Friday, October 4, 2024

HÃY DẸP CÁI BỤI TRE ẤY ĐI! (Nguyên Tống / Báo Tiếng Dân)

 



 

Hãy dẹp cái bụi tre ấy đi!

Nguyên Tống   |  Báo Tiếng Dân

04/10/2024

https://baotiengdan.com/2024/10/04/hay-dep-cai-bui-tre-ay-di/  

 

Hồi nhỏ, tuy nhà mình ở giữa nội thành Hà nội nhưng có vườn và bố mình trồng một bụi tre. Mình để ý thì thấy xung quanh bụi tre đó không trồng được gì, vì rễ tre rất cứng và lan rộng, “ăn không từ thứ gì” nên hút hết chất của đất, cây khác không sống được. Còn lá tre rụng phủ dày đến mức cỏ cũng không mọc nổi. Nói chung nó là loại cây mà không sống chung được với các loài thực vật khác, dù là cây thân gỗ hay rau cỏ.

 

Lại nữa, chim chóc bình thường cũng không thể làm tổ vì ngoài chuyện nhiều gai ra thì nó còn rất nguy hiểm khi cứ gió chiều nào ngả chiều ấy, các thân tre ngả qua ngả lại, cọ vào nhau kèn kẹt, rất dễ kẹp nát tổ chim, vỡ trứng, chết chim. Chim nhỏ và ngu đần còn biết né, huống chi tinh khôn như đại bàng?

 

Thế là sau vài năm, nhận ra vấn đề thì bố mình chặt hết bụi tre, còn phải đào hết gốc để bọn “búp măng non” khỏi mọc lại. Mình cùng bố xây một cái chuồng lợn ở chỗ đó, trên làm cái “gác xép” nuôi gà và trồng rất nhiều cây ăn quả, những khóm hoa đủ màu và cả rau xanh xung quanh. Nhà mình thời bao cấp mà vừa có thịt lợn để bán, vừa có thịt gà lá chanh cùng các loại hoa quả và rau để ăn, có hoa để ngắm, chim chóc rủ nhau về làm tổ ríu rít suốt ngày, nghe rất bình yên thư giãn.

 

Nên mình muốn có mấy lời với các bác “nông dân” thích cây tre: Đã trồng cây tre thì đừng mong có cây nào chung sống thân thiện và cũng đừng mong chim chóc hay đại bàng đến làm tổ. Kể cả có lót ổ sẵn nó cũng không đến. Trồng làm hàng rào thêm thắt ở ngoại vi thì được (mà cũng phải đào hào cách ly để ngăn rễ nó đâm sang, ăn không từ thứ gì của vườn), chứ chủ đạo trồng tre là chính thì xôi hỏng bỏng không đấy, chẳng hay ho gì đâu.

 

PS: Dùng cáp quang internet của Tàu không biết rẻ hơn được mấy đồng hay lợi ích “ngoại giao” gì, nhưng chắc chắn là Google hay Microsoft, Amazon không đời nào bỏ mấy chục tỷ đô xây trung tâm dữ liệu để chạy trên đường cáp quang có nguy cơ bị mất trộm thông tin/ dữ liệu cao như thế cả đâu.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/10/1-15.jpeg

Ảnh minh họa: Đại bàng không dám làm tổ trên ngọn tre

 

Các tập đoàn công nghệ hay sản xuất, dịch vụ sử dụng công nghệ cao khác sau này cũng vậy, chẳng ai muốn các thông tin trao đổi hay dữ liệu kinh doanh của mình có nguy cơ bị thu thập lén (mà không làm gì được kẻ ăn trộm) cả. Nên mọi tính toán hay quyết định đều cần cân nhắc nhiều phương diện, chứ đừng tính ngắn quá. Rồi lại vò đầu bứt tai, không hiểu vì sao đại bàng không chịu đến làm tổ trên ngọn tre?!

 

Cơ hội nhiều khi chỉ đến 1 lần mà bỏ lỡ thì đừng hỏi vì sao mình cứ mãi tụt hậu. Dẹp cái bụi tre như bố mình đã làm đi.

______

Bài liên quan: 

 

Việt Nam ở đâu trong chiến lược trung tâm dữ liệu của Google tại Đông Nam Á? 

 

Amazon chi gần 9 tỷ USD mở rộng hạ tầng đám mây tại Singapore 

 

Apple đầu tư kỷ lục vào Singapore 

 

Tại sao Google chọn Malaysia và Thái Lan để xây dựng trung tâm dữ liệu? (VNN)






No comments: