Thursday, October 10, 2024

MỘT CUỘC CÁCH MẠNG GIÁO DỤC? (Thái Hạo / Facebook)

 




Một cuộc cách mạng giáo dục?

Thái Hạo

9-10-2024  09:55  · 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0ahRnJ5fDoEcJdzARZHLDytJ365vncUTUkNyN13fwSq3XcahwgBy4FuCYfpvr8hPcl&id=100059910855657

 

Trước tình hình nền giáo dục ngày càng bộc lộ và phát sinh những vấn đề nhức nhối, gây tác hại nghiêm trọng cho người học và người dạy, khiến xã hội cạn kiệt niềm tin, nhiều người đã nói đến một cuộc cách mạng giáo dục cần được gấp rút tiến hành.

 

Thực ra, Việt Nam vừa có một cuộc “Đổi mới căn bản toàn diện” nền giáo dục, và nó có thể hiểu như là đã tiến hành một cuộc cách mạng. Bắt đầu từ 2018, đến năm nay là vừa khép vòng – tất cả các khối lớp đã cùng học chương trình mới này. Nhưng, thực tế cho thấy, không có nhiều ánh sáng; ngược lại bệnh cũ dường như chưa trị xong, bệnh mới vẫn tiếp tục nảy sinh và lan rộng. Vì sao và phải làm thế nào?

 

Theo tôi, việc đầu tiên – cái việc đáng ra phải làm trước và làm triệt để – thì đã không được thực hiện, đó là “làm đất”: Dọn dẹp sạch sẽ và đắp vững nền móng – thay vì đổ dồn toàn lực vào việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới.

 

Chưa làm đất cho tử tế mà lại đi trồng cây và gieo hạt lên đó, thì chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ, lãng phí và hoài công.

 

Phải tổ chức lại bộ máy và thiết kế cách vận hành sao cho khoa học, tiến bộ trước đã. Đó là tập trung quét sạch những nạn như chuyên quyền, độc đoán, nạn thu tiền và làm tiền, nạn cấu kết giữa các thành phần lợi ích để trục lợi, v.v…

 

Một cách cụ thể, phải phân chia quyền lực lại cho cân đối, không để hiệu trưởng làm vua trường học nữa; phải đưa dạy thêm học thêm ra khỏi nhà trường và giáo viên; phải chặn đứng những chương trình liên kết mà thực chất là cấu kết; phải xóa bỏ sự núp danh “xã hội hóa”; phải chặt đứt cánh tay thu tiền hộ mang danh “Ban đại diện”…

 

Làm trong sạch môi trường giáo dục rồi, trả lại cho học sinh và thầy cô giáo sự lành mạnh, tử tế rồi, khi đó mới có thể tính đến và đưa chương trình giáo dục cùng sách giáo khoa đã được biên soạn một cách tiến bộ vào. Bằng không, chẳng khác nào mặc áo mới mà đi vào bãi rác hoặc lội bì bõm trong bùn.

 

Cuộc “cải cách đất đai giáo dục” này, gọi theo cách khác là “cách mạng phần cứng”, theo tôi hoàn toàn không phải chi tiền. Mà hơn thế, lúc ấy dù chưa cần đưa chương trình và sách giáo khoa mới vào thì chất lượng giáo dục đã có thể được cải thiện.

 

Trong tình hình hiện nay, khi cây non đã trót bị trồng lên mảnh đất đang ô nhiễm nghiêm trọng, thì phải gấp rút vừa dưỡng cây, vừa cải tạo đất với tinh thần như cứu lửa cháy đầu. Nếu không, tất cả sẽ thành công cốc.

 

Đáng lo thay, điều hệ trọng bậc nhất này dường như không những vẫn bị bỏ ngỏ mà còn có xu hướng làm cho tệ hại hơn, ví dụ như Dự thảo thông tư về dạy thêm học thêm chính thức cho nhà trường và giáo viên dạy thêm học sinh của mình để thu tiền. Thú thực, tôi chịu, không thể hiểu Bộ Giáo dục đang nghĩ gì và vì sao lại làm thế.

 

Giáo dục đồng nghĩa với số phận của từng cá nhân, với vận mệnh của đất nước, nó không phải cái sân của Bộ Giáo dục. Vì thế, là một công dân, tôi đòi hỏi nhà nước phải tiến hành một cuộc cải cách triệt để về “phần cứng” như đã nói, để vực nền giáo dục quốc gia dậy, đặng kiến thiết sự thịnh vượng cho người dân và đất nước.

 

Nếu vẫn không làm, chương trình 2018 sẽ đứng trước nguy cơ thất bại nhãn tiền và hoàn toàn, và rồi chúng ta lại tiếp tục mất thêm mấy thế hệ nữa cho những cuộc cải cách tiếp theo.

 

Thái Hạo

 

.

188 BÌNH LUẬN  







No comments: