và bị thương do hậu quả của điều đó”, ông Austin nói.

 

Hàn Quốc đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ học được những bài học quý giá từ việc lính của họ tham gia chiến đấu và chứng kiến chiến tranh hiện đại bằng cách giúp đỡ Nga, và điều đó cấu thành mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Hàn Quốc.

 

Phát biểu cùng ông Austin, ông Kim cảnh báo rằng để đổi lại việc triển khai quân sang Nga, Triều Tiên có khả năng sẽ mưu tìm công nghệ của Nga về vũ khí hạt nhân chiến thuật, tàu ngầm phi đạn đạn đạo và phi đạn đạn đạo liên lục địa.

 

“Tôi tin rằng điều này có thể dẫn đến leo thang các mối đe dọa an ninh trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kim cảnh báo.

 

 

 

 



UKRAINE CÔNG BỐ TÊN CÁC VỊ TƯỚNG CẦM QUÂN CỦA TRIỀU TIÊN Ở NGA (Reuters)

 



Ukraine công bố tên các vị tướng cầm quân của Triều Tiên ở Nga   

Reuters

31/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-cong-bo-ten-cac-vi-tuong-cam-quan-cua-trieu-tien-o-nga/7846453.html?withmediaplayer=1

 

Chính phủ Ukraine đã nêu tên 3 vị tướng Triều Tiên mà họ cho là cùng hàng nghìn binh lính của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đến Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

 

https://gdb.voanews.com/18e44a20-d229-4d54-80e8-32fcc94d81d3_cx0_cy16_cw79_w1023_r1_s.jpg

Hình ảnh trích xuất từ video do hãng tin KRT của Triều Tiên công bố cho thấy quân đội Triều Tiên đứng chào trong một lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng vào ngày 8/2/2018.

 

Trong một tuyên bố gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 30/10, phái đoàn Ukraine cho biết ba vị tướng này nằm trong số ít nhất 500 sĩ quan Triều Tiên được cử tới Nga.

 

Theo tuyên bố, các kế hoạch kêu gọi quân đội Triều Tiên lập thành ít nhất năm đội hình, mỗi đội có 2.000-3.000 quân và được tích hợp vào các đơn vị của Nga để che giấu sự hiện diện của họ.

 

Nga không phủ nhận sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến mà họ đã tiến hành ở Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022.

 

Sau lần phủ nhận ban đầu, Triều Tiên cũng đã bênh vực cho ý tưởng triển khai quân đội là phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Tại cùng cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đặc phái viên Nga Vassily Nebenzia cho biết tương tác quân sự của Nga với Triều Tiên không vi phạm luật pháp quốc tế và Moscow có quyền tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác của mình.

 

Ukraine đã đưa ra tên của Thượng tướng Kim Yong Bok, một vị tướng cấp cao chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, bao gồm Quân đoàn XI, còn được gọi là Quân đoàn Bão táp, mà cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết đã được phái đến Nga.

 

Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết vai trò của vị thượng tướng này dường như lớn hơn, điều hành Cục Hướng dẫn Huấn luyện Bộ binh Nhẹ KPA bao gồm Quân đoàn XI và các đơn vị bộ binh nhẹ được triển khai đến các đơn vị quân đoàn KPA và được điều động đến các nhiệm vụ đặc biệt cho Tổng cục Trinh sát, là cơ quan gián điệp chính của Triều Tiên.

 

Ông Kim đã xuất hiện tại 7 sự kiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong năm nay, bao gồm các cuộc tập trận của lực lượng đặc biệt.

 

"Đây là một đợt triển khai lớn và gần như chưa từng có đối với KPA", ông Madden nói và cho rằng vị tướng này đang ở Nga với tư cách là đại diện của Kim Jong Un.

 

"Như vậy, có một số nhiệm vụ hành chính và liên lạc nên Kim Jong Un đã cử Kim Yong Bok đến làm người ra quyết định ủy nhiệm cho đến khi sự hiện diện của đơn vị KPA được củng cố hoàn toàn."

 

Theo ông Madden, Kim Yong Bok cuối cùng có thể chuyển giao quyền chỉ huy cho một sĩ quan KPA cấp dưới có cấp bậc Đại tá hoặc Thiếu tướng.

 

Các sĩ quan cấp cao khác được Ukraine xác định bao gồm Đại tá Ri Chang Ho, Phó Tổng tham mưu trưởng, người đứng đầu Tổng cục Trinh sát, và Thiếu tướng Sin Kum Cheol, Trưởng ban Tổng cục Tác chiến Chính.

 

Là người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Triều Tiên kể từ khoảng năm 2022, ông Ri đã bị Hàn Quốc trừng phạt. Seoul cáo buộc ông giám sát các nỗ lực tấn công mạng lớn nhằm đánh cắp công nghệ và ngoại tệ.

 

Giống như Kim Yong Bok, ông Ri cũng tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến một số lượng lớn các sự kiện bất thường trong năm nay, bao gồm cả việc thị sát một căn cứ hải quân bờ biển phía đông.

 

Ông Madden cho biết sự nghiệp của ông Sin vẫn chưa rõ ràng, nhưng với cấp bậc một sao của mình, ông có khả năng sẽ nắm quyền chỉ huy quân đội Triều Tiên tại Nga sau khi Kim Yong Bok và Ri Chang Ho rời đi.

 

 




BẰNG CHỨNG CHO THẤY DRONE CỦA NGA SĂN LÙNG DÂN THƯỜNG (Yogita Limaye | BBC News)

 



Bằng chứng cho thấy drone của Nga săn lùng dân thường

Yogita Limaye

BBC News, đưa tin từ Kherson

31 tháng 10 2024, 18:41 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn42m9xr27yo

 

Gần trưa, Serhiy Dobrovolsky, một người bán vật liệu xây dựng và công cụ, trở về nhà ở Kherson, miền nam Ukraine.

 

Ông bước vào sân, châm một điếu thuốc và tán gẫu với người hàng xóm sát vách. Đột nhiên, họ nghe thấy tiếng máy bay không người lái (drone) vo ve trên đầu.

 

Bà Angela, vợ của ông Serhiy 32 năm qua, nói rằng bà thấy chồng mình chạy và tìm chỗ ẩn nấp khi chiếc drone thả xuống một quả lựu đạn.

 

“Ông ấy chết trước khi xe cứu thương kịp tới. Họ bảo tôi rằng ông ấy rất xui xẻo khi bị một mảnh lựu đạn đâm thẳng vào tim,” bà kể mà không kìm được nước mắt.

 

Ông Serhiy là một trong 30 dân thường bị giết trong làn sóng tăng cao đột ngột của các cuộc tấn công bằng drone của Nga từ ngày 1/7, chính quyền quân sự thành phố nói với BBC.

 

Họ ghi nhận đã có hơn 5.000 vụ tấn công bằng drone trong giai đoạn này, khiến hơn 400 dân thường bị thương.

 

Drone đã làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine, với việc cả Ukraine và Nga sử dụng drone để nhắm vào các mục tiêu quân sự.

 

Nhưng BBC đã nghe lời chứng và xem những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy việc Nga sử dụng drone để nhắm vào dân thường ở thành phố tiền tuyến Kherson.

 

“Họ thấy rõ họ đang giết ai,” bà Angela nói. “Đây là cách họ muốn chiến đấu sao, bằng cách thả bom xuống đầu người đi đường à?”

 

Nếu Nga được xác định cố ý nhằm vào dân thường, đó sẽ là tội ác chiến tranh.

 

Quân đội Nga không trả lời câu hỏi của BBC liên quan tới những cáo buộc trên.

 

Từ khi xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022, Nga vẫn luôn phủ nhận họ có chủ đích nhằm tới dân thường.

 

XEM TIẾP >>>>>  

 

 





ANDREW ĐỖ NHẬN TỘI HỐI LỘ, SẼ BỊ TUYÊN ÁN VÀO NGÀY 31 THÁNG BA, 2025 (Đỗ Dzũng / Người Việt)

 



Andrew Đỗ nhận tội hối lộ, sẽ bị tuyên án ngày 31 Tháng Ba, 2025

Đỗ Dzũng/Người Việt

October 31, 2024 : 8:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/andrew-do-nhan-toi-hoi-lo-se-bi-tuyen-an-ngay-31-thang-ba-2025/

 

SANTA ANA, California (NV) – Cựu Giám Sát Viên Orange County Andrew Đỗ vừa chính thức nhận tội hối lộ liên quan đến hơn $10 triệu tiền COVID-19 trong phiên tòa tại tòa án liên bang ở Santa Ana hôm Thứ Năm, 31 Tháng Mười.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/DP-Andrew-Do-Nhan-Toi-2-1536x1152.jpg

Từ trái, Chánh Biện Lý Todd Spitzer của Orange County, và hai công tố viên quận hạt Avery Harrison và Laura Jean Berger tại cuộc họp báo bên ngoài tòa nhà Ronald Reagan Building, Santa Ana, nơi xét xử ông Andrew Đỗ. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

 

Sau khi nghe câu hỏi của Chánh Án James Selna là “Ông có nhận tội không?,” ông Andrew Đỗ trả lời: “Có.”

 

Chánh án cho biết ông Andrew Đỗ sẽ phải trở lại tòa ngày 31 Tháng Ba, 2025, để nghe tuyên án.

 

Theo thỏa thuận với Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, ông Andrew Đỗ nhận một tội hối lộ và có thể bị tù tối đa năm năm trong nhà tù liên bang.

 

Tuy nhiên, Chánh Án Selna cho biết ông Andrew Đỗ có thể bị nặng hơn nếu phía công tố phát hiện thêm tội khác.

 

Cũng theo thỏa thuận này, ông Andrew Đỗ không được quyền kháng án sau khi bị tuyên án.

Ngoài ra, ông tự nguyện ngưng hành nghề luật sư tại California.

 

Đứng giữa hai luật sư Eliot Krieger và Paul Meyer đại diện cho mình, ông Andrew Đỗ nói: “Tôi rất buồn vì những hành động của mình. Tôi đã nhận hối lộ và cố tình gây ảnh hưởng trong việc làm lợi cho con gái tôi và cho VAS (Viet America Society). Tôi xin thành thật xin lỗi gia đình và cộng đồng…”

 

Sau khi phiên tòa kết thúc, ông Andrew Đỗ quay sang ôm Luật Sư Paul Meyer và nhoẻn miệng cười. Sau đó, ông cùng Luật Sư Eliot Krieger bước ra ngoài qua một phòng khác.

Khác với hôm 28 Tháng Mười, lần này ông Andrew Đỗ nhìn có vẻ tự tin hơn, tóc chải gọn gàng hơn và có đeo cà vạt.

 

Phiên tòa lần này có nhiều người tham dự hơn lần trước, ngồi kín phòng xử.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/DP-Andrew-Do-Nhan-Toi-1.jpg

Cựu Giám Sát Viên Andrew Đỗ vừa nhận tội hối lộ liên quan đến $10 triệu tiền COVID-19 hôm 31 Tháng Mười và sẽ bị tuyên án tối đa năm năm tù vào ngày 31 Tháng Ba, 2025. (Hình minh họa: Julie Leopo/Voice of OC)

 

Phía công tố có bốn người, gồm ông Charles Pell, công tố viên liên bang, và ba công tố viên thuộc Biện Lý Cuộc Orange County.

 

Sau phiên tòa, ông Todd Spitzer, chánh biện lý Orange County, có một cuộc họp báo ngắn với truyền thông ở bên ngoài.

 

Ông nói: “Những gì chúng ta nghe ông Andrew Đỗ nói hôm nay là đặc biệt và lạ thường. Những gì ông Andrew Đỗ thú nhận cho thấy chúng tôi đã làm đúng.”

 

Khi được hỏi về các cá nhân khác liên quan có bị điều tra không, ông Spitzer nói: “Đương nhiên, vì cuộc điều tra đang tiến hành. Tuy nhiên, sẽ là không công bằng nếu bây giờ chúng ta đề cập đến bất cứ người nào chưa bị truy tố với bất cứ tội trạng nào.”

 

“Chúng tôi chưa điều tra xong và chúng tôi sẽ tiếp tục với các cá nhân có liên quan,” ông Spitzer nói thêm. “Chúng tôi quyết tâm bắt buộc các cá nhân liên quan phải trả lại những đồng tiền của người dân đóng thuế.”

 

Khi được hỏi về Tượng Đài Chiến Tranh Việt Nam xây dang dở trong công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, mà ông Andrew Đỗ “rót” tới $850,000 cho VAS làm, trong khi các kiến trúc sư độc lập nói chỉ đáng $185,000, chánh biện lý Orange County cho biết:

 

“Thật là xấu hổ khi số tiền này bị phung phí. Việc này tùy vào vị giám sát viên mới, sẽ được bầu vào ngày 5 Tháng Mười Một tới đây, có tiếp tục xây dựng tượng đài hay không.”

 

Tượng đài này hiện nằm trong khu vực công viên bị cô lập để sửa chữa và không mở cửa cho công chúng vào cho tới năm 2026.

 

Trước đó, trong phiên tòa hôm Thứ Hai, 28 Tháng Mười, ông Andrew Đỗ không nhận tội. Ông phải nộp sổ thông hành, không được ra khỏi nước Mỹ, đóng $50,000 tiền tại ngoại hậu tra, và không được bán hoặc chuyển nhượng bất cứ tài sản nào trị giá hơn $10,000.

 

Hôm 22 Tháng Mười, cư dân vùng Little Saigon, Nam California, nơi có nhiều người Việt nhất hải ngoại, và người dân Orange County vô cùng sửng sốt và xấu hổ khi biết Giám Sát Viên Andrew Đỗ nhận tội tham nhũng tiền của chính những đồng hương lớn tuổi và nghèo khó, và phải từ chức.

 

Theo Bộ Tư Pháp Mỹ, ông Andrew Đỗ thông qua số tiền $9.3 triệu để cung cấp thức ăn cho người già và người khuyết tật, nhưng chỉ có 15% của số tiền đó được sử dụng đúng mục đích, và phần còn lại “bị ăn cắp qua âm mưu của ông và được sử dụng theo nhiều cách.”

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/10/DP-Andrew-Do-Nhan-Toi-3-1536x1152.jpg

Tòa án liên bang trong tòa nhà Ronald Reagan Building, Santa Ana, nơi xét xử ông Andrew Đỗ tội hối lộ tiền COVID-19. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

 

Ông Andrew Đỗ đưa tiền cung cấp thực phẩm đó cho VAS, là tiền của liên bang và tiểu bang, nhưng không tiết lộ một trong những lãnh đạo của tổ chức đó là con gái mình, cô Rhiannon Đỗ.

 

Theo ông Spitzer trong cuộc họp báo hôm 22 Tháng Mười, ông Andrew Đỗ dùng $1 triệu để mua nhà cho con gái út, rồi dùng tiền của liên bang để trả thuế đất cho nhà ở Santa Ana và Tustin, còn rút tiền mặt từ máy ATM đến cả trăm ngàn đô la.

 

“Việc ông Andrew Đỗ nhận tội là lần đầu tiên có một giám sát viên Orange County bị truy tố trong 50 năm,” ông Spitzer cho biết.

 

Theo thỏa thuận với Bộ Tư Pháp, ngoài việc ở tù, ông Andrew Đỗ sẽ bị tịch biên hai căn nhà, một căn do cô Rhiannon Đỗ mua $1,035,000 ở Tustin, và một căn khác ở Santa Ana.

 

Đối với Biện Lý Cuộc Orange County, thỏa thuận của ông Andrew Đỗ là từ chức ngay lập tức và không được lãnh hưu bổng trong khoảng thời gian ông tham nhũng.

 

Ông Andrew từng là một trong năm giám sát viên Orange County, phụ trách điều hành ngân sách hàng năm của quận hạt lên đến $9.3 tỷ. Là giám sát viên của Địa Hạt 1, ông đại diện cho các thành phố và cộng đồng như Cypress, Fountain Valley, Garden Grove, Huntington Beach, La Palma, Los Alamitos, Midway City, Rossmoor, Seal Beach, và Westminster, trong đó có vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại. Ông giữ vị trí này từ năm 2015.

—–
Liên lạc tác giả: 
dodzung@nguoi-viet.com

 

 

 

 

 


ÔNG TRUMP DỌA TRUY TỐ NHỮNG NGƯỜI NÀY NẾU ĐẮC CỬ (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Ông Trump dọa truy tố những người này nếu đắc cử

BBC News Tiếng Việt

31 tháng 10 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0rgq2e11zjo

 

Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump từng tuyên bố sẽ điều tra hoặc truy tố các đối thủ chính trị, nhân viên bầu cử và những người cánh tả nếu tái đắc cử, theo Reuters.

 

Ông Trump tuyên bố sẽ điều tra những người mà ông cáo buộc (nhưng không đưa ra bằng chứng) rằng có thể gian lận theo hướng có lợi cho bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử ngày 5/11.

 

Ông từng tuyên bố rằng mình là nạn nhân của gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, dù các tòa án, chính quyền bang và thành viên trong chính quyền của ông trước đây đều bác bỏ những cáo buộc này.

 

Bà Harris từng nói rằng, nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ củng cố quyền lực cực đoan và không bị kiểm soát.

 

XEM TIẾP >>>>  

 

 

 

 

 





APIAVote : CỬ TRI GỐC VIỆT CHUYỂN HƯỚNG LỰA CHỌN TỔNG THỐNG MỸ (Linh Đan / VOA Tiếng Việt)

 



APIAVote: Cử tri gốc Việt chuyển hướng lựa chọn tổng thống Mỹ

Linh Ðan   |   VOA Tiếng Việt

01/11/2024

 https://www.voatiengviet.com/a/apiavote-cu-tri-goc-viet-chuyen-huong-lua-chon-tong-thong-my/7847191.html

 

Trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thường có xu hướng ủng hộ các ứng cử viên đảng Cộng hòa. Truyền thống này được biết tới kể từ khi những di dân Việt đến Mỹ tị nạn sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Lịch sử di dân của người Việt, theo các nhà phân tích, đã tạo ra sự khác biệt trong quan điểm chính trị của họ so với những sắc dân gốc Á khác tại Mỹ, những người phần lớn nghiêng về đảng Dân chủ.

 

“Chúng tôi thấy người Mỹ gốc Á nói chung ủng hộ ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ (nhưng) cộng đồng người Việt theo truyền thống là những người ủng hộ đảng Cộng hòa nhiều nhất,” Christine Chen, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Asian Pacific Islander American Vote (APIAVote), một tổ chức phi đảng phái thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng châu Á và các đảo Thái Bình Dương thông qua việc bỏ phiếu và sự gắn kết dân sự của họ, nói với VOA.

 

Nhưng điều này đang thay đổi, theo khảo sát của APIAVote.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-79ca-08dc6a1f792e_w1023_r1_s.jpg

Tòa nhà Quốc hội Mỹ và Đài tưởng niệm Washington ở thủ đô Mỹ. Cộng đồng người gốc Á trong đó có Việt Nam đang trở thành khối cử tri quan trọng trong cuộc đua giảnh chức tổng thống Mỹ năm nay.

 

Khảo sát mới của APIAVote đưa ra chỉ hơn 1 tháng trước ngày bầu cử 5/11, cho thấy người gốc Việt lại là nhóm ủng hộ lớn nhất cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã thay Tổng thống Joe Biden để tranh cử khi ông rút lui vào đầu tháng 9.

 

Bảy mươi bảy phần trăm (77%) người Việt nói rằng họ “sẽ có xu hướng bỏ phiếu cho Kamala Harris” khi được hỏi về lựa chọn giữa bà Harris với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump hay một ứng viên nào đó, theo khảo sát được thực hiện với những người đủ tư cách đi bầu và đã đăng ký bỏ phiếu. Người gốc Việt là nhóm cử tri ủng hộ lớn nhất trong các nhóm Mỹ gốc Á, gồm Ấn Độ với 69%, Philippines 68% và Nhật Bản 67%, vốn là những sắc dân có lượng cử tri thiên về đảng Dân chủ nhiều nhất từ trước tới nay. Con số ủng hộ của người gốc Việt cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 64% người Mỹ gốc Á ủng hộ bà Harris.

 

Điều này cho thấy một sự thay đổi lớn so với kỳ bầu cử năm 2020, khi người gốc Việt là nhóm ủng hộ đảng Dân chủ ít nhất. Trong khảo sát của AAPIVote 4 năm trước, chỉ có 36% người Việt có xu hướng ủng hộ ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ lúc đó, so với 65% người gốc Ấn, 61% người gốc Nhật – cũng là 2 nhóm sắc dân dẫn đầu – và các nhóm khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines đều có lượng cử tri ủng hộ ông Biden cao hơn.

 

Cộng đồng Việt lúc đó là nhóm lớn nhất ủng hộ ông Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa tái tranh cử tổng thống trước ông Biden, người lần đầu ra tranh cử. Với 48% ủng hộ ông Trump, lượng người gốc Việt muốn bầu cho đương kim tổng thống lúc đó cao hơn mức trung bình 30% của các sắc dân gốc Á nói chung.

 

Nhưng trong kỳ bầu cử này, người gốc Việt lại là nhóm sắc dân có số lượng cử tri ít nhất có thiên hướng bầu cho ông Trump. Chỉ có 20% người gốc Việt nói rằng họ ủng hộ cựu tổng thống của đảng Cộng hòa, thấp hơn so với tất cả các nhóm sắc dân khác trong cộng đồng Mỹ gốc Á.

 

 Theo bà Chen, xu hướng chuyển dịch quan điểm chính trị này của người gốc Việt đã bắt đầu cách đây vài năm.

 

“Vào năm 2022, với cuộc khảo sát, chúng tôi thực sự bắt đầu thấy một sự thay đổi khi cử tri gốc Việt bắt đầu cho thấy họ độc lập hơn nhiều và một số người trong số họ bắt đầu chuyển sang Dân chủ, ủng hộ đảng Dân chủ hay thậm chí nhận mình là đảng viên Dân chủ,” bà Chen nói và cho biết bà không ngạc nhiên vì sự thay đổi này vì xu hướng này đang tiếp diễn từ năm 2022, vốn là kỳ bầu cửa giữa kỳ ở Mỹ.

 

“Nhưng tôi nghĩ trong kỳ bầu cử này, mọi điều đều có thể xảy ra,” bà Chen nói. “Tuy nhiên, tôi thấy rằng kể từ khi bà Harris trở thành ứng cử viên, đã có nhóm ‘Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Harris’. Họ rất năng nổ.”

 

https://gdb.voanews.com/81a90255-3c56-4242-b4f5-fc7b8058d4f9_w650_r1_s.jpeg

Nhóm "Người gốc Việt ủng hộ Harris"

 

Nhận định về sự thay đổi này, bà Chen nói rằng “trong những năm của thập kỷ 1990 và 2000, các ứng viên của đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ của những người (gốc Việt) lớn tuổi và cộng đồng tị nạn vì họ đã thúc đẩy mạnh mẽ rằng họ thực sự giỏi (về chống) chủ nghĩa Cộng sản.”

 

“Nhưng những người Mỹ gốc Việt, giờ đây là thế hệ thứ hai, những người có lẽ trẻ hơn, giờ đã đến tuổi trưởng thành và đủ điều kiện bỏ phiếu,” bà Chen nói. “Và họ không nhất thiết chỉ tập trung vào chủ nghĩa Cộng sản. Họ có xu hướng nhìn rộng hơn về những vấn đề khác quan trọng đối với họ. Và đó là lý do tại sao lại thực sự có sự thay đổi này.”

 

Người Mỹ gốc Việt chiếm khoảng 10% dân số người Mỹ gốc Á tại Mỹ và nhóm sắc dân phát triển nhanh nhất cũng như là khối cử tri ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ, theo khảo sát của Pew. Dữ liệu điều tra dân số năm 2021 cho thấy người gốc Việt là cộng đồng gốc Á lớn thứ 4 tại Mỹ – sau Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, chiếm khoảng 2,3 triệu người.

 

 

‘Bỏ phiếu cho ứng viên phù hợp giá trị của mình’

 

Vũ Nguyễn, một cử tri gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Oakland, California, cho biết anh “luôn bỏ phiếu dựa trên những vấn đề và cho các ứng cử viên phù hợp với các giá trị của tôi và nhu cầu của cộng đồng”, nhưng không muốn tiết lộ sẽ bầu cho ai vào ngày 5/11.

 

Anh Vũ, hiện là quản lý về gắn kết cộng đồng tại California Healthy Nail Salon Collaborative (CHNSC), một tổ chức chuyên giúp những người làm việc tại các cửa hàng làm móng tay móng chân có quyền lợi và môi trường làm việc tốt hơn. Trong mùa bầu cử, theo anh Vũ cho biết, anh và các thành viên tại CHNSC gọi điện tới các cử tri gốc Việt để “tìm cách giúp họ hiểu biết về các quyền bỏ phiếu, ý nghĩa của việc chia sẻ tiếng nói của họ.”

 

Nhận xét về sự thay đổi trong quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Việt, anh Vũ nói rằng “cộng đồng người Việt đang quan tâm tới nhiều vấn đề hơn so với những kỳ bầu cử trước đây.”

 

“Cộng đồng đang thay đổi sự ủng hộ chính trị của họ dựa trên cách những vấn đề tác động đến cuộc sống hàng ngày của họ,” anh Vũ, nói. “Điều tôi nhận thấy khi giúp những người làm việc tại tiệm làm móng là có thể, họ hướng đến một ứng cử viên ủng hộ mạnh mẽ hơn các biện pháp bảo vệ người lao động, dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng và quyền tiếp cận sức khỏe sinh sản, vốn đang trở thành những yếu tố chính trong việc quyết định bỏ phiếu của họ.”

 

https://gdb.voanews.com/16e3b461-c17d-4efe-be49-dfa396b0e80f_cx0_cy12_cw100_w250_r0_s.jpg

Anh Vũ Nguyễn, quản lý về gắn kết cộng đồng tại California Healthy Nail Salon Collaborative (CHNSC), giúp cử tri gốc Việt chia sẻ tiếng nói của họ qua lá phiếu.

 

Kỳ thị chủng tộc, phá thai, kinh tế, biến đổi khí hậu, tội ác và bạo lực là những vấn đề người gốc Việt quan tâm nhất khi đi bỏ phiếu vào tháng 11, theo khảo sát của APIAVote.

 

Trong thời gian làm tổng thống, ông Trump đã đưa ra những phát ngôn giữa thời kỳ đại dịch COVID khiến kỳ thị chủng tộc tăng cao đối với người gốc Á. Ông cũng là người nhiều lần tìm cách xóa bỏ chính sách bảo hiểm y tế giá cả phải chăng Obamacare do Tổng thống tiền nhiệm của ông, Barack Obama, đưa ra. Tòa án Tối cao Mỹ, với 3 thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm, đã xóa bỏ án lệ Roe v. Wade vốn bảo vệ quyền nạo phá thai của phụ nữ ở cấp liên bang để trao quyền quyết định cấm hay không cho các tiểu bang. Bà Harris cho biết, nếu được bầu vào Nhà Trắng, bà sẽ “tự hào” ký lệnh phục hồi quyền tự do được quyết định về nạo phá thai cho phụ nữ.

 

Về mặt kinh tế, ông Trump có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn so với bà Harris khi nhiều người cho rằng vị cựu tổng thống tỷ phú có khả năng điều hành nền kinh tế tốt hơn trong khi chính quyền Biden-Harris phải vật lộn để khống chế mức lạm phát cao vì hậu quả của đại dịch COVID.

 

‘Có sự khác biệt về quan điểm trong các thế hệ người gốc Việt’

 

Ông Baoky Vu, người từng là thành viên ban cố vấn tổng thống dưới thời Bush và thành viên trong ban bầu cử tiểu bang Georgia, cho biết rằng theo sự quan sát của ông “khối người Việt ủng hộ đảng Dân chủ giờ đây cao hơn những sắc dân khác” trong cộng đồng Mỹ gốc Á.

 

Theo người từng là di dân Việt tới Mỹ sau năm 1975, có sự khác biệt giữa các thế hệ người gốc Việt về quan điểm chính trị và rằng thế hệ của “những cử tri trẻ, những cử tri chưa đến trung niên hứng khởi (đi bầu) vì họ thấy đây là cơ hội để mình bước đến một con đường mới.”

 

Khảo sát cho thấy, 77% cử tri gốc Việt nói rằng họ “chắc chắn” sẽ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử năm nay.

 

Kể từ khi thay thế ông Biden trong cuộc đua với ông Trump, bà Harris trở thành ứng cử viên trẻ hơn của đảng Dân chủ và tạo được ấn tượng đối với người gốc Việt. Theo khảo sát của APIAVote, 63% người gốc Việt có ấn tượng tốt với bà Harris so với 30% giành cho ông Trump.

 

“Trong 8 năm qua, ông Trump là người chỉ lo đến vấn đề cho ông ấy thôi… và ông ấy đã gây nên một hoàn cảnh chính trị khá ngột ngạt, nhất là ông đã từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020,” ông Baoky, người được bầu làm đại cử tri của Georgia nhưng đã từ chức vì quyết định không bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, nói.

 

Ông Trump cho rằng có gian lận trong bầu cử và đã bị luận tội liên quan đến việc kích động cuộc bạo loạn ngày 1/6/2021 vào quốc hội Mỹ khi các nhà lập pháp chứng thực kết quả chiến thắng cho ông Biden. Tuy nhiên, ông Trump đều được tha bổng trong cả 2 lần luận tội, gồm cả lần đầu vì cáo buộc lạm dụng quyền lực.

 

“(Người gốc Việt) thay đổi cái nhìn vì đây là một người hướng về tương lai và một người kia thì lại hướng về quá khứ,” ông Baoky, thành viên của nhóm Republicans for Harris (Người Cộng Hòa ủng hộ Harris) đi vận động những người Cộng hòa bầu cho bà Harris ở tiểu bang quê nhà của ông ở Georgia, nói.

 

Theo bà Chen, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã đầu tư nguồn lực và chú ý tới cộng đồng người Mỹ gốc Á, trong đó có người gốc Việt, và “nó có thể thực sự mang lại hiệu quả.”

 

Người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử Harris-Walz chuyên về người Mỹ gốc Á, Hawaii bản địa và các đảo Thái Bình Dương, Andrew Peng, cho VOA biết rằng bà Harris “đã tranh đấu cho các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc Việt – từ đầu tư vào tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ đến việc giữ cho cộng đồng an toàn khỏi bạo lực súng đạn và bảo vệ quyền tự do của chúng ta.”

 

Ông Peng còn nói rằng chiến dịch Harris-Walz đã và đang hợp tác chặt chẽ với khoảng một chục nhóm cơ sở như “Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Harris” và đầu tư đáng kể vào truyền thông trả phí cũng như tổ chức các sự kiện tiếp xúc trực tiếp cử tri theo từng nền văn hóa cụ thể để tiếp cận cử tri Mỹ gốc Á ở mọi tiểu bang chiến trường.

 

Chiến dịch của bà Harris đã tung ra 3 quảng cáo trả phí nhắm vào cộng đồng người gốc Á tại các tiểu bang chiến trường, nơi có thể quyết định sự chiến thắng của một ứng viên khi cuộc đua vô cùng sít sao, trong đó có một video nói về người mẹ gốc Ấn Độ của bà.

 

Chiến dịch tranh cử Trump-Vance không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA về sự thay đổi trong quan điểm chính trị của người Mỹ gốc Việt khi chuyển hướng từ ủng hộ ông Trump sang ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ, nay là bà Harris. Ông Trump đã có một cuộc tiếp xúc với những người ủng hộ gốc Việt ở Eden Center, Virginia, vào cuối tháng 8 vừa qua, tại đó ông nói rằng “cộng đồng người Việt yêu quý tôi.”

 

Khảo sát gần đây nhất của Pew đưa ra vào năm 2023 cho thấy 51% cử tri gốc Việt đã đăng ký đi bầu tự nhận họ hoặc thiên về Đảng Cộng hòa trong khi phần lớn những người Mỹ có gốc châu Á khác có thiên hướng gắn kết với đảng Dân chủ.

 

Nhận định về sự chuyển biến trong quan điểm chính trị của người gốc Việt ở Mỹ, Nu-Anh Tran, phó giáo sư Khoa lịch sử và Viện nghiên cứu châu Á và người Mỹ gốc Á của Đại học California phân viện Berkeley, nói với VOA rằng “hầu hết người Mỹ gốc Việt đều có nguồn gốc từ Việt Nam Cộng hòa và nền chính trị của Việt Nam Cộng hòa rất đa dạng, bao gồm cả khuynh hướng dân chủ và tiến bộ cũng như những khuynh hướng độc đoán, quân phiệt.”

 

“Cách các quan điểm chính trị được tập trung và được định hình ở Việt Nam Cộng hòa không nhất thiết phải phản ánh trực tiếp vào chính trị đảng phái của Mỹ, và ngay cả những cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho cùng một đảng cũng có thể có quan điểm chính trị khác biệt khi đặt trong bối cảnh chính trị miền Nam Việt Nam,” bà Nu-Anh, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về miền Nam Việt Nam thập niên 1960, nói.

 

Trong khi đó Tiến sỹ Y Thien Nguyen, phó giáo sư của khoa nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương tại Đại học California phân viện Dominguez Hills, cho rằng cần phải chờ xem mức độ của sự thay đổi có đến mức như các cuộc khảo sát hay không sau ngày bầu cử. Nhưng ông nói ông “tự tin rằng có một sự chuyển biến” trong quan điểm chính trị của người gốc Việt.

“Có một sự thay đổi trong cách người Mỹ gốc Việt tiếp cận ông Trump và cách họ nhìn nhận bà Harris. Bởi vì đây là bối cảnh chính trị rất khác so với những gì chúng ta biết tới từ năm 2020,” Tiến sĩ Y, từng là thành viên của Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ - Việt Nam tại Đại học Oregon, nói và cho biết có những yếu tố đóng góp vào xu hướng thay đổi này, trong đó có sự mở rộng của thế hệ trẻ người gốc Việt – những người quan tâm nhiều hơn đến công bằng xã hội.

 

Từ California, nơi có cộng đồng người Việt di tản sau chiến tranh lớn nhất ở Mỹ, anh Vũ cho biết gia đình anh cũng nằm trong số những người phải rời bỏ Việt Nam và giờ đây anh sẽ bầu chọn cho ứng cử viên nào tốt nhất cho cộng đồng của mình. Anh Vũ, thuộc thế hệ người gốc Việt sinh ra ở Mỹ, cho rằng “đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ bảo vệ người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và những thứ tương tự, đặc biệt là cộng đồng người nhập cư.”

 

“Tôi quan tâm tới những vấn đề về chăm sóc sức khỏe, kinh tế, giáo dục. Đó là những vấn đề cơ bản ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng cũng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và các cộng đồng di dân,” anh Vũ, 33 tuổi, nói và cho biết anh đã bỏ phiếu bầu tổng thống trong mọi cuộc bầu cử kể từ khi anh đủ tuổi đi bầu.

 

“Đó là những vấn đề mà tôi thấy quan trọng đối với tôi vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến những người tôi đang làm việc cùng và quan tâm đến, bao gồm cả mẹ tôi, người đang làm tại một tiệm làm móng, và những nhân viên trong các tiệm nail.”

 

------------------------------------

Khảo sát APIAVote 2024

 

36% người gốc Việt quan ngại “tin giả, thông tin sai” về ứng cử viên

 

34% người gốc Việt quan ngại về bạo loạn hậu bầu cử

 

49% người gốc Việt quan ngại về các thách thức pháp lý đối với cuộc bầu cử

 

51% người gốc Việt tin bà Harris kiểm soát quan hệ Mỹ - Trung Quốc tốt hơn ông Trump

 

29% người gốc Việt tin ông Trump kiểm soát quan hệ Mỹ - Trung Quốc tốt hơn bà Harris

 

50% người gốc Việt tin bà Harris kiểm soát quan hệ Mỹ - Đài Loan tốt hơn ông Trump

 

25% người gốc Việt tin ông Trump kiểm soát quan hệ Mỹ - Đài Loan tốt hơn bà Harris

 

 

 

 


NHỮNG CỬ TRI CÓ THỂ QUYẾT ĐỊNH SỐ PHẬN CUỘC BẦU CỬ MỸ (Ana Faguy & Rachel Looker / BBC News)

 



Những cử tri có thể quyết định số phận cuộc bầu cử Mỹ

Ana Faguy & Rachel Looker

BBC News

31 tháng 10 2024, 15:05 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckgv0ee8n8ro

 

Bill Donovan biết rằng mọi lá phiếu đều quan trọng ở tiểu bang dao động Pennsylvania.

 

Đó là lý do tại sao đảng viên Dân chủ 78 tuổi này đã đi từ trường đại học này sang trường đại học khác trên khắp thành phố Pittsburgh để tiếp cận sinh viên tại các quán cà phê và trên vỉa hè, kêu gọi họ đã đăng ký bỏ phiếu.

 

Ông Donovan ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử năm nay và làm tình nguyện viên cho một nhóm phi lợi nhuận nhằm tăng tỷ lệ cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu tại tiểu bang này.

 

Với 19 phiếu đại cử tri - nhiều nhất trong các tiểu bang dao động - Pennsylvania đã trở thành nơi mà cả hai chính đảng muốn chiến thắng bằng được trong kỳ bầu cử này và điều đó đã thu hút sự chú ý của các cử tri.

 

Ông Donovan nói rằng họ phải tận dụng cơ hội.

 

“Nhiều người nói rằng đây là nơi mọi chuyện sẽ được quyết định… và tôi nghĩ họ có thể đúng. Điều đó giúp chúng tôi có thêm chút động lực để tiếp tục công việc thay vì đi về nhà," ông nói với BBC.

 

Kết quả tại Pennsylvania thường được coi là yếu tố dự đoán ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong 12 kỳ bầu cử gần nhất, tiểu bang này đã bầu cho bên chiến thắng tới 10 lần.

 

Pennsylvania cũng nổi tiếng về các cuộc đua ngang ngửa. Cựu Tổng thống Donald Trump đã thắng tại Pennsylvania vào năm 2016. Bốn năm sau, Tổng thống Joe Biden đã giành chiến thắng sít sao.

 

Khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử 5/11, các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris và ông Trump đang có sự cạnh tranh quyết liệt tại bang dao động này.

 

XEM TIẾP >>>>>

 

 

 

 



PHONG SÁT NGHỆ SĨ : VIỆT NAM HỌC TRUNG QUỐC? (Diễm Thi / RFA)

 



Phong sát nghệ sĩ: Việt Nam học Trung Quốc?

Diễm Thi, RFA
2024.10.31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/artist-censorship-vietnam-learns-from-china-10312024160019.html  

 

Người nổi tiếng mà “lệch chuẩn” sẽ bị hạn chế xuất hiện để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ; nghệ sĩ “vi phạm pháp luật và vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm sóng, cấm diễn” … là những yêu cầu của người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

 

Phong sát nghệ sĩ được hiểu là các nghệ sĩ bị cấm sóng, cấm mạng, cấm diễn nhằm mục đích hạn chế ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội. Và Việt Nam được cho là đang có khuynh hướng sao chép cách làm này của Trung Quốc nhưng với một tên gọi khác.

 

Trong cuộc họp báo cuối năm 2022, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, phàn nàn rằng các chế tài ở thời điểm đó (phạt tiền từ 5 đến 15 triệu) là “chưa đủ sức răn đe” đối với người nổi tiếng. 

 

Chỉ ba tháng sau, tháng 3 năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 512, được mô tả là một kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình, và thông tin điện tử trong giai đoạn tới năm 2025.

 

Trao đổi với báo chí Nhà nước sau đó, vị quan chức với cái tên Tự Do, giải thích rằng tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất không dùng từ “phong sát” hay “cấm” mà dùng cụm từ “hạn chế hình ảnh”, “hạn chế phát sóng”. Theo đó, từ tháng 10 năm 2023, những nghệ sĩ; người nổi tiếng trên mạng và những người có sức ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

 

Mục đích của việc ban hành chính sách trên, theo đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhằm “răn đe” giới nghệ sĩ.

 

Báo chí trong nước sau đó đã đồng loạt tuyên truyền hưởng ứng chính sách mới.

 

Đơn cử, chỉ hơn hai tuần sau khi Quyết định 512 được ban hành, Kênh 14, một trang tin giải trí được đông đảo giới trẻ trong nước theo dõi, đã cho đăng bài “Vụ cấm sóng, cấm diễn với nghệ sĩ vi phạm pháp luật: Lệnh phong sát là đúng”.  

 

 

XEM TIẾP >>>>>  

 

 

 



HAI NHÀ HOẠT ĐỘNG : TUYÊN GIÁO KHÔNG CÒN HỢP THỜI, CẦN CỔ SÚY XÃ HỘI DÂN SỰ (VOA Tiếng Việt)

 



Hai nhà hoạt động: Tuyên giáo không còn hợp thời, nên dẹp; cần cổ súy xã hội dân sự

VOA Tiếng Việt

01/11/2024

https://www.voatiengviet.com/a/hai-nha-hoat-dong-tuyen-giao-khong-con-hop-thoi-nen-dep-co-suy-xa-hoi-dan-su/7847249.html

 

Sau khi nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam mới đây căn dặn bộ máy tuyên giáo chớ có giáo điều, nói không đi đôi với làm, hai nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội nói với VOA rằng ngành tuyên giáo đã lỗi thời, hại nhiều hơn lợi và nên dẹp bỏ.

 

https://gdb.voanews.com/6cddf997-ccbb-4e0e-b350-962402c86620_cx4_cy0_cw95_w1023_r1_s.jpg

Tổng Bí thư ĐCS VN Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, 29/10/2024.

 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm họp với Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng hôm 29/10, Dân Trí, Thanh Niên và nhiều báo mạng khác cho hay.

 

Vị tổng bí thư – người có thực quyền quyết sách lớn nhất của đất nước - đề ra mục tiêu của công tác tuyên giáo “trong giai đoạn cách mạng mới” là phải tạo ra sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí “trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Thanh Niên, Dân Trí và truyền thông trong nước tường thuật.

 

Ông Lâm nói ngành tuyên giáo cần “tập trung xây dựng đội ngũ ‘bút chiến’ có lý luận sắc bén và am hiểu sâu sắc thực tiễn để viết ra “các chuỗi bài có tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục cao” có tác dụng “tạo đồng thuận trong thực hiện những chủ trương lớn, giải quyết những vấn đề bức xúc” và cùng “phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.

 

Ngoài ra, người đứng đầu đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo Việt Nam đề nghị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo và ông cảnh báo rằng “nếu đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo không thực chất, không thực lòng, không đổi mới, không sáng tạo thì không đi vào lòng người, lòng dân”, theo trích dẫn trên Dân Trí và Thanh Niên.

 

“Kẻ thù của tuyên giáo là giáo điều, nói không đi đôi với làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hai bản tin của Dân Trí và Thanh Niên tường thuật.

 

Trong khi cuộc họp của ông Lâm với Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy cơ quan này có tầm quan trọng trong hệ thống chính quyền, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng lại cho rằng “lợi ích của nó đối với đất nước bằng không hoặc âm”.

 

Ông Hùng lập luận rằng Ban Tuyên giáo Trung ương là công cụ của chính quyền thực hiện việc tuyên truyền “nhồi sọ, một chiều, dối trá”, theo cách dùng từ của ông, để “biện bạch về sự tồn tại của hệ thống” và thúc đấy “tín điều sai trái về chủ nghĩa Marx-Lenin”. Ông nói với VOA hôm 31/10:

 

“Nó không những không có lợi gì mà còn gây hại cho cả đất nước này. Có thể nói đấy là công cụ ngu dân, tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của nhân dân. Nếu muốn đất nước này thực sự bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi nghĩ Ban Tuyên giáo cần phải là một trong những cơ quan đầu tiên bị dẹp bỏ, vứt vào sọt rác”.

 

XEM TIẾP >>>>>