Hội
chứng kinh niên quan hệ Việt – Trung: Đồng sàng dị mộng
20/10/2024
https://www.voatiengviet.com/a/hoi-chung-kinh-nien-quan-he-viet-trung-dong-sang-di-mong/7829083.html
Tuy
sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, nhưng thiếu hụt lòng tin là một
yếu tố quyết định cản trở sự phát triển của quan hệ song phương. “Đồng sàng dị
mộng” vẫn là “hội chứng kinh niên” trong bang giao Việt – Trung.
https://gdb.voanews.com/B28277F8-DA5A-442E-B9C4-BD30EE3752AD_w1023_r1_s.jpg
Trung
Quốc đối với Việt Nam, vừa là đối tượng, vừa là đối tác. Hình minh hoạ.
Manila
và Hà Nội, cách nào hay hơn?
Hội
nghị cấp cao Đông Á (EAS), các tuyên bố về căng thẳng ở Biển Đông tại Hội nghị ấy
ở Lào (8—11/10), cũng như chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường
(12—14/10) là bối cảnh của bức tranh vân cẩu Trung – Việt. Điều khác biệt rõ rệt
nhất giữa Việt Nam và Philippines tại các cuộc họp vừa nêu là thái độ và cách
hành xử giữa Manila và Hà Nội. Philippines dẫn đầu trong việc chỉ trích các
hành động bất hợp pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh tại Biển Đông, kêu gọi các nước
cần có kết luận ngay lập tức về Bộ quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết các xung
đột trên biển trong khu vực (1).
Tổng
thống Marcos, người đã chủ động nêu vấn đề Biển Đông trong hầu hết các phiên thảo
luận, cho biết "hơn một nửa" các thành viên của khối đã đề nghị giúp
đỡ Philippines trong bối cảnh các hành động leo thang của Trung Quốc (2). Trong khi Thủ
tướng Phạm Minh Chính vẫn lặp lại “bài ca đi cùng năm tháng” , vẫn là “nỗ lực
thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin…, gia tăng điểm đồng, giảm thiểu
bất đồng, tôn trọng khác biệt, hướng đến tương lai…”. Để đối phó với Trung Quốc,
cách nào hiệu quả hơn? Quyết liệt của Philippines, hay thận trọng kiểu Việt
Nam? Việt Nam tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc tại diễn đàn này. Phát biểu
tại Hội nghị, Thủ tướng Chính kỳ vọng EAS phát huy hơn nữa vai trò và giá trị
là diễn đàn hàng đầu đối thoại về các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình,
an ninh và phát triển tại khu vực… (3).
Chính
sách quyết liệt nói trên của Philippines được Tiến sĩ Ian Storey, học giả của
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) tại Singapore, đánh
giá từ cả hai mục tiêu: tạo sự ủng hộ quốc tế đối với việc bảo vệ quyền chủ quyền
của mình và khiến người dân Philippines nhận thức được sự hung hăng của Bắc
Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila. Theo Tiến sĩ
Storey, dù chính sách này cả ở hiện tại lẫn tương lai đều không ngăn được Bắc
Kinh sử dụng chiến thuật vùng xám (hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến
tranh), nhưng mục đích của Philippines là tập hợp dư luận trong nước và quốc tế
ủng hộ Manila như chàng David trong cuộc chiến với gã khổng lồ Goliath (4).
Phía
bờ này Biển Đông, Việt Nam cũng đã từng “gọi sự vật đúng tên” người hàng xóm võ
biền, chẳng hạn như khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014. Vào thời điểm đó, một làn sóng phẫn nộ
đã bùng nổ trong dư luận Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình thậm chí mất kiểm
soát, khiến nhiều nhà máy bị đập phá. Kết quả là chính quyền Việt Nam đã vào cuộc
vào thời điểm ấy và mời báo chí quốc tế, đến thực địa để đưa tin về sự kiện.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam chọn cách tiếp cận
ngược lại, theo ý kiến của nhà phân tích Derek Grossman thuộc Viện nghiên cứu
Rand của Mỹ trên Nikkei Asia tháng 7/2024. TS. Grossman cho rằng Hà Nội
đã đạt thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh là không công khai hóa các xung đột và giải
quyết các bất đồng và căng thẳng giữa hai nước hoàn toàn trong hậu trường, với
hy vọng tránh các bước leo thang mới của Bắc Kinh (5). Đây thực chất
là một thỏa hiệp nguy hiểm, đồng ý “trùm chăn lại để cho Trung Quốc đánh mà
không được kêu”, theo như quan niệm của bình dân.
Philippines
có lập trường cứng rắn một phần, nhờ chủ trương liên minh với Mỹ kể từ khi
Marcos Jr. làm Tổng thống. Nhưng phần quan trọng hơn là bản lĩnh và chính sách
không khoan nhượng với Trung Quốc của cá nhân Marcos Jr. Sự xoay trục này là có
lợi cho Việt Nam, nhưng Hà Nội đã không cùng cách tiếp cận với Manila. Việt Nam
không dám “rầm rộ phản ứng” theo cách của Philippines. Đây là nhận định của
Giáo Sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K.
Inouye tại Hawai (Mỹ) dành cho RFI hồi đầu năm nay (6). Theo GS. Vuving, từ
hàng chục năm nay, ASEAN và Trung Quốc đã thương thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển
Đông (COC) nhưng đã không đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Lý do: Trung
Quốc tham vọng quá nhiều và gần như vi phạm mọi nguyên tắc cơ bản của Luật Biển
Quốc tế, trong khi một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines muốn
rằng, COC phải đi đúng tinh thần của Luật Quốc tế, nhất là phải tuân thủ
UNCLOS-1982.
“Nỏ
thần” cố ý trao tay “đối tượng”?
Trung
Quốc rõ ràng vừa là đối tượng vừa là đối tác của Việt Nam. Với Tuyên bố chung
14/10/2024 tại Hà Nội (7), Bắc Kinh tiếp tục biến Việt Nam thành quân bài trên
“Con đường tơ lụa mới” – một thí nghiệm bị đánh giá là thất bại lịch sử của cá
nhân Tổng bí thư Tập Cận Bình. Mặc dầu vẫn còn ý kiến khác nhau trên
thượng tầng lãnh đạo, nhưng Việt Nam dường như vẫn “tình nguyện” để Trung Quốc
xây dựng đường sắt Bắc – Nam nhằm kết nối sáng kiến “Hai hành lang, Một vành
đai” của mình với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Theo
lời của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hệ thống đường sắt này “sẽ kết nối Việt
Nam với các nước châu Âu – Tây Á qua tuyến đường sắt liên vận. Việt Nam sẽ
thành cửa ngõ để Trung Quốc kết nối với các nước ASEAN, đồng thời là đầu mối
quan trọng kết nối ASEAN với châu Âu và Trung Á" (8). Tuyên bố
chung 14/10 nói trên vẫn tiếp tục “trói” con tàu Việt Nam vào hai “trụ cầu” là
“Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” và “Cộng đồng chia sẻ tương lai”. Tuyên
bố ấy còn buộc phải “thề non hẹn biển”: “Không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu,
khắc ghi sứ mệnh chung, kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, kiên định con
đường XHCN…, kiên trì nắm bắt quan hệ Việt – Trung từ tầm cao chiến lược và tầm
nhìn dài hạn”.
Nghe
quá mũi mẫn! Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu giao toàn bộ việc thiết
kế và xây dựng đường sắt Bắc Nam cho Trung Quốc, thì đó là trao “nỏ thần” cho
“đối tượng”! (9) Không
phải ngẫu nhiên, chỉ một ngày sau Tuyên bố chung 14/10, Hội đồng thẩm định Nhà
nước Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (MOT) làm rõ mức đầu tư hơn 67 tỷ
USD đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhằm tính đúng, phù hợp. Theo đề xuất của
MOT, dự án này có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương
67,34 tỷ USD), tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm. Ngày 15/10, Hội đồng thẩm định
Nhà nước đã đề nghị MOT rà soát tổng mức đầu tư, quy mô đầu tư từng hạng mục
trên cơ sở tính đúng, đủ và phù hợp tại bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả
thi. Việc này phải phân tích dựa trên khung tiêu chuẩn áp dụng thực tiễn của
các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế -
xã hội Việt Nam. Bộ Giao thông Vận tải cũng cần rà soát lại đánh giá về hiệu quả
kinh tế - xã hội, tài chính của dự án. Cơ quan này làm rõ phương án huy động,
khả năng cân đối vốn cho dự án. Việc này phải bảo đảm khả thi, đúng quy định
(10).
Sáng
kiến “Hai hành lang, Một vành đai”, được Việt Nam và Trung Quốc thông qua năm
2004, là cụm từ gọi tắt của hành lang thứ nhất là “Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội
- Hải Phòng” và hành lang thứ hai là “Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải
Phòng”, còn một vành đai là “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”. Sau nhiều năm cân
nhắc bên phía Việt Nam, vấn đề hợp tác đường sắt được nhấn mạnh trong Tuyên bố
chung ngày 20/08/2024, nhân chuyến công du Trung Quốc của TBT, CTN Tô Lâm (11).
Bức tranh chung được đánh dấu bởi tham vọng phát triển đường sắt của Việt Nam,
muốn tận dụng nguồn vốn dồi dào bên phía Trung Quốc, nhưng mấy ai chịu khó nhìn
sang Lào… Chỉ vì hám lợi nối đường sắt từ thủ đô Vientiane với thành phố Côn
Minh, hơn 7 triệu dân Lào hiện mang nợ Trung Quốc 6 tỷ đô la Mỹ. Gần một
chục năm sau ngày Bắc Kinh khởi động đại dự án BRI, nhiều tiếng nói không ngần
ngại cho rằng Trung Quốc đã làm giàu trên xương máu của những ngước nghèo (12).
Dù
cùng hệ tư tưởng chính trị, Việt Nam và Trung Quốc vẫn luôn bị ám ảnh bởi sự ngờ
vực và mâu thuẫn trong các tương tác song phương. Kể từ khi bình thường hóa
quan hệ Trung – Việt vào năm 1991, trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, quan hệ
Việt – Trung được giới bình luận quốc tế “gọi là sự bất đối xứng trưởng thành”.
Điều này đã ảnh hưởng đến các cân nhắc chiến lược trong chính sách của Việt Nam
đối với Trung Quốc (13). Chiến lược hợp tác của Việt Nam với Trung Quốc bao gồm
“vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Nói cách khác, không giống như “các điều kiện bất
đối xứng trưởng thành”, khi cả hai nước đều cố gắng duy trì quan hệ hòa bình.
Trong trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, sự chủ động luôn thuộc về ban lãnh
đạo Bắc Kinh. Mặc dù mối quan hệ thường cho là được thúc đẩy bởi sự đồng
cảm về hệ tư tưởng và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng, nhưng
“thiếu vắng lòng tin” là một yếu tố quyết định cản trở sự phát triển của quan hệ
giữa hai nước. “Đồng sàng dị mộng” vẫn luôn là “hội chứng kinh niên” trong bang
giao Việt – Trung (14).
---------------
Tham
khảo:
(3) https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-nghi-cap-cao-dong-a-102241011181951218.htm
(4) https://medium.com/@Dr_nabil_ebraheim/david-and-goliath-the-victory-of-faith-over-fear-d7ea7acfb6ad
(5) https://asia.nikkei.com/Opinion/Philippines-and-Vietnam-s-South-China-Sea-strategies-have-failed
(7) https://baochinhphu.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-102241014172145671.htm
(9) https://www.facebook.com/t.viet.lam
(11) https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-675584.html
(13) https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/09700161.2024.2311477
No comments:
Post a Comment