Saturday, October 12, 2024

THƯ MỞ ĐÒI HỦY BỎ DIỀU 117 BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Văn Việt)

 



Thư Mở Đòi Hủy Bỏ Điều 117 Bộ Luật Hình Sự

Văn Việt

 17 Tháng Mười, 2020

https://vanviet.info/van-de-hom-nay/thu-mo-di-huy-bo-dieu-117-bo-luat-hnh-su/

 

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

Đại sứ quán Việt Nam tại Ottawa, Canada

 

Kính gửi Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong

 

55 MacKay Street

 

Ottawa, Ontario K1M 2B2

 

Tel: (613) 236-0772 – Fax: (613) 236-2704

 

E-mail: vietnamembassy@rogers.com

 

Trích yếu : V/v Thư Mở Đòi Hủy Bỏ Điều 117 Bộ Luật Hình Sự

_______________________________________________

 

Kính thưa Ngài Đại sứ,

 

Chúng tôi trân trọng kính chuyển đến Ngài Đại sứ "Thư Mở" sau đây của chúng tôi để tường và kính mong Ngài chuyển tới Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

 

Chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận được sự hồi âm quan tâm của Ngài.

 

Trân trọng,

 

Luật sư Vũ Đức Khanh

c/o: VDK LAW OFFICE

343 Preston Street, Suite 1186 – Ottawa, Ontario, K1S 1N4 Canada

Phone: (613) 867-2071 – Fax: (613) 236-3677

E-mail: vdklawyer@yahoo.com

 

                         *****

 

Thư Mở Đòi Hủy Bỏ Điều 117 Bộ Luật Hình Sự

 

Kính gởi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam

 

Kính gởi Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

 

Chúng tôi, những người đồng ký tên dưới đây là những luật sư gốc Việt đang cư trú và hành nghề luật ở hải ngoại, nhận thấy rằng:

 

– Nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, từ khi thực thi chính sách mở cửa và đổi mới, theo đuổi nền kinh tế thị trường đã mang lại những thành tựu tốt đẹp – cả về kinh tế, ngoại giao, và duy trì ổn định xã hội.

 

– Tự do tư tưởng, quyền biểu đạt đa dạng, đa chiều, phản biện, sáng tạo và khai phá tư duy từ nhiều góc độ về chính trị, công quyền và văn hóa xã hội là điều kiện thiết yếu và cơ bản cho nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, công bằng và ổn định.

 

– Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã chiếu theo Điều 117, và trước đó, Điều 88, của Bộ Luật Hình Sự, để liên tục truy tố và kết án nhiều nhân sĩ trí thức khi họ lên tiếng về những vấn đề quốc gia xã hội trong tinh thần phản biện qua phương cách cũng như ngôn từ ôn hòa.

 

– Ở đây, chúng tôi lên tiếng theo tinh thần và ý nghĩa của Điều 18 Hiến Pháp Việt Nam vốn quy định rằng người Việt định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

 

– Nhận thấy rằng Điều 117, và trước đó, Điều 88, cả hai không những vi phạm Hiến Pháp hiện hành mà đã và đang được sử dụng như là một phương tiện trấn áp nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị dưới danh nghĩa luật pháp quốc gia.

 

– Bởi vì các Điều 25, 28, 30 của Hiến Pháp quy định rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, và mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

– Tuy nhiên, Điều 117 Bộ Luật Hình Sự hiện hành quy định về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đã vi phạm nghiêm trọng tinh thần cũng như văn bản của Hiến Pháp, vì những lý do sau:

 

o   Thứ nhất, ngôn ngữ Điều khoản 117 này rất mơ hồ, thiếu chuẩn xác. Nó có thể được phiên giải tùy theo chủ kiến của chính quyền và tòa án. Nó không có tiêu chí rõ rệt để công dân có thể phân biệt biên độ giữa hợp pháp và vi pháp.

 

o   Thứ hai, luật pháp không thể trừng phạt tội “tuyên truyền xuyên tạc” khi công dân nêu lên những khiếm khuyết về chính sách và đường lối thực thi, đưa ra những tin tức tố cáo vi phạm và tội phạm gây ra bởi giới chức công quyền theo trách nhiệm công dân (Điều 389 Bộ Luật Hình Sự).

 

o   Thứ ba, công dân có quyền chỉ trích chính quyền như là một hình thức “thảo luận” mà Điều 28 của Hiến Pháp đã quy định. Không thể kết tội “phỉ báng” khi công dân “thảo luận” – dù với ngôn ngữ không thích hợp hay tiêu cực, xúc phạm – vì như thế thì làm cho quyền tự do ngôn luận và đóng góp ý kiến về việc nước, xã hội trở thành vô nghĩa.

 

o   Thứ tư, những hành vi trên, thay vì thuộc về lãnh vực dân sự, thì việc hình sự hóa hành vi xuyên tạc, phỉ báng là một điều khoản trái ngược và phản bội với tinh thần và văn bản Hiến Pháp.

 

o   Thứ năm, trong một tập thể nhân dân đa dạng, với trình độ hiểu biết khác nhau, việc đưa tin thiếu chuẩn xác, vô tình hay cố ý, là điều mà nhà nước và xã hội phải chấp nhận, dù hậu quả có “gây hoang mang trong nhân dân.” Đó là cái giá cần thiết phải trả cho quyền ưu tiên về tự do tư tưởng, biểu đạt, tự do báo chí, quyền chuyển tải và tiếp nhận thông tin được bảo đảm bởi Hiến Pháp.

 

o   Thứ sáu, Hiến Pháp ấn định quyền hạn công dân về tự do ngôn luận, cho phép họ tham gia việc nước, quyền đóng góp ý kiến, quyền tố cáo tội phạm, quyền thông tin và tiếp nhận tin tức. Điều này có nghĩa rằng công dân có quyền tàng trữ tài liệu, văn hóa phẩm không phù hợp với chính sách và đường lối của nhà nước, dù mang nội dung tiêu cực, ngay cả việc lên án, chí trích hay phản đối trong tinh thần và phương cách ôn hòa, thuần văn bản, không bạo động, đối với đường lối và chính sách của chính quyền và nhà nước.

 

o   Thứ bảy, tệ hơn nữa, Điều 117 Bộ Luật Hình Sự không những hình sự hóa một lãnh vực thuần dân sự những quyền Hiến định cơ bản của công dân, nó còn chính trị hóa cho mục tiêu thuần ý thức hệ cho Đảng và Nhà nước.

 

– Đồng ý rằng trong hoàn cảnh xã hội và dân trí hiện nay, nỗ lực cai chế hành vi chống đối nhà nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, Điều 117 đã biến nhu cầu an ninh và trật tự xã hội thành nên một hình thức chế tài, đàn áp, trừng phạt một cách nặng nề, nếu không nói là tàn ác, đối với nhiều nhân sĩ trí thức những người không cổ võ bạo lực nhằm lật đổ chính quyền, mà trái lại, họ chỉ ôn hòa kêu gọi Đảng và Nhà nước cải cách, thay đổi. Những công dân này chỉ gióng lên tiếng nói yêu nước, trong nỗi thao thức trước cơ đồ dân tộc, thành tâm góp ý bằng nhiều hình thức đến Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người chỉ vì thực thi quyền Hiến định về tự do ngôn luận, thông tin, đã phải bị truy tố về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” (Điều 119) một cách hoàn toàn vô căn cứ trên quy chuẩn pháp chế, với bằng chứng thiếu khách quan, và hoàn toàn vi hiến về bình diện Hiến Pháp.

 

– Do đó, chúng tôi, những luật sư gốc Việt ở hải ngoại, đòi hỏi Đảng và Quốc Hội phải:

 

o   Hủy bỏ hoàn toàn ngay lập tức Điều 117 Bộ Luật Hình Sự hiện hành.

 

o   Hủy những bản án và trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ, kết án từ Điều 117 và Điều 88 trước đó.

 

o   Thay vào đó, Việt Nam phải đi theo tiêu chuẩn pháp chế quốc tế hiện nay để đưa ra một Điều khoản mới thay thế cho Điều 117. Điều khoản mới phải rõ ràng quy định rằng luật pháp chỉ chế tài và cấm đoán những hành vi cổ võ bạo động, vũ trang, đe dọa bạo lực. Theo đó, quy chế bằng chứng về tiêu chuẩn để kết án tội danh này phải khách quan, hợp lý.

 

o   Mọi hình thức tàng trữ tài liệu, sách báo, văn hóa phẩm thuần lý thuyết về dân chủ, pháp quyền, dân quyền và công lý – ngay cả những kêu gọi và đề xướng một thể chế chính trị mới, một hiến pháp mới – phải được luật pháp tôn trọng như là một phần quan yếu trong quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, thông tin, giáo dục vốn được bảo đảm bởi Hiến Pháp.

 

– Chúng tôi nhận thấy rằng nhân dân Việt Nam, quốc nội và hải ngoại, cũng như nhân dân văn minh, tiến bộ toàn cầu, đều mong mỏi Đảng và Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hãy can đảm tiến hành nhanh chóng những cải cách pháp chế cần thiết nhằm theo kịp bước tiến và trào lưu nhân bản và công lý của nhân loại.

 

– Vì thế, bước khởi đầu khẩn cấp và cần thiết hiện nay là Đảng và Quốc Hội phải nhìn nhận khuyết điểm và hủy bỏ ngay Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự.

 

Làm tại Hải ngoại, ngày 16 tháng 10 năm 2020.

(Đã ký)

 

Ký tên:

-         Ls Nguyễn Hữu Liêm (Hoa Kỳ)

-         Ls Trần Minh Quốc (Hoa Kỳ)

-         Ls Vũ Đức Khanh (Canada)

 

Nguyễn Hữu Liêm

Trần Minh Quốc

Vũ Đức Khanh

 

 

 




No comments: