Tuesday, January 25, 2022

TRUNG QUỐC KHÉP LẠI THỜI KỲ KINH TẾ TỰ DO? (Thanh Hà - RFI)

 



Trung Quốc khép lại thời kỳ kinh tế tự do ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 25/01/2022 - 16:36

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20220125-trung-qu%E1%BB%91c-kh%C3%A9p-l%E1%BA%A1i-th%E1%BB%9Di-k%E1%BB%B3-kinh-t%E1%BA%BF-t%E1%BB%B1-do

 

Chính quyền Trung Quốc đang gia tăng quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế, kể cả với mảng kỹ thuật số và chủ trương « thịnh vượng chung » được ôngTập Cận Bình đưa ra hồi tháng 8/2021 làm dấy lên câu hỏi : Bắc Kinh áp dụng trở lại chính sách « tập trung kinh tế như dưới thời Mao » và chấm dứt thời kỳ mở cửa thị trường mà ông Đặng Tiểu Bình chủ trương ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/0f3372b8-7de5-11ec-b50e-005056a90284/w:1024/p:16x9/AP18352235880698%20%281%29.webp

Mã Hóa Đằng (Pony Ma), bên trái, chủ tịch TGĐ tập đoàn internet Đằng Tấn (Tencent) và Mã Vân (Jack Ma), chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group, trong lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc tiến hành chính sách cải cách và mở cửa, Bắc Kinh, ngày 18/12/2018. AP - Mark Schiefelbein

 

Trong chủ trương về kinh tế mới dưới thời đại Tập Cận Bình, Bắc Kinh dành chỗ đứng nào cho kinh tế tư nhân ? Trung Quốc có còn hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài nữa hay không ? Phương Tây sẽ phải thay đổi cách tiếp cận với thị trường Trung Quốc như thế nào ?

 

Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược –IRIS của Pháp đã đưa ra một quan điểm khác để trả lời các câu hỏi trên và nhắc lại truyền thống « tập trung quyền lực » là vết ADN của Trung Quốc từ thời Tần Thủy Hoàng.

 

Quay lại với mô hình kinh tế tập trung ?

 

Cơ quan giám sát tài chính quốc gia Trung Quốc lần lượt « kỷ luật » Ant Financial, chi nhánh tài chính của tập đoàn mua bán trên mạng Alibaba vì cạnh tranh bất bình đẳng. Tencent một ông vua trong thế giới internet vì « lạm dụng thế độc quyền ». Gần đây hơn là hãng cung ứng dịch vụ gọi xe taxi Didi -kiểm soát đến 90 % thị trường, bị điều tra chỉ một ngày sau khi tham gia sàn chứng khoán New York với lý do « vi phạm quy định về không gian mạng » của Nhà nước. Hệ quả kèm theo là hàng tỷ đô la trị giá cổ phần của những « ông khổng lồ công nghệ số » Trung Quốc bốc hơi.

 

Không ít nhà quan sát báo động Bắc Kinh khiêu chiến với các ông vua công nghệ và có nguy cơ « bóp chết những con gà đẻ trứng vàng ». Nhưng dưới nhãn quan của giới lãnh đạo Trung Quốc thì đã đến lúc những tập đoàn thịnh vượng nhất – mà đứng đằng sau thường là những nhà tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu có nhất thế giới, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Ưu tiên của Bắc Kinh ở vào thời điểm này là đem lại « thịnh vương chung » cho 1,4 tỷ dân sau khi Đảng đã hoàn thành xứ mệnh « xóa đói giảm nghèo » và đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới.

 

Trong bài tham luận đăng trên báo kinh tế Les Echos hôm 12/01/2022, Jean-Joseph Boillot cố vấn kinh tế thuộc viện IRIS nói đến « một thời đại kinh tế mới mang tên Tập Cận Bình ». Theo chuyên gia này, để hiểu được chiến lược kinh tế và phát triển của Trung Quốc hiện tại, hiểu được những nước cờ của Bắc Kinh với phương Tây thì phải ngược dòng thời gian nhìn lại học thuyết pháp trị đã xuất phát từ thế kỷ thứ VII trước Công Nguyên và lịch sử kinh tế thế giới là một chuỗi dài những « chu kỳ » mà hiện tại, « trường phái pháp gia với chủ trương dùng luật lệ, hình pháp của Nhà nước làm tiêu chuẩn được khoác một chiếc áo mới ».  

 

Từ thái quá này đến thái quá khác 

 

Trên đài RFI tiếng Việt nhà nghiên cứu này nhắc lại : trước Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản, Trung Quốc đã là một nền kinh tế tập trung quyền lực với một ý tưởng rất mạnh đó là vai trò « trung tâm » của Nhà Nước trong các hoạt động kinh tế. Trong lịch sử cận đại của Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã giành được chính quyền, tiến hành bước Đại Nhẩy Vọt rồi cuộc Cách Mạng Văn Hóa với những hậu quả tai hại kèm theo và Đặng Tiểu Bình là người đã điều chỉnh lại tác động thái quá thời Mao để lại và mở ra một thời kỳ mới cho kinh tế Trung Quốc.

 

Jean-Joseph Boillot : « Thời kỳ Đặng Tiểu Bình cho phép Trung Quốc tiến hành một bước đại nhảy vọt ngoạn mục để trở thành một cường quốc, thậm chí là một siêu cường ngang hàng với Mỹ mà trong một số lĩnh vực, Trung Quốc còn vượt xa hơn cả Hoa Kỳ. Tuy nhiên cũng chính những năm tháng Đặng Tiểu Bình đã nảy sinh một tầng lớp tư bản, nảy sinh cách biệt giàu nghèo trong xã hội. Đó cũng là giai đoạn nạn tham nhũng bùng lên một cách lộ liễu và ở quy mô ‘công nghiệp’. Đặng Tiểu Bình muốn kinh tế Trung Quốc đuổi kịp các nước công nghiệp tiên tiến, nhưng chính trong quá trình phát triển thần kỳ đó đã đặt ra nhiều vấn đề như là nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí… Thế rồi, dưới thời của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc bắt buộc phải điều chỉnh lại những bất cập đó, bởi công luận không còn dễ dàng chấp nhận những vấn đề trong xã hội từ tham nhũng đến bất bình đẳng giàu nghèo, môi trường. Một chu kỳ mới đã mở ra : Trung Quốc bước vào giao đoạn mà tôi gọi là tân pháp trị, có nghĩa là trở lại với học thuyết pháp trị mà ở đó Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế. Điều đó giải thích cho hiện tượng Bắc Kinh đang siết chặt các chính sách kinh tế sau ba, bốn chục năm thả lỏng cho kinh tế tự điều chỉnh theo luật chơi của thị trường ».

 

Chính sách mới tiếp tục dựa vào tư nhân

 

Vậy thuần túy về kinh tế, học thuyết « tân pháp trị » của ông Tập Cận Bình có gì mới ? Chuyên gia Boillot, viện IRIS trả lời : 

 

Jean-Joseph Boillot : « Về mặt kinh tế, tư tưởng này nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của Nhà nước trong cách thao túng, cách khai thác cái thú tính của các doanh nghiệp tư nhân. Bởi xét cho cùng chính các hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân đó mới là nguồn tạo ra của cải. Thành thử sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng Trung Quốc đang quay lại với mô hình kinh tế tập trung như xưa. Nhưng trong tư tưởng tân pháp trị, Trung Quốc khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước là nhằm luôn luôn kiểm soát các doanh nghiệp, kiểm soát các hoạt động kinh tế, tránh để một tập đoàn trở nên quá mạnh. Do vậy Alibaba bị trừng phạt để không thể trở thành một cỗ máy quá mạnh chi phối cỗ máy kinh tế quốc gia. Điểm thứ nhì tiêu biểu cho chính sách kinh tế mới của ông Tập Cận Bình là Bắc Kinh có một tầm nhìn dài hạn, thậm chí là cả một chính sách phát triển công nghiệp trong một thời gian rất, rất dài. Chính vì thế mà Trung Quốc có hẳn chính sách kế hoạch hóa kể cả cho ngành công nghệ … Sau cùng, nét đặc thù thứ ba của tư tưởng tân pháp trị liên quan đến ý tưởng về công lý, về một sự phân phối thu nhập công bằng. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, mô hình phát triển của Trung Quốc đã đi quá đà. Thế rồi cả một tầng lớp những nhà tư bản đỏ ngồi trên những khoản tài sản bạc tỷ đã nổi lên và số này đã làm tan vỡ mô hình xã hội Trung Quốc. Do vậy ông Tập Cận Bình muốn tái lập lại cái được gọi là công bằng xã hội. Thêm vào đó trong bối cảnh Trung Quốc đương đầu với Mỹ, đấy lại càng là cái cớ để củng cố vai trò của Nhà nước về địa chính trị. Bắc Kinh cho rằng để đối phó với một cuộc chiến kinh tế, và cả về mặt chính trị, Nhà nước là tấm bia đỡ đạn để bảo vệ Trung Quốc ».

 

Quá trễ để mặc cả với Trung Quốc ?

 

20 năm trước đây, khi Bắc Kinh  gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, cộng đồng quốc tế đã trông thấy thị trường với hơn một tỷ dân này là một « miền đất hứa ». Các doanh nghiệp ngoại quốc đã nhanh chóng mở chi nhánh tại Trung Quốc. Trong chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đã dễ dàng đón nhận đầu tư nước ngoài. Trung Quốc trở thành « công xưởng của thế giới », là nguồn cung cấp hàng rẻ cho toàn cầu.

 

Năm 2008 là một cột mốc quan trọng : tác động dây chuyền từ khủng hoảng địa ốc Hoa Kỳ làm suy yếu các nền kinh tế phương Tây, tiếp theo đó là khủng hoảng Hy Lạp xuýt khai tử khối đồng tiền chung châu Âu. Đó là cơ hội để Trung Quốc hiện nguyên hình là « chủ nợ » của thế giới, kể cả của Mỹ.

 

Một cách kín đáo hơn trong 20 năm trở lại đây một số doanh nghiệp Trung Quốc đã làm chủ một số công nghệ cao từ viễn thông đến công nghệ sinh học... Các tập đoàn Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào châu Âu và cả tại Hoa Kỳ, mua lại những công ty của Âu - Mỹ. Tháng 6/2021 Ngân Hàng Thế Giới thậm chí không loại trừ khả năng Trung Quốc qua mặt nước Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế số 1 toàn cầu vào ngưỡng 2030. Chính vì muốn tránh kịch bản này xảy ra, Washington đã không ngần ngại xem Trung Quốc là « mối đe dọa nguy hiểm nhất ». Liên Hiệp Châu Âu thì xem Bắc Kinh là « đối thủ có hệ thống ». Bắc Kinh thì không còn mặc cảm thua kém ai : Trung Quốc không cần đầu tư của nước ngoài và trong nhiều lĩnh vực, ông khổng lồ châu Á này không còn cần đến công nghệ của Âu- Mỹ. Vậy chiến lược nào trong cách tiếp cận của phương Tây với Trung Quốc ? 

 

Jean-Joseph Boillot : « Tựu chung, những lời chỉ trích nhắm vào Trung Quốc như thể quốc gia này vẫn còn sống dưới thời đại Mao Trạch Đông. Trong quá trình nghiên cứu tôi đi đến hai kết luận như sau trong cách tiếp cận với Trung Quốc : thứ nhất là chúng ta cần hiểu cách suy nghĩ của đối phương - bất luận đó là Trung Quốc hay một quốc gia nào khác. Một khi hiểu được tư tưởng kinh tế của Trung Quốc thì phải hiểu rằng Trung Quốc chỉ mở cửa cho một tập đoàn nước ngoài nếu như điều đó có lợi cho Trung Quốc, cho người dân Trung Quốc. Trong gần 40 năm qua, Trung Quốc muốn đốt giai đoạn để phát triển nên đã dễ dàng nhượng bộ. Rõ ràng là các doanh nghiệp nước ngoài trông thấy thị trường rộng lớn Trung Quốc là một miền đất hứa, cho nên cũng đã dễ dàng chấp nhận những điều kiện của Bắc Kinh để chen chân được vào Hoa Lục. Hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp chẳng hạn đã hiện diện tại rất nhiều các thành phố lớn ở Trung Quốc và đã tự do hoạt động. Nhưng giờ đây Trung Quốc không cần đến những công ty nước ngoài đó nữa.

 

« Nguyên tắc có qua có lại »

 

Kết luận thứ nhì tôi rút ra được là với Trung Quốc chúng ta có thể chọn giải pháp trực diện đối đầu như trong cách hành xử của Mỹ, xem Trung Quốc như một đối thủ có hệ thống và như vậy, con đường duy nhất là đi tới chiến tranh, chấm dứt giao thương. Bên cạnh đó thì chúng ta cũng có thể suy nghĩ một cách khác, tìm lợi thế trong đối thoại với Trung Quốc cho dù đó không mà một quốc gia dân chủ. Tìm một kênh đối thoại không có nghĩa là phương Tây phải đầu hàng hay nhượng bộ mà đó đơn giản là buộc Trung Quốc phải chấp nhận nguyên tắc có đi có lại. Thí dụ, nếu Bắc Kinh muốn kiểm soát một công ty nước ngoài vào hoạt động tại Hoa Lục, thì phương Tây cũng áp dụng chính sách tương tự với các nhà đầu tư Trung Quốc : không để cho bất kỳ một tập đoàn Trung Quốc nào cũng có thể đầu tư vào tất cả các lĩnh vực kinh tế của Âu, Mỹ. Đơn giản đó là một sự đối xứng ». 

 

Phần trả lời RFI tiếng Việt hoàn toàn phản ánh quan điểm của tác giả.

 

Ngoài ra ông cũng đã phản bác lập luận cho rằng Trung Quốc giờ đây đã quá mạnh để có thể dễ dàng áp đặt luật chơi của mình với các đối tác nước ngoài muốn đầu tư vào Hoa Lục. Jean-Joseph Boillot giải thích « bất kỳ một siêu cường nào cũng có những nhược điểm, kể cả Hoa Kỳ trong những thập niên 60-70 », không « một sức mạnh nào là tuyệt đối ». Điều quan trọng trong đối thoại với Bắc Kinh, theo chuyên gia Pháp này, là Liên Hiệp Châu Âu phải đoàn kết để có một tiếng nói chung đòi Trung Quốc áp dụng nguyên tắc « có đi có lại ». Châu Âu hay Mỹ thì cũng phải có những công cụ pháp lý để bảo vệ những lĩnh vực kinh tế thuộc diện « chiến lược » và an ninh quốc gia.

 

 




No comments: