Tuesday, April 19, 2022

PUTIN ĐẠI ĐẾ : PHƯƠNG TÂY ĐÃ HIỂU SAI VỀ PUTIN NHƯ THẾ NÀO? (Susan B. Glasser  -  Foreign Affairs)

 



Putin Đại đế: Phương Tây đã hiểu sai về Putin như thế nào?

Susan B. Glasser  -  Foreign Affairs   

Phan Nguyên, biên dịch

04/08/2021

https://nghiencuuquocte.org/2021/08/04/putin-dai-de-phuong-tay-da-hieu-sai-ve-putin-nhu-the-nao/

 

Vào ngày 27 tháng 1 năm 2018, Vladimir Putin đã trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của nước Nga kể từ thời Joseph Stalin. Không có diễu hành hay pháo hoa, không có những bức tượng mạ vàng đáng xấu hổ được công bố hay những màn trình diễn tên lửa hạt nhân ở Quảng trường Đỏ. Rốt cuộc, Putin không muốn bị so sánh với Leonid Brezhnev, một tay chân mày rậm có kỷ lục về thời gian nắm quyền mà ông vừa vượt qua. Brezhnev, nhà lãnh đạo Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1982, là người nắm quyền thời Putin còn trẻ, trong  thời kỳ trì trệ kéo dài trước khi đế chế sụp đổ. Cuối cùng, ông ta trở thành đề tài của hàng triệu câu chuyện đùa, từ ông nội run rẩy của một nhà nước già nua, tới người lái tàu đưa nước Nga đến hư không. Một câu chuyện châm biếm rằng, “Stalin đã chứng minh rằng chỉ cần một người để có thể quản lý cả đất nước, còn Brezhnev đã chứng minh rằng cả đất nước không cần ai phải quản lý gì cả.”

 

Putin, một nhà cầm quyền vào thời điểm mà sự quản lý, hoặc ít nhất là vẻ bề ngoài của sự quản lý đó, là cần thiết, lại thích những mô hình khác. Người mà ông thích nhất chính là Peter Đại đế. Trong giai đoạn hỗn mang và đầy tội phạm của thành phố St.Petersburg thời hậu Xô Viết những năm 1990, khi Putin còn là phó thị trưởng, ông đã chọn treo trên tường văn phòng của mình một bức chân dung của vị sa hoàng có tư duy hiện đại hóa, người đã xây dựng thành phố đó trên xương máu của một nghìn nông nô của mình, để biến nó thành”cửa sổ hướng Tây” của nước Nga. Vào thời điểm đó, trong sự nghiệp của mình, Putin không phải là Romanov, mà chỉ là một cựu trung tá KGB vô danh, người từng đóng vai phiên dịch, nhà ngoại giao và một nhà quản lý trường đại học, trước khi trở thành cánh tay phải của vị thị trưởng dân cử đầu tiên của thành phố St.Petersburg. Putin đã lớn lên trong cảnh nghèo nàn, trong những khu phố tồi tàn của một thành phố thời hậu chiến, đến nỗi cuốn tự truyện của ông có nói về việc chống lại “lũ chuột” trong hành lang của căn hộ chung cư, nơi ông và cha mẹ sống trong một căn hộ một phòng ngủ không có nước nóng hay bếp lò.

 

Peter Đại đế không liên quan gì tới việc trở thành hình mẫu của Putin, nhưng ông đã ở đó, và ông vẫn ở đó. Đầu mùa hè năm nay, trong một cuộc phỏng vấn dài và đầy tự hào của Putin với tờ Financial Times, trong đó Putin hân hoan trước sự suy tàn của chủ nghĩa tự do kiểu phương Tây và việc phương Tây không còn đón nhận một cách bền vững chủ nghĩa đa văn hóa, Putin đã trả lời một cách không do dự khi được hỏi rằng ông ngưỡng mộ nhà lãnh đạo thế giới nào nhất. “Peter Đại đế,” ông trả lời. “Nhưng ông ấy đã chết,” biên tập viên của Financial Times, Lionel Barber, nói. Putin trả lời: “Ông ấy vẫn sống miễn là lý tưởng của ông ấy vẫn còn sống”.

 

Dù có bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Peter Đại đế đến đâu, Putin trên thực tế đã tự biến mình thành một sa hoàng cũng như một vị tổng bí thư Liên Xô trong suốt hai thập niên nắm quyền. Thứ tôn giáo của ông không phải là hệ tư tưởng Mác-Lênin mà ông được nhồi nhét ở trường học lúc còn nhỏ, mà là những màn thể hiện quyền lực của một siêu cường mà ông có thể thấy trên truyền hình, cũng như sự vĩ đại của thành phố đế quốc quê hương đã tàn lụi nhưng vẫn đầy tham vọng của ông. Sức mạnh chính là tín điều của ông, cho dù là đối với quốc gia hay con người ông, và phương châm của các hoàng đế Nga, “Chính thống, Chuyên quyền, Dân tộc”, phù hợp với triết thuyết của chủ nghĩa Putin ngày nay hơn là thứ đoàn kết của công nhân quốc tế và chủ nghĩa anh hùng lao động Liên Xô mà ông phải học thuộc lòng khi còn nhỏ. Brezhnev không phải là hình mẫu cho Putin mà là một câu chuyện cảnh giác, và nếu điều đó đúng khi Putin còn là một đặc vụ trẻ của KGB trong giai đoạn hòa hoãn và suy thoái những năm 1970 và đầu những năm 1980, thì bây giờ nó càng đúng hơn khi Putin phải đối mặt với nghịch lý khi ông kéo dài sự cầm quyền của mình, theo đó thời gian nắm quyền càng dài thì cảm giác bất an càng lớn.

 

Nước Nga: Kẻ sống sót

 

Bất an có vẻ là một từ không chuẩn cho câu chuyện này: Putin đã bước sang năm thứ 20 với tư cách là nhà lãnh đạo nước Nga, và theo một cách nào đó dường như đang trong giai đoạn nhiều quyền lực nhất, trở thành hình mẫu toàn cầu cho một kỷ nguyên mới của những nhà độc tài thời hiện đại. Vào những năm đầu của thế kỷ này, khi làn sóng dân chủ hóa hậu Xô Viết dường như vẫn còn mạnh mẽ, Putin đã đảo ngược con đường của nước Nga, khôi phục quyền lực tập trung ở Điện Kremlin cũng như vị thế của nước Nga trên thế giới. Ngày nay, ở Washington và một số thủ đô châu Âu, ông là một kẻ phản diện đa mục đích, bị trừng phạt và bị tẩy chay vì đã xâm lược hai nước láng giềng – Gruzia và Ukraine – và vì đã khiêu khích các nước phương Tây, bao gồm cả việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 để ủng hộ Donald Trump, và đã sử dụng chất độc thần kinh chết người để đầu độc các đối thủ trên đất Anh. Sự can thiệp quân sự của ông vào cuộc nội chiến ở Syria đã giúp cứu vãn chế độ Bashar al-Assad, biến Putin trở thành người Nga quan trọng nhất ở Trung Đông kể từ thời Brezhnev. Liên minh ngày càng chặt chẽ của ông với Trung Quốc đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với Hoa Kỳ. Cuối cùng, có vẻ như Putin đã mang lại một thế giới đa cực mà ông hằng mơ ước kể từ khi lên nắm quyền với quyết tâm xét lại chiến thắng của người Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Với tất cả những điều đó diễn ra khi ông bây giờ mới chỉ 66 tuổi, dường như còn đủ mạnh mẽ, khỏe mạnh, và có khả năng cầm quyền trong nhiều năm nữa. Nhà nước của ông không phải là chế độ được cai trị bởi những người già như Brezhnev, ít nhất là chưa phải lúc này.

 

Nhưng dù Putin khao khát trở thành một sa hoàng hiện đại tàn nhẫn, ông không phải là một người toàn năng, toàn quyền như ông thường được miêu tả. Ông là một nhà lãnh đạo dân cử, ngay cả khi những cuộc bầu cử đó bị gian lận, và nhiệm kỳ mới nhất của ông sẽ kết thúc vào năm 2024, khi theo hiến pháp ông buộc phải nghỉ hưu, trừ khi ông thay đổi hiến pháp một lần nữa để kéo dài nhiệm kỳ của mình (đây là một khả năng Điện Kremlin đã đề cập). Putin đã phải vật lộn ở quê nhà nhiều hơn nhiều so với những gì mà ông thể hiện trên sân khấu thế giới. Ông kiểm soát các phương tiện truyền thông, quốc hội, tòa án và các cơ quan an ninh, những cơ quan mà trong giai đoạn cai trị của ông đã có ​​ảnh hưởng lan rộng đến mức độ như thời Liên Xô. Tuy nhiên, kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gian lận gần đây nhất của mình vào năm 2018, với 77% số phiếu bầu, mức độ ủng hộ của người dân dành cho ông đã giảm nhanh chóng. Trong một cuộc thăm dò vào mùa xuân vừa qua, chỉ 32% người Nga được khảo sát cho biết họ tin tưởng ông, theo các nhà khảo sát dư luận của nhà nước, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ kéo dài của ông, cho đến khi Điện Kremlin yêu cầu thay đổi phương pháp luận, và đến giờ mức độ ủng hộ dành cho ông hiện đang ở mức khoảng 65%, giảm từ mức cao gần 90% sau khi ông sáp nhập Crimea vào năm 2014. Cuộc chiến mà sau đó ông gây ra thông qua các bên ủy nhiệm ở miền đông Ukraine đã lâm vào bế tắc. Biểu tình là đặc điểm thường xuyên của các thành phố Nga ngày nay — quyết định tăng tuổi nghỉ hưu vào năm ngoái đặc biệt khiến nhiều người bất bình — và phe đối lập thực sự vẫn tồn tại, dẫn đầu bởi những nhân vật như nhà hoạt động chống tham nhũng Alexei Navalny, mặc dù nhà nước đã nỗ lực nhiều năm để dập tắt đối lập. Putin không có người kế nhiệm rõ ràng, và các nhà nghiên cứu chính trị Nga ngày nay nói về sự gia tăng các cuộc đấu đá nội bộ giữa các cơ quan an ninh và tầng lớp kinh doanh, cho thấy rằng một cuộc đấu tranh lớn để giành quyền kiểm soát nước Nga hậu Putin đã bắt đầu.

 

Trong quá trình cai trị lâu dài, đầy biến cố và khó tưởng tượng của Putin đã có những thời điểm bất định tương tự, và thường có một khoảng cách rất lớn giữa phân tích của những nhà quan sát ở các thủ đô xa xôi, những người có xu hướng coi Putin là một nhà độc tài cổ điển, với những nhà quan sát ở Nga, những người nhìn thấy tổng thống và chính phủ của ông như một bộ máy tồi tệ hơn nhiều, nơi sự kém cỏi cũng như may mắn, sức ì cũng như sự chuyên chế, đều đóng một vai trò nào đó. Ở Nga, “sự trì trệ”, trên thực tế, không còn là từ miêu tả tự động của thời kỳ Brezhnev nữa; nó ngày càng là một từ thường được sử dụng để công kích Putin và tình trạng của đất nước, vốn bị bao vây bởi tham nhũng, các lệnh trừng phạt, sự lạc hậu về kinh tế và một chương trình không rõ ràng để giải quyết tất cả những vấn đề này. Vào cuối năm 2018, cựu bộ trưởng tài chính của Putin, Alexei Kudrin, nói rằng nền kinh tế Nga đang sa lầy vào “hố trì trệ nghiêm trọng”. Như nhà kinh tế học Anders Aslund kết luận trong cuốn sách mới của mình, cuốn Chủ nghĩa tư bản thân hữu Nga, đất nước này đã phát triển thành “một nhà nước do người giàu cai trị đòi hỏi chủ nghĩa chuyên chế để có thể tồn tại”, trong đó Putin cũng tham gia cướp bóc để trở thành tỷ phú, dù đất nước ông ngày càng bị cô lập vì thứ chính sách đối ngoại hiếu chiến của ông.

 

Sự tồn tại đơn thuần, của chế độ của ông lẫn của chính ông, thường là mục đích giải thích tốt nhất cho nhiều quyết định chính trị của Putin, ở trong lẫn ngoài nước. Vào năm 2012, khi Putin trở lại nhiệm kỳ tổng thống sau một thời gian gián đoạn trên cương vị thủ tướng để tuân thủ các quy định của hiến pháp, ông đã được chào đón bằng các cuộc biểu tình lớn. Những sự kiện này đã làm rung chuyển Putin đến tận cùng, và niềm tin của ông rằng các cuộc biểu tình trên đường phố có thể dễ dàng biến thành các cuộc cách mạng đe dọa chế độ là chìa khóa để hiểu được hành vi hiện tại và tương lai của ông. Trên trường quốc tế, không có lý do gì khiến Putin phản ứng mạnh hơn viễn cảnh nhà lãnh đạo của một quốc gia khác bị buộc thôi nhiệm sở, bất kể nhà lãnh đạo đó có xấu xa đến mức nào hay việc bị người dân lật đổ là xứng đáng ra sao. Ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã phản đối “các cuộc cách mạng màu” ở một số quốc gia hậu Xô Viết: Cách mạng Hoa hồng 2003 ở Gruzia, Cách mạng Cam 2004 ở Ukraine, và Cách mạng hoa Tulip 2005 ở Kyrgyzstan. Ông lên án việc lật đổ Saddam Hussein ở Iraq, Hosni Mubarak ở Ai Cập và Muammar al-Qaddafi ở Libya. Ông tiến hành chiến tranh sau khi đồng minh Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraine, bỏ trốn khỏi đất nước sau một cuộc nổi dậy hòa bình trên đường phố. Ông là một nhà phản cách mạng từ đầu đến cuối, điều chúng ta có thể hiểu được nếu nhìn vào gốc gác của ông.

 

Từ Dresden đến Kremlin

 

Cuộc cách mạng đầu tiên mà Putin trải qua là một cuộc sang chấn mà ông không bao giờ quên, sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự tan rã của chế độ cộng sản ở Đông Đức. Chuyện xảy ra khi ông đang là một đặc nhiệm KGB bí mật 36 tuổi đóng ở Dresden, và Putin và người của ông bị bỏ mặc phải xoay sở xem phải làm gì khi những người Đông Đức giận dữ đe dọa xông vào văn phòng của họ. Văn phòng của ông phải đốt giấy tờ “suốt ngày đêm”, như lời Putin nhắc lại sau này, trong khi họ chờ đợi sự giúp đỡ. Putin đã vỡ mộng vì sự chênh lệch quá lớn giữa mức sống cao hơn ở Đông Đức và sự nghèo đói mà ông đã quen ở quê nhà. Giờ đây, ông cũng chứng kiến giới lãnh đạo đất nước, yếu ớt và thiếu chắc chắn, bỏ rơi ông. “Chúng tôi không thể làm gì nếu không có mệnh lệnh từ Moskva,” ông nói. “Và Moskva im lặng.”

 

Đây có lẽ là đoạn đáng nhớ nhất trong cuốn hồi ký được kể lại vào năm 2000 của Putin có tựa đề “First Person” (Người thứ nhất), vẫn là nguồn chính để hiểu lịch sử của vị tổng thống Nga và là một tài liệu báo trước phần lớn chương trình chính trị mà ông sẽ sớm bắt đầu thực thi. Cuộc cách mạng ở Đông Đức, dù gây sốc đối với Putin tới đâu, hóa ra cũng chỉ là khúc dạo đầu cho những gì ông vẫn coi là thảm họa lớn hơn, đó là sự sụp đổ và tan rã của chính Liên Xô, vào năm 1991. Đây là thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời trưởng thành của Putin, bi kịch mà hậu quả của nó khiến ông quyết tâm phải đảo ngược.

 

Putin sẽ từ nhiệm kỳ KGB của mình ở vùng Dresden ít được biết đến trở thành tổng thống Nga trong vòng chưa đầy một thập niên, lên đến đỉnh cao của Điện Kremlin vào đêm giao thừa năm 1999 với tư cách là người kế nhiệm do chính Boris Yeltsin tự tay lựa chọn. Yeltsin, già nua và nghiện rượu, đã mang lại nền dân chủ cho nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng cũng khiến đất nước của ông rơi vào khủng hoảng kinh tế, sự tràn lan xã hội đen và việc bán rẻ tài sản nhà nước cho những quan chức cộng sản trở thành tư bản. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình, Yeltsin hầu như không thể nói chuyện trước đám đông và bị vây quanh bởi một “Gia đình” tham nhũng gồm những người thân và cộng sự, những người lo sợ họ sẽ phải đối mặt với khả năng bị truy tố khi mất đi sự bảo vệ của ông.

 

Putin đến Moskva vào một thời điểm thuận lợi, chỉ trong vài năm đã leo từ một công việc ít người biết đến trong chính quyền tổng thống Yeltsin trở thành người đứng đầu cơ quan thừa kế KGB thời hậu Xô Viết, được gọi là Cơ quan An ninh Liên bang, hay FSB. Từ vị trí đó, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng, là một trong những phụ tá trẻ có thể thay thế của Yeltsin. Tuy nhiên, Putin lại khác, ông phát động một cuộc chiến tàn bạo ở nước cộng hòa ly khai Chechnya để đối phó với một loạt vụ tấn công khủng bố trong nước có nguồn gốc không rõ ràng, điều tiếp tục truyền cảm hứng cho các thuyết âm mưu về vai trò khả dĩ của FSB. Những thể hiện kiểu cơ bắp nam tính của ông đã làm thay đổi nền chính trị Nga, và các cố vấn của Yeltsin quyết định rằng cựu sĩ quan KGB này – lúc đó vẫn mới ở độ tuổi 40 – là kiểu người trung thành có thể bảo vệ họ. Vào tháng 3 năm 2000, Putin đã giành chiến thắng đầu tiên trong số bốn cuộc bầu cử tổng thống của mình. Như trong những cuộc bầu cử sau đó, không có sự cạnh tranh thực thụ nào, và Putin không bao giờ cảm thấy bị bắt buộc phải đưa ra một chương trình tranh cử hay một cương lĩnh chính sách.

 

Nhưng chương trình nghị sự của ông ngay từ đầu đã rõ ràng và ông hành động với một tốc độ ngoạn mục. Chỉ chưa đầy một năm, Putin không chỉ tiếp tục gây chiến ở Chechnya với bạo lực không khoan nhượng, mà còn phục hồi quốc ca Liên Xô, ra lệnh cho chính phủ tiếp quản mạng truyền hình độc lập duy nhất trong lịch sử Nga, thông qua một mức thuế phẳng mới đối với thu nhập cá nhân và yêu cầu người Nga nghiêm túc đóng thuế, đồng thời buộc lưu vong những nhà tài phiệt quyền lực – bao gồm cả Boris Berezovsky, người đã giúp ông lên nắm quyền và sau đó đã chết một cách đáng ngờ ở Anh. Trong vài năm sau đó, Putin củng cố hơn nữa quyền lực của mình, hủy bỏ các cuộc bầu cử thống đốc khu vực, loại bỏ cạnh tranh chính trị trong Duma Quốc gia, và tập hợp quanh mình các cố vấn trung thành từ các cơ quan an ninh và St.Petersburg. Năm 2004, ông ta cũng bắt Mikhail Khodorkovsky, người giàu nhất nước Nga, và tịch thu công ty dầu khí của ông ta trong một vụ truy tố chính trị nhằm mục đích khiến những tài phiệt giàu có ăn cướp tài sản công phải sa lưới.

 

Những hành động này, ngay cả vào thời điểm đó, không phải là khó hiểu. Putin là một đặc vụ KGB hoàn toàn, một nhà hiện đại hóa độc tài, một người tin tưởng vào trật tự và ổn định. Nhưng ông cũng được gọi là một bí ẩn, một mật mã, một phiến đá trống về ý thức hệ — là “Ngài Không là ai”, như cách gọi của nhà nghiên cứu chính trị Nga Lilia Shevtsova. Có lẽ chỉ có Tổng thống Mỹ George W. Bush nhận thấy Putin là người “rất thẳng thắn và đáng tin cậy” sau khi “cảm nhận được tâm hồn của ông ấy”, như lời ông tuyên bố sau một cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai người vào năm 2001 tại Slovenia. Nhưng Bush không phải là người duy nhất coi Putin là một nhà cải cách hướng về phương Tây, mặc dù chắc chắn không phải là một nhà dân chủ, nhưng có thể vẫn là một đối tác đáng tin cậy sau những vấp váp đáng xấu hổ của Yeltsin. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos một năm trước đó, một nhà báo Mỹ đã hỏi tổng thống mới của Nga rằng “Ông Putin là ai?” Nhưng tất nhiên, đó là một câu hỏi sai. Mọi người đều đã biết, hoặc nên biết câu trả lời.

 

Theo nhiều cách, Putin đã rất nhất quán. Vị tổng thống từng gây xôn xao vào năm 2004 khi gọi sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20” cũng chính là vị tổng thống ngày nay, người đã nói với Financial Times vào đầu năm nay rằng “về thảm kịch liên quan đến việc Liên Xô tan rã, đó là điều rõ ràng”. Đối với Putin, mục tiêu của nhà nước Nga vẫn giống như khi ông nhậm chức cách đây hai thập niên. Đó không phải là một chương trình chính sách, không phải là nền dân chủ hay bất cứ thứ gì giống như vậy, mà là sự vắng mặt của một thứ gì đó — cụ thể là những biến động xảy ra trước đó. “Cuối cùng,” ông nói trong cuộc phỏng vấn đó, “sự hạnh phúc, ấm no của mọi người đều phụ thuộc chủ yếu vào sự ổn định.” Đó cũng có thể là khẩu hiệu của ông trong 20 năm qua. Ở nơi từng xảy ra hỗn loạn và sụp đổ, ông tuyên bố sẽ mang lại cho nước Nga sự tự tin, khả năng tự cung tự cấp, và một “cuộc sống ổn định, bình thường, an toàn và có thể đoán trước được”. Không phải là một cuộc sống tốt đẹp, hay thậm chí là một cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải là sự thống trị thế giới hay bất cứ điều gì quá vĩ đại, mà chỉ là một nước Nga đáng tin cậy, vững chắc, nguyên vẹn. Điều này có thể hoặc không thể tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người Nga khi sự sụp đổ của Liên Xô ngày càng lùi xa vào dĩ vãng. Đó là lời hứa từ thời Brezhnev, hoặc ít nhất là của những người thừa kế mong muốn hiện đại hóa của ông ta.

 

Đánh giá sai Putin

 

Ngày nay, Putin không còn là một người bí ẩn như khi ông mới lên nắm quyền cách đây hai thập niên. Với những gì chúng ta đã biết giờ đây, điều đáng chú ý nhất là cách rất nhiều người chúng ta đã hiểu lầm về ông.

 

Có nhiều lý do dẫn đến hiểu lầm. Người ngoài luôn đánh giá nước Nga theo quan điểm của họ, và người Mỹ đặc biệt thiển cận khi đánh giá các quốc gia khác. Sự nổi lên của Putin từ hư không nhận được nhiều chú ý hơn việc Putin định đưa nước Nga đi tới đâu. Nhiều người đã không nhìn nhận Putin một cách nghiêm túc cho đến khi quá muộn, hoặc cho rằng những gì Putin đang làm không quan trọng lắm ở một quốc gia mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chỉ coi là một “cường quốc khu vực”. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây thường xuyên ngây thơ tin vào những lời nói dối của Putin. Tôi sẽ không bao giờ quên một cuộc gặp gỡ với một quan chức cấp cao của chính quyền Bush trong những tháng ngay trước khi Putin quyết định sẽ tiếp tục nắm quyền quá hai nhiệm kỳ theo quy định của hiến pháp, và chuyển sang làm thủ tướng Nga tạm thời. Điều đó sẽ không xảy ra, vị đó nói với tôi. Tại sao? Bởi vì Putin đã nhìn thẳng vào mắt vị quan chức đó và nói rằng ông ấy sẽ không làm như thế.

 

Nhìn chung, những diễn giải của Hoa Kỳ về nước Nga của Putin được xác định chủ yếu bởi nền chính trị ở Washington hơn là bởi những gì đang thực sự đang diễn ra ở Moskva. Các chiến binh Chiến tranh Lạnh đã nhìn lại phía sau và nhìn thấy một Liên Xô 2.0. Những người khác, bao gồm Bush và Obama khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của họ và bây giờ là Trump, đã mơ về một nước Nga có thể là một đối tác thực dụng của phương Tây, kiên trì giữ quan điểm này mặc dù đã nhanh chóng thu thập đủ bằng chứng về thứ quan điểm xét lại quyết liệt, tầm nhìn cạnh tranh một mất một còn của Putin về một thế giới, nơi sự phục hưng quốc gia của Nga sẽ chỉ thành công với cái giá là phí tổn dành cho các quốc gia khác.

Có nhiều lý do khiến phương Tây hiểu sai Putin, như Bush đã nói, nhưng có một lý do nổi bật khi nhìn lại: đó là người phương Tây đơn giản là không có một khung nhận thức cho một thế giới trong đó chế độ chuyên quyền, chứ không phải dân chủ, sẽ gia tăng, hay cho một nền địa chính trị hậu Chiến tranh Lạnh, trong đó các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại như Nga và Trung Quốc sẽ cạnh tranh bình đẳng hơn với Hoa Kỳ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ đã quen với ý tưởng coi mình là siêu cường duy nhất, và là siêu cường đạo đức của thế giới. Ngày nay, việc hiểu Putin và những gì ông ta đại diện dường như dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây, khi mà số lượng các nền dân chủ trên thế giới, theo số liệu của Freedom House, đã liên tục giảm trong suốt 13 năm qua.

 

Khi Putin lên nắm quyền, dường như thế giới đang đi theo hướng ngược lại. Putin phải là một ngoại lệ. Nga là một cường quốc đang suy yếu, một xứ “Thượng Volta có vũ khí hạt nhân”, như các nhà phê bình thường gọi Liên Xô. Dự án khôi phục trật tự của Putin là cần thiết và ít nhất đó không phải là một mối đe dọa đáng kể. Làm sao có thể khác được? Vào ngày 9 tháng 9 năm 2001, tôi và vài chục phóng viên khác ở Moskva đã đến nước láng giềng Belarus để quan sát các cuộc bầu cử gian lận mà trong đó Alexander Lukashenko muốn đảm bảo ông sẽ tiếp tục làm tổng thống. Chúng tôi coi câu chuyện như một di tích Chiến tranh Lạnh; rằng Lukashenko là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu,” như các tít báo đã gọi ông lúc đó, một thứ cổ vật thời Xô Viết còn sót lại. Chúng tôi chỉ đơn giản là không thể tưởng tượng được rằng hai thập niên sau, cả Lukashenko và Putin vẫn đang cầm quyền, và chúng tôi tiếp tục tự hỏi còn có bao nhiêu nhà độc tài châu Âu nữa có thể sẽ tham gia câu lạc bộ của họ.

 

Lịch sử đã chỉ ra rằng một điều gì đó không thể tưởng tượng được không có nghĩa là nó sẽ không thể xảy ra. Nhưng đó là lý do quan trọng khiến chúng ta hiểu sai Putin, và tại sao chúng ta vẫn thường làm vậy. Putin chỉ còn chín năm nữa là đạt được kỷ lục hiện đại của Stalin về thời gian nắm quyền ở Điện Kremlin, điều dường như không khó để vượt qua. Nhưng lịch sử hiểu sai nước Nga lâu nay của phương Tây cho thấy kết quả này cũng không có gì bất ngờ hơn con đường Putin trở thành tổng thống Nga ngay từ đầu. Chúng ta có thể đã hiểu sai Putin trước đây, nhưng điều đó không có nghĩa là bây giờ chúng ta sẽ không tiếp tục đánh giá quá cao một cách sai lầm về ông ta. Tất cả những dấu hiệu cảnh báo đều đã xuất hiện: một nền kinh tế thu hẹp, chủ nghĩa dân tộc hung hăng nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi tình hình trong nước khó khăn, một tầng lớp tinh hoa hướng nội xâu xé nhau chiến lợi phẩm, trong khi coi sự độc tôn quyền lực của mình là điều đương nhiên. Đây có phải là kết quả của quá trình đảo ngược sự sụp đổ Liên Xô của Putin hay không? Ai mà biết được? Nhưng rõ ràng là hồn ma của Brezhnev vẫn còn sống trong Điện Kremlin của Putin ngày nay.

 

------------------

Nguồn: Susan B. Glasser, “Putin the Great”, Foreign Affairs, September/October 2019.





No comments: