Friday, October 11, 2024

TRUNG QUỐC ĐÃ SẴN SÀNG CHO CHIẾN TRANH (Seth G. Jones  -  Foreign Affairs)

 



 

Trung Quốc đã sẵn sàng cho chiến tranh

Seth G. Jones  -  Foreign Affairs   

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

10/10/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/10/10/trung-quoc-da-san-sang-cho-chien-tranh/

 

Nhưng với một cơ sở công nghiệp quốc phòng đang sụp đổ, nước Mỹ lại chưa sẵn sàng

 

Trong bối cảnh lưỡng đảng ngày càng nhất trí rằng Mỹ cần phải làm nhiều hơn để kiềm chế Trung Quốc, phần lớn cuộc tranh luận chính sách tại Washington tập trung vào sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Hiện nay, xét đến các vấn đề kinh tế của Trung Quốc – tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên, thị trường bất động sản gặp khó khăn, nợ công tăng, xã hội già hóa, và tăng trưởng thấp hơn dự kiến – một số học giả và nhà hoạch định chính sách dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ buộc phải hạn chế chi tiêu quốc phòng. Những người khác thậm chí còn nói rằng quân đội Trung Quốc được đánh giá quá cao, tin rằng họ sẽ không thể thách thức sự thống trị của Mỹ trong thời gian tới.

 

VIDEO :

Trung Quốc đã sẵn sàng cho chiến tranh

https://www.youtube.com/watch?v=pMHD5DWoaDQ

 

Tuy nhiên, những đánh giá này đã không nhận ra được mức độ phát triển thực sự của cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Bất chấp những thách thức kinh tế hiện tại, chi tiêu quốc phòng của nước này đang tăng vọt và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đang ở trong bối cảnh thời chiến. Thật vậy, Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí được thiết kế nhằm răn đe Mỹ, và nếu răn đe thất bại, chúng sẽ được dùng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến giữa hai cường quốc. Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về khả năng sản xuất vũ khí hàng loạt. Ở một số lĩnh vực, Trung Quốc thậm chí đang dẫn đầu: nước này đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới, với công suất lớn gấp khoảng 230 lần so với Mỹ. Từ năm 2021 đến đầu năm 2024, cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã sản xuất hơn 400 máy bay chiến đấu hiện đại và 20 tàu chiến lớn, tăng gấp đôi kho đầu đạn hạt nhân, tăng hơn gấp đôi kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, đồng thời phát triển một dòng máy bay ném bom tàng hình mới. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng tăng số lần phóng vệ tinh lên 50%. Nước này hiện đang mua các hệ thống vũ khí với tốc độ nhanh gấp năm đến sáu lần so với Mỹ. Đô đốc John Aquilino, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, mô tả sự mở rộng quân sự này là “bước phát triển sâu rộng và nhanh chóng nhất kể từ Thế chiến II.”

 

Trung Quốc rõ ràng đã trở thành một thế lực quân sự nặng ký, trong lúc cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang không theo kịp. Trước đây, khi chứng kiến các cường quốc phe Trục tiến quân ở Châu Âu và Châu Á, Tổng thống Franklin Roosevelt đã huy động cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ, gọi đó là “kho vũ khí của nền dân chủ.” Ngày nay, người Mỹ cũng cần một nỗ lực tương tự. Sản xuất quốc phòng của Mỹ đã suy giảm, và hệ thống cũng thiếu năng lực và tính linh hoạt cho phép quân đội Mỹ ngăn chặn Trung Quốc và cho phép họ chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc một cuộc chiến hai mặt trận ở Châu Á và Châu Âu. Washington phải khắc phục những điểm nghẽn quan trọng và phải hành động nhanh chóng nếu muốn bắt kịp đối thủ. Nói đơn giản, Mỹ cần dành nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn để chuẩn bị cho quân đội của mình nếu họ muốn thành công trong việc xây dựng một kho vũ khí mới cho nền dân chủ.

 

CỦNG CỐ QUÂN SỰ NHANH CHÓNG

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rõ rằng phát triển một quân đội đẳng cấp thế giới là trọng tâm trong mục tiêu theo đuổi “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trên mọi mặt trận.” Một phần quan trọng trong quá trình này là xây dựng một cơ sở công nghiệp quốc phòng đủ khả năng sản xuất phần cứng (như tàu, máy bay, xe tăng, và tên lửa) lẫn phần mềm (như công nghệ và các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, và tình báo) mà lực lượng vũ trang cần. Trong vòng 10 năm, việc Trung Quốc có thể sản xuất tàu mặt nước và tàu ngầm, máy bay, hệ thống phòng không, tên lửa, hệ thống đổ bộ, tàu vũ trụ, và vũ khí mạng đã giúp nước này trở thành đối thủ cạnh tranh thực sự của Mỹ.

 

Động lực thúc đẩy sản xuất là các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, nhóm chịu trách nhiệm phát triển và xây dựng các hệ thống vũ khí của đất nước. Ngày nay, bốn trong số mười công ty lớn nhất thế giới về doanh thu kết hợp quốc phòng và phi quốc phòng là công ty Trung Quốc, bao gồm hai công ty lớn nhất: Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC). Đây là một sự thay đổi lớn so với một thập kỷ trước, khi không một công ty Trung Quốc nào lọt vào top 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới. Nếu xét riêng doanh thu quốc phòng, Trung Quốc hiện có năm công ty nằm trong top 12 toàn cầu, cũng tăng từ con số không cách đây mười năm. Các công ty quốc phòng Trung Quốc hiện đang cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ như Lockheed Martin, RTX (Raytheon), Boeing, Northrop Grumman, và General Dynamics về quy mô và năng lực sản xuất.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_offset_image_large_1x/public/images/2024/09/30/092324_Jones.png.webp?itok=fW0KFAk_

Mười công ty quốc phòng lớn nhất thế giới theo tổng doanh thu năm 2023. Nguồn: Defense News, “100 công ty quốc phòng hàng đầu,” 2024.

 

Nhưng năng lực sản xuất quốc phòng không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã cải thiện quy trình nghiên cứu, phát triển, và mua sắm các hệ thống vũ khí, theo đó cho phép Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sản xuất các nền tảng tiên tiến trong các lĩnh vực phức tạp như hàng không tàu sân bay, vũ khí siêu thanh, và hệ thống đẩy. Ngoài phần cứng quân sự, PLA còn xây dựng hạ tầng kiến trúc kỹ thuật số mà trong trường hợp xảy ra chiến tranh, sẽ giúp quân đội phối hợp các mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, mạng, tình báo, giám sát, trinh sát, và triển khai hỏa lực với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cùng nhiều công nghệ mới nổi khác.

 

Ví dụ rõ ràng nhất cho sự thống trị của quân đội Trung Quốc là lực lượng hải quân của nước này. Nhờ năng lực đóng tàu vượt trội, Hải quân PLA đã trở thành lực lượng lớn nhất thế giới. Hải quân Mỹ ước tính rằng chỉ một xưởng đóng tàu của Trung Quốc – chẳng hạn như xưởng trên Đảo Trường Hưng, nằm dọc theo bờ biển phía đông của Trung Quốc – hiện có năng lực lớn hơn tất cả các xưởng đóng tàu của Mỹ cộng lại. Phạm vi sản xuất của hải quân Trung Quốc bao gồm mọi thứ từ động cơ turbine khí và động cơ diesel đến vũ khí trên tàu, hệ thống điện tử, tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, và hệ thống không người lái. Trong thập kỷ qua, Hải quân PLA cũng đạt được những tiến bộ lớn trong việc chế tạo tàu hộ tống, đóng tám tàu khu trục, và hoàn thiện hai tàu sân bay Sơn Đông và Phúc Kiến. Tàu Phúc Kiến được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ, cho phép thực hiện các hoạt động trên không toàn diện hơn, giúp tàu sân bay này mạnh hơn hẳn các mẫu trước đây của Trung Quốc. Nó có thể triển khai tới 70 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu và trực thăng chống ngầm.

 

Dù vậy, Hải quân PLA vẫn tụt hậu so với Hải quân Mỹ trong một số lĩnh vực. Trung Quốc có nhiều tàu hơn Mỹ, nhưng các tàu này đều nhỏ hơn. Trung Quốc cũng gặp bất lợi về hỏa lực; hạm đội của họ chỉ có thể mang theo số lượng tên lửa bằng khoảng một nửa so với hạm đội của Mỹ. Mỹ cũng sản xuất nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tiên tiến hơn Trung Quốc. Nhưng khả năng đóng tàu của Trung Quốc có lẽ sẽ mang lại cho họ lợi thế trước Mỹ trong một cuộc chiến kéo dài và khoảng cách này dự kiến sẽ còn tăng lên. Số xưởng đóng tàu thương mại của Trung Quốc không chỉ nhiều hơn của Mỹ, mà nhiều xưởng trong số đó còn được sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, nghĩa là Trung Quốc có thể tăng cường năng lực đóng tàu quân sự của mình dễ dàng hơn Mỹ.

 

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cũng đang cho ra đời những chiếc máy bay tiên tiến hơn. Dù Mỹ vẫn đang vận hành đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, bao gồm F-22 và F-35, nhưng Trung Quốc đang dần bắt kịp. Công ty máy bay quân sự lớn nhất của nước này, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, đang sản xuất gần như toàn bộ máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và huấn luyện, máy bay ném bom, máy bay trinh sát, máy bay không người lái và trực thăng của nước này. AVIC giám sát tới 86 phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đồng thời sở hữu hàng trăm công ty con và hơn 100 thực thể ở nước ngoài. Vào năm 2023, các công ty Trung Quốc đã sản xuất hơn 2.000 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm, tăng gấp đôi so với mức 800 máy bay được sản xuất vào năm 2017. Dù Mỹ vẫn dẫn đầu, sản xuất hơn 3.350 máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm vào năm 2023, Trung Quốc đang theo rất sát. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh sản xuất máy bay không người lái, loại máy bay mà nước này đã sử dụng trong các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan. Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc, hay Norinco, gần đây đã công bố một loại máy bay không người lái cảm tử mới có tầm hoạt động 200 km và tốc độ bay 145 km/h.

 

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa chiến lược của mình. Nước này đang trên đà tiến đến mốc hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân hoạt động vào năm 2030 – tăng từ con số 200 vào năm 2019. Hai công ty chính sản xuất tên lửa của Trung Quốc, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đã mở rộng cơ sở sản xuất và thuê thêm công nhân trong những năm qua. Với năng lực gia tăng này, Trung Quốc đang xây dựng kho vũ khí tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, và tên lửa siêu thanh của mình. Chỉ riêng trong năm 2021, số tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc phóng để thử nghiệm và huấn luyện nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Năm 2020, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng tên lửa đầu tiên có phương tiện lướt siêu thanh, DF-17, đủ khả năng tấn công các căn cứ và hạm đội của Mỹ và các nước khác ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, người Mỹ lại chật vật với tên lửa siêu thanh khi không có bản mẫu nào mà họ dự định đưa vào sử dụng năm 2024 đã

được sản xuất.

 

Ngoài các năng lực trên không và trên biển đang phát triển nhanh chóng này, Trung Quốc còn đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực không gian. Vào năm 2023, Trung Quốc đã thực hiện 67 vụ phóng không gian – mức cao nhất trong một năm trong lịch sử của nước này. Các tên lửa phóng, năng lực vệ tinh định vị toàn cầu, thông tin liên lạc vệ tinh, hệ thống cảnh báo tên lửa, tình báo, giám sát, và trinh sát của Trung Quốc đều đang được cải thiện. Các công nghệ của nước này nhằm chống lại năng lực không gian của đối thủ, bao gồm vũ khí gây nhiễu, vũ khí năng lượng định hướng, và vũ khí chống vệ tinh, cũng đang tiến bộ. Trung Quốc gần đây đã phóng một vệ tinh mới, Vệ tinh Viễn thám Số 41 (Yaogan-41), có khả năng xác định và theo dõi các vật thể có kích thước chỉ bằng một chiếc xe hơi trên bề mặt trái đất, theo đó gây nguy hiểm cho các tài sản hải quân, lục quân, và không

quân của Mỹ và đồng minh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương .

 

Cuối cùng, Quân đội PLA đang là lực lượng mặt đất lớn nhất thế giới. Họ vận hành nhiều xe tăng chiến đấu và pháo binh hơn Quân đội Mỹ. Các công ty quốc phòng Trung Quốc đã tăng sản lượng ở hầu hết mọi hạng mục: xe tăng chiến đấu chủ lực và hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân, xe tấn công, hệ thống phòng không, và hệ thống pháo binh.

 

 

TRẠNG THÁI THỜI BÌNH

 

Việc Trung Quốc củng cố quốc phòng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ và các đồng minh và đối tác, bao gồm Australia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, và Đài Loan. Trung Quốc sở hữu hàng nghìn tên lửa, một vài trong số đó có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ, trong khi những tên lửa khác có thể tấn công các căn cứ ở nước ngoài của Mỹ, nơi có máy bay, đường băng, tàu, kho nhiên liệu, kho đạn dược, cảng, cơ sở chỉ huy và kiểm soát, cùng các cơ sở hạ tầng khác của Mỹ. Tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc có thể đe dọa các tàu mặt nước của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, và xa hơn nữa. Nhìn vào loạt năng lực quân sự này của Trung Quốc, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall III đã thẳng thắn nhận xét rằng, “Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến và cụ thể là một cuộc chiến với Mỹ.”

 

Đứng trước mối đe dọa rõ ràng như vậy, thật khó hiểu khi Mỹ lại không huy động cơ sở công nghiệp quốc phòng của riêng mình để theo kịp đối thủ. Quân đội Mỹ không có đủ đạn dược và các thiết bị khác cho một cuộc chiến kéo dài chống lại Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông, hoặc Biển Hoa Đông – những nơi mà các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các đối tác và đồng minh của Mỹ, như Nhật Bản, Philippines, và Đài Loan, hoàn toàn có thể trở nên bạo lực. Ví dụ, trong các trò chơi chiến tranh mô phỏng xung đột ở Eo biển Đài Loan, phía Mỹ thường cạn kiệt kho tên lửa chống hạm tầm xa của mình ngay trong tuần đầu tiên. Những vũ khí này đóng vai trò rất quan trọng trong một cuộc chiến thực sự, vì chúng có thể tấn công lực lượng hải quân Trung Quốc từ bên ngoài phạm vi phòng không của nước này. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột, hệ thống phòng thủ của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách chặn hầu hết các máy bay di chuyển đủ gần để thả bom ở tầm ngắn.

 

Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ thiếu sự linh hoạt và khả năng tăng sản lượng đột biến để bù đắp cho những thiếu sót này. Mỹ có một quy trình mua sắm lỗi thời, chỉ phù hợp với nhịp độ nhàn nhã của thời bình hơn là sự cấp bách của thời chiến. Như một nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2009 đã chỉ ra, “các chương trình quốc phòng lớn vẫn mất mười năm hoặc hơn để cung cấp ít sản lượng hơn so với kế hoạch, và thường tốn gấp hai đến ba lần chi phí đã định.” Sự mong manh của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp quốc phòng lại là một vấn đề khác. Các công ty quốc phòng Mỹ chỉ sản xuất một lượng hạn chế các thành phần chính, chẳng hạn như động cơ tên lửa rắn, bộ xử lý, khuôn đúc/rèn, ổ bi, vi điện tử, và đầu dò đạn. Một số loại thiết bị, chẳng hạn như động cơ và máy phát điện, có thời gian giao hàng rất lâu. Tệ hơn, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng pin tiên tiến của thế giới và độc quyền trên thị trường toàn cầu đối với một số loại nguyên liệu thô được sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng, chẳng hạn như một số kim loại sắt và hợp kim fero, phi fero, và khoáng sản công nghiệp. Nếu căng thẳng leo thang hoặc chiến tranh nổ ra, Trung Quốc hoàn toàn có thể ngăn Mỹ tiếp cận các vật liệu này và làm suy yếu hoạt động sản xuất kính nhìn ban đêm, xe tăng, cùng nhiều thiết bị quốc phòng khác của Mỹ.

 

Thách thức cuối cùng là lực lượng lao động. Thị trường lao động Mỹ không thể cung cấp đủ công nhân có kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các xưởng đóng tàu, nơi đang thiếu trầm trọng kỹ sư, thợ điện, thợ lắp ống, thợ lắp tàu, và thợ kim loại. Năm 2024, Hải quân Mỹ thông báo rằng khinh hạm tên lửa dẫn đường lớp Constellation đầu tiên của họ sẽ hoàn thành trễ ít nhất một năm vì công ty đóng tàu Fincantieri đang thiếu vài trăm công nhân, bao gồm cả thợ hàn, tại xưởng đóng tàu Marinette Marine ở Wisconsin. Khinh hạm đóng vai trò quan trọng trong các nhóm tác chiến tàu sân bay vì chúng là tàu hộ tống bảo vệ các đơn vị liên lạc trên biển. Việc đóng phiên bản Block V của tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, vốn rất quan trọng để tấn công các tàu đổ bộ của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra chiến tranh, cũng bị chậm tiến độ ít nhất hai năm vì những lý do tương tự. Một số tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới, có khả năng phòng không, thậm chí còn chậm tiến độ tới ba năm.

 

 

KHO VŨ KHÍ MỚI CỦA NỀN DÂN CHỦ

 

Cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc không phải là không có vấn đề. Nó dựa vào các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ với các cấu trúc tổ chức phức tạp và lan rộng, do đó làm suy yếu hiệu suất, khả năng cạnh tranh, và sự đổi mới. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng đáng kể. Cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã sa thải ba quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp quốc phòng trong một cuộc thanh trừng dường như có liên quan đến tham nhũng trong quá trình đánh giá thầu. Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với một số lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là liên quan đến động cơ, chip cao cấp, mạch tích hợp, và thiết bị sản xuất. Việc một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc được báo cáo là đã chìm tại xưởng đóng tàu Vũ Xương vào đầu năm nay cho thấy Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể sản xuất những hệ thống phức tạp. Và dù quân đội Trung Quốc lớn và được trang bị tốt, nhưng họ không có kinh nghiệm chiến đấu lớn nào kể từ Chiến tranh Trung-Việt năm 1979. Ngay cả thế, những thách thức này sẽ không ngăn cản cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vượt qua Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng.

 

Mỹ hiện cần thu hẹp khoảng cách. Bước đầu tiên là nhận ra tính cấp bách của vấn đề và quy mô của giải pháp cần thiết. Một sáng kiến do tổng thống lãnh đạo nhằm phục hồi cơ sở công nghiệp quốc phòng có thể giúp đạt được mục tiêu này, lấy cảm hứng từ các mô hình trong lịch sử như Ủy ban Sản xuất Chiến tranh của Roosevelt, Văn phòng Huy động Quốc phòng của Harry Truman, và Ủy ban Chuẩn bị Huy động Khẩn cấp của Ronald Reagan. Thay vì chỉ giao cho Bộ Quốc phòng nhiệm vụ mua sắm và sản xuất vũ khí, cơ quan mới này nên đưa ra chỉ đạo cấp cao, đặt ra các ưu tiên, và giám sát các chính sách, kế hoạch, cũng như thủ tục của các bộ liên bang tham gia vào sản xuất quốc phòng. Một cấu trúc như vậy cũng sẽ giúp tích hợp Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, và Quốc hội, cũng như khu vực tư nhân và các tổ chức khác đóng vai trò quan trọng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng.

 

Washington cũng phải giải quyết những điểm yếu rõ ràng trong hệ thống công nghiệp quốc phòng hiện tại của mình. Bộ Quốc phòng – bao gồm cả các lực lượng quân sự –  cần một quy trình ký kết hợp đồng và mua sắm vũ khí nhanh hơn, linh hoạt hơn, và ít rủi ro hơn. Trước tiên, họ nên rút ngắn thời gian để lựa chọn ký kết các hợp đồng và giúp các công ty sáng tạo chuyển nhanh từ nguyên mẫu sang thành phẩm. Quốc hội cũng cần tài trợ cho việc mua sắm trong nhiều năm đối với các loại đạn dược quan trọng. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Lầu Năm Góc nên cung cấp các ưu đãi tài chính cho các công ty quốc phòng nhằm nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động. Bộ Quốc phòng và Quốc hội cũng nên đầu tư nhiều hơn vào các trường trung học, trường dạy nghề, trường đại học, và các tổ chức khác chuyên đào tạo và giáo dục nhân lực cho các công việc cơ sở công nghiệp quốc phòng. Và Mỹ chắc chắn phải phục hồi ngành đóng tàu của mình. Việc khôi phục lại các khoản trợ cấp đã ngủ yên từ lâu có thể thúc đẩy đầu tư vào các xưởng đóng tàu thương mại, hiện đại hóa và mở rộng ngành đóng tàu, đồng thời phát triển lực lượng lao động có năng lực và cạnh tranh hơn trong lĩnh vực này.

 

Một năm trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng và buộc Mỹ tham gia Thế chiến II, Roosevelt đã kêu gọi đất nước “hãy xây dựng ngay bây giờ, với tốc độ nhanh nhất có thể mọi máy móc, mọi kho vũ khí, mọi nhà máy mà chúng ta cần để sản xuất vật liệu quốc phòng.” Việc Trung Quốc tái vũ trang nhanh chóng và các cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông chính là những dấu hiệu cho thấy một tương lai u ám. Để sẵn sàng cho môi trường thời chiến, người Mỹ một lần nữa phải làm theo lời khuyên của Roosevelt.

 

-------------------

Seth G. Jones là Trưởng Ban Quốc phòng và An ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS. Bài luận này được tóm tắt từ “Rebuilding the Arsenal of Democracy” (Tái thiết Kho vũ khí Dân chủ) một báo cáo của CSIS mà ông và Alexander Palmer là đồng tác giả.

 

Nguồn: Seth G. Jones, “China Is Ready for War,” Foreign Affairs, 02/10/2024

 

 

 

 




No comments: