Nếu Donald Trump thắng cử, Châu Âu sẽ tự
bảo vệ an ninh bằng cách nào?
Đỗ Kim Thêm
Posted
on 23/10/2024 by Boxit VN
https://boxitvn.online/?p=91635
Hoa Kỳ luôn được tôn vinh là một cường quốc tích cực tham
gia trong mọi sinh hoạt chính trị quốc tế, nhưng lịch sử ngoại giao đã chứng
minh ngược lại: Hoa Kỳ từng theo đuổi nguyên tắc bất can thiệp và cũng đã nhiều
lần dao động giữa hai chủ thuyết quốc tế và cô lập.
Trong việc thực thi chính sách đối ngoại trong thế kỷ XX,
Hoa Kỳ mới thực sự trực tiếp định hình cho nền chính trị toàn cầu, lãnh đạo thế
giới tự do và bảo vệ nền an ninh trật tự chung. Nhưng đối với Châu Âu, qua thời
gian, vì nhiều lý do khác nhau, càng ngày Hoa Kỳ càng tỏ ra muốn tránh xa mọi
ràng buộc càng tốt.
Nếu ứng cử viên tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng
trong cuộc bầu cử lần này, thì chính sách đối ngoại mới chắc chắn sẽ có nhiều
thay đổi. Vấn đề là chính giới Châu Âu phải bắt đầu tự lo cho việc bảo vệ an
ninh quốc phòng, nhưng bằng cách nào?
Vai trò cảnh sát thế giới của Hoa Kỳ
Ban đầu, Hoa Kỳ không tự nhận mình sẽ đảm nhận vai trò cảnh
sát thế giới. James Monroe (1768-1831), Tổng thống thứ năm của Hoa Kỳ, đề xuất
chủ trương biệt lập như là một học thuyết ngoại giao mới vào năm 1823. Ông nhấn
mạnh là Châu Âu nên tránh xa lục địa Mỹ và Mỹ cũng sẽ không quan tâm đến các vấn
đề Châu Âu. Trong khi các nước Mỹ La tinh vừa thoát khỏi ách thống trị thuộc địa
của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Monroe muốn khẳng định Nam Mỹ là khu vực mở rộng
kinh tế của riêng mình. Trong chiều hướng phát triển này, Monroe coi các cường
quốc thực dân Châu Âu là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ.
Do đó, nguyên tắc bất can thiệp trở thành đường lối chính
trong chính sách đối ngoại. Cho đến khi tham gia Thế chiến thứ nhất vào năm
1917, Hoa Kỳ mới thực sự thay đổi quan điểm đối ngoại.
Học thuyết Monroe kết thúc
Không chỉ muốn đánh đổ học thuyết Monroe, Tổng thống lúc
bấy giờ là Woodrow Wilson (1851-1924) còn hứa với các cử tri trong cuộc vận động
tranh cử tổng thống là sẽ giữ cho Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc chiến tranh Châu Âu.
Nhưng tình thế đổi thay, Đức có thể thắng trận và chế độ quân chủ Đức sẽ thống
trị toàn lục địa Châu Âu, đó sẽ là một nguy cơ mới đối với Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng còn có những lý do kinh tế tiềm ẩn khác
để lo âu nhiều hơn. Tham gia cuộc chiến không giới hạn bằng tàu ngầm chống Đức
cũng là mối đe dọa cho các thương thuyền Mỹ đang hoạt động ở vùng Đại Tây
Dương. Diễn biến này cũng khiến cho nền thương mại thế giới sẽ gặp nhiều rủi ro
hơn.
Hơn nữa, Mỹ cũng đã cấp các khoản vay cho Anh và Pháp,
nhưng cũng tiên liệu là hai nước này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn trả
nếu bị đánh bại.
Để ứng phó trước tình hình này, vấn đề “vị trí của Mỹ
trên chính trường thế giới” được Mỹ đặt ra để thảo luận.
Lập luận chính của Wilson là nền dân chủ và an ninh trên
toàn thế giới phải được bảo vệ. Do đó, dù muộn màng, cuối cùng, Hoa Kỳ cũng
tham gia Thế chiến thứ nhất và đóng góp cho phe Đồng minh thành quả chiến thắng.
Thành lập Hội Quốc Liên
Trong khuôn khổ hoà đàm Versailles và theo đuổi những lý tưởng duy tâm, Tổng thống Wilson cũng muốn tạo ra một
trật tự hòa bình thế giới mà các giải pháp cho các vấn đề về xây dựng dân chủ
và phát triển kinh tế cho các nước sẽ đóng vai trò chủ yếu.
Ý tưởng chung của Wilson là các nền dân chủ không nên tiến
hành các cuộc chiến tranh để chống nhau. Nếu tiến trình dân chủ hóa cho tất cả
khu vực thành công, thành quả này sẽ dẫn đến tình trạng ổn định chung và nhờ thế
Hoa Kỳ cũng sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Wilson cho là thông qua việc xây dựng nền
dân chủ tự do, nền kinh tế thế giới sẽ phát triển và thịnh vượng.
Để thực hiện chủ trương này, Wilson đề nghị thành lập Hội
Quốc Liên như là một thể chế quốc tế nhằm đảm bảo cho nền hòa bình, tự do và ổn
định trong lâu dài.
Nhưng sau đó vì các bất đồng chính kiến trong nước, chính
Quốc hội Mỹ biểu quyết không tham gia Hội Quốc Liên và Mỹ phải nhanh chóng rút
khỏi Châu Âu. Một lần nữa, Mỹ tuân thủ nguyên tắc bất can thiệp vào chính sự quốc
tế.
Thế chiến thứ hai và trận Trân Châu
Cảng
Vào đầu Thế chiến thứ hai, chính giới Mỹ cũng không muốn
bị lôi kéo vào một cuộc chiến khác, nhưng khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng thì đó là khởi đầu cho một bước ngoặt lịch sử. Lúc đầu, Mỹ chỉ giới hạn chiến đấu ở
mặt trận Đông Á, nhưng ngoài mọi dự liệu, sau đó lại tuyên chiến với
Hitler.
Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt (1882-1945)
cũng coi sự can thiệp của Mỹ là cơ hội để tạo ra một trật tự thế giới mới về
lâu dài. Sau khi Đồng minh chiến thắng, quân đội Mỹ vẫn còn đồn trú tại Châu Âu và Đông Á. Tình thế mới cho phép Roosevelt bắt đầu thúc đẩy
việc thành lập Liên Hiệp Quốc trong ảnh hưởng của Mỹ.
Học thuyết ngăn chận của Truman và
Chiến tranh Lạnh
Harry S. Truman (1884-1972), người kế nhiệm Roosevelt, đã
xây dựng chính sách ngăn chận vào năm 1947. Mục đích chính của Truman là lo bảo
vệ và kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô. Để thực hiện chủ trương này, Truman
hứa sẽ cung cấp viện trợ cho tất cả những quốc gia nào có nguy cơ bị Moscow kiểm
soát; nếu cần thiết, sẽ can thiệp bằng các biện pháp vũ lực.
Với tinh thần dấn thân không biên giới trong khuôn khổ
Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã gián tiếp đối đầu với Liên Xô trong nhiều thập niên. Đó
cũng là lý do giải thích tại sao Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam thay
cho Pháp. Khi nhân danh bảo vệ cho các nền dân chủ của thế giới tự do, Hoa Kỳ
can thiệp quân sự khắp mọi nơi, hành động này cũng có nghĩa là vì theo đuổi lợi
ích của chính mình.
Nhìn chung trong toàn cảnh, Hoa Kỳ được uỷ nhiệm như một
thành trì kiên cố để bảo vệ an ninh quốc tế, nếu xét đến trường hợp của Việt
Nam và Đức. Mặt khác, trong khi Hoa Kỳ khẳng định lợi ích của mình là chính,
tác động của Hoa Kỳ cũng có hậu quả tiêu cực, vì không quan tâm đến quyền lợi
sinh tử của các quốc gia khác.
Thực lực của Mỹ trong bối cảnh mới
Sau khi Mỹ rút quân ra khỏi Syria và Afghanistan, một vấn
đề cơ bản được đặt ra là là liệu Mỹ có còn đủ khả năng bảo vệ cho thế giới tự
do không.
Nhìn chung, Hoa Kỳ không còn đủ thực lực như vậy, mà lý
do chính là bị căng thẳng tột độ khi đã mở rộng quá mức về không gian cần thiết
để kiểm soát. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng là người đầu tiên nhận ra tình trạng
bất khả này.
Gần đây nhất, lập luận thời đại vinh quang của Mỹ đã kết
thúc được đề cập và ý kiến này đã thuyết phục được đa số công luận trong nước.
Để vận động tranh cử tổng thống lần đầu, Donald Trump đã dùng khẩu hiệu “Nước Mỹ
trên hết”, ông cũng đã công khai từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trước
các vấn đề khó khăn trong nước như di dân, lạm phát và phân hoá xã hội, ông đã
thu phục cử tri Mỹ và thắng cử.
Hiện nay, hiện tình quốc tế càng phân hoá hơn bao giờ hết.
Dù Mỹ có muốn tiếp tục lãnh đạo thế giới hay không, một trật tự thế giới mới
đang hình thành và các nước đang gây ảnh hưởng đáng kể trong tiến trình này gồm
có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Châu Âu và Ấn Độ. Đặc điểm
chính của cấu trúc mới này là tất cả đều không thể tìm ra một giá trị chung nào
để đồng thuận và theo đuổi.
Thực ra, chuyện thế giới phương Tây hoặc Hoa Kỳ suy tàn
đã được đề cập từ lâu. Các ý kiến này đã phản ánh chung những lo lắng về một thời
kỳ phát triển đã kết thúc và mọi hợp tác quốc tế năng động đang phân hoá. Cho đến
nay, cộng đồng quốc tế phải thừa nhận một sự thật là quân đội Mỹ vẫn còn “mạnh nhất thế giới”.
Ảnh hưởng đối với Châu Âu
Trong một thời gian dài, Châu Âu đã dựa vào sự bao che của
Mỹ nên không quan tâm đến vấn đề an ninh. Một thuận lợi khác là Liên minh Phòng
thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập vào năm 1949 nhằm để bảo vệ cho
Châu Âu; một quy định cụ thể là khi một quốc gia thành viên bị tấn công, thì sẽ
được giải thích đó là cuộc tấn công nhằm vào toàn khối NATO.
Nhưng thuận lợi này có thể sớm kết thúc nếu ứng cử viên
Donald Trump thắng cử vào ngày 5 tháng 11 năm 2024 tới đây. Trước đây, Trump đã
liên tục đe dọa chấm dứt việc hợp tác, nếu các nước trong khối NATO không tuân
thủ mục tiêu đã thống nhất là chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng.
Trump nói: Nếu bạn không trả tiền, bạn sẽ không được bảo vệ. Không chỉ có
Trump, mà Obama cũng đã từng nói tương tự: “Khi chúng tôi phải trả bằng một cái
giá để cho bạn được an toàn, điều đó thật ngu ngốc”.
Tuy nhiên, thật khó mà tin rằng Mỹ sẽ rút hoàn toàn ra khỏi
Châu Âu, nhưng cũng có thể suy đoán là, Trump chỉ muốn đảm bảo an ninh cho Mỹ
và có thể đưa quân đến một nơi nào khác ngoài Châu Âu trong trường hợp
xảy ra chiến tranh.
Chiến tranh Ukraine và bước ngoặt
Cho dù Trump có thắng cử hay không và chính sách đối ngoại
của Hoa Kỳ là gì đi nữa, thì đứng trước viễn cảnh một nước Nga đang theo chủ
nghĩa xét lại và xâm lăng, Châu Âu cần tập trung vào việc định hình lại chính
sách an ninh mà chính giới Đức gọi là “bước ngoặt”. Châu Âu phải ý thức việc tự
bảo vệ chủ quyền chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, cụ thể là đầu tư nhiều hơn,
nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Nhưng bằng cách nào? Sự hợp tác của các nước cần chặt chẽ hơn, thí dụ như cải thiện việc sản xuất vũ khí và tạo ra các cơ cấu ra quyết định
đơn giản hơn, mà nhiệm vụ trước mắt là khẩn cấp viện trợ cho Ukraine trong cuộc
chiến chống lại Nga.
Răn đe hạt nhân
Châu Âu lấy ai và lấy gì để bảo vệ? Trong tương lai gần,
việc răn đe bằng vũ khí hạt nhân sẽ phải được tổ chức ở mức độ toàn Châu Âu, có
nghĩa là, “Châu Âu hóa” các kho vũ khí hạt nhân của Pháp phải cấp thiết đặt ra.
Cho đến nay, chính phủ Pháp đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng này vì chủ quyền an ninh quốc gia Pháp là tối thượng.
Một giải pháp khác cũng có thể được đề cập đến là Châu Âu
phải sớm lo thành lập một lực lượng bảo vệ trang bị bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng
việc thảo luận dự án này sẽ mất thời gian vì những rào cản chính trị và pháp
lý, nếu không muốn nói là thiếu thực tế, cho dù quan điểm của Đức là khẳng định
điều ngược lại.
Đ.K.T.
-------------------
Bài liên quan:
1. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong năm
2025
2. Ảnh hưởng của tân Tổng thống Mỹ đối với
tương lai an ninh Châu Âu
3. Sự an nguy của Châu Âu trong bối cảnh mới
4. Châu Âu có cần tự trang bị vũ khí hạt nhân
không?
5. The U. S foreign policy between
Isolationism and Internationalism
6. Trump vẫn còn có thể thắng trong nhiệm kỳ
thứ hai cho dù mọi chuyện xảy ra
Tác
giả gửi BVN
No comments:
Post a Comment