Tuesday, October 1, 2024

TRẦN HUỲNH DUY THỨC : 'TÔI CHƯA BAO GIỜ ĐÁNH MẤT Ý CHÍ TỰ DO TRƯỚC SỰ BỨC HẠI NÀO' (Trà Mi - VOA)

 



Trần Huỳnh Duy Thức: ‘Tôi chưa bao giờ đánh mất ý chí tự do trước sự bức hại nào’

Trà Mi-VOA

02/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/voa-phong-van-tran-huynh-duy-thuc/7807161.html

 

https://gdb.voanews.com/6e078e55-8af4-4474-9ed6-2b5d648889cc_cx0_cy12_cw0_w1023_r1_s.jpg

Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Lê Công Định cùng gia đình, sáng ngày 21/9/2024. Photo Facebook Lê Công Định.

 

Bị tước đoạt tự do với bản án 16 năm tù vì cổ súy dân chủ; bị ép buộc phải nhận lệnh đặc xá từ Chủ tịch nước; bị cưỡng chế ra khỏi trại giam trước thời hạn 8 tháng hôm 20/9 trước khi tân lãnh đạo Việt Nam xuất hiện tại Liên hiệp quốc và có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ. Đó là câu chuyện của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, một tên tuổi nổi bật trong các hồ sơ quốc tế về nhân quyền Việt Nam và là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm thơ ca-âm nhạc ca ngợi tinh thần tranh đấu của giới yêu chuộng dân chủ Việt Nam. Trao đổi với Trà Mi VOA về những gì đã trải qua trong trại giam, người tù chính trị ‘bị’ Việt Nam đặc xá mở đầu câu chuyện bằng cuộc tuyệt thực đang diễn ra của 3 người bạn tù trong trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

 

NGHE :

Trần Huỳnh Duy Thức: ‘Tôi chưa bao giờ đánh mất ý chí tự do trước bất kỳ sự bức hại nào’ | VOA

by VOA Tiếng Việt

 

THDT: Bạn tù của tôi còn ở trại giam số 6, phân trại 1, đã bắt đầu tiền thực từ ngày 28/9. Họ đã trao đổi với tôi trước khi tôi bị tống ra khỏi nhà tù, nên tôi biết rất rõ. Ba người ở đó là anh Bùi Văn Thuận, Trịnh Bá Tư và anh Đặng Định Bách. Họ tuyệt thực.

 

*

VOA: Ba người bạn tù này ở chung phòng giam, trại giam, hay là chung phân trại với anh?

 

THDT: Tôi ở phòng số 1 với một người tù hình sự. Tôi luôn luôn có một người tù hình sự ở bên cạnh tôi để theo dõi tôi. Bách và Tư thì ở buồng số 2 bên cạnh tôi. Buồng số 3 là một số người khác. Buồng số 4 là có anh Bùi Văn Thuận và hai người nữa. Trước khi tôi về, ở phân trại 1 có chín tù nhân chính trị và một người tù hình sự, tức người ở với tôi đó.

Từ ngày 18 tháng 4 chúng tôi bị nhốt trong cái chế độ chuồng cọp, không thể ra bên ngoài được, không thể trao đổi học hành với nhau. Cái chế độ giam giữ hà khắc đang gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe tinh thần của tù nhân chính trị vậy đó.

 

*

VOA: Anh nhắc tới cột mốc ngày 18 tháng 4 có sự thay đổi. Xin hỏi vì sao có sự thay đổi này, trước đó thì sao?

 

THDT: Tôi tới trại giam số 6 này vào tháng 5/2016. Chế độ giam giữ ở đây không được thoải mái giống như các trại trước tôi từng ở, không có thời gian sinh hoạt chung, cho nên tôi mới đấu tranh và đòi hỏi. Cuối cùng họ chấp nhận cho sáng thứ 6, cả ngày thứ 7 và cả ngày Chủ nhật mọi người sẽ được ra ngoài chơi. Việc đó diễn ra từ năm 2016 kéo dài tới ngày 18 tháng 4 vừa rồi. Sự việc giam nhốt chế độ chuồng cọp, tôi nghĩ, hoàn toàn do sự độc đoán cá nhân của ông Thái Văn Sĩ, Phó giám thị phụ trách, tức người quản lý cao nhất của phân trại 1, trại giam số 6. Cái điều kiện sinh hoạt, ăn ở của anh em ở đó bị ảnh hưởng ngay. Cho nên anh em, và tôi là người lên tiếng nhiều nhất. Điều mà tôi đòi hỏi lúc đó là phải công khai chế độ cấp phát thực phẩm. Thế rồi việc đầu tiên là chúng tôi bị cắt nước sôi cũng gần cả nửa năm. Mọi người đấu tranh đòi hỏi. Cuối cùng thì họ cấp lại nước sôi nhưng với hình thức là bán, chúng tôi phải mua.

 

Trong một buổi phỏng vấn không đủ thời gian để kể hết toàn bộ những việc hà khắc, vô nhân tính và vi phạm pháp luật của họ. Họ thực hiện chế độ giam nhốt chuồng cọp từ ngày 18 tháng 4 năm nay. Buồng giam bị đóng cửa từ 5:30h chiều đến 5:30h sáng, 12 tiếng đồng hồ. Trời Nghệ An vào tháng 4, tháng 5 cực kỳ nóng. Ở trong buồng phải nói là nó vắt kiệt sức con người, nó bí bách. Mình chỉ mong đến sáng được mở cửa phòng giam để ào ra ngoài. Bên ngoài có cái sân khoảng 20m vuông, để có thể đi bộ, tập thể dục. Nhưng tới ngày 18/4, chúng tôi không được đi ra khu vực sân đó. Ông Thái Văn Sĩ ra lệnh đóng một cái cửa, một cái hàng rào ở đó. Tù nhân gọi đó là hàng rào chuồng cọp. Nó như là cái chuồng cọp vậy. Họ đang vi phạm luật pháp Việt Nam rất nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người theo các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết

 

*

VOA: Anh vừa cho biết về điều kiện không gian giam nhốt phạm nhân. Còn những điều kiện sinh hoạt của phạm nhân thì như thế nào? Bữa ăn của người tù ra sao, xin anh chia sẻ thêm.

 

THDT: Nói chung không thể trông mong cái gì đầy đủ, tốt đẹp trong chuyện ăn uống. Nhưng từ khi ông Thái Văn Sĩ về, chất lượng khẩu phần xuống rất nhiều. Bởi vậy chúng tôi yêu cầu phải có sự giám sát xem khối lượng cấp phát có đúng theo Nghị định 133 về khẩu phần của tù nhân hay không. Chuyện này dẫn tới việc mà tôi đã nói là trù dập đó. Buồng giam 5:30h sáng họ mở cửa. Tới khoảng 10:30h sáng họ đóng cửa. Tới 1:30h chiều họ lại mở cửa và 5:30h chiều họ lại đóng cửa. Những lúc đóng cửa chúng tôi ở trong cái buồng giam rất là bí bách. Đặc biệt là từ khi ông Thái Văn Sĩ về dẫn tới những cái chuyện rất là kỳ lạ, rằng tù nhân ngay cả có tiền cũng không mua được thực phẩm. Và chuyện đó chỉ xảy ra với tù chính trị thôi. Chúng tôi bị hạn chế về số tiền được mua thực phẩm mà trước đó thì không có. Trước đó tôi có thể tiêu 5-7 triệu/tháng để mua thêm đồ ăn từ căn-tin, ăn thêm nhiều trái cây, duy trì sức khỏe. Từ lúc ông Sỹ về, tôi chỉ được mua từ 1,7 đến 1,9 triệu/tháng, họ giải thích là do trượt giá nhưng giá cả trong tù rất là đắt. Với một triệu mấy thật ra là chả mua được cái gì. Tôi lúc trước khoảng 74-75kg, từ khi ông Sỹ về, tôi phản đối không nhận khẩu phần, tôi chỉ ăn mì gói. Cho nên 1 năm sau, tôi chỉ còn có 65kg thôi. Việc này đã ảnh hưởng rất nhiều, không chỉ tôi mà còn nhiều người khác, trong đó có những người cũng đã lớn tuổi rồi.

 

*

VOA: Trước nay có những thông tin rằng trong trại giam tù nhân ăn uống không đầy đủ, ăn uống thiếu chất, thiếu bữa. Có người bảo rằng cơm thiu, canh ê. Có người bảo rằng chỉ ăn mì gói mà thôi. Xin anh xác nhận những thông tin này đúng hay sai.

 

THDT: Tình trạng thỉnh thoảng mua đồ căn-tin mà gặp những cái đồ ôi thiu là có. Có anh Nguyễn Trọng Bằng ở chung với tôi nay đã về rồi, có lần anh ấy mua bún mà bị có giòi bên trong. Đó là lý do vì sao tôi ngại. Tôi chỉ ăn mì gói chứ không nhận cơm của trại giam nữa.

 

*

VOA: Theo quy định, một ngày tù nhân được nhận bao nhiêu bữa ăn, thưa anh?

 

THDT: Trại giam số 6 này đặc biệt họ chỉ phát ngày 2 bữa. Còn bữa sáng họ chỉ phát một cái bánh mì nhỏ 20-30g gì đó. Tôi không nhận cái đó, tôi cũng chẳng nhớ. Các trại trước tôi ở, họ phát cơm 3 bữa/ngày. Từ lúc tôi ra trại 6, họ chỉ phát bữa trưa và bữa chiều thôi. Theo Nghị định 133 mỗi tù nhân một tháng được 1kg thịt heo, 1kg cá, họ cứ chia ra. Từ lúc tôi ra trại giam số 6, chỉ có một món cá mè quanh năm suốt tháng. Thịt chỉ có một cách duy nhất là thịt kho thôi. Chúng tôi phải mua thêm mà ăn thôi. Cho dù họ có cấp phát đúng theo Nghị định 133 cũng không đủ dinh dưỡng, không thể đủ. Chưa kể đến chuyện họ không đảm bảo đủ đúng theo khối lượng, số lượng mà Nghị định quy định, thì ảnh hưởng còn lớn hơn. Đó là lý do chúng tôi đòi hỏi phải được giám sát và cái kết quả nhận được là sự trù dập.

 

*

VOA: Cũng có thông tin lo sợ về bữa ăn trong trại giam có thể bị pha trộn thuốc men. Anh có cảm nhận, ghi nhận, hoặc chứng kiến hoặc có cảm giác nào về việc này, đúng sai thế nào?

 

THDT: Cá nhân tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp mà nói thẳng ra là đầu độc. Một năm qua tôi không nhận khẩu phần cơm, nhưng tôi vẫn phải uống nước. Tôi không thấy gì bất thường trong việc đó.

 

*

VOA: Xin anh cho biết về thời khóa biểu hàng ngày của tù nhân. Một ngày tù nhân có bao nhiêu thời gian lao động, bao nhiêu thời gian sinh hoạt cá nhân, bao nhiêu thời gian sinh hoạt công ích? Có chuyện cưỡng ép lao động không?

 

THDT: Lúc tôi mới chuyển ra trại 6 này, tôi giật mình khi thấy các tù chính trị đang lao động theo giờ giấc mặc dù công việc cũng nhẹ thôi, họ ngồi xếp vàng mã. Tôi phản ứng rất dữ. Tôi nói luật pháp Việt Nam đã quy định rất rõ rằng không có quan hệ lao động nào được phép mà không có hợp đồng lao động, cho dù đó là lao động trong trại giam đi nữa. Tất cả mọi quan hệ lao động đều phải có hợp đồng lao động. Đầu tiên thì họ cũng tranh cãi với tôi, nhưng cuối cùng họ cũng lần lần loại bỏ việc lao động đối với tù chính tị. Còn tù hình sự thì tôi không được tiếp xúc trực tiếp vì họ ngăn cách sự giao tiếp. Nhưng tôi quan sát tôi thấy họ vẫn phải đi lao động và chẳng ai có hợp đồng lao động để đảm bảo điều kiện làm việc của mình. Nói về chuyện lao động trong tù, tôi nghĩ, đó là một vấn đề lớn.

 

*

VOA: Sách báo, thông tin đại chúng được tiếp cận tới đâu, thưa anh?

 

THDT: Về mặt tinh thần thì chả có gì để nói cho đáng kể cả. Theo đúng luật, họ đảm bảo có TV và mở chương trình thời sự VTV1. Sau phần thời sự thì họ chuyển qua VTV3 cho coi chương trình giải trí.

 

*

VOA: Họ có cung cấp sách báo không? Hoặc người nhà gởi sách báo vào có chịu sự kiểm duyệt nào không?

 

THDT: Về báo thì họ chỉ cấp báo Nhân Dân, theo luật thôi. Họ dồn tới một tuần, 5-7 ngày họ mới đưa vào một lần. Thư viện cũng có nhưng mà nghèo nàn lắm, không có gì để đọc cả. Trước đây gia đình tôi có gửi vào quyển Kinh thánh. Họ kiểm duyệt gắt gao, cực kỳ gắt gao. Cuốn sách vào phải đi qua bao nhiêu vòng kiểm duyệt, nhanh nhất cũng phải hai tuần. Đầu tiên họ xem nhà xuất bản có phải của nhà nước hay không. Họ xem từng trang, xem trong đó có ghi gì ‘bậy bạ’ hay không.

 

*

VOA: Thư từ cá nhân thì sao?

 

THDT: Đương nhiên, mình muốn gửi thư về nhà, họ cũng kiểm duyệt. Gia đình bạn bè gửi vào, họ cũng kiểm duyệt. Cũng vậy, thời gian cũng rất là lâu như vậy đó. Nói chung kiểm duyệt cũng rất là tùy tiện. Họ thích không cho nhận là không cho nhận, gây ra rất nhiều vấn đề bức xúc.

 

*

VOA: TV trong buồng giam hay TV tập thể?

 

THDT: Mỗi buồng giam tù nhân chính trị có một cái TV.

 

*

VOA: Lịch trình sinh hoạt, cách đối xử của trại giam với tù nhân chính trị có khác biệt với các tù nhân khác?

 

THDT: Tôi ở phân trại 1. Trại giam số 6 còn có phân trại 2, cũng giam tù chính trị. Cùng một trại mà hai chế độ khác nhau hoàn toàn. Anh Bùi Văn Thuận chuyển từ phân trại 2 qua phân trại 1 của tôi. Anh cho biết phân trại 2 không có những cái bức tường này, không có chuồng cọp đã đành rồi, nhưng cũng không có những cái bức tường ngăn cản giữa các phòng. Bên đó có khu sinh hoạt chung cho tất cả các buồng. Nghĩa là người ta ra khỏi buồng là có một khu sinh hoạt chung. Còn phân trại 1 thì buồng nào bước ra có riêng khu sinh hoạt của buồng đó. Có các bức tường ngăn cách. Cùng trại giam thôi mà đã có sự phân biệt rồi. Những đối tượng họ không thích hay là họ muốn người đó phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt, thì họ đưa qua phân trại 1. Còn những cái gì thoải mái hơn thì họ đưa qua phân trại 2. Còn giữa khu tù chính tự và tù hình tự thì tù hình tự họ phải lao động. Cho nên thời gian để họ có thể sinh hoạt giống như chúng tôi chẳng hạn như đọc sách thì hạn chế rất nhiều, gần như là không có. Khu giam tù hình sự rất là rộng, buồng giam cũng rất là to vì mấy chục người. Khu sinh hoạt chung của họ cũng rộng và thoải mái. Họ được không gian thoải mái hơn, khu trại của họ cũng có rất nhiều cây xanh cho nên mát. Còn khu của tù chính trị thì không có cây xanh. Đó rõ ràng là sự phân biệt rất lớn.

 

*

VOA: Xin hỏi anh về điều kiện vệ sinh khi sinh sống sinh hoạt trong trại giam.

 

THDT: Mỗi cái buồng ngủ có một cái nhà cầu bên trong ấy, một cái bồn cầu và có một cái hồ nước. Tù hình sự thì có nhà tắm tập thể. Tù chính trị thì mỗi buồng giam có một nhà tắm riêng, trong đó có bồn cầu. Vì có nước nên mình cũng giữ sạch sẽ.

 

*

VOA: Về việc cư xử đối đãi của trại giam đối với tù hình sự và tù chính trị có gì khác biệt không? Có sự ngược đãi nào không?

 

THDT: Đã xảy ra một vài chuyện cũng khá nghiêm trọng nhưng sau khi chúng tôi đấu tranh, họ cũng lắng nghe và họ sửa. Còn đối với tù hình sự, tôi thật sự chỉ có thể quan sát trong những lúc họ đưa mình đi điện thoại, hoặc là đi cho gặp thăm nuôi. Và vì tôi ở chung với một người tù hình sự để họ theo dõi tôi, nhưng thông qua đó, tôi cũng nghe thấy sinh hoạt của tù hình sự như thế nào. Tôi nghĩ đối với tù hình sự thì không đảm bảo được, để được đối đãi đàng hoàng thì cực kỳ khó.

 

*

VOA: Xin hỏi về những cuộc thăm gặp, tiếp xúc với người thân bên ngoài. Riêng những người tù chính trị như anh thì có những cơ quan ngoại giao nước ngoài lâu lâu tới thăm gặp. Quy định đối với việc này ra sao, có điều kiện gì không? Mức độ thường xuyên ra sao?

 

THDT: Khi có những yêu cầu như vậy thì Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ phải phối hợp với nhau cấp giấy phép cho cơ quan ngoại giao đó đi thăm gặp. Có giấy phép thì họ sẽ tổ chức. Có điều là khi các cơ quan ngoại giao đến thăm gặp mình, họ bố trí rất đông công an, vài chục người công an, ngồi đầy kín hết xung quanh bốn bức tường. Tôi ngồi giữa cùng với ông Thái Văn Sĩ và 5-7 đội trưởng khác của trại, ngồi trong một cái bàn. Phía bên cơ quan ngoại giao họ ngồi phía đối diện. Và mục tiêu là họ cứ muốn làm sao để cho tinh thần mình không vững vàng, nhưng họ không thể buộc mình nói gì theo ý họ được. Nhưng mà họ lại có những cái cách hành xử rất là thô bạo. Mình đang nói, họ chen ngang làm mình mất thời gian, làm giảm cái thời gian mình được cho phép nói chuyện. Họ phản bác một cách không có lẽ phải gì cả.

 

Còn gia đình mình thăm thì quy định mỗi tháng phải cho mình gặp một lần, một tiếng. Nhưng mà cũng có những trường hợp họ cũng rất là bừa bãi. Thỉnh thoảng họ đe dọa không được nói chuyện này chuyện kia, chỉ được hỏi thăm sức khỏe gia đình thôi. Tôi phản ứng lại, tôi hỏi quy định nào quy định như thế. Tôi nói gia đình ghi số hiệu của họ lại, thì những lúc như vậy họ bỏ đi. Nhưng ới những người tù chính trị khác, họ đã làm những việc như vậy và họ cắt thăm gặp của người ta luôn, vô luật vô lối như vậy. Tôi nhớ năm 2018, tôi tuyệt thực, khi gia đình thăm tôi nói về chuyện tuyệt thực của tôi. Họ cứ cắt, tôi không đồng ý, họ thậm chí còn khiêng tôi ra khỏi nhà thăm gặp. Sau một đêm tôi phản ứng thì sáng hôm sau họ buộc phải tổ chức cho tôi thăm gặp trở lại. Rất là tùy tiện, tùy tiện lắm.

 

*

VOA: Riêng bản thân anh, bao nhiêu lâu anh có một cuộc thăm gặp ngoại giao một lần? Mỗi lần kéo dài bao lâu?

 

THDT: Mỗi lần được 1 tiếng, nhưng họ hay chen vào làm cho mình mất thời gian. Tôi nói rõ là nếu họ chen vào thì phải trừ thời gian đó ra, nhưng họ không trừ. Mức độ thường xuyên tôi nghĩ là không được nhiều đâu. Đối với tôi cũng khá đặc biệt. Tôi ở tù gần 16 năm, tôi có được 4 lần thăm gặp ngoại giao.

 

*

VOA: Trước khi cho gặp, họ có ra điều kiện hoặc áp lực gì không? Và sau cuộc gặp, những nội dung đã trình bày có là yếu tố gây cản trở, áp lực thêm cho anh từ phía họ hay không?

 

THDT: Với tôi họ không dám. Họ không dám bảo tôi phải nói thế này hay thế khác. Họ chưa bao giờ gây áp lực bởi vì họ biết họ làm với tôi là không được. Vì vậy họ không làm. Nhưng trường hợp của anh Bùi Văn Thuận vừa rồi, họ tạo ra những tâm lý để anh ngần ngại thế này thế khác, nhưng anh ấy cũng là một người rất là mạnh mẽ, nên họ không thể làm được. Và cũng với cái cách là khi ra nói chuyện, họ lại chen ngang vào làm cho mình mất thời gian rất là nhiều.

 

*

VOA: Sau những lần trình bày như vậy, anh có bị chế tài hay trừng phạt gì không nếu nội dung anh nói không theo mong muốn của họ?

 

THDT: Họ có nhưng không thể và cũng không dại gì làm trực tiếp vì sợ thông tin sự thật mình nói ra ngoài bất lợi cho họ. Họ kiên trì trả đũa mình qua thời gian bằng cách này hay cách khác.

 

*

VOA: Trở lại với câu chuyện tuyệt thực của những người bạn tù của anh, xin cho biết thông điệp họ muốn gửi ra ngoài là gì?

 

THDT: Họ kêu gọi phóng thích tù chính trị và các nhà hoạt động xã hội, dân chủ hóa, xây dựng nhà nước pháp quyền để bảo vệ quyền con người cho từng người dân, kêu gọi đảng cộng sản Việt Nam từ bỏ quyền lãnh đạo độc tôn. Họ phản đối chế độ giam giữ hà khắc, vô nhân tính và yêu cầu phải chấm dứt ngay chế độ giam nhốt ‘chuồng cọp’.

 

*

VOA: Trải qua rất nhiều cuộc tuyệt thực rồi, anh thấy hiệu quả, ảnh hưởng của hành động này tới đâu? Có mang lại những điều mong đợi hay chỉ mang lại những thiệt thòi cho bản thân?

 

THDT: Tôi nghĩ đây là một cuộc đấu tranh bất bạo động ôn hòa. Mục tiêu lớn nhất là đánh động vào nhận thức của con người. Qua những lần đó, tôi thấy thông điệp của chúng tôi chuyển tải ra được bên ngoài để cho mọi người hiểu điều gì là quan trọng, điều gì là cần thiết cho đất nước. Và cũng từ đó, đánh động lương tâm của mọi người để tạo ra những cái đòi hỏi lên các cấp quản lý bên trên để buộc họ phải nhìn nhận lại vấn đề.

Và tôi rất là mong muốn, thật sự mong muốn mọi người hãy chia sẻ, lan tỏa những thông điệp đó đến càng nhiều càng tốt để ủng hộ cho các anh em đang tuyệt thực.

 

*

VOA: Còn tác động với nhà cầm quyền, giới hữu trách, anh thấy những hoạt động tranh đấu cụ thể như tuyệt thực có lay chuyển được gì không, có làm nên những sự thay đổi gì không từ phía họ? Họ có nhượng bộ, thỏa hiệp sau những lần đó không?

 

THDT: Có đó chị, tôi biết là sau những lần tuyệt thực khi mà chúng ta đi tới cùng sự cương quyết của mình thì nó tạo ra những sức mạnh để các nước tiến bộ, các quốc gia dân chủ tác động rất mạnh lên nhà cầm quyền. Chính quyền Việt Nam nhiều lúc họ không có thừa nhận thực tế trực tiếp những cái gì họ sai đâu. Nhưng mà vì những áp lực, và cũng thông qua sự tiến triển của dân trí, họ cũng buộc phải thay đổi. Nhưng họ sẽ tìm một cách nào đó để họ làm, không để thể hiện ra là họ thừa nhận họ sai. Trong quá trình của tôi, có rất nhiều lần tôi tuyệt thực thì có sự cải thiện trong điều kiện sinh hoạt trong đó, cũng như thái độ cư xử trong đó. Nhưng mà tôi còn nghe sau những lần đó cũng có những sự điều chỉnh ở bên ngoài.

 

*

VOA: Anh được thả trước thời hạn 8 tháng trong bản án 16 năm. Anh chia sẻ trên mạng xã hội rằng đây là một sự cưỡng ép trả tự do, chứ anh không nhận. Xin anh xác nhận sự cưỡng ép đó như thế nào?

 

THDT: Đúng như vậy. Ngày 19/9, ông Nguyễn Văn Du, trưởng phân trại 1, vào gặp tôi bảo tôi được Chủ tịch nước ân xá, nhưng tôi cần phải làm đơn để tiến hành thủ tục cần thiết. Tôi nói tôi không cần đặc xá, tôi không ký đơn gì cả. Ngày hôm sau, tôi thấy rất đông người của trại giam số 6 dẫn đầu bởi Phó giám thị đề nghị tôi vào hội trường nghe làm lễ công bố quyết định đặc xá. Tôi nói là tôi không chấp nhận đặc xá và tôi chả cần nghe. Tối 20/9/2024 họ vào, tôi một lần nữa nói tôi không chấp nhận đặc xá bởi vì tôi không có tội gì để phải chấp nhận đặc xá. Nhưng mà họ nói rằng ‘Không được, bây giờ đã có quyết định đặc xá rồi, dù anh không đồng ý đi nữa nhưng đã có quyết định rồi. Cho nên từ giờ phút này anh đã là người tự do, anh không được phép ở tù nữa, không được phép tiếp tục ở lại đây nữa. Tôi nói tôi không đồng ý. Họ cứ nói tới nói lui, họ năn nỉ tôi, bảo tôi hợp tác, bảo tôi ra xe vì mọi chuyện chuẩn bị hết rồi. Cuối cùng họ kêu 6 người khiêng tôi ra khỏi cửa buồng giam, rồi đưa tôi ra ngoài cổng trại, ép tôi lên xe, chở ra sân bay. Đồ đạc của tôi thì họ tự động lấy đem ra. Toàn bộ họ cưỡng chế tôi ra tới sân bay.

 

*

VOA: Về mặt giấy tờ pháp lý, bây giờ tình trạng của anh như thế nào? Có thể được coi là người tự do hay chưa vì anh chưa ký vào cái đơn đó.

 

THDT: Về giấy tờ đang bị rất nhiều lỗ hổng pháp lý, không thể dẫn tới chuyện quản chế tôi được.

 

*

VOA: Thế còn chính bản thân anh, anh có cảm thấy mình bây giờ là người được tự do hay chưa?

 

THDT: Tôi luôn luôn là người tự do. Từ xưa tới giờ, kể cả những lúc họ giam giữ tôi. Gần 16 năm qua, tôi luôn luôn xác định tinh thần tôi là người tự do. Còn những cái bị hạn chế đó chẳng qua là hạn chế về địa lý. Tôi chưa bao giờ để đánh mất cái ý chí tự do của mình trước bất kỳ sự cưỡng bức hay bức hại nào cả. Họ hạn chế tôi bởi 4 bức tường không phải là chuyện có thể thay đổi được cái ý thức tự do của tôi. Thật ra, sau khi Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ năm 2016 thì đáng lẽ họ đã phải miễn hình phạt còn lại cho đúng cái quy định đó để trả tự do cho tôi rồi. Việc này về mặt pháp lý hiện nay tôi sẽ làm rõ, và họ sẽ không có đủ căn cứ pháp luật để mà quản chế tôi trong thời gian tới.

 

*

VOA: Cảm ơn anh thật nhiều đã chia sẻ những điều mắt thấy tai nghe trong trại giam và tiếng nói của những người bạn tù còn lại. Chúng tôi cầu chúc anh mọi chuyện tốt lành phía trước và hy vọng sớm được gặp anh trong một cuộc phỏng vấn video trong một ngày rất gần. Mong quý khán giả VOA chờ đón theo dõi.

 

THDT: Cảm ơn chị Trà Mi và cảm ơn VOA.







No comments: