Monday, January 17, 2022

TÂM LÝ NGÀY TẾT (Saigon Nhỏ)

 



Tâm lý ngày Tết

SGN
16 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/cao-thom-lan-gio/tam-ly-ngay-tet/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/tet-xua-6-825x510-1.jpg

Tết xưa (file photo)

 

SGN: Đây là một trong những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, cách đây gần 100 năm. Nhan đề gốc Psychologie du Tet, đăng trên phần Pháp văn của Tạp chí Nam Phong số 149-1924, sau này có in trong Tiểu luận 1922-1932 (Essais 1922-1932) và đã được nhà văn Nguyên Ngọc dịch. Trân trọng giới thiệu lại áng văn này, của một học giả Việt Nam đầu thế kỷ 20, đã thiệt mạng oan khiên bởi chủ nghĩa Cộng sản.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/pham-quynh.jpg

Học giả Phạm Quỳnh

 

Vào những dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm.

 

Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩa và rung cảm của mọi người.

 

Người nước Nam cho cái may mắn được gặp một dịp như vậy thường kỳ, vào những ngày nhất định, mỗi lần năm mới âm lịch đến. Trong dịp ấy, tất cả trẻ con Nam Việt, từ đứa giàu nhất đến đứa lạc hậu nhất, cùng đồng cảm trong niềm trang trọng mơ hồ, vô danh tính, ồn ào, to lớn, độc nhất, gọi là ngày Tết.

 

Tết, cái từ ma thuật dường như chứa đựng niềm vui niềm vui mênh mông của cả một dân tộc vô tư và vui vẻ, mỗi lần một năm mới bắt đầu, lại quên bẵng đi tất cả mọi tai ương và khó khăn của họ đã phải chịu đựng suốt năm qua, và sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống trong hy vọng và niềm vui!

 

Vậy đâu là ý nghĩa của cái thực thể bí ẩn, kỳ lạ, mà người ta tôn sùng ngang như một vị thần và có một sức mạnh to lớn đến mức có thể gây cảm hứng trong mấy ngày cho cả một dân tộc cùng sống chung những tình cảm, có thể nói tạo nên một tâm hồn cộng đồng, nhất là đem lại cho họ niềm tin mỗi lần lại bừng sống lại mà ta đôi khi rất cần trong một cuộc tồn sinh thường rất khó khăn và bấp bênh?

 

Ngày Tết còn hơn là một ngày đầu năm rất nhiều; vả chăng nó kéo dài hơn một ngày, và nếu ta tính cả những chuẩn bị trước đó cùng những cuộc vui và giải trí tiếp sau, thì đó có thể nói nó kéo dài ít nhất là ba tuần. Dù sao, tâm trạng nó gây ra không dễ bị xóa đi trong một ngày, và nghiên cứu nó quả là điều rất thú vị để hiểu được tất cả tầm quan trọng của sự trọng thể có thể coi là có tính chất quốc gia này, nếu điều đó không đồng thời cũng có ở Trung Hoa, nước Trung Hoa thật sự là Trung Hoa, nếu không phải là nước Trung Hoa Âu hóa một cách mơ hồ đang mỗi ngày kiên trì tự phủ nhận chính mình kia.

 

Bởi nước Trung Hoa mới, sau một cuộc tranh luận hăng say về những bất tiện và lợi ích của âm lịch và dương lịch, đối chọi người trẻ và người già vừa mới ban hành sắc lệnh áp dụng Tây lịch và bãi bỏ lịch Tàu xưa, tức là bỏ luôn cái Tết. Nhưng ta có thể đoán trước được rằng tập tục rồi sẽ mạnh hơn luật pháp, và kết quả của cuộc cải tổ này là người Trung Hoa từ nay sẽ có đến hai cái Tết: cái Tết nhà nước nó sẽ không phải Tết thật, và cái Tết thật không còn là Tết nhà nước, nhưng sẽ không vì thế mà không vượt hơn hẳn cái Tết kia về mọi mặt uy tín và mọi vẻ rực rỡ vốn gắn liền với truyền thống nhiều nghìn năm.

 

Nghĩa là cái Tết ở nước Nam và ở Trung Hoa còn sống lâu dài. Dù những người đổi mới có hăng hái đến mấy, nếu đến một ngày nào đó họ có thể đi đến chỗ hạn chế nó lại trong những mức độ vừa phải – đều cũng chẳng có gì là xấu – họ sẽ không bao giờ xóa bỏ nó được hoàn toàn để thay bằng ngày đầu năm Tây. Trong dịp Tết, niềm vui của nhân dân vẫn sẽ tiếp tục được biểu hiện qua những tràng pháo đinh tai nhức óc và bất tận. Và nói cho cùng, nếu nhân dân tìm thấy ở đấy cái cớ để bằng lòng, thì tại sao lại tước đi mất của họ nguồn vui và khích lệ? Cuộc sống của họ nào có tươi vui gì cho lắm để mà bỏ phí đi cái dịp thỏa thích chung và vô danh tính này.

 

Vả chăng Tết không phải là không có ý nghĩa, cố thử tìm ra “triết lý” từ đó chẳng hề là trò chơi trí óc dễ dàng.

 

Một trong những đặc điểm của tư duy nước Trung Hoa và nước Nam là xác lập một mối quan hệ chính xác, một kiểu song hành giữa các hiện tượng của tự nhiên và các sự kiện nhân sinh. Chúng ảnh hưởng lẫn nhau và hệ quả của mối tương quan đó là cái điều vô cùng mong manh là hạnh phúc của con người. Vậy nên con người cần thường xuyên hành xử sao cho phù hợp với các quy luật của tự nhiên, vốn cũng là những quy luật của đạo lý và tinh thần, để cho các hiện tượng của tự nhiên diễn ra cho đúng trật tự vốn có của chúng và không có nhiễu loạn nào cản trở dòng chảy bình ổn của cuộc sống và hạnh phúc của con người.

 

Sự nối tiếp của các mùa là một hiện tượng tự nhiên hết sức quan trọng, nhất là đối với một dân tộc nông nghiệp. Theo những quan niệm cổ xưa về vũ trụ, kết thúc của mùa đông bắt đầu mùa xuân được đánh dấu bằng một giai đoạn đổi mới chung trong đó tự nhiên và các sinh vật dường như được tái sinh. Con người cần đồng cảm với tự nhiên trong đà tái sinh mừng vui ấy. Họ phải đón mừng một cách xứng đáng “mùa xuân mới” đến.

 

Trong mấy ngày do truyền thống đã quy định, dường như họ phải tự đổi mới mình toàn vẹn tẩy bỏ đi con người cũ của mình trước đây và tự trang bị cho mình một linh hồn mới; xua đi khỏi tâm trí mọi ý nghĩa u sầu, chỉ có toàn những ý nghĩ tốt đẹp, chỉ nói những lời đáng yêu, gác lại mọi hằn thù và oán hận, bày tỏ đối với mọi người, ngay cả với những kẻ thù tệ hại nhất của mình những tình cảm khoan dung và ưu ái.

 

Bằng cách đó họ góp phần vào sự hài hòa của vũ trụ, và do đó cũng là vào hạnh phúc của xã hội và hạnh phúc của chính mình. Mọi lời nói không hay thốt ra, mọi thái độ khó chịu bày tỏ, mọi cử chỉ không phải lỗi phạm phải trong những ngày Tết không chỉ là thiếu phép lịch sự vào thời điểm đặc biệt tốt lành này trong năm, mà còn là một sự phản nghịch đối với tự nhiên, và do vậy, có thể mang họa cho kẻ phạm phải.

 

Sự mê tín của dân gian càng tô đậm thêm và coi tất cả những gì diễn ra trong những ngày đầu năm này là có ảnh hưởng một cách bí ẩn tốt lành hay tai họa đối với cả năm.

 

Vậy nên trong buổi sáng ngày Mùng Một Tết, người khách đầu tiên bước chân vào một gia đình được coi như là mang lại hạnh phúc hay vận rủi cho cả năm, tùy theo chỗ tự anh ta, con cháu anh ta đông đúc hay hiếm muộn, đến ngay cả tình trạng tâm trí và tính cách của anh ta nữa và “vận may”của anh ta đang nhiều hay ít. Một người đang có tang, vừa trải qua những chuyện xui xẻo, đang có những điều thất vọng trong công việc rất thận trọng tránh bước chân ra đường trong buổi sáng hết sức trang trọng ngày hôm đó em sẽ mang theo mình số đen. Để không phải phó mặc cho sự tình cờ đưa đến nhà mình vị khách đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình, thông thường các cuộc viếng thăm này được thu xếp trước: người ta chọn trong số những người họ hàng hoặc bạn bè một người nào đó được coi là người hạnh phúc, giàu có, khỏe mạnh, con cháu đông đúc,… và đề nghị họ đến vào buổi sáng sớm để làm vị sứ giả mang đến hạnh phúc.

 

Hạnh phúc! Ước mơ về hạnh phúc ám ảnh đầu óc và trí tưởng tượng của mọi người. Ở xứ sở này, mỗi lần năm mới đến người ta lại nói đến hạnh phúc, lại mời gọi, lôi kéo nó đến, người ta lại hình tượng hóa nó bằng trăm nghìn kiểu khác nhau. Người ta gợi ca nó trên các lời ghi và câu đối viết trên giấy điều trang trí bức tường và các cánh cửa. Và vì màu đỏ là màu sắc đặc biệt của hạnh phúc, xác pháo đỏ và những cánh hoa đào màu hồng rải dày trên các sân nhà và các bàn thờ.

 

Cả con người nửa cũng mang một diện mạo tươi cười, đon đả, một thái độ vui sướng như để cố níu giữ niềm hạnh phúc vốn rất mong manh và khó nắm bắt giống như con chim vàng anh đậu trên cành liễu, cất tiếng hót một lúc và lại chuyền sang những cành khác. Và thật là vô cùng xúc động cái niềm hướng vọng ấy của cả dân tộc vươn tới một cảnh sống tốt đẹp hơn mà họ mơ tưởng song chẳng phải bao giờ cũng đạt được.

 

Tết là gì? Tết là tiếng gọi mênh mông của tất cả những con người của nước Nam, trong dịp đổi mới toàn bộ của đất trời và của muôn vật, gài lên niềm tin vào cuộc sống cùng niềm khát khao hạnh phúc và an vui của mình.

 

Nó là điều khác nữa. Nó là sự thánh hóa, là biểu dương, ngợi ca tôn giáo gia đình và sự thờ cúng tổ tiên. Và với tính chất đó nó là một thiết chế gắn liền ngay với cấu trúc gia đình và xã hội nước Nam, gồm có: Cha, mẹ, anh chị em, nhiều khi cả chú, bác, cô, dì và ông bà nội ngoại, và đôi khi cả ông bà cố, mọi người cùng sống chung dưới một mái nhà. Những gia đình mà những thành viên phân tán suốt năm, trong ngày này gặp lại nhau đông đủ dưới con mắt nhìn của tổ tiên mà các bìa vị được gửi ra trên bàn thờ trang trí rực rỡ, ngày đêm sáng choang đèn nến và mịt mù hương khói, chất đầy những nén vàng và bạc, những món quà của con cháu dâng lên linh hồn tổ tiên để họ sử dụng ở thế giới bên kia.

 

Bởi Tết không những là ngày lễ của người sống; nó còn là, chủ yếu ngày lễ của những người chết thật sự tham dự vào cuộc sống của gia đình và con cháu mình. Ngày hôm trước đó bằng một lễ nhỏ người ta thỉnh rước tất cả họ về cùng dự Tết với gia đình. Rồi mỗi ngày hai hai lần người ta mời họ dùng hai bữa ăn chính, chưa kể là các cuộc cúng dâng trà, hoa quả, bánh trái. Cuối ngày thứ ba hay thứ tư, là lễ lớn tiễn đưa, và các linh hồn được coi như trở về thế giới bên kia, mang theo những lời chúc tụng và những lời tâm sự của người thân mà họ vừa chia sẻ cuộc sống trong mấy ngày và bây giờ họ để lại ở thế giới bên này, nhưng vẫn luôn theo dõi, ban phúc bảo bọc.

 

Suốt những ngày Tết, những người đã chết sống lẫn với người sống đến mức những người họ hàng và bạn bè đến thăm một nhà nào đó không bao giờ quên trước hết cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên, bằng cách đó dâng lời chúc tụng đến những người đã chết trước khi chúc người sống. Và nếu có điều hơi khó chịu ngày Tết đôi khi để lại cho những người trong chúng ta, thì đấy là cảm giác mỏi lưng vì phải lặp đi lặp lại động tác cúi lạy suốt ba ngày đến mệt nhừ!

 

Song tóm lại, cuộc lễ mà tôi vừa cố gắng trình bày ý nghĩa nghi thức và biểu trưng đó, đánh dấu trong đời sống của mỗi người một giai đoạn hạnh phúc được may mắn mỗi năm lại tái một lần. Được sống đôi ngày trong niềm hoan hỉ chung, tự mình cảm nhận được niềm vui hồn nhiên, vô tư lự mà đặc biệt dễ lây truyền ấy, được hòa nhập cả tư tưởng và tình cảm với tất cả những con người trong nòi giống của mình, quả thật không phải là một niềm hứng khởi nhỏ, và chính ngày Tết đem lại đem lại cho ta điều đó. Hãy biết ơn ngày lễ ấy!

 

Đối với tôi, nhớ lại những ngày thơ ấu và niên thiếu xa xôi, Tết bao giờ cũng để lại trong tôi những ký ức dễ chịu. Nếu một ngày nào đó phải bỏ phiếu xóa bỏ nó đi, thì mặc tất cả những lý lẽ hay ho người ta có thể đưa ra để biện minh, tôi tin rằng tôi sẽ bỏ phiếu chống, dù có phải mang tiếng là một kẻ bảo thủ ngoan cố hay hỗn xược.

 

Thượng Chi (Phạm Quỳnh)





No comments: