Wednesday, October 9, 2024

BIẾN MẤT TOÀN BỘ 23 TỦ SÁCH NIÊM PHONG TẠI NHÀ CỐ HỌC GIẢ VƯƠNG HỒNG SỂN (Người Đô Thị)

 



Biến mất toàn bộ 23 tủ sách niêm phong tại nhà cố học giả Vương Hồng Sển    

Người Đô Thị 

 15:36 | Thứ hai, 30/09/2024

 https://nguoidothi.net.vn/bien-mat-toan-bo-23-tu-sach-niem-phong-tai-nha-co-hoc-gia-vuong-hong-sen-45505.html

 

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị, bà Vương Thị Việt Hoa - cháu ruột ông Vương Hồng Sển - cho biết số sách này là một phần hiện vật trong di chúc ông Vương Hồng Sển hiến tặng cho nhà nước, được niêm phong và lưu giữ tại nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh.

 

·        Học giả Vương Hồng Sển viết về thú vui 'đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng'

·        Di tích nhà cổ Vương Hồng Sển thoi thóp giữa Sài Gòn

 

Sự việc được phát hiện ngày 10.8 vừa qua, khi bà Hoa đại diện gia đình chứng kiến đoàn cán bộ nhà nước đến khảo sát hiện trạng ngôi nhà từng được xếp hạng di tích cấp thành phố "Di tích Kiến trúc Nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống" theo Quyết định 140/2003/QĐ-UB của Chủ tịch UBND TP.HCM năm 2003.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/7a81bea1-ace0-4026-93f5-e866cb3d67aa.jpg

Học giả Vương Hồng Sển (giữa) tiếp các nhà báo nước ngoài tại Vân Đường Phủ. Ảnh TL

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/28bcebaa-dc17-450a-bddc-4102ae20f172.jpg

Một góc thư phòng tại Vân Đường Phủ. Ảnh: Trần Ngọc Sinh

 

Căn nhà được niêm phong sau khi ông Sển qua đời ngày 9.12.1996. Ngày 8.7.1997, Hội đồng giám định do giáo sư Hà Văn Tấn chủ trì đã tổ chức kiểm kê hiện vật hiến tặng gồm 849 cổ vật, định giá 1,3 triệu USD tại thời điểm đó.

 

Số cổ vật trên được Bảo tàng Lịch sử tiếp nhận và di dời số cổ vật trên trong hai đợt. Đợt một gồm 770 hiện vật vào ngày 21.7.1997. Số hiện vật còn lại được giao cho gia đình chịu trách nhiệm bảo quản.

 

Để thực hiện kế hoạch trùng tu căn nhà cổ, Bảo tàng Lịch sử ngày 13.8.2004 di dời số hiện vật còn lại cũng như nhiều hiện vật mà theo bà Hoa là không nằm trong di chúc hiến tặng như 3 bộ bàn thờ cùng đồ thờ phụng trên bàn thờ, một số đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt như giường, tủ, bàn, ghế…

 

Ngoài cổ vật, Thư viện Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử cũng đã tiếp nhận và di dời một phần trong kho sách mà ông Vương Hồng Sển để lại. Theo bà Hoa, sở dĩ lượng sách trong 23 tủ (bị mất) niêm phong, lưu giữ tại nhà cổ là bởi số sách này quá cũ, dễ bị hư hại khi vận chuyển.

 

Bà Hoa chăm lo hương khói tại nhà cổ từ 1996 - 2004. Trước khi dời về tạm trú tại nhà chồng (đường Nguyễn Văn Đậu, phường Bình Thạnh), bà Hoa đã giao lại chìa khóa căn nhà cho ba người cháu nội của ông Sển mà bà từng là người giám hộ. Tuy nhiên, bà Hoa cho rằng việc 23 tủ sách biến mất không liên quan đến ba người này, mà là hai cá nhân khác(*) được nêu đích danh trong lá đơn tường trình gửi Chủ tịch UBND.TPHCM ngày 22.8.2024.

 

Thượng Tùng

 

-----------

(*) Theo tìm hiểu của Người Đô Thị, hai cá nhân nêu đích danh trong đơn tường trình không phải nhân sự trong đoàn công tác tiếp nhận và di dời số cổ vật tại nhà cổ Vương Hồng Sển

 

                                                            *

 

Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phản hồi về vụ việc liên quan đến nhà cổ Vương Hồng Sển

 

Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức vào chiều 26.9 vừa qua, ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đã thông tin về di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển tại quận Bình Thạnh, TP.HCM (gọi tắt là nhà cổ Vương Hồng Sển).

 

Theo đó, vì còn vướng khiếu nại, khiếu kiện vì vậy ngôi nhà đến nay chưa thể thực hiện công tác tu bổ, phục hồi, trưng bày.

 

Cụ thể, từ khi xếp hạng, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chưa nhận được các đề xuất, kiến nghị đề xuất tu bổ, phục hồi, tu sửa công trình di tích của các cá nhân, hộ gia đình đang cư trú trong công trình di tích kể từ khi di tích được xếp hạng đến nay. Người nhà của ông Vương Hồng Sển thường xuyên khiếu kiện, khiếu nại nên không thể triển khai công tác tu bổ, phục hồi và trưng bày tại di tích theo quy định hiện hành.

 

Cụ thể, năm 2005, bà Vương Hồng Liên Hương (cháu nội của ông Vương Hồng Sển) đã khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế đối với UBND TP.HCM.

 

Năm 2018, bà Vương Hồng Liên Hương tiếp tục có đơn khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu trả lại căn nhà cổ cho những người thừa kế của cụ Vương Hồng Sển và vợ là Nguyễn Kim Chung.

 

Ông Vũ cho biết TAND TP.HCM đang thụ lý vụ án và xét xử theo quy định. Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã cử nhân sự tham gia vụ kiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị khởi kiện. Bản án của TAND TP.HCM đối với vụ kiện nêu trên là kết quả cuối cùng để các bên thực hiện.

 

Cũng theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, từ năm 1996 đến nay, sở phối hợp với các đơn vị liên quan nhiều lần xuống khảo sát tại di tích, làm việc với các đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển để tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM về di tích của ông Vương Hồng Sển.

 

Với giá trị kiến trúc tiêu biểu của nhà cổ truyền thống Nam bộ, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nhận thấy việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ Vương Hồng Sển là cần thiết. 

 

Ngôi nhà này cần giữ lại theo hiện trạng để tu bổ, tôn tạo nhằm trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tài liệu, sách quý và phục vụ nhân dân, du khách tham quan, học tập, nghiên cứu theo đúng ý nguyện của nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển lúc sinh thời.

 

Ngô Gia tổng hợp

 

--------------------

 

Người Nam bộ xưa ăn tết qua bài viết của học giả Vương Hồng Sển

 

 






No comments: