Có
phải vì môn lịch sử của ta quá dài?
Không. Vài
trăm trang sách để học cả năm trời ở tuổi 18 thì không có chi gọi là dài cả, nếu
không nói là quá ngắn. Đọc 1 đêm là xong.
Một học
sinh lớp 10 của Tây, để làm một “bài tập về nhà” môn lịch sử, phải đọc cả hàng
tá tài liệu, tra cứu đủ thứ sách vở, bàn học ngổn ngang như của một nhà nghiên
cứu. Ghi chép, tổng hợp, đánh giá, đưa ra quan điểm và thuyết trình.
Trong khi
học sinh VN thì mỗi tuần học vài trang, mà học mãi không xong. Tại sao thế? Vì
học sinh ta không được học đúng nghĩa, đó chỉ là học thuộc, không phải là học.
Học như con vẹt, học cấm cãi, cấm hỏi, nếu có hỏi thì cũng chỉ cho vui, không
dùng vào việc gì, đi thi mà chép sai một chữ là coi chừng. Cái lối học ấy làm
cho tất cả đều kinh khiếp. Càng học càng sợ, càng học càng ngán.
Sự thật lịch
sử là điều xa xỉ đã đành, đến việc nhìn nhận đánh giá các sự kiện cũng là thuộc
lời người khác, thì làm sao chịu nổi.
Môn sử và
các môn học khác trong nhà trường đang được dạy và học như tụng kinh. Nếu bạn
không tin thì hãy làm khảo sát với những học sinh vừa tốt nghiệp 12 hoặc thậm
chí đang học 12, nếu có em nào còn thuộc nổi 10 bài thơ trong chương trình THPT
thì phải gọi đó là trường hợp đặc biệt. Tôi tin nó chiếm không quá 10% số học
sinh trong mỗi trường học, dù học ngày học đêm, học chính học thêm.
Học mà
không được tư duy, không có cơ hội tư duy, không được nói điều mình nghĩ, chỉ
lo thuộc bài rồi chép lại như con vẹt thì không hiểu gì đã đành mà còn đâm ra dị
ứng, ngán ngẩm, và kinh sợ tri thức.
Chúng ta cứ
than rằng chương trình nặng. Không phải. Tri thức trong nhà trường VN không nhiều
hơn ở các nền giáo dục tiến tiến, nếu không nói là quá ít. Cái khốn khổ là nó
luôn được dán nhãn chân lý tuyệt đối, và người học bị biến thành những chiếc
USB di động. Học như thế, lợi thì chưa thấy đâu, mà hại thì vây bủa. Đó là cái
hại của sự thù ghét tri thức, cái hại của thui chột tư duy, mài mòn giác quan,
và chai sạn về tâm hồn.
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment