Wednesday, October 23, 2024

LÝ DO BẦU CHỦ TỊCH NƯỚC MỚI MÀ KHÔNG ĐỂ TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM KIÊM NHIỆM (BBC News Tiếng Việt)

 



Lý do bầu chủ tịch nước mới mà không để Tổng Bí thư Tô Lâm kiêm nhiệm

BBC News Tiếng Việt

22 tháng 10 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5yjylyllvzo

 

Đại tướng Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, thay cho ông Tô Lâm. Vì sao ông Tô Lâm không tiếp tục kiêm nhiệm hai chức vụ?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4942/live/1661ca40-9047-11ef-b3c2-754b6219680e.jpg.webp

Tứ Trụ Việt Nam: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

 

Đại tướng Lương Cường trở thành quân nhân thứ hai từng nắm vị trí nguyên thủ quốc gia, sau Đại tướng Lê Đức Anh.

 

Trước khi bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh này đối với ông Tô Lâm.

 

Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K Inouye (Mỹ) nhận định với BBC ngày 22/10 rằng việc bầu chủ tịch nước mới cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho việc sáp nhập, nhất thể hóa hai chức vụ cao nhất: tổng bí thư và chủ tịch nước.

 

Vì sao không nhất thể hóa?

 

Theo Giáo sư Vuving, ý tưởng về chuyện sáp nhập cả hai chức vụ đứng đầu đảng và nhà nước đã được đem ra tranh luận trong hai thập kỷ qua, nhưng nó chưa bao giờ trở thành quan điểm chiếm ưu thế trong giới lãnh đạo Việt Nam.

 

Năm 2018, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm luôn chức vụ nguyên thủ quốc gia thay cho ông Quang.

 

Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện nên người đứng đầu đảng - tổng bí thư - đương nhiên là lãnh đạo chính trị cao nhất. Trong khi đó, chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia. Cơ cấu quyền lực này gây ra nhiều bất cập, về đối nội thì tạo ra một bộ máy cồng kềnh, về đối ngoại thì có nhiều bất tiện, đặc biệt là trong việc giao thiệp với các quốc gia dân chủ phương Tây. Do đó, vấn đề nhất thể hóa đã được đặt ra từ lâu, với mô hình tham khảo là Trung Quốc.

 

Hiểu một cách đơn giản, nhất thể hóa là việc hợp nhất bộ máy đảng và nhà nước, trong đó vấn đề thường được bàn tới nhiều nhất là hợp nhất chức danh tổng bí thư (đảng) và chủ tịch nước.

 

Trong lịch sử, chỉ có ông Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm từng kiêm nhiệm cả hai chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước. Xét các trường hợp ông Trường Chinh, Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm, việc giữ hai chức danh lãnh đạo đảng và nhà nước thực ra chỉ là giải pháp tình thế, sau khi chủ tịch nước hoặc tổng bí thư đương nhiệm đột ngột qua đời. Do đó, các trường hợp này chưa thể coi là nhất thể hóa.

 

Trả lời báo Viettimes mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích về khái niệm nhất thể hóa như sau:

 

"Trong mô hình tổng thống chế, thì người đứng đầu đảng làm tổng thống. Đảng với nhà nước hòa với nhau làm một và chủ trương, chính sách do nhà nước quyết định."

 

Ngược lại, Tiến sĩ Dũng nói rằng mô hình thể chế của Việt Nam là mô hình một đảng cầm quyền và điều quan trọng nhất là Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện thông qua chủ trương, đường lối và giám sát việc thực hiện chứ Đảng không làm thay các việc thuộc về nhà nước.

 

Do đó, theo ông Dũng, nếu đường lối, chính sách vẫn do Đảng quyết, thì việc tổng bí thư giữ chức chủ tịch nước cũng chỉ là việc kiêm nhiệm chứ không phải là việc nhất thể hóa.

 

XEM TIẾP >>>>>  

 

 






No comments: