Tuesday, January 18, 2022

OLYMPIC BẮC KINH, NHÂN QUYỀN LÉP VẾ TRƯỚC LỢI NHUẬN (Lương Thái Sỹ - Saigon Nhỏ)

 



 

Olympic Bắc Kinh, nhân quyền lép vế trước lợi nhuận

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ
18 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/olympic-bac-kinh-nhan-quyen-lep-ve-truoc-loi-nhuan/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/GettyImages-1237716697-1024x692.jpg

Sinh viên Indonesia biểu tình trước Văn phòng đại sứ Trung Quốc, kêu gọi thế giới tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022; Jakarta, ngày 14 Tháng Một 2022 (ảnh: Dasril Roszandi/Anadolu Agency/Getty Images)

 

Chính phủ Mỹ quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh 2022 vì nhân quyền. Nhưng các công ty như Coca-Cola và Airbnb vẫn hoạt động bình thường! Thực tế này cho thấy những người ủng hộ nhân quyền đã thất bại trong nỗ lực kéo dài nhiều năm để áp lực các công ty Mỹ cắt giảm sự hỗ trợ của họ cho Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 4 Tháng Hai tới. Lợi nhuận tiếp tục thắng chính trị.

 

 

Bất lực trước hơi tiền!

 

Cuối năm ngoái, các nhà hoạt động nhân quyền tại nhiều quốc gia đã đứng bên ngoài Toà Bạch Ốc trong 57 giờ để thúc giục chính phủ Mỹ tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Vài tuần sau, họ đạt được mục tiêu của mình. Đó là phía chính phủ.

 

Còn thuyết phục thế giới doanh nghiệp khó hơn nhiều. Lý do là cử tri Mỹ nắm lá phiếu nhưng không hẳn đã chiếm tỉ trọng lớn trong lợi nhuận của các doanh nghiệp nên tiếng nói của họ yếu hơn.

 

Trong hai năm ròng rã, các nhà vận động đại diện cho người dân Hong Kong, Tây Tạng và khu vực Tân Cương của Trung Quốc đã lên án công khai sự đàn áp của chính quyền Bắc Kinh ở các lãnh thổ này và áp lực các công ty Mỹ và phương Tây rút lại tài trợ và huỷ hợp đồng truyền hình trực tiếp Thế vận hội Mùa Đông 2022. Nhưng sợ ảnh hưởng đến kinh doanh và xúc phạm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên gần như 100% công ty phải giữ nguyên các hợp đồng đã ký bất chấp việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng đối với cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Zumretay Arkin, quản lý nghị trình của nhóm vận động Đại hội Uyghur Thế giới, nhận định: “Tất cả những gì các công ty liên quan nghĩ đến là… tiền! Tôi có cảm giác như họ đang vùi đầu vào cát để không nghe không thấy không nhìn phản ứng của dư luận cho đến khi Thế vận hội kết thúc!”.

 

Hơn 200 tổ chức công dân trên toàn thế giới cũng tham gia vào chiến dịch tẩy chay, viết thư, kiến ​​nghị và biểu tình bên ngoài văn phòng nhiều công ty tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh để chống lại sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Hong Kong nhưng chỉ có công ty dịch vụ tài chính Allianz, của Đức là tập đoàn duy nhất đồng ý tiếp đại diện của Đại hội Uyghur Thế giới và Kelbinur Sidik (một cựu giáo viên ở vùng Tân Cương, người đã tố cáo các điều kiện sống bên trong các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ mà bà từng chứng kiến) tại Munich vào Tháng Mười.

 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post, Sidik, hiện đang sống ở Hà Lan, cho biết năm 2017 khi bị buộc phải học tiếng phổ thông Trung Quốc tại các trại, bà đã nhìn thấy những người bị giam giữ đeo cùm và mặc đồng phục đánh số. Họ ngủ trên nền xi măng trong những phòng giam chật chội và buộc phải học những bài hát yêu nước về Đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/GettyImages-1237532520-1024x745.jpg

Những người biểu tình lên án Trung Quốc tại Berlin, Đức; ngày 4 Tháng Một 2022 (ảnh: Abdulhamid Hosbas/Anadolu Agency/Getty Images)

 

Theo Arkin, Ban giám đốc Allianz có vẻ bị sốc trước cung chứng của Sidik và hứa sẽ thảo luận vấn đề với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Allianz từ chối cho biết liệu công ty có ý kiến với IOC hay không. Hiện Allianz vẫn là một trong hàng chục nhà tài trợ Thế vận hội, với mục tiêu biện minh: “Tập trung nâng đỡ các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đến các Thế vận hội ở Bắc Kinh, Paris, Milan và Los Angeles”.

 

Nhiều nhà tài trợ xem Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của họ. Trung Quốc chiếm 26% doanh thu của của gã khổng lồ bán dẫn Intel Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Bắc Kinh cũng sẵn sàng trừng phạt các công ty phương Tây nào chỉ trích chính quyền hoặc thậm chí đề cập đến các chủ đề nhạy cảm mà Trung Quốc xem là cấm kỵ.

 

Tháng trước, Intel đã chịu đựng sự phẫn nộ của truyền thông quốc doanh và công dân mạng Trung Quốc khi công ty gửi thư tới các nhà cung cấp yêu cầu họ tránh tìm nguồn cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ sản xuất tại khu vực Tân Cương để tuân thủ luật mới của Mỹ cấm nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Tân Cương do lo ngại chính quyền Trung Quốc đang ép buộc người Duy Ngô Nhĩ lao động cưỡng bức, khiến Intel phải lên tiếng xin lỗi.

 

 

Bao biện đến cùng

 

Hiện Intel từ chối bình luận về những chỉ trích liên quan đến việc tài trợ cho Thế vận hội Bắc Kinh dù ban lãnh đạo cấp cao của nó đã công khai công nhận những lo ngại về nhân quyền.

 

Được hỏi tại phiên điều trần Quốc Hội năm ngoái liệu có đồng ý với đánh giá của chính phủ Mỹ rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ hay không, cố vấn trưởng của Intel, ông Steve Rodgers trả lời: “Tôi đã đọc báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã nghiên cứu nó và tin vào kết luận của họ”.

 

Nhưng nói và làm không đi đôi với nhau. Các nhà tài trợ Olympic khác phần lớn không quan tâm đến câu hỏi từ The Post về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Coca-Cola từ chối bình luận, dù một giám đốc điều hành tại một phiên điều trần trước Quốc Hội vào năm ngoái đã nêu cam kết của Coca-Cola đối với nhân quyền nói chung (tránh nêu tên Trung Quốc).

 

Công ty Airbnb cho biết thỏa thuận chín năm của nó với IOC, bắt đầu vào năm 2020, không liên quan đến một Thế vận hội riêng rẽ mà là “một quan hệ đối tác lâu dài vì quyền lợi kinh tế của các vận động viên”. Procter & Gamble từ chối bình luận. Visa và Bridgestone cũng thế.

 

Thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Omega đã trở thành “máy đếm thời gian chính thức” tại các Thế vận hội kể từ năm 1932 và có chính sách “không tham gia vào các vấn đề chính trị mà chỉ cam kết về… đồng hồ”! Một số công ty công khai biện bạch họ đã ký các thỏa thuận nhiều năm với IOC trước khi các thành phố đăng cai được chọn và xem việc tài trợ là “vì truyền thống thể thao cao quý, chứ không phải vì quốc gia đăng cai”.

 

Theo số liệu gần đây nhất của IOC, năm 2014 và 2016, hàng chục nhà tài trợ doanh nghiệp hàng đầu đã trả cho IOC tổng cộng $1 tỷ tài trợ cho Thế vận hội mùa Đông và mùa Hè. Các đài truyền hình trên khắp thế giới cũng trả cho IOC một khoản tiền còn lớn hơn – tổng cộng $4.2 tỷ để được quyền phát sóng trực tiếp các môn thi đấu.

 

IOC cho biết họ phân phối phần lớn doanh thu nhận được cho hơn 200 Ủy ban Olympic Quốc gia để “hỗ trợ các chương trình thể thao trong nước” và cho các quốc gia đăng cai Thế vận hội để “bù đắp chi phí”.

 

 

Và cuộc chiến không cân sức tiếp tục

 

Khi Mỹ tẩy chay Thế vận hội Moscow 1980 (lúc đó các vận động viên Mỹ không thể thi đấu), hãng NBC cũng hủy bỏ kế hoạch phát sóng của mình. Lần này, tại Bắc Kinh các nhà ngoại giao Mỹ không tham dự nhưng các vận động viên Mỹ vẫn thi đấu và NBC vẫn phát sóng.

 

Vào năm 2014, NBC đã ký thoả thuận trả cho IOC $7.75 tỷ bản quyền phát sóng tất cả các Thế vận hội từ 2021 đến 2032. Khi được hỏi liệu mạng truyền hình có kế hoạch đưa tin về vấn đề nhân quyền trong các chương trình phát sóng Thế vận hội của mình không, một phát ngôn viên của NBC trả lời nước đôi: “NBCUniversal có một lịch sử lâu dài về bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí và phát đi những câu chuyện được công chúng quan tâm về cả Trung Quốc lẫn Thế vận hội”.

 

Trong một email, IOC lập lại luận điệu quen thuộc cũ: “Thế vận hội là sự kiện duy nhất mang cả thế giới lại gần nhau trong cuộc cạnh tranh hòa bình. Với sự tham gia đa dạng của nhiều thành phần vào Thế vận hội, IOC phải giữ thái độ trung lập đối với tất cả các vấn đề chính trị toàn cầu”.

 

Những người chỉ trích Trung Quốc tại Quốc Hội Mỹ đã tìm cách trừng phạt IOC và các doanh nghiệp tài trợ cho tổ chức này vì đã ủng hộ Thế vận hội Bắc Kinh. Nhưng Procter & Gamble và các công ty khác rất tích cực vận động hành lang chống lại những nỗ lực như thế. Nữ phát ngôn viên của P&G từ chối bình luận về hoạt động vận động hành lang hoặc về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

 

Hiện một số nhà lập pháp Mỹ đã tăng áp lực lên các công ty khi Thế vận hội Mùa Đông đang đến gần. Trong một bức thư ngỏ gửi các nhà tài trợ Olympic, hai chục thành viên Hạ viện chỉ trích Coca-Cola và các công ty khác của Mỹ “đã giữ im lặng trước sự đàn áp của Trung Quốc”.

 

Một số nhà vận động nhân quyền tiếp tục xuống đường để truyền tải thông điệp của họ. Họ biểu tình bên ngoài văn phòng NBC ở New York, Washington, Boston, Los Angeles và gửi thư thúc giục kênh truyền hình này hủy bỏ kế hoạch phát sóng. “Tại sao họ tìm cách tăng lợi nhuận và lượng người xem trong khi bỏ qua cho một chế độ diệt chủng?” – Pema Doma, một nhà hoạt động của nhóm “Sinh viên vì một Tây Tạng tự do”, đặt câu hỏi. NBC không phản hồi.





No comments: