Friday, October 18, 2024

CUỘC TRỐN CHẠY TỪ MIỀN BẮC CỘNG SẢN VÀO MIỀN NAM TỰ DO 1954 (Huy Vũ / Saigon Nhỏ)

 



Cuộc trốn chạy từ miền Bắc Cộng Sản vào miền Nam Tự Do 1954 (1)

Huy Vũ  -  Saigon Nhỏ

16 tháng 10, 2024

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/cuoc-tron-chay-tu-mien-bac-cong-san-vao-mien-nam-tu-do-1954-1/

 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/10/Tau-ha-mom-US-Navy-Wikipedia.org-1.jpg

Khoảng một triệu người dân miền Bắc (khoảng 800 ngàn trong đó là người Công giáo di cư đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954–1955 theo những chuyến tàu do Pháp và Mỹ tổ chức. (Hình: US Navy/Wikipedia.org)

 

“Một ngày năm bốn cha bỏ quê xa

 

Nơi chôn nhau cắt rốn đã bao nhiêu đời

 

Một ngày năm bốn cha bỏ phương trời

 

Miền Bắc âm u mưa phùn rơi…”

 

Tiếng hát Elvis Phương, bài “1954 Cha Bỏ Quê – 1975 Con Bỏ Nước” của Phạm Duy từ chiếc điện thoại thông minh của tôi phát ra, làm tôi bồi hồi nhớ lại cuộc trốn chạy từ Miền Bắc Cộng Sản vào Miền Nam Tự Do của gia đình tôi vào năm 1954.

 

Phần lớn những người miền Bắc tham dự vào cuộc trốn chạy này là những người đang sống ở những vùng do quân đội Pháp chiếm đóng hay trong vùng thuộc chính quyền Quốc Gia Việt Nam kiểm soát. Vì thế, họ ra đi giữa ban ngày ban mặt, tuy không thể mang theo nhà cửa ruộng vườn, nhưng có thể mang theo tất cả đồ tế nhuyễn của riêng tây. Còn gia đình tôi lúc ấy, đang sống trong một ngôi làng trong tỉnh Phú Thọ thuộc vùng kiểm soát của ông Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) từ tháng 8/1945. Nơi đây vào cuối năm 1954 cũng là nơi ông Hồ và đảng CSVN cho thực thi giai đoạn I của cuộc Cải Cách  Ruộng Đất (CCRĐ). Trong cuộc CCRĐ này, gia đình tôi lại “hân hạnh” được “tấn phong” là địa chủ, đối tượng chính của cuộc CCRĐ. Vì thế nên dân quân du kích và bần cố nông canh chừng và theo dõi ngày đêm rất cẩn mật.  Do đó việc trốn chạy ra khỏi làng của gia đình tôi có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

 

Tuy biết rõ như vậy, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định ra đi, vì biết rằng, nếu cứ khư khư ôm lấy “nơi chôn nhau cắt rốn đã bao nhiêu đời” để tiếp tục hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh Muôn Năm” và “Đảng Cộng Sản hay đảng Lao Động hay đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm,” chẳng khác nào như người tử tù chờ đợi ngày giờ đưa đầu vào máy chém. Tính đến lúc phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả của ông cha ra đi, gia đình tôi “hân hạnh” đã được sống với Bác và Đảng gần 9 năm.  Trong thời gian ấy, làng Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ của tôi là vùng tiền tuyến trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp, vì nằm đối diện với một dãy đồn bót của quân đội viễn chinh Pháp ở phía bên kia sông Hồng, như đồn Trung Hà, đồn Hưng Hóa, và đồn Gềnh… Từ những đồn bót này quân Pháp vẫn thường xuyên hành quân vượt sông sang đánh phá làng tôi và các làng khác. Dù gian khổ tột cùng, dù có thể chết bất cứ lúc nào bởi các loại súng đạn của quân đội Pháp, song gia đình tôi và dân làng tôi vẫn một lòng tin tưởng ông Hồ và chính phủ của ông thực tâm chống Pháp để giành độc lập và tự do cho dân tộc.  Nhưng cho đến lúc được Trung Cộng và Nga Xô chi viện dồi dào, và khi biết rõ là sẽ giành được thắng lợi trong tương lai rất gần, ông Hồ và các đồng chí trong đảng Cộng Sản của ông ta bắt đầu hiện rõ nguyên hình là tay sai đắc lực của Cộng Sản Quốc Tế.  Họ vâng theo lệnh của quan thầy Trung Cộng và Nga Xô, thực thi ngay cuộc Cách Mạng Ruộng Đất ở Việt Nam để “đào tận gốc, trốc tận rễ” tầng lớp “trí, phú, địa, hào.” Trong cuộc cách mạng này gia đình tôi lại là đối tượng chính, vì thế nếu không sớm tìm đường trốn chạy thì chắc chắn sẽ bị “đào tận gốc trốc tận rễ.”

 

Vào những ngày cuối năm 1954 gia đình tôi đã quyết định, nếu muốn sống còn thì không còn con đường nào khác hơn là phải trốn chạy vào Miền Nam Tự Do. Vì thế, gia đình tôi lợi dụng ngay thời gian cận Tết Nguyên Đán để ra đi, vì lúc ấy, những chú dân quân du kích và các anh chị bần cố nông được bố trí theo dõi và bám sát gia đình tôi đã có đôi chút lơ là.  Cuộc trốn chạy của gia đình vào thời gian này được chia thành ba giai đoạn:

 

 

Giai đoạn I từ làng tôi về Hà Nội

 

Chúng tôi đã rời nhà vào đêm 27 rạng 28 tháng Chạp năm Giáp Ngọ tức đêm 19 rạng 20 tháng 2/1955. Nghĩa là chỉ còn có bốn, năm chục giờ nữa là đã bước sang năm mới Ất Mùi. Để có thể tránh được sự dòm ngó của lối xóm và sự canh chừng của dân quân du kích, gia đình tôi gồm 6 người được chia làm 3 toán khác nhau. Anh chị tôi và đứa em gái ra đi từ căn nhà trại ở cuối làng vào lúc 2 giờ sáng.  Tôi và mẹ tôi ra đi từ ngôi nhà trong làng vào hồi 2 giờ 30 sáng. Còn bố tôi cũng ra đi từ ngôi nhà trong làng vào lúc 3 giờ sáng. Điểm đến của cả nhóm là nhà bà chị ruột của bố tôi, số 70 Cầu Gỗ, Hà Nội.

 

Vì mẹ tôi bị chứng tê thấp hành hạ đã mấy năm nay, và gia đình tôi bị bao vây cô lập trong một thời gian khá dài, nên không còn tiền bạc để thuốc thang chữa trị, do đó bà đi lại rất khó khăn. Vào thời gian này tôi đã 19 tuổi nên được coi là người trẻ và khoẻ nhất trong gia đình, nên được phân công “hộ tống” bà, và trong trường hợp cần thiết, tôi sẽ đóng vai “Lục Vân Tiên” cõng mẹ trên đường trốn chạy.

 

Tôi và mẹ tôi rời nhà vào lúc 2 giờ 30 sáng, còn bố tôi ra đi sau đó nửa tiếng đồng hồ. Tôi dẫn mẹ tôi đi theo ngõ sau để ra cánh đồng sau làng, rồi từ đó đi men theo những bờ ruộng để tới cánh đồng chiêm làng tôi. Từ cánh đồng này chúng tôi sẽ đi xuyên qua cánh đồng chiêm làng Thành Chu và làng Quỳnh Lâm để tới bến đò ở đầu làng Vĩnh Lại, rồi đi đò qua sông Hồng để đến bến xe đò Trung Hà đi Sơn Tây.

 

Tôi đi trước, mẹ tôi theo sau, cách nhau một khoảng độ chừng 30 hay 40m. Sở dĩ phải giữ khoảng cách này, là vì lỡ ra tôi có gặp dân quân du kích ở phía trước, tôi sẽ nói lớn, để mẹ tôi ở phía sau tìm cách lẩn tránh. Nếu dân quân du kích gặp mẹ con tôi đi với nhau trong đêm tối, thì họ sẽ nghĩ ngay là chúng tôi đang trên đường trốn chạy ra khỏi làng và sẽ bắt chúng tôi ngay. Tôi đi rất chậm để mẹ tôi có thể bắt kịp và sau mỗi quãng đường ngắn, tôi lại ngồi xuống, nhìn về sau để xem mẹ tôi có theo kịp hay không? Sau nhiều lần làm như thế, tôi đều thấy bóng đen chậm chạp của mẹ tôi nhô lên khỏi đường chân trời lấp lánh ánh sao đêm, nên tôi tin rằng mẹ tôi đã bắt kịp không mấy khó khăn. Cũng vì tin như thế nên nhịp độ đứng lên và ngồi xuống để nhìn về phía sau của tôi càng về sau càng thưa dần.

 

Khi đã đi xuyên qua hết cánh đồng chiêm làng tôi, và bắt đầu bước vào cánh đồng chiêm làng Thành Chu, một lần nữa tôi lại ngồi xuống để nghe ngóng xem có người lạ ở phía trước không? Khi không thấy ai ở phía trước cả, tôi mới nhìn về phía sau để tìm bóng dáng của mẹ tôi, nhưng hoàn toàn không thấy bà đâu cả. Không dám cất tiếng gọi, vì e ngại giữa cánh đồng trong đêm khuya thanh vắng, một tiếng gọi nhỏ, cũng có thể vang vọng xa cả mấy cây số, nên tôi  đi ngược trở lại về phía sau một đoạn khá dài để tìm kiếm, nhưng vẫn không thấy mẹ tôi đâu cả. Lúc đầu tôi nghĩ rằng, có lẽ vì đã đi được một quãng khá dài trên đường ruộng gập ghềnh, do đó chứng đau nhức của bà lại làm khó dễ chi đây, nên tôi tìm kiếm loanh quanh thêm năm mười phút nữa nhưng vẫn không thấy bóng dáng mẹ tôi cả.  

 

Lòng tràn ngập lo âu, song tôi vẫn tin rằng, có lẽ vì bờ ruộng, lúc thẳng, lúc cong, lúc quẹo trái, lúc quẹo phải, và mẹ tôi tuy mang tiếng là địa chủ, nhưng thực ra đây là lần đầu tiên bà bước chân tới cánh đồng chiêm của làng tôi, nên mới đi lạc quanh quẩn đâu đó thôi. Lòng vòng tìm kiếm thêm một hồi khá lâu nữa mà vẫn không thấy bà, tôi đành phải tiếp tục cuộc hành trình với hy vọng là sẽ gặp bà ở bến đò ngang qua Trung Hà tại đầu làng Vĩnh Lại, vì trước khi rời nhà ra đi, tôi cũng đã dặn phòng hờ rằng, trong trường hợp bị thất lạc thì bà cứ hỏi thăm đường đến bến đò này.

 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/10/Tau-ha-mom-US-Navy-Wikipedia.org_.jpg

Khoảng một triệu người dân miền Bắc (khoảng 800 ngàn trong đó là người Công giáo di cư đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954–1955 theo những chuyến tàu do Pháp và Mỹ tổ chức. (Hình: US Navy/Wikipedia.org)

 

Trên đường tới bến đò Vĩnh Lại, tôi bắt đầu đi chậm lại, và mở rộng hướng đi lúc sang trái, lúc sang phải với hy vọng tìm  được mẹ tôi, nhưng sau cả tiếng đồng hồ mà vẫn không gặp được mẹ tôi. Khi trời đã lờ mờ sáng, nhìn lại phía sau, tôi thấy một bóng đen đang đi hướng về bến đò làng Vĩnh lại, nên tôi đã vội mừng thầm, vì nghĩ đó có thể là mẹ tôi. Tôi đổi hướng đi để đón đầu bóng đen ấy, nhưng khi đến gần hơn, tôi nhận thấy bóng đen ấy đi đứng trên những bờ ruộng gập ghềnh rất vững vàng, chứng tỏ là rất quen thuộc với đồng ruộng, nên không thể là mẹ tôi được. Nỗi mừng vừa chợt đến, rồi lại chợt đi và nỗi lo âu lại tràn ngập lòng tôi vì tôi nghĩ rằng có lẽ là việc trốn chạy của gia đình tôi đã bị đổ bể, và rất có thể bóng đen đang di chuyển ấy là một trong những tên dân quân du kích được phái đi tìm kiếm chúng tôi.  Vì nghĩ như thế, nên tôi bèn tìm một bờ ruộng cao gần đấy để ẩn mình, và cũng là để chờ xem cho rõ bóng đen ấy là ai? Vào lúc bóng đen đi ngang qua, tôi mới nhận ra bóng đen ấy là bố tôi.  Tôi vội vàng bám theo ông và cho ông hay là mẹ tôi đã đi lạc. Dù lúc ấy trời tuy chưa sáng rõ lắm, nhưng tôi cũng đã cảm nhận được nét lo âu thoáng hiện trên mặt ông, nên tôi vội vàng nhắc tới lời bàn định trước khi ra đi, là mạnh ai nấy đi để tìm về điểm hẹn, dù có bị lạc nhau, và tôi cũng nói thêm để ông yên lòng là tôi sẽ nấn ná ở lại để tìm kiếm mẹ tôi.

 

Đã hơn 9 giờ sáng, cánh đồng làng Vĩnh Lại vẫn vắng lặng không một bóng người, ngoại trừ một vài con trâu đang cặm cụi gặm cỏ trên những thửa ruộng gần bờ đê. Có lẽ người dân trong làng này, dù thiếu thốn và vất vả quanh năm, song họ vẫn cố gắng xoay xở, đắp đỗi để được nghỉ ngơi vào dịp Tết. Nhìn xuôi về phía cánh đồng sau làng Trình Xá để tìm kiếm bóng hình của mẹ tôi nhưng chẳng thấy gì cả. Nhìn ngược lại cánh đồng làng Quỳnh Lâm, cũng chẳng thấy bóng dáng nào để có thể nghĩ là mẹ tôi. Nhìn về cánh đồng chiêm sau làng Vĩnh Lại, chỉ thấy một dải xanh thẫm trải dài bao quanh làng Thạch Cáp. Cả ba hướng đều thất vọng cả, nên tôi chỉ còn bám víu vào một tia hy vọng nhỏ nhoi là, những người khuất mặt, khuất mày và linh thiêng trong gia đình tôi sẽ dẫn lối chỉ đường cho mẹ tôi tới được bến đò ngang Vĩnh Lại.

 

Tôi tiếp tục đi về hướng bến đò, tuy chẳng còn bao xa nữa, song với tâm tư đầy chán nản và thất vọng. Khi tới bến đò, nhìn đồng hồ trên tay đã chỉ 10 giờ, mà cũng chẳng thấy mẹ tôi đâu. Hỏi thăm ông lái đò duy nhất ở bến đò này, thì được biết là, từ chuyến đò đầu tiên sáng nay cho tới lúc ấy, chưa có một bà già nào giống như tôi mô tả qua đò cả. Đã tám tiếng đồng hồ trôi qua, mà mẹ tôi vẫn chưa đến được bến đò chỉ cách nhà tôi khoảng 5 cây số.

 

Bình thường chúng tôi đi theo con đê để đến bến đò này chỉ mất hơn một tiếng là cùng. Tôi tin rằng trễ lắm là 8 giờ sáng, bọn bần cố nông có nhiệm vụ theo dõi gia đình tôi đã phát giác sự vắng mặt bất thường của gia đình tôi rồi, nên rất có thể, một trong những toán du kích và bần cố nông được cử đi lùng kiếm chúng tôi cũng đang trên đường đi đến bến đò này? Tôi cũng nghĩ là rất có thể mẹ tôi đã bị chúng tóm được ở một nơi nào đó rồi, và chúng đang mắng chửi và đánh đập bà trên đường dẫn giải về làng. Vì suy diễn như thế đã khiến tôi phân vân không biết có nên tiếp tục đi Hà Nội nữa không, nếu không kiếm được mẹ.

 

(còn tiếp)

 

                                                          *****

Cuộc trốn chạy từ miền Bắc Cộng Sản vào miền Nam Tự Do 1954 (2)

Huy Vũ   -   Saigon Nhỏ

 17 tháng 10, 2024

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/cuoc-tron-chay-tu-mien-bac-cong-san-vao-mien-nam-tu-do-1954-2/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/10/Mot_nguoi_di_cu_Thien_Chua_giao_1954-1.jpg

Một người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc nhận đồ dùng do Mỹ phân phát. (Hình: US Govt/Wikipedia.org)

 

Bố tôi, vợ chồng người anh và đứa em gái chắc đã đi thoát được cả rồi, và có lẽ đang ngồi trong những chiếc xe hàng bon bon trên đường Trung Hà – Sơn Tây hay Sơn Tây – Hà Nội. Mừng cho họ bao nhiêu, tôi lại càng lo lắng cho số phận hẩm hiu của mẹ tôi bấy nhiêu. Mẹ tôi còn một người con gái nuôi, chị Vũ Thị Xuyến, lúc ấy đã lấy chồng và gia đình chồng chị là trung nông. Nếu chẳng may, mẹ tôi bị bắt về làng, chắc chắn chị Xuyến dù có thương mẹ nuôi đến đâu đi nữa, cũng không dám đón bà về sống với chị.

 

Trong chiến dịch CCRĐ ở giai đoạn I vừa qua ở làng tôi, mặc dù với sức ép của cán bộ đội CCRĐ, của chính quyền, của nông hội, của gia đình chồng, chị đã can đảm không mở miệng tố khổ bố mẹ nuôi theo sự xúi dục của cán bộ đội cách, đã bóc lột chị đến tận xương tận tủy là quá đủ rồi.  Vào thời gian này, sức khoẻ của mẹ tôi đã suy sụp quá nhiều rồi, nên nếu bà phải trở về làng một mình chắc chắn mẹ tôi không thể sống được, vì bệnh tật và đau yếu, nên ngay cả công việc vệ sinh và nấu ăn hàng ngày cho mình, chưa chắc bà có thể tự lo liệu được, còn nói chi đến việc chạy vạy kiếm dăm ba quả chuối xanh, vài ba củ khoai lang, hay năm ba khúc khoai mì để sống cho qua ngày giữa một bầy bần cố nông thù nghịch.

 

Tôi đi đi lại lại rất nhiều lần trên lối đi, từ bờ đê xuống bến đò và từ bên đò ngược lên bờ đê, để tìm kiếm và đợi chờ mẹ tôi vì tôi vẫn hy vọng với một phép mầu nhiệm nào đó sẽ đưa mẹ tôi đến bến đò này. Tôi cũng tự trách mình là người đã gây ra việc đi lạc của mẹ tôi. Giả sử, nếu tôi đi sát với mẹ tôi hơn nữa trên cánh đồng chiêm sau làng, thì đâu đến nỗi mẹ con phải lạc nhau. Trong lúc đi lại và suy nghĩ lung tung, tôi đã có được một quyết định dứt khoát là, tôi sẽ chờ mẹ tôi cho tới 5 giờ chiều tại bến đò này; nếu không thấy bà, thì coi như bà đã bị bắt, và tôi sẽ trở về nhà để lo liệu cho mẹ tôi. 

 

Khoảng 11 giờ, lại thêm một lần nữa, tôi từ bến đò đi ngược lên con đê, rẽ phải, rồi đi về phía làng Trình Xá, vừa qua khỏi khúc ngoẹo một chút, thì tôi thấy mẹ tôi đang đứng nói chuyện với một cậu bé chăn trâu. Có lẽ là bà đang hỏi thăm đường đến bến đò. Tôi mừng đến nỗi nước mắt tự động tràn ra khoé mắt. Mới chỉ xa cách mẹ tôi có khoảng 8 tiếng đồng hồ, mà tôi tưởng chừng dài như một thế kỷ. Cố kìm hãm xúc động và lấy lại vẻ tự nhiên, tôi đến gần bà, và giả bộ như không hề quen biết, cất tiếng hỏi:  “Bà cụ ơi! Chắc bà cũng định qua đò sang Trung Hà phải không? Mau lên! Đò đang đợi khách đó!

 

Thấy tôi bà rất mừng, nhưng không khỏi ngạc nhiên về câu hỏi như người xa lạ của tôi, nhưng chỉ vài ba giây sau, vẻ ngạc nhiên của bà đã biến mất, có lẽ vì bà đã nhớ đến lời căn dặn của chúng tôi trước khi ra đi, là trên đường trốn chạy không được nhận nhau là người quen biết. Tôi quay lại bến đò và bà lững thững đi theo tôi. Thêm bà nữa là đủ số  khách tối thiểu mà ông lái đò mong đợi. Khi con đò đưa chúng tôi qua sông Hồng vừa cặp bến Trung Hà, mẹ tôi lại một lần nữa quên lời dặn dò trước khi ra đi, bà đã trả liền một lúc hai xuất tiền đò và nói với ông lái đò rằng một cho bà và một cho con trai của bà là tôi. Cũng may là trên đò chẳng có ai quen biết cả.

 

Khoảng 12 giờ trưa chúng tôi tới được bến xe Trung Hà – Sơn Tây. Chuyến thứ nhì và cũng là chuyến chót trong ngày vẫn còn nằm tại bến đợi khách.  Chiếc xe đò, có lẽ trước đây là chiếc xe vận tải hàng hóa của tư nhân trong vùng kiểm soát của quân đội Pháp, sau ngày “giải phóng” được “cải tiến” thành xe chở hành khách. Phần thùng xe, cách biệt với buồng lái, trước đây là chỗ chất hàng hoá, nay được sửa chữa lại đôi chút để đặt một số băng ghế dài bằng gỗ cho hành khách ngồi. Tôi và mẹ tôi phải leo lên xe bằng chiếc thang cây di động đặt ở cuối xe. Tuy đã có thêm khách là tôi và mẹ tôi cùng một vài người nữa, song vì chưa đủ số hành khách tối thiểu mà chủ xe mong muốn, nên hành khách vẫn phải tiếp tục chờ đợi. 

 

Lên xe, tìm được chỗ ngồi xong xuôi, tôi mới để ý đến những hành khách đang ngồi trên xe. Nhìn vào góc trong cùng của thùng xe, tôi thấy có một người mang chiếc áo lạnh nhà binh màu cứt ngựa, giống như chiếc áo của bố tôi. Nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra đúng là bố tôi thật. Có lẽ ông đã thấy chúng tôi khi vừa mới lên xe, nhưng vì nhớ lời căn dặn lúc ra đi là không được nhận nhau nếu có gặp nhau trên đường trốn chạy, nên ông đã ngồi yên và làm như không hề biết chúng tôi. Trong lúc chờ xe khởi hành, tôi cảm thấy an tâm được phần nào, vì cuộc trốn chạy của gia đình tôi như thế là đã ra khỏi vùng nguy hiểm, nơi có nhiều người quen biết, và cũng là vùng mà bọn du kích và bần cố nông làng tôi có khả năng truy lùng và nhận diện.  

 

Đang mừng thầm trong lòng, tôi bỗng thấy một thanh niên trong làng, tên Xuất, xuất hiện ngay ở phía sau xe, và đang nhìn vào trong xe như muốn tìm kiếm một người nào đó.  Sự xuất hiện đột ngột của anh Xuất đã làm cho tất cả sự vui mừng mới có trong tôi chỉ ít phút trước thôi gần như tan thành mây khói. Thay thế vào đó là sự tràn ngập lo âu, vì thêm một lần nữa tôi lại nghĩ rằng sự trốn chạy của gia đình tôi đã bị phát giác thật rồi, và anh Xuất là một trong số dân quân du kich trong làng được phái đến bến xe này để tìm kiếm chúng tôi. Vì nghĩ như thế nên tôi vội vã quay mặt vào phía trong, với hy vọng là anh Xuất chưa nhìn thấy tôi; còn bố mẹ tôi, mỗi người một góc phía trong cùng, nên có thể anh Xuất chưa thấy được.

 

Đang phân vân lo sợ, thì tôi nghe thấy anh Xuất phàn nàn với mấy hành khách ngồi ở phía ngoài cùng rằng, anh đã đến bến xe này từ 9 giờ sáng, và đã đợi hơn ba tiếng đồng hồ rồi, mà xe vẫn chưa chịu chạy. Than vãn xong, anh lững thững đi về phía đầu xe. Tuy nhiên tôi vẫn không dám tin rằng anh Xuất là một hành khách thuần túy, mà còn ngờ vực rằng, có thể anh ta đã nhận ra chúng tôi, song vì chỉ có một mình, rất khó bắt và dẫn giải cả ba người cùng một lúc được, nên anh mới giả vờ than phiền và lỉnh đi, để gọi thêm tiếp viện, hoặc đến đồn công an bến xe để yêu cầu giúp đỡ.

 

Khi anh Xuất vừa đi khuất, tôi bèn xuống xe lẻn theo sau cho đến khi thấy anh đi tới buồng lái, mở cửa, leo lên xe, uể oải ngồi xuống phần ghế mà anh vì đến sớm hơn đã chiếm được ngay sát cửa xe. Tới lúc đó tôi mới hoàn hồn và tạm tin rằng anh Xuất không phải là dân quân du kích được phái đi tìm bắt chúng tôi, mà chỉ là một trong những hành khách đến sớm nhất, nên đã may mắn dành được một chỗ ngồi tốt nhất dành cho hành khách trong buồng lái mà thôi.

 

Chúng tôi phải đợi thêm gần một tiếng đồng hồ nữa thì mới đủ số lượng hành khách tối thiểu để xe khởi hành. Trong thời gian chờ đợi, tuy ngắn ngủi, nhưng tôi cảm thấy dài vô tận, vì cứ độ mười hay mười lăm phút, anh Xuất lại từ buồng lái đi về phía sau xe làm công tác “điểm  số” hành khách trong xe. Tôi rất thông cảm với sự mất kiên nhẫn của anh trong việc đợi chờ xe chạy, song tôi cũng không khỏi lo ngại rằng, nếu chẳng may thấy được sự có mặt cả ba chúng tôi cùng một lúc trên xe, anh Xuất sẽ đủ thông minh mà đoán ra sự trốn chạy của gia đình chúng tôi, và anh có thể đi báo công an đến bắt giữ chúng tôi. Tôi tin rằng, trước khi tôi và mẹ tôi lên xe, anh Xuất cũng đã “điểm số” hành khách nhiều lần như thế, khiến bố tôi đã phải kiếm một chỗ ngồi khá kín đáo mãi trong cùng của thùng xe.

 

Cuối cùng, xe cũng đã rời bến vào lúc một giờ chiều.  Trên đường từ Trung Hà về Sơn Tây, dài khoảng 25 đến 30 cây số, xe ngừng lại nhiều lần để cho khách lên xuống. Anh Xuất đã xuống xe khi chiếc xe đò chạy gần đến bến xe Sơn Tây. Khi xuống xe anh mang đi hầu hết tất cả những nỗi lo âu trong lòng tôi. Tuy nhiên, vẫn còn một mối lo khác là khi vào bến xe Sơn Tây để mua vé đi Hà Nội, chúng tôi có thể bị công an xét hỏi giấy tờ. Riêng tôi vẫn còn giữ được tấm thẻ học sinh niên khóa 1954, nên không gặp khó khăn nào. Còn bố mẹ tôi, không có bất kỳ một giấy tờ nào lộn lưng cả, và rất có thể sẽ gặp rắc rối.

 

Theo thông lệ trong vùng kháng chiến lúc bấy giờ, trong một hành trình đường dài xuyên qua nhiều tỉnh thành khác nhau như thế, bố mẹ tôi ít nhất phải có giấy phép của công an huyện hoặc hay giấy chứng nhận của Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến huyện, hay ít ra là của Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến xã mới được tạm coi là hợp lệ. Càng đến gần bến xe bao nhiêu thì mối lo canh cánh trong lòng tôi càng tăng lên bấy nhiêu.

 

Khi đến đầu con đường rẽ vào bến xe Sơn Tây, thì chiếc xe đò chở chúng tôi đột ngột ngừng lại. Cứ mỗi lần xe ngừng bất thần, là tôi lại lo ngại là xe đã bị các toán công an lưu động chặn lại để xét giấy tờ hành khách và kiểm tra hàng hoá. Chưa biết thực hư ra sao, bỗng thấy một gã “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” xuất hiện ở phía sau xe và nói với hành khách trong xe một cách rất lịch sự rằng: Theo lịch trình thì mãi đến chiều mồng Hai tết, xe của ông ta mới đến lượt đón khách về Hà Nội, song vì muốn về sớm ăn tết, nên mang xe ra đây đón một số khách đi Hà Nội, hầu gỡ gạc chút ít tiền xăng nhớt. Thấy đây là cơ hội tốt để tránh những khó khăn có thể xảy ra ở bến xe Sơn Tây, chúng tôi vội vã chuyển sang xe của ông ta ngay. Xe chuyển bánh ngay lập tức.

 

Xe khách chạy tuyến Sơn Tây – Hà Nội, là hai thành phố tương đối lớn, nên có vẻ sạch sẽ và sang trọng hơn xe chạy đường Trung Hà – Sơn Tây rất nhiều. Trong xe, ghế bọc da còn khá mới và chỗ dựa rất êm. Có lẽ vì mới tiếp quản, xe hành khách vẫn còn nằm trong tay tư nhân, và chưa bị bắt buộc phải gia nhập vào Công Ty Quốc Doanh Chuyên Chở, nên mới còn sang trọng như thế. Xe chạy khá nhanh và thẳng một mạch về Hà Nội. Khi gần đến bến xe Ô Cầu Giấy, gia đình tôi lại gặp may một lần nữa. Ông chủ xe kiêm tài xế cho biết vì không tiện vào bến xe, nên yêu cầu hành khách vui lòng giúp ông xuống xe bên ngoài bến xe, và ông còn cho biết thêm là trên đường về nhà, xe của ông ta chạy qua phố Hàng Trống, nên ai muốn đến đó, hãy ngồi lại trên xe. Vì biết phố Hàng Trống rất gần phố Cầu Gỗ nên chúng tôi đã ngồi lại trên xe để đi vào giữa lòng thành phố Hà Nội.

 

Trên đường vào trung tâm Thủ Đô vào những ngày cận Tết khá nhộn nhịp. Xe của chúng tôi thường chạy qua những phố phường rợp trời cờ đỏ sao vàng và chui qua một số cổng chào đã được dựng lên mấy tháng trước đây để chào đón bộ đội cụ Hồ vào tiếp quản thủ đô Hà Nội và mới được tân trang để chào mừng Tết Nguyên Đán. Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi mới tới được nhà bà chị ruột của bố tôi ở phố Cầu Gỗ. Khi bước  vào nhà, chúng tôi đã thấy vợ chồng người anh và đứa em gái cũng đã tới đó khá lâu rồi. Anh tôi cho hay là chuyến đi của họ hầu như không hề gặp bất kỳ một khó khăn nào cả.

 

Tới lúc bấy giờ bố tôi mới nói rõ cho bà chị biết việc trốn chạy cộng sản và ý định di cư vào miền Nam của gia đình tôi, đồng thời xin bà cho tá túc trong những ngày chờ đợi tìm đường xuống Hải Phòng. Bố tôi cũng nói sơ lược cho bà biết gia đình tôi đã bị đày đọa và đấu tố như thế nào trong chiến dịch Phóng Tay Phát Động Quần Chúng ở làng tôi. Ông  cũng khuyên bà nên thu xếp gia đình để vào Sài Gòn làm ăn sinh sống thì tốt hơn, không nên tiếc rẻ mấy căn phố đang cho thuê ở lại Hà Nội, vì những căn phố ấy trong tương lai chẳng những không thâu được tiền cho thuê, mà còn có thể bị người thuê tố cáo ngược lại là đã cho thuê với giá cắt cổ để đòi lại tiền đã trả “thặng dư” từ chủ nhân từ trước tới nay nữa. Và rồi, những căn nhà ấy sẽ được nhà nước tịch thu.  Như phần đông người Hà Nội lúc bấy giờ, bà bác tôi không thấy được những gì Việt Minh đã làm, mà chỉ nghe những gì họ nói, nên cứ bám víu lấy nhà cửa để ở lại với Bác và Đảng. Khi thấy được thực tế phũ phàng, thì đã quá muộn màng mất rồi.

 

(Còn tiếp)

 

                                                         *****

 

Cuộc trốn chạy từ miền Bắc Cộng Sản vào miền Nam Tự Do 1954 (3)

Huy Vũ  -  Saigon Nhỏ

18 tháng 10, 2024

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/cuoc-tron-chay-tu-mien-bac-cong-san-vao-mien-nam-tu-do-1954-3/

 

(tiếp theo và hết)

 

Giai đoạn II từ Hà Nội xuống Hải Phòng

 

Trong thời gian chờ đợi tìm đường đi Hải Phòng, gia đình tôi được thu xếp đến tạm trú và ăn Tết Ất Mùi trong một căn hộ tại phố Hàng Đậu. Căn nhà này do người cháu gọi bố tôi bằng chú làm chủ, và trước khi di cư vào Nam, được giao cho bà chị của bố tôi quản lý. Tết Ất Mùi là cái tết đầu tiên cũng là cái tết cuối cùng gia đình tôi được ăn tết ở cố đô Thăng Long ngàn năm văn vật. Ngay tối hôm đó, tôi được mấy đứa cháu dẫn đi coi chợ hoa. Tại đây, tôi còn thấy cảnh ông Đồ già, quần trắng áo the thâm, “bày mực Tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua” nhưng người thuê viết chỉ lác đác có mấy người.

 

Vào chiều mồng ba Tết, người chị ruột của bố tôi đến thăm, bà mang đến cho chúng tôi một giỏ bánh Tây (bánh mì) và thịt quay còn nóng hổi và khi cả nhà đang ăn và nói chuyện vui như Tết, thì tôi nghe thấy có tiếng xì xào ở phía cửa sau.  Đứng lên, bước tới cửa sổ, nhìn ra sân sau, rồi nhìn sang gia đình hàng xóm kế cận, tôi thấy một người cao lớn, mặc đồ đại cán, đội nón cối xanh có gắn huy hiệu Công An Nhân Dân đỏ chót. Có lẽ vì “có tật, giật mình” gia đình tôi hoảng hồn tưởng là công an Hà Nội đã đánh hơi thấy việc trốn chạy của gia đình tôi, nên đến để dò xét và điều tra qua gia đình người hàng xóm. Những miếng bánh mì giòn tan và những miếng thịt quay béo ngậy đang ăn trong miệng bỗng nhiên mắc kẹt ở cuống họng.

 

Sau một vài phút nghe trộm, tôi mới vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là một anh công an bình thường, đến thăm một gia đình quen biết là hàng xóm của chúng tôi, nhân dịp đón tết Nguyên Đán. Vì nhà tôi và nhà người hàng xóm, chẳng những kế cận nhau mà còn có sân sau ăn thông với nhau nữa, và khi nói chuyện với gia chủ, chú công an đã vô tình đứng lấn sang phần sân của chúng tôi, nên mới gây ra sự hiểu lầm.

 

Tới được Hà Nội với đầy đủ các thành viên trong gia đình, là điều rất mừng, vì đã vượt qua được một đường đầy bất trắc và nguy hiểm, song chúng tôi vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh, chỉ khi nào vào được tới Hải Phòng, mới có thể nói là thành công trọn vẹn. Trong thời gian chờ đợi tại Hà Nội, tôi tranh thủ thăm viếng hầu hết các thân bằng quyến thuộc để hỏi thăm đường đi nước bước và cũng thăm dò xem họ có cách nào giúp chúng tôi trốn xuống Hải Phòng không?  Một trong số thân nhân mà tôi đã viếng thăm là cô Lan, cùng lứa tuổi và là bà con bạn dì với tôi, nhà ở phố Hàng Cót.  Được biết cô Lan vừa mới xuống Hải Phòng thăm mẹ trở về, nên tôi hỏi thăm khá kỹ về đường đi nước bước. Cô cho biết, vì là người đang cư ngụ hợp lệ tại Hà Nội, nên việc cô xin phép đi Hải Phòng hầu như không gặp khó khăn nào cả và chỉ cần đến đồn Công An, xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh là cư dân Hà Nội là được cấp giấy phép đi Hải Phòng ngay. Còn người Hải Phòng, trong thời gian ấy thường lên Hà Nội để coi hát rất đông, vì đoàn văn công của Liên Khu Bắc Việt đang trình diễn thường trực tại Nhà Hát Lớn, song cô không rõ là những người này khi trở về phải trình những giấy tờ gì? Cô còn cho tôi xem Giấy Phép do công an Hà Nội cấp cho cô đi Hải Phòng nữa.

 

Khi xem giấy phép này, tôi thấy trong giấy phép của cô không có hình và còn tới hai tuần nữa mới hết hạn và đặc biệt hơn nữa trong giấy phép tên của cô là TRẦN PHƯƠNG LAN mà không phải là TRẦN THỊ LAN như tôi vẫn tưởng. Khi thấy giấy phép tên lót của cô lại là PHƯƠNG mà không phải là THỊ, như phần đông phụ nữ trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, nên tôi nghĩ ngay đến việc lợi dụng giấy phép này để đi Hải Phòng. Vì với cái tên TRẦN PHƯƠNG LAN người ta có thể nghĩ là tên của một cậu con trai hơn là tên của một cô con gái. Tôi bèn ngỏ lời hỏi mượn giấy phép của cô và được chấp thuận một cách không do dự.

 

Sáng hôm sau tôi đã có mặt tại ga Hàng Cỏ để đáp chuyến xe lửa đầu tiên đi Hải Phòng. Khi bước vào phòng bán vé, tôi thấy một vài chú công an lảng vảng, nên cũng hồi hộp đôi chút, nhưng không bị xét hỏi gì cả, tuy nhiên khi mua vé đi Hải Phòng tôi đã phải xuất trình giấy phép. Người bán vé dường như cũng chẳng thắc mắc gì về cái tên Trần Phương Lan là nam hay nữ cả.

 

Vài giờ sau đó tôi đã đến được ga Phạm Xá, nơi đây xe lửa từ Hải Phòng lên Hà Nội, và Hà Nội xuống Hải Phòng phải ngừng lại cả giờ đồng hồ để hai bên Quốc-Cộng bàn giao xe và thay đổi nhân viên điều hành, với sự chứng kiến của Ủy Hội Quốc Tế gồm Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan. Tại giao điểm này, tôi thấy những hành khách ăn mặc có vẻ nửa quê, nửa tỉnh trên xe lửa Hà Nội đi Hải Phòng thường được công an  “chiếu cố” kỹ lưỡng. Nhiều ông già, bà cả, và em nhỏ được công an và bộ đội đến hỏi han đôi ba câu rồi bỏ đi. Và một lát sau, có lẽ là công an giả dạng đến hỏi han và chuyện trò rất thân mật và vui vẻ với họ như con cái hay chị em trong nhà, nhưng đến khi đoàn xe lửa kéo còi báo hiệu sắp sửa chuyển bánh đi Hải Phòng thì các cô công an giả dạng chồm tới ôm chầm lấy đối tượng kéo xuống xe, đồng thời miệng bù lu bù loa khóc lóc và năn nỉ rằng, ông hay bà, bố hay mẹ, anh hay chị em đừng nghe theo lời tuyên truyền dụ dỗ của những tên Việt Gian bán nước, bỏ lại con cái, anh chị em, nhà cửa, ruộng vườn cùng mồ mả của ông cha để di cư vào Nam. Mặc dù người bị lôi kéo vừa giãy giụa vừa la hét chối bỏ sự liên hệ gia đình với những người này, nhưng vẫn bị công an và bộ đội ôm kéo xuống xe, trước sự ngơ ngác của các thành viên trong Ủy Hội Quốc Tế.

 

Mãi tới hơn 10 giờ sáng tôi mới tới được căn nhà của cô tôi (mẹ của cô Lan) tạm trú trong thời gian chờ đợi đến lượt đi máy bay vào Sài Gòn. Đó là gia đình của một bà bạn thân của cô tôi. Chồng bà, theo cô Lan cho biết, là một viên chức cao cấp của Sở Công An Bắc Việt. Trong khi hàn huyên với cô tôi và bà chủ nhà về thảm cảnh ở quê tôi trong tám năm kháng chiến, và đặc biệt về những nghiệt ngã mà bố mẹ tôi đã phải chịu đựng trong chiến dịch Phóng Tay Phát Động Quần Chúng, cùng những khó khăn của gia đình tôi trong việc kiếm đường từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tôi thấy bà chủ nhà hiểu biết khá đầy đủ về những gì đã và đang xảy ra trong vùng Việt Minh đang kiểm soát. Đây là lần đầu tiên tôi gặp bà, song phong cách lịch thiệp của bà đã khiến tôi có cảm tưởng như quen biết bà từ lâu. Vì là bạn thân của của cô tôi, nên khi nói chuyện với tôi bà xưng là cô và bà gọi tôi bằng cháu rất thân mật. Sau đó bà cho biết là 12 giờ trưa, chồng bà, sẽ về nhà ăn cơm, và bà sẽ hỏi xem có cách nào giúp gia đình tôi xuống Hải Phòng. Bà mời tôi dùng cơm trưa thanh đạm với gia đình bà và cô tôi.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/10/Mot_nguoi_di_cu_Thien_Chua_giao_1954.jpg

Một người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc nhận đồ dùng do Mỹ phân phát. (Hình: US Govt/Wikipedia.org)

 

Hơn 12 giờ, chồng bà về tới nhà trên một chiếc xe mobylette cọc cạch. Phong thái giản dị và cách ăn nói nhẹ nhàng của ông đã làm cho kính trọng ông. Sau khi được biết về tình trạng khó khăn của gia đình tôi, ông cho biết là thủ tướng Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho Thủ Hiến miền Bắc là Lê Quang Luật phải vận dụng mọi phương tiện để giúp đỡ tất cả những người nào ở miền Bắc muốn di cư vào miền Nam. Sở công an của ông cũng đã nhận được chỉ thị là phải tìm mọi cách để giúp đỡ dân chúng đang sống trong vùng Việt Minh kiểm soát trốn sang vùng Quốc Gia càng đông càng tốt. Ông còn thêm là, mới đây sở công an được biết trên các tuyến xe lửa cùng như xe hơi vào Hải Phòng, bọn Việt Minh chặn xét giấy tờ rất nghiêm ngặt và chỉ cho phép những người nào có giấy tờ của chúng cấp mới được vào vùng kiểm soát của Pháp và những người nào có đủ giấy tờ chứng minh là đang cư ngụ trong vùng tạm chiếm mới được vào Hải Phòng. Do đó ty công an Hải Phòng đã tương kế tựu kế, buộc những người dân đang sống trong vùng, khi muốn thăm thân nhân vùng Việt Minh kiểm soát phải xin giấy thông hành. Khi cấp thông hành, thì giấy Căn Cước có hình được giữ lại cho đến khi nào trở về mới được hoàn trả. Trên giấy thông hành không bắt buộc phải dán hình, nên Ty Công An có thể cấp giấy này cho một số người dân đang sống trong vùng Việt Cộng để họ có giấy tờ hợp lệ vào Hải Phòng. Sau hết, ông cho biết thêm là ông sẽ tới Ty Công An Hải Phòng lấy cho tôi một số Giấy Thông Hành đã đóng dấu và ký tên, nhưng chưa có tên người được cấp, để tôi tùy nghi sử dụng. Ông cũng khuyên tôi là khi đã có đủ giấy tờ nên đi ngay, không nên chần chờ, vì chỉ một thời gian ngắn sau thôi, bọn Cộng Sản sẽ đánh hơi được việc này, thì  nguy hiểm khó lường.

 

Ngay chiều hôm ấy tôi trở về Hà Nội với một xấp giấy thông hành thật dưới dạng “bạch khế” được giấu trong lớp giấy lót trong chiếc nón cối của tôi. Như thế là khâu khó nhất trong việc trốn chạy của gia đình tôi đã có lối thoát. Chỉ còn mỗi một việc chót nữa là vào một buổi sáng đẹp trời rất gần, cả gia đình sẽ “hiên ngang” bước vào ga hàng cỏ, đáp xe lửa đi Hải Phòng là xong. Nào ngờ vào phút chót lại gặp trở ngại khá lớn. Số là người chị dâu của tôi, khi thấy giấy thông hành để đi vào Hải Phòng đã được cấp, bỗng oà lên khóc, đòi trở về sống với bố mẹ ở làng Vĩnh Lại. Công bằng mà nói, việc xuất giá tòng phu của chị vào lúc ấy là một sự mất mát lớn lao cho cá nhân chị. Gia đình chị trong chiến dịch Phát Động Quần Chúng cùng một đợt với làng tôi, được xếp vào loại Trung Nông, nên không bị đối xử tàn tệ như gia đình tôi.  Do đó việc lôi kéo chị đi trốn chạy cùng với gia đình tôi vào miền Nam, không một lời từ biệt mẹ cha và anh em ruột thịt, và rất có thể chị sẽ không bao giờ còn gặp lại họ nữa, chắc chắn đó là một nỗi đau lòng đối với chị. 

 

Khi rời căn nhà trại ra đi, anh tôi đã không nói rõ cho chị biết chuyện trốn chạy này, mà chỉ nói với chị là đi chợ Sơn Tây bán rau củ thôi. Sau khi bán hết rau củ, mặt trời vẫn còn trên đỉnh đấu, anh tôi mới bàn với chị và cô em gái đi Hà Nội để thăm bà bác nhân dịp cuối năm và viếng thăm danh lam thắng cảnh. Đối với chị và cô em gái của chúng tôi hầu chưa bao giờ bước chân tới những thành phố lớn, nói chi đến Hà Nội, nên đồng ý ngay. Đến khi thấy bố mẹ tôi và tôi cũng đã tới nhà bà bác tôi ở Hà Nội, lúc bấy giờ anh tôi thấy rằng không còn “lấy thúng úp voi” được nữa, mới thú nhận việc trốn chạy của gia đình tôi với chị. Có lẽ phần vì chị có bầu sắp đến ngày sanh, phần vì chưa chắc gì gia đình tôi có cơ may trốn thoát xuống Hải Phòng được, nên chỉ khóc lóc sơ sơ thôi. Nhưng đến khi có giấy thông hành đi Hải Phòng trong tay rồi, nghĩa là việc ra đi của gia đình tôi hầu như không còn gặp khó khăn nào nữa, nên chị mới đòi trở về với bố mẹ của chị.

 

Tôi không biết anh tôi xoay xở và năn nỉ làm sao, mà sáng hôm sau chị dâu tôi bằng lòng cùng gia đình tôi đi Hải Phòng. Song sự ra đi đầy miễn cưỡng của chị khiến gia đình tôi lo ngại rằng, trên đường đi, chị có thể tìm gặp công an ở ga xe lửa Hàng Cỏ hay ở ga Phạm Xá để xin trở về làng, gián tiếp tố cáo sự trốn chạy của gia đình tôi. Cuối cùng nhờ Trời Phật và tổ tiên phù hộ, việc lo ngại này đã không xảy ra và gia đình tôi đã lọt vào Hải Phòng một cách êm xuôi.

 

 

Giai đoạn III từ Hải Phòng vào Saigon

 

Sau khi đã lọt vào Hải Phòng, do sự sắp xếp của một người cháu gọi bố tôi bằng chú, chúng tôi đến tạm trú trong một căn nhà ở phố Cầu Đất. Rồi sáng hôm sau được dẫn tới trại Tỵ Nạn của Phủ Tổng Ủy Di Cư làm các thủ tục cần thiết để di cư vào miền Nam tự do. Tại đây gia đình tôi được tiếp đón niềm nở và trở thành thành viên ngoại trú của trại di cư này.

 

Khoảng hai tuần sau, một chiếc GMC đến căn nhà ở phố Cầu Đất để đưa chúng tôi ra bến cảng. Tại đây gia đình tôi và nhiều gia đình khác được đưa xuống một chiếc tàu “há mồm” để đi ra chiếc tàu lớn của Mỹ có tên là ADDER, đậu ở Vịnh Hạ Long, trong chuyến đầu tiên của nó chở người tỵ nạn cộng sản từ cảng Hải Phòng vào cảng Sài Gòn.

 

Đứa con gái đầu lòng của anh tôi được sinh ra trên tàu Adder  và cháu được ông nội đặt tên là Vũ Nam Mỹ. Vũ là họ của gia đình chúng tôi. Nam tượng trưng cho cuộc trốn chạy vào miền Nam của gia đình chúng tôi. Mỹ tượng trưng cho cho con tàu của nước Mỹ đã chở gia đình tôi từ miền bắc Cộng Sản vào miền Nam Quốc Gia.

 

(hết)

 

 

 





No comments: