Monday, April 18, 2022

TRUNG QUỐC ĐANG LẤN LƯỚT Ở THÁI BÌNH DƯƠNG (Đàn Chim Việt)

 



 

 

Trung Quốc đang lấn lướt ở Thái Bình Dương   

Đàn Chim Việt

17/04/2022

http://www.danchimviet.info/trung-quoc-dang-lan-luot-o-thai-binh-duong/04/2022/25967/

   

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/04/c1_2288814_220401114222-696x464.jpeg

Cảnh sát Trung Quốc huấn luyện Cảnh sát Quần đảo Solomon trong một ảnh không đề ngày được Cảnh sát Quần đảo Solomon công bố ngày 29 tháng 3. (AFP/Royal Solomon Islands Police Force)

 

“Tôi” trong bài xã luận này là Josh Rogin,  nhà phân tích chính trị của Washington Post và CNN, tác giả của cuốn sách “Chaos Under Heaven: Trump, Xi, and the Battle for the 21 Century.” 

 

Trong vài tuần qua, rõ ràng là thế giới đã gặp kinh hoàng trước cuộc xâm lược trắng trợn của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine. Trong khi đó, đồng minh thân cận của Putin là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã âm thầm tận dụng sự mất tập trung của phương Tây bằng cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương. Nếu Washington không tỉnh táo trước mối đe dọa này, nỗ lực thống trị khu vực của Trung Quốc sẽ đạt được sức mạnh nguy hiểm và có lẽ không thể đảo ngược.

 

Các quan chức và chuyên gia khắp châu Á đã gặp cú sốc vào tháng trước khi một tài liệu bị rò rỉ cho thấy bản dự thảo thỏa thuận “hợp tác an ninh” giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, một cựu thuộc địa nhỏ của Anh ở Nam Thái Bình Dương đã độc lập từ năm 1978. Dự thảo thỏa thuận sẽ cho phép Bắc Kinh cử cảnh sát có vũ trang hoặc quân đội, theo yêu cầu của Quần đảo Solomon, cho nhiều mục đích, kể cả “hỗ trợ duy trì trật tự xã hội”. 

 

Được đóng dấu Mật, thỏa thuận cũng sẽ mở rộng khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc cử tàu và quân đội đến bảo vệ người dân và các dự án của Trung Quốc trên quần đảo.

 

Nếu bạn không chú ý đến chính quyền Quần đảo Solomon, do Thủ tướng thân thiện với Bắc Kinh Manasseh Sogavare lãnh đạo, thì bạn cũng giống như hầu hết các nhà hoạch định chính sách ở Washington. Nhưng nếu bạn nghi ngờ tầm quan trọng chiến lược của quần đảo này, bạn chỉ cần nhìn vào bản đồ. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở đó sẽ khiến Giải phóng quân Nhân dân chỉ cần bay chưa đầy 5 giờ là đến được bờ biển phía đông của Úc và đến gần các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ hơn lúc nào hết.

 

Trung Quốc chắc chắn vẫn chưa quên vai trò của Quần đảo Solomon trong Thế chiến thứ Hai, đặc biệt là trong Trận Guadalcanal năm 1942-1943.

 

Alex Gray, Giám đốc An ninh Châu Đại Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump, đã nói với tôi rằng mệnh lệnh chiến lược lớn của Hoa Kỳ và Australia là “Làm thế nào để những hòn đảo này, nằm trong khoảng cách giúp tấn công  Australia và chiếm vị trí địa lý chiến lược quan trọng, không bị Trung Quốc o ép và đóng quân.” 

 

Có thể đoán trước được rằng Bắc Kinh sẽ trả lời thỏa thuận không có gì to tát và “không thể chê trách”. Nhưng Hoa Kỳ và Úc muốn ngăn cản việc ký kết. 

 

Các quan chức Úc đang ráo riết hoạt động ngoại giao con thoi với chính phủ của Thủ tướng Sogavare. 

 

Kurt Campbell, Trưởng ban châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của sẽ là quan chức cấp cao đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden đến thăm Quần đảo Solomon vào tuần tới, trong khuôn khổ của chuyến đi có vài điểm dừng khác trong khu vực. Chính Campbell là người đã dự đoán vào tháng Giêng rằng Trung Quốc sẽ hé lộ một “bất ngờ chiến lược” ở Thái Bình Dương trong năm nay. 

 

Rõ ràng, chính phủ Hoa Kỳ và Úc trước đây đã nhận ra một số dấu hiệu nhưng họ dường như vẫn chưa làm được gì nhiều để cố ngăn cản nước cờ của Trung Quốc. Hiện nay, các chuyên gia cho rằng cả hai chính phủ đều đang ra sức để đuổi kịp Bắc Kinh.

 

John Lee, cựu thành viên  an ninh quốc gia Úc hiện làm việc tại Viện nghiên cứu  Hudson cho biết: “Đảo ngược tình hình thay vì ngăn chặn nó ngay từ đầu là chuyện rủi ro và tốn kém. Không thể làm nhiều hơn để ngăn thỏa thuận thậm chí ngay khi còn trong trứng nước có nghĩa là Hoa Kỳ và đồng minh sẽ cần thêm nhiều nguồn lực và vốn liếng chính trị khu vực hơn những gì họ mong muốn.

 

Các quan chức chính quyền Biden khẳng định rằng trên thực tế, họ giao thiệp tốt với các quần đảo Thái Bình Dương. Tổng thống Biden đã nói chuyện qua Zoom với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương vào tháng 8. Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Fiji vào tháng Hai. Tháng trước, Biden đã bổ nhiệm Đại sứ Joseph Yun làm đặc phái viên để hoàn tất các cuộc đàm phán nhằm gia hạn các hiệp định của Hoa Kỳ với ba đảo quốc Thái Bình Dương khác. John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tham dự một hội nghị ở Palau trong tuần này.

 

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với tôi rằng mãi cho đến lúc gần đây, những hạn chế do Covid đã cản trở hoạt động ngoại giao trực tiếp, nhưng quan chức này đoan chắc với tôi rằng chính phủ Biden quyết tâm đẩy mạnh hoạt động trong khu vực này. Tuy nhiên, không có bao nhiêu thông tin chi tiết về chuyện chính quyền Biden thuyết phục Thủ tướng Sogavare tránh xa Trung Quốc.

 

Quan chức này cho biết: “Điều này không gây ngạc nhiên, và đây không phải là nơi duy nhất ở Thái Bình Dương hoặc trên toàn cầu mà Trung Quốc đang hoạt động rất tích cực. Đây chỉ là một biểu hiện gần đây nhất và có lẽ là một trong những biểu hiện táo bạo nhất.”

 

Chắc chắn, quần đảo Solomon chỉ là một trong nhiều nơi trong Thái Bình Dương mà Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thuyết phục hai đảo quốc Thái Bình Dương, trong đó có Quần đảo Solomon, ngưng công nhận Đài Loan. Trung Quốc đưa ra các gói viện trợ kinh tế, ngoại giao và quân sự đầy hấp dẫn bằng cách hối lộ các nhà lãnh đạo tham nhũng ở các nước này.

 

Thay vì giải quyết theo từng vụ một, Hoa Kỳ và đồng minh cần phải bàn bạc với nhau về những đề nghị viện trợ và đầu tư dài hạn, có thực chất để trấn an các đảo quốc Thái Bình Dương này rằng họ có một lựa chọn khác ngoài việc đặt cược tương lai của mình vào quan hệ đối tác với Bắc Kinh.

 

Nga đang là một mối đe dọa khẩn cấp trước mắt, nhưng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lâu dài nghiêm trọng hơn, họ quá vui mừng khi khai thác sự xao lãng của chúng ta. Ông Tập có tham vọng toàn cầu, có nghĩa là chúng ta phải đối đầu với sự hung hăng của ông ta ở nhiều nơi cùng một lúc. Nếu các quần đảo Thái Bình Dương trở thành tiền đồn của Trung Quốc, khu vực và thế giới sẽ là một nơi nguy hiểm hơn nhiều.

 

 Đàn Chim Việt





No comments: