Phương Tây sẽ làm gì
nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?
Richard K. Betts
- Foreign Affairs
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
Điều
gì sẽ xảy ra nếu Putin quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân?
Trong
lúc cuộc chiến ở Ukraine trở nên gay gắt hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã
quyết định sử dụng đến luận điệu hạt nhân. “Bất cứ ai cố gắng cản đường chúng
ta, chứ chưa nói đến việc tạo ra các mối đe dọa cho đất nước và nhân dân Nga,
phải hiểu rằng phản ứng của Nga sẽ là ngay lập tức và sẽ dẫn đến những hậu quả
chưa từng thấy trong lịch sử,” Putin đã tuyên bố như vậy vào tháng 2 – tuyên bố
đầu tiên trong rất nhiều tuyên bố cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân tiềm
tàng. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà quan sát phương Tây đã gạt bỏ luận
điệu này, xem nó như một trò dọa suông. Suy cho cùng, bên nào bắn phát súng hạt
nhân đầu tiên cũng sẽ tự đặt mình vào một canh bạc cực kỳ rủi ro: đặt cược rằng
đối thủ của mình sẽ không trả đũa theo cách tương đương, hoặc gây thiệt hại lớn
hơn. Đó là lý do tại sao rất khó xảy ra trường hợp các nhà lãnh đạo với đầu óc
tỉnh táo sẽ thực sự phát động quá trình tấn công hạt nhân vốn có thể hủy diệt
chính đất nước mình. Tuy nhiên, khi nói về vũ khí hạt nhân, “rất khó xảy ra” vẫn
là điều không đủ tốt.
Lập
kế hoạch ứng phó trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là điều bắt buộc;
nguy cơ sẽ lên đến mức cao nhất nếu cuộc chiến chuyển hẳn sang hướng có lợi cho
Ukraine. Đó là tình huống duy nhất mà động cơ để người Nga chấp nhận rủi ro khủng
khiếp ấy trở nên chính đáng, trong một nỗ lực ngăn chặn thất bại bằng cách buộc
Ukraine và những người ủng hộ NATO của họ phải đầu hàng. Nga có thể làm điều
này bằng cách bắn một hoặc một số vũ khí hạt nhân chiến thuật vào các lực lượng
Ukraine, hoặc bằng cách kích hoạt một vụ nổ hạt nhân tượng trưng tại một vùng đất
trống.
Nhìn
chung, có ba kịch bản trong đó các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải tìm ra giải
pháp để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của Nga nhắm vào Ukraine. Mỹ có thể
chọn luận điệu lên án một vụ nổ hạt nhân nhưng không làm gì về mặt quân sự. Họ
cũng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của mình. Hoặc có thể kiềm chế phản công hạt
nhân, nhưng sẽ trực tiếp tham chiến bằng các cuộc không kích thông thường trên
quy mô lớn và huy động các lực lượng mặt đất. Tất cả những kịch bản đó đều
không tốt, bởi chẳng hề có lựa chọn rủi ro thấp nào tồn tại để đối phó với hồi
kết của thời kỳ cấm kỵ hạt nhân. Kịch bản chiến tranh thông thường được xem là
ít tệ nhất trong ba phương án, vì nó tránh được rủi ro cao xuất phát từ hai kịch
bản còn lại.
Cạnh
tranh trong rủi ro
Ba
mươi năm qua, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ ít chú ý đến các động lực tiềm
ẩn của leo thang hạt nhân. Ngược lại, trong Chiến tranh Lạnh, vấn đề này luôn
là trọng tâm của mọi tranh luận chiến lược. Hồi đó, NATO dựa vào nguyên tắc leo
thang có chủ ý – bắt đầu bằng việc sử dụng một cách hạn chế vũ khí hạt nhân chiến
thuật – như một cách để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Liên Xô. Chiến lược này
gây nhiều tranh cãi, nhưng nó vẫn được áp dụng, vì phương Tây tin rằng lực lượng
thông thường của họ kém hơn so với Khối Hiệp ước Warsaw. Ngày nay, với việc cán
cân lực lượng bị đảo ngược sau thời Chiến tranh Lạnh, học thuyết “leo thang để
xuống thang” hiện tại của Nga chính là đang bắt chước khái niệm “phản ứng linh
hoạt” trong Chiến tranh Lạnh của NATO.
Ngoài
mặt, NATO liên tục thúc đẩy chính sách phản ứng linh hoạt, nhưng ý tưởng này
luôn lung lay về mặt chiến lược. Các kế hoạch khẩn cấp của tổ chức này sẽ không
bao giờ tạo ra sự đồng thuận, đơn giản bởi vì việc bắt đầu sử dụng vũ khí hạt
nhân luôn đi kèm nguy cơ ăn miếng trả miếng, từ đó dẫn đến một cuộc chiến không
giới hạn theo kiểu ngày tận thế. Như J. Michael Legge, cựu thành viên Nhóm Kế
hoạch Hạt nhân của NATO, đã lưu ý trong một nghiên cứu mà Tập đoàn RAND công bố
năm 1983, nhóm của ông đã không thể đạt được thỏa thuận về các lựa chọn cụ thể
tiếp theo, ngoài một “vụ nổ hạt nhân trình diễn” đầu tiên, mang tính biểu tượng
nhằm tạo hiệu ứng tâm lý, vì lo sợ rằng Moscow luôn có thể đáp trả tương đương
hoặc thậm chí mạnh hơn. Ngày nay, người ta hy vọng rằng chính tình thế tiến
thoái lưỡng nan này sẽ ngăn cản Moscow gọi ‘thần hạt nhân’ ra khỏi chiếc đèn
ngay từ đầu.
Nhưng
các nhà hoạch định chính sách của NATO không nên chỉ dựa vào sự kiềm chế của
Moscow. Putin có nhiều thứ để mất trong cuộc chiến này hơn những quốc gia có vũ
khí hạt nhân đang ủng hộ Ukraine, và ông có thể đặt cược rằng trong tình thế cấp
bách, Washington sẽ không sẵn lòng chơi ‘trò cò quay’ với ông. Putin có thể
đóng vai kẻ điên và xem cú sốc hạt nhân như một rủi ro có thể chấp nhận được, để
kết thúc chiến tranh theo ý người Nga.
Các
cấp độ leo thang
Khi
đối mặt với khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, câu hỏi đầu tiên mà NATO cần
trả lời là liệu cuối cùng hành động đó có nên tạo thành lằn ranh đỏ thực sự đối
với phương Tây hay không? Nói cách khác, liệu một cuộc tấn công hạt nhân của
Nga có kích hoạt sự thay đổi của NATO, từ việc chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine
sang tham chiến trực tiếp hay không? Cơ sở lý luận để người Nga sử dụng vũ khí
hạt nhân chiến thuật có thể là để khiến NATO không dám vượt qua lằn ranh đó,
bên cạnh mục tiêu buộc Ukraine phải đầu hàng. Nếu một vài vụ nổ hạt nhân của
Nga không đủ để kích động Mỹ tham chiến trực tiếp, Moscow sẽ được bật đèn xanh
để sử dụng nhiều vũ khí hơn nữa, và nhanh chóng đè bẹp Ukraine.
Nếu
thách thức mà ở hiện tại chỉ mới là giả thuyết thực sự xảy ra trong đời thực,
thì việc tham gia vào một cuộc chiến hạt nhân hóa có thể khiến người Mỹ nhận ra
đó là một thử nghiệm mà họ không muốn nhúng tay vào. Vì lý do này, có một khả
năng rất thực tế là các nhà hoạch định chính sách sẽ lựa chọn kịch bản yếu nhất:
nói về sự man rợ không thể tưởng tượng được của người Nga, và tiến hành bất kỳ
biện pháp trừng phạt kinh tế nào chưa được sử dụng, nhưng không làm gì về mặt
quân sự. Điều này sẽ báo hiệu rằng Moscow hoàn toàn có thể tự do hành động quân
sự, bao gồm cả việc sử dụng thêm vũ khí hạt nhân để quét sạch hệ thống phòng thủ
của Ukraine. Về cơ bản, điều này có nghĩa là thừa nhận một chiến thắng của Nga.
Dù việc hạ mình là chuyện đáng xấu hổ đối với phe diều hâu, nhưng nếu vụ nổ hạt
nhân thực sự xảy ra, kịch bản này sẽ có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người Mỹ, bởi
vì nó sẽ tránh được nguy cơ tự sát quốc gia.
Sức
hấp dẫn đó phải được cân bằng bởi những rủi ro dài hạn có thể bùng phát từ việc
thiết lập tiền lệ chết người, rằng phát động một cuộc tấn công hạt nhân có thể
giúp người ta đạt được mục đích. Nếu phương Tây không lùi bước – hoặc, quan trọng
hơn, nếu ngay từ đầu, họ muốn ngăn Putin khỏi trò chơi hạt nhân – các chính phủ
cần một dấu hiệu đáng tin cậy nhất có thể, rằng việc Nga sử dụng hạt nhân sẽ
kích động NATO, chứ không phải khiến liên minh lùi lại.
Nếu
NATO quyết định phản công nhân danh Ukraine, thì sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra: liệu
họ có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, và nếu có thì bằng cách nào. Quan niệm
phổ biến nhất là một cuộc phản công hạt nhân ăn miếng trả miếng, tiêu diệt các
mục tiêu của Nga tương xứng với những mục tiêu mà cuộc tấn công ban đầu của Nga
đã nhắm vào. Đây là phản ứng theo bản năng, nhưng kịch bản này không hấp dẫn,
vì nó dẫn đến các cuộc tấn công qua lại, trong đó không bên nào bỏ cuộc và cuối
cùng cả hai bên đều bị tàn phá.
Ngoài
ra, Washington có thể đáp trả bằng các cuộc tấn công hạt nhân trên quy mô lớn
hơn so với cuộc tấn công ban đầu của Nga, đe dọa gây thiệt hại áp đảo cho
Moscow nếu họ tiếp tục dùng đến tấn công hạt nhân hạn chế. Phương án ‘nặng đô’
này có một số rắc rối. Thứ nhất, nếu được sử dụng để chống lại các lực lượng
Nga đang ở bên trong Ukraine, vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ gây ra thiệt hại lớn
cho chính đồng minh của họ. Đây không phải là một vấn đề mới. Trong Chiến tranh
Lạnh, các chiến lược gia chỉ trích việc dựa vào vũ khí hạt nhân chiến thuật để
chống lại lực lượng Liên Xô xâm lược từng châm biếm rằng, “Ở Đức, các thị trấn
chỉ cách nhau hai kiloton.” Tuy nhiên, sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các mục
tiêu bên trong nước Nga sẽ làm tăng nguy cơ nổ ra chiến tranh không giới hạn.
Vấn
đề thứ hai đối với các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật qua lại là Nga sẽ có
lợi thế hơn, vì nước này sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn Mỹ. Tính
bất đối xứng đó sẽ đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải sớm sử dụng
đến cái gọi là vũ khí chiến lược (tên lửa liên lục địa hoặc máy bay ném bom) để
duy trì ưu thế. Quyết định đó đi kèm nguy cơ mở đường cho hủy diệt hoàn toàn
lãnh thổ của các cường quốc. Do đó, cả phương án ăn miếng trả miếng lẫn phương
án trả đũa không cân xứng đều tiềm ẩn những rủi ro cao đáng kinh ngạc.
Một
lựa chọn ít nguy hiểm hơn sẽ là đáp trả tấn công hạt nhân bằng cách phát động một
chiến dịch không kích bằng vũ khí thông thường, nhắm vào các mục tiêu quân sự của
Nga, và huy động lực lượng mặt đất để triển khai vào chiến trường Ukraine. Điều
này sẽ cần đi đôi với hai tuyên bố công khai mạnh mẽ. Đầu tiên, để gạt bỏ những
quan điểm coi phương án rủi ro thấp này là yếu, các nhà hoạch định chính sách
NATO phải nhấn mạnh rằng công nghệ chính xác hiện đại khiến vũ khí hạt nhân chiến
thuật trở nên không cần thiết cho việc tấn công hiệu quả các mục tiêu từng được
coi là chỉ có thể bị tấn công bởi vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều đó sẽ khiến
hành động sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga trở thành một bằng chứng củng cố,
không chỉ cho sự man rợ, mà còn cho cả sự lạc hậu về quân sự của nước này. Việc
tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở cấp độ thông thường sẽ không thể hóa giải
được sự hoảng loạn ở phương Tây. Nhưng điều đó có nghĩa là Nga sẽ phải đối mặt
với viễn cảnh chiến đấu chống lại một NATO cơ bản áp đảo họ về lực lượng phi hạt
nhân, được hỗ trợ bởi khả năng trả đũa hạt nhân, và rất có thể sẽ không kiềm chế
nếu Nga chuyển hướng tấn công hạt nhân chống lại Mỹ chứ không phải lực lượng
Ukraine. Thông điệp quan trọng thứ hai cần nhấn mạnh là bất kỳ hành động hạt
nhân nào sau đó của Nga cũng sẽ kích động đòn trả đũa hạt nhân từ Mỹ.
Kịch
bản chiến tranh thông thường này gần như không hề hấp dẫn. Chiến tranh trực tiếp
giữa các cường quốc, dù bắt đầu ở bất kỳ cấp độ nào, cũng có nguy cơ leo thang
dẫn đến hủy diệt hàng loạt. Một chiến lược như vậy sẽ yếu thế hơn là một chiến
lược trả đũa, và sẽ làm trầm trọng thêm nỗi tuyệt vọng của người Nga – ngày
càng lo lắng thua cuộc, thay vì giải tỏa nỗi lo ấy – theo đó buộc họ phải đặt động
cơ leo thang ban đầu của mình bên cạnh quyết định ‘nhân đôi tiền cược’ và sử dụng
nhiều vũ khí hạt nhân hơn. Giải pháp sẽ là sự kết hợp giữa phản ứng quân sự của
NATO với một đề nghị thương lượng có chứa nhiều nhượng bộ bề ngoài nhất có thể,
để Nga có thể rút lui trong danh dự. Ưu điểm chính của kịch bản thông thường
này đơn giản là nó sẽ không rủi ro như lựa chọn không làm gì (yếu hơn), hoặc lựa
chọn hạt nhân (mạnh hơn).
Tình
thế lưỡng nan của phương Tây
Trong
trường hợp Nga kích nổ hạt nhân, NATO sẽ có hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau. Một
mặt, liên minh sẽ muốn phủ nhận bất kỳ lợi ích chiến lược nào mà Moscow có thể
thu được từ vụ nổ; mặt khác, họ sẽ muốn tránh leo thang hơn nữa. Tình thế lưỡng
nan này càng nhấn mạnh điều đã rõ ràng, là phải làm suy giảm tối đa động cơ của
Moscow trước lựa chọn hạt nhân ngay từ đầu.
Để
đạt được mục tiêu đó, NATO không chỉ nên đưa ra những lời đe dọa trả đũa đáng
tin cậy, mà còn phải vun đắp sự ủng hộ từ các bên thứ ba mà Putin muốn giữ cho
không gia nhập phương Tây. Cho đến nay, Moscow đã sống sót vì Trung Quốc, Ấn Độ,
và các nước khác từ chối hoàn toàn việc tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế
do phương Tây áp đặt. Tuy nhiên, những người lựa chọn đứng bên ngoài này vẫn có
lợi ích trong việc duy trì sự cấm kỵ hạt nhân. Họ có thể bị thuyết phục phải
tuyên bố rằng, việc tiếp tục hợp tác kinh tế với Nga phụ thuộc vào việc nước
này hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì chỉ là một tuyên bố về một sự kiện vẫn
còn mang tính giả thuyết, các nước trung lập có thể coi đây là một hành động với
rủi ro thấp, một cách để khiến phương Tây không chỉ trích họ, bằng cách nhắc đến
một tình huống mà họ không mong đợi xảy ra.
Washington
sẽ luôn giữ cho các lời đe dọa đã được đưa ra và các chiến lược của họ đủ mơ hồ,
để tạo ra sự linh hoạt và mở đường vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, bất kỳ lời đe
dọa hạt nhân nào nữa của Putin cũng sẽ trở thành lời nhắc nhở đơn giản nhưng mạnh
mẽ cho Washington về một điều mà Putin hiểu, nhưng cho rằng phương Tây không nhận
ra, rằng Nga hoàn toàn dễ bị tổn thương trước đòn trả đũa hạt nhân, và như các
thế hệ nhà tư tưởng và học giả hai bên vẫn luôn nhắc đi nhắc lại, chiến tranh hạt
nhân là một cuộc chiến trong đó không có người chiến thắng.
-----------------------------
Richard
K. Betts
là Giáo sư về Khoa học Chiến tranh và Hòa bình tại Đại học Columbia và là
nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Nguồn: Richard K. Betts, “Thinking About the Unthinkable in
Ukraine“, Foreign
Affairs, 04/07/2022
No comments:
Post a Comment